VIETNAM DESTINATIONS > Destination > Bản Tả Phìn

Du lịch Bản Tả Phìn

Xã Tả Phìn, Thị xã Sa Pa, Tỉnh Lào Cai, Việt Nam

Nhắc đến đi du lịch Sapa thì Cuồng tin là nhiều bạn đã nhẵn mặt với một số bản quen thuộc của người dân tộc như bản Cát Cát, bản Tả Van. Tuy nhiên, bản Tả Phìn thì ít người biết đến hơn do đây là một trong những địa điểm du lịch xa nhất Sapa, ở tận tít chân dãy Hoàng Liên Sơn. Vì nằm ở vị trí xa xôi và ít du khách lui tới hơn 2 bản trên, nên bản Tả Phìn vẫn giữ được phong cảnh hoang sơ và người dân tộc bản địa ở đây vẫn lưu giữ được những bản sắc văn hóa đậm đà nhất. Chính vì vậy mới thôi thúc các bạn trẻ mê xê dịch đi khám phá đúng không nào! Ngày hôm nay, Cuồng sẽ review chi tiết những điểm thú vị nhất tại bản Tả Phìn cho các bạn nào chuẩn bị đi du lịch Sapa. Đảm bảo các bạn không thể tìm thấy bài review nào về bản Tả Phìn cụ thể và chi tiết hơn của Cuồng đâu! Cùng chú ý theo dõi nha!

Bản Tả Phìn Sapa nằm ở đâu?

sapa_14

Bản Tả Phìn cách thị trấn Sapa khoảng chừng 12km, nằm chếch về phía Đông Bắc. Đây là địa phận cư trú của đồng bào dân tộc Dao và H’mong. Bản Tả Phìn gần dãy đá vôi, một nhánh của Hoàng Liên Sơn, cách trụ sở UBND xã Tả Phìn khoảng chừng 1km. 

Hướng dẫn cách đi tới bản Tả Phìn Sapa

sapa_7

Nếu bạn xuất phát đi bản Tả Phìn từ trung tâm thị trấn Sapa thì bạn chỉ cần đi men theo tuyến đường quốc lộ 4D khoảng chừng 5km. Sau đó, tiếp tục rẽ trái tới cổng bán vé bản Tả Phìn. Tại đây, bạn mua vé tham quan để vào thăm bản. Từ đây, bạn muốn tới đầu bản phải đi thêm chặng đường khoảng 7km.

Dọc đường đi vào bản Tả Phìn, du khách sẽ đắm say trong khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, thanh bình của miền núi rừng Tây Bắc với những thửa ruộng bậc thang trải rộng trên khắp các sườn đồi, sườn núi. Xa xa là những dãy núi xanh mờ, lấp ló trong làn sương mù bảng lảng. Đó đây điểm xuyết những mái nhà sàn mái lá của người dân tộc, những nương ngô xanh mơn mởn. 

Nói để các bạn thấy khung cảnh thơ mộng thế thôi, chứ thực ra đường đi tới bản Tả Phìn cũng khá gập ghềnh, bạn phải vượt qua những con đường đèo dốc ngoằn nghèo khúc khuỷu, có lúc đường xóc tới mức nẩy cả mông luôn đó. Có những đoạn đường dốc và lại nhỏ chỉ đủ cho một xe đi, những xe đi ngược chiều thì phải nép sát vào vách núi để tránh nhau. Vậy nên là Cuồng khuyên các bạn nếu muốn tham quan bản Tả Phìn thì hãy nhờ các chú xe ôm người bản địa chở từ trung tâm thị trấn Sapa tới tận nơi nha. Với các bạn muốn tự thuê xe để đi khám phá bản thì theo Cuồng đường đi khá khó khăn, còn dễ lạc đường nữa vì đường rất ngoằn nghèo. Nhưng với các bạn phượt thủ, cung đường nào cũng kinh qua, chặng đường nào cũng hoàn thành thì không xi-nhê gì rồi ha! Nếu bạn đi ô tô thì xe con hiện cũng đã vào được tới trung tâm xã Tả Phìn rồi. 

Chi phí tham quan bản Tả Phìn Sapa

Như Cuồng đề cập ở trên thì bản Tả Phìn có thu vé vào tham quan, nhưng mức giá thì vô cùng hạt dẻ thôi à, có 20k/người thôi. So với những bản đông khách du lịch hơn như bản Cát Cát (50k/người) hay bản Tả Van (75k/người) thì mức giá này là quá mềm rồi.

Với các bạn chọn đi xe ôm từ trung tâm thị trấn Sapa tới bản Tả Phìn thì giá một cuốc đi theo Cuồng tìm hiểu tầm từ 120-150k. Còn với các bạn chọn đi taxi hoặc thuê xe con để tới bản Tả Phìn thì giá khoảng 500-700k/ngày.

Tới bản Tả Phìn, nếu các bạn có mang theo đồ ăn thức uống thì chẳng mất tiền ăn luôn, còn nếu muốn thưởng thức ẩm thực địa phương thì các bạn có thể vào các nhà hàng, quán ăn ven đường. Chỉ với khoảng 500k cho một nhóm bạn 4 người thì Cuồng nghĩ là đã đủ để chúng ta có một bữa trưa thịnh soạn với một đĩa lợn cắp nách nướng, một đĩa thịt gà bản và rau cải mèo xào rồi.

Nếu bạn muốn ở lại bản Tả Phìn nghỉ qua đêm để có vài ngày thăm thú thì có thể ở tại các homestay với mức giá khá mềm chỉ tầm 200k/đêm.

Cộng tổng các chi phí trên thì Cuồng nghĩ các bạn sẽ có vài ngày vui chơi khám phá hết mọi chốn tại bản Tả Phìn mà chỉ mất có 1,2 triệu thôi à. Nói chung chi phí đi du lịch Sapa thì Cuồng thấy là khá rẻ so với đi các địa điểm du lịch khác trong nước.

Bản Tả Phìn Sapa có gì mà khiến du khách mê như điếu đổ?

1. Ruộng bậc thang

sapa_15

Cũng giống như bao bản khác của Sapa, đặc trưng canh tác đồng ruộng của người dân tộc ở bản Tả Phìn là ruộng bậc thang. Những thửa ruộng bậc thang cong cong uốn lượn trải ra trước tầm mắt Cuồng tựa như những dải lụa. Hôm Cuồng đến thăm bản Tả Phìn Sapa là đúng mùa bà con đổ nước vào ruộng. Hàng dãy ruộng bậc thang tầng tầng lớp lớp san sát nhau tựa như những dòng suối bạc, nước đầy ăm ắp, soi bóng mây trời cảnh quan. Đó đây là những người nông dân đang cần cù lao động.

Trước mắt Cuồng hiện ra khung cảnh lao động sinh hoạt rất khác mà chỉ núi rừng vùng Tây Bắc mới có, một không khí lao động hăng say xen lẫn cái yên bình tĩnh lặng trong cảnh vật và cái hào sảng bao la của núi rừng. Đứng trên sườn đồi nhìn xuống những thửa ruộng bậc thang trải dài xuống tận thung lũng, Cuồng như quên đi hết bao mệt mỏi của cuộc sống thường ngày, quên hết bao lo toan bộn bề, thật sự được đắm chìm trong thiên nhiên và tìm thấy sự thanh thảnh trong tâm hồn. 

  2. Hang động Tả Phìn

sapa_13

Những bạn nào thích đi khám phá hang động như tại Vịnh Hạ Long hoặc Tràng An thì Cuồng tin là bạn cũng sẽ rất thích thú khám phá hang động Tả Phìn đấy. Hang động Tả Phìn còn được người dân địa phương gọi là Ti Ổ Cẩm, thuộc vào một dãy núi cùng nhánh với Hoàng Liên Sơn. Hang động có chiều cao khoảng 5m, chiều rộng chừng 3m. 

Từ phía cửa hang xuống tới sâu lòng đất chỉ một người chui vừa, bạn phải đi thêm chừng 30m nữa. Càng đi xuống sâu, lòng hang như càng hẹp lại, hun hút. Cảm giác hơi ghê ghê sợ sợ nhưng nói thật là cũng đầy kích thích và đậm tính phiêu lưu đó, bạn sẽ không biết cái gì đang đợi mình ở phía trước cho tới khi bắt gặp những khối đá thạch nhũ siêu to khổng lồ với đủ các hình dạng khác nhau. Các vách đá hai bên có nhiểu hẻm và núi đi vòng vèo nhưng cuối cùng vẫn quay lại cửa hang lúc đầu. Du khách tham quan đi men theo đường của vách núi lớn, sẽ cảm nhận được đường đi lúc lên lúc xuống, chỗ vách núi dang rộng, chỗ lại hẹp chỉ có thể một người đi qua.

sapa_3

Đi theo đường của vách lớn, ta có cảm giác như xuyên lên vách núi, đường đi ngoằn ngoèo, khi lên lúc xuống, chỗ phình to, chỗ thì có tảng đá giống người thiếu phụ đang bồng con, chỗ lại giống các nàng tiên khoả thân đang tắm, chỗ giống mâm xôi khổng lồ, có chỗ giống như những dãy cột nhà trắng mịn buông từ trên nóc xuống, đan thành dãy “đăng ten” uốn lượn, nhấp nhô, long lanh màu ngọc bích. Hôm đó, Cuồng đã cùng các bạn rủ nhau khám phá hang động Tả Phìn này, cùng nhau dạo chơi trong động, ngước mắt lên ngắm nhìn những khối đá và tưởng tượng ra muôn hình vạn trạng khác nhau. Trải nghiệm ấy khiến Cuồng nhớ lại hồi bé hay ngẩng đầu lên ngắm nhìn mây bay trên trời và nhìn ra các đám mây mang đủ các hình dạng khác nhau vậy. Lâu lắm rồi mới được quay lại tuổi thơ như thế.

Vào trong động, bạn được nhìn thấy những nhũ đá rủ xuống đa dạng hình dáng mang tới những liên tưởng thật thú vị. Trong không gian mờ ảo, cầm đèn soi tìm những điều bí ẩn có trong hang là trải nghiệm khó quên. Những giọt nước thấm qua khe đá, vách núi từ hàng nghìn năm rồi chảy xuống, đọng trên các chóp nhũ đá rồi thánh thót nhỏ giọt. Trong không gian yên ắng của hang động, tiếng giọt nước nhỏ nghe âm vang thánh thót lạ lùng. 

Vào sâu bên trong hang, các bạn sẽ thấy một tảng đá lớn nằm hơi nghiêng, trên nền đá in hình những vết chân gà, ngay chóp đá bên phải còn hằn lên những vệt lõm hệt như móng chân ngựa. Vách đá đối diện có những dòng chữ Pháp được khắc bằng vật cứng, cho đến nay dù bị bụi thời gian phủ lên ta vẫn có thể đọc được. Cuồng thực sự nghĩ là hang động Tả Phìn mang những giá trị lịch sử, khảo cổ, nghiên cứu và giá trị du lịch to lớn, có nhiều tiềm năng khai thác trong tương lai.

3. Tu viện Tả Phìn

sapa_4

Tu viện Tả Phìn được xây dựng vào năm 1942. Đây là nơi dành cho các nữ tu theo đạo Kito giáo sinh hoạt trong suốt nhiều năm trước khi rời về Hà Nội năm 1945 do tình hình an ninh bất ổn. Từ đó tu viện bị bỏ hoang thành phế tích, nhưng do được xây dựng bằng đá ong vững chắc nên những bức tường, trụ cột vẫn còn tồn tại đến ngày nay và trở thành một điểm checkin vô cùng hot với giới trẻ.

Tu viện bao gồm một nhà ngang hướng mặt về phía tây, một cầu thang nhỏ và có một tầng hầm dưới lòng đất. Phía trước toà nhà là một hành lang rộng, dài đã cũ theo thời gian. Nhà ngang này chính là chỗ ở và nơi sinh hoạt của các nữ tu. Ngoài ra, bên phải của toà nhà là nơi cất giữ lương thực thực phẩm, đồ đạc, và là khu bếp của tu viện. Hiện nay toà tu viện này đã xuống cấp nghiêm trọng. Toàn bộ phần mái đã mất hết, chỉ sót lại những bức tường phủ rêu cổ kính. 

Sở dĩ nơi đây thu hút nhiều bạn trẻ đổ xô tới chụp ảnh checkin vì tu viện Tả Phìn gợi lên một cảm giác hoài cổ với những bức tường rêu phong cũ kỹ đi cùng năm tháng. Cảm giác chụp ảnh ở tu viện Tả Phìn mà như đang chụp ảnh ở một tòa nhà cổ ở phương Tây vậy đó, vì tu viện được xây dựng để phục vụ cho các nữ tu nên mang kiến trúc phương Tây mà. Tới đây tham quan, Cuồng đảm bảo bạn sẽ có những bức hình so deep trong khung cảnh nhuốm màu tịch dương xưa cũ này. Hôm đó dạo chơi ở tu viện Tả Phìn mà Cuồng lại bâng khuâng nhơ đến câu thơ ngày xưa đi học “Thềm cũ lâu đài bóng tịch dương”, thật là vô cùng hợp với phong cảnh đó. 

  4. Hòa mình vào cuộc sống đậm đà bản sắc của người dân tộc

sapa_5

Đến đầu bản Tả Phìn, bạn sẽ được chào đón bởi những người dân địa phương hiền lành, thân thiện. Họ niềm nở hỏi thăm bạn, hỏi bạn từ đâu đến vậy, hỏi bạn muốn đi đâu. Rồi họ chỉ cho bạn đường đi và cũng mời bạn xem những đồ họ bán, mời mua cái này cái kia. Bảo cái vòng này đeo đẹp nè, cái khăn này hợp với bạn nè… Đó đây, bạn nhìn thấy những cô thiếu nữ người Mông, người Dao trong những bộ trang phục muôn sắc màu nở những nụ cười e thẹn khi thấy người lạ.

Có những bà bán hàng cũng khá lớn tuổi rồi nhưng cũng nhí nhảnh lắm, hỏi tuổi bạn, hỏi bạn đến từ đâu rồi khen bạn đẹp, cái gì trên người bạn cũng đẹp. Nếu bạn đi cùng người yêu thì sẽ được khen 2 cháu giống nhau, hai cháu đẹp đôi… Những câu nói đơn giản thôi mà với cái tiếng Kinh không sõi lắm, mặt tỉnh bơ thấy ngộ ngộ vui dễ sợ. Chẳng biết là họ nói thật hay khen cho vui để mình mua hàng nhưng được khen xinh, khen đẹp làm Cuồng nở cả mũi và lòng cảm thấy cứ lâng lâng như ở trên mây vậy.

sapa_9

Con người ở đây rất thân thiện. Nếu bạn chưa có lịch trình và chỗ nghỉ, một số người sẽ chỉ dẫn cho bạn lịch trình đi những đâu để khám phá hết những chỗ hay, chỗ đẹp của bản Tả Phìn rất chi tiết và cả mời bạn về nhà họ ăn uống, nghỉ ngơi nữa. Mà việc ở lại nhà người dân bản ở đây cũng rất thú vị đấy, bạn sẽ được cùng nấu nướng, nghe những câu chuyện về văn hóa, về cuộc sống của con người nơi đây. Đi du lịch mà được sinh hoạt với người bản địa, được ngồi bên bếp lửa sưởi ấm xua tan đi cái giá lạnh của miền sơn cước, được nhâm nhi chén rượu ngô và nghe các già làng kể chuyện xưa thì còn gì thích hơn phải không nào. Đảm bảo khi rời bản Tả Phìn xuống núi, bạn sẽ trở nên như người Mông, người Dao thứ thiệt luôn. 

Những phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc Mông được dàn dựng thành những tiết mục biểu diễn dành cho du khách tham quan chiêm ngưỡng. Đó là những nghi lễ cưới, hát giao duyên, lễ cúng làng, lễ cúng giải hạn…

Đến đây, hầu như du khách nào cũng ấn tượng với những cô gái Dao xinh gái xúng xính trong những bộ phục trang truyền thống thổ cẩm đầy sắc màu. Những dân tộc sinh sống chủ yếu ở bản Tả Phìn là người H’mông và người Dao đỏ. Tuy sống cạnh nhau, bạn vẫn sẽ thấy mỗi dân tộc mang những nét đặc sắc riêng về văn hóa chứ không hề trộn lẫn. Bạn sẽ thấy người Dao Đỏ rất khác biệt với người H’mông về kiến trúc nhà cửa, cách trang trí nhà cửa, chữ viết, trang phục, trang sức và đặc biệt là các phong tục, lễ hội. 

Đến với nơi đây, bạn sẽ có cơ hội tìm hiểu về đời sống sinh hoạt và các phong tục, tập quán của các đồng bào dân tộc như nghi lễ múa Bai Tram, bắt ba ba, nghi lễ cưới, múa chuông, hát giao duyên… Bên cạnh đó, người Mông còn có lễ cúng giải hạn, lễ ăn thề, lễ cúng làng và nhất là lễ hội Gầu Tào. Trong những lễ hội, có những tập tục mà ta chưa từng nhìn thấy bao giờ. Chính vì vậy mà rất nhiều du khách hào hứng khi đến đây và khám phá được rất nhiều điều mới lạ.

sapa_8

Ngay tại trung tâm bản Tả Phìn ở Sapa là ngôi nhà cộng đồng với màu đỏ rực rất dễ nhận biết, nổi bật lên trong khung cảnh xung quanh. Nơi đây mới được xây dựng lại với lối kiến trúc lấy cảm hứng từ chiếc khăn truyền thống của người Dao Đỏ. Đây là nơi sinh hoạt chung của du khách và người dân. Ở đây du khách sẽ được nghe và hiểu hơn đời sống văn hóa của người vùng cao. Được nghe, được biết đến những điều mới lạ chắc chắn sẽ là một trải nghiệm thú vị phải không nào?

  5. Làng dệt thổ cẩm

sapa_19

Ðối với người dân tộc nơi đây, thổ cẩm không chỉ dùng để phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày mà còn mang một ý nghĩa thiêng liêng, là kỷ vật tình yêu hay của hồi môn trong ngày cưới. Đối với những tộc người H’Mông hay Dao ở đây, con gái là phải biết thêu thùa mới lấy chồng được. Nên từ nhỏ, các cô gái đã được dạy se lanh, dệt vải, thuê hoa… Thổ cẩm Tả Phìn còn được nhiều nơi trong cả nước đặt hàng để bán cho khách và xuất khẩu sang một số thị trường như Mỹ, Pháp, Ðan Mạch…

Làng nghề thổ cẩm Tả Phìn nổi tiếng với những sản phẩm đa dạng đầy sắc màu sặc sỡ trông thật bắt mắt. Những sản phẩm này hoàn toàn được làm nên từ đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ người Dao và người Mông. Những đường nét hoa văn được tạo nên trên những sản phẩm đa dạng họa tiết như chim muông, hoa lá… mang sắc thái núi rừng gắn liền với đời sống sinh hoạt thường ngày của đồng bào. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy những món quà lưu niệm để khi về thành phố vẫn nhớ mãi tới phiên chợ vùng cao ở Sapa như những bộ trang phục dân tộc, những chiếc vòng tay bé xinh, những chiếc túi, chiếc khăn thổ cẩm…

sapa_2

Khi dạo chơi tham quan các nẻo đường trong bản Tả Phìn, bạn có thể dễ dàng bắt gặp các mẹ, các chị gái người dân tộc ung dung ngồi bên khung cửi dệt nên những tấm thổ cẩm với đôi bàn tay thoăn thoắt. Trước khung cảnh ấy, bạn cảm nhận sự bình yên biết bao giữa khung cảnh núi rừng. 

Đặc biệt, bản Tả Phìn ở Sapa còn nổi tiếng với nhiều làng nghề thủ công truyền thống khác. Ví dụ như nghề khảm bạc và nghề rèn đúc. Vì vậy, du khách có thể mua các sản phẩm trang sức bằng bạc độc đáo như vòng đeo tay, nhẫn, dây chuyền…

  6. Nghề khảm bạc

Người Dao đỏ làng Tả Chải, bản Tả Phìn có nghề khảm bạc khá nổi tiếng. Các cư dân Mông, Tày, Thái thường mua dùng đồ khảm bạc – trang sức của người Dao đỏ. Nguyên liệu để làm đồ trang sức là các đồng tiền làm bằng bạc trắng. Công cụ làm đồ trang sức bằng bạc đa số từ lò nung, từ bễ thổi đến nồi nấu bạc, khuôn đúc và các dụng cụ chạm khắc hoa văn. Trong đời sống của những người Dao đỏ “giá trị” của các cô gái thể hiện ở các đồ trang sức bằng bạc.

  7. Nghề rèn đúc

Đây là nghề thủ công vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay của người Dao đỏ, người Mông. Công đoạn sản xuất theo thủ công truyền thống, xây lò bằng đất, đốt lửa bằng than củi, cho sắt thép vào nung đỏ, một người kéo bễ, một người tán dập thành những vật dụng cần thiết phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt.

  8. Bài thuốc nước tắm lá của người Dao đỏ vang danh cả nước

Ngoài việc chiêm ngưỡng những sản phẩm thổ cẩm, du khách còn dễ dàng bắt gặp các cố gái người Dao đeo trên lưng những giỏ mây đựng đầy lá cây hoặc những hiên nhà của người dân tộc phơi đầy lá cây. Người Dao đỏ có một phong tục truyền thống rất lâu đời là tắm với lá thuốc thường xuyên, đặc biệt là những ngày cuối năm, cuối tháng. Ý nghĩa như để gột sạch tất cả những đen đủi của năm cũ, giúp cơ thể sảng khoái, khỏe mạnh để chào đón năm mới. Cái này thì khá giống với tập tục tắm nước lá mùi vào dịp cuối năm của người Kinh các bạn nhỉ!

Những lá thảo mộc này được người dân trực tiếp lên rừng hái về, rửa sạch, phơi khô, khi cần thì đun với nước ấm rồi đổ vào bồn tắm, ngâm chân, xông hơi đều rất tốt. Để có được một bồn tắm chất lượng, người Dao đỏ có thể dùng 120 lá thuốc khác nhau, ít nhất là hơn 10 loại lá thuốc. Nếu bạn muốn tắm thử loại thảo mộc này, bạn có thể tắm ngay tại bản với giá rất rẻ chỉ khoảng 150k/lần tắm thôi.

sapa_12

 

Bồn gỗ tắm là bồn từ cây pơmu, mùi gỗ tự nhiên, thơm với mùi thuốc thảo dược, nước tắm có màu nâu đỏ như màu rượu vang Bordeaux. Làn nước sóng sánh, ấm áp khiến ai tắm xong cũng phải đê mê mà khen ngợi.

Công dụng khi tắm lá thuốc này đã được các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Dược chứng minh rất cụ thể. Lá tắm giúp tăng cường sinh lực cho đàn ông, giúp các chị em có làn da căng bóng, mịn màng, giúp người già cải thiện giấc ngủ, giúp các em nhỏ tăng sức đề kháng và làn da hồng hào hơn.

Đặc biệt, bài thuốc còn được dùng để chữa bệnh như chữa đau nhức cơ, xương, khớp, cảm cúm, ngứa, táo bón, đinh nhọt, hoặc để tăng cường thể lực cho phụ nữ sau khi sinh đẻ, cho người vừa ốm dậy. Người lao động nặng nhọc, mệt mỏi sau khi tắm thấy cơ thể nhẹ nhõm, tinh thần sảng khoái, sức khỏe được hồi phục.

Cảm giác thả mình trong làn nước ấm, mùi hương đặc trưng của lá thuốc, cảm giác mệt mỏi của Cuồng sau một ngày băng rừng vượt đèo, vượt suối đến với bản Tả Phìn dường như bay biến mất, từng thớ thịt cơ bắp đều được thư giãn, toàn thân được thả lỏng. Tắm xong cảm thấy thật sảng khoái các bạn ạ, thảo nào mà bài thuốc cổ truyền tắm lá thuốc của người Dao đỏ vang danh tới tận Hà Nội với rất nhiều cơ sở tắm lá thuốc. Tuy nhiên, chính gốc nhất thì chắc chắn phải là ở bản Tả Phìn rồi, có cơ hội đến chơi bản Tả Phìn thì tội gì không thử tắm nước lá thuốc chính hiệu của người Dao đỏ bạn nhỉ!

 9. Ăn gì ở bản Tả Phìn?

Ở Bản Tả Phìn còn có những món ăn đặc sắc mang đậm hương vị truyền thống của người dân nơi đây như thịt lợn cắp nách kho, thịt gà bản xào sả, canh thịt lợn nấu măng và sấu. Tuy nhiên, một người bạn đi cùng với Cuồng có vẻ không hợp với đồ ăn của người dân tộc lắm. May là Cuồng thủ sẵn đồ ăn nhẹ mang theo nên không bị đói. Một số bạn khác từng đi du lịch bản Tả Phìn cũng nhận xét là đồ ăn ở đây khá đặc thù, không thực sự phù hợp với khẩu vị của đa số người Kinh lại không có nhiều lựa chọn nên các bạn có thể mang sẵn đồ ăn từ thị trấn Sapa lên để vẫn có bữa ăn no mà còn tiết kiệm một khoản kha khá nha!

 10. Đến bản Tả Phìn nghỉ ngơi ở đâu?

Cũng giống như nhiều bản làng khác ở Sapa như bản Cát Cát hay bản Tả Van, bản Tả Phìn hiện nay cũng xuất hiện một số homestay cho du khách nghỉ ngơi ngay tại khu trung tâm bản. Cuồng xin giới thiệu với bạn một số homestay khá đầy đủ tiện nghi ở bản Tả Phìn. Đảm bảo bạn sẽ có những giấc ngủ ngon giữa núi rừng thiên nhiên nhé!

Sapa homestay Ta May

sapa_17

Nằm ngay ở sườn núi, homestay này có sân hiên và bể sục, xây dựng theo phong cách cổ điển của người Dao. Du khách có thể dùng bữa tại nhà hàng. Ngoài ra, bạn có thể tự nấu ăn ở khu bếp chung. Tại đây, du khách có thể dễ dàng di chuyển đến các địa điểm du lịch nổi tiếng như hồ Sapa, ga cáp treo Fanssipan Legend…

Ta Phin stone Garden Ecological

Khu nghỉ dưỡng này được xây dựng bao quanh bởi khung cảnh cây xanh tươi tốt. Đây là một chỗ nghỉ ngơi yên tĩnh, lý tưởng cho những ai muốn xua tan mọi mệt mỏi trong cuộc sống. Các phòng đều được thiết kế đơn giản, lát sàn gỗ, giá treo quần áo, màn chống muỗi và ban công nhìn ra quanh cảnh núi non thơ mộng. 

Thử tưởng tượng, một buổi sáng thức dậy, mở mắt ra xung quanh bạn không phải là những tòa nhà cao tầng san sát nhau nơi phố thị mà là vườn cây xanh lá, lắng tai nghe đâu đó tiếng chim hót, tiếng suối chảy, hít hà mùi hương đồng gió nội, còn gì sảng khoái hơn phải không nào!

Trải nghiệm của Cuồng khi ở tại một gia đình của người Dao đỏ

Khi ở bản Tả Phìn, Cuồng ở nhà một chị người dân tộc là chị Phàn Phan Châu ở đội 4, thôn Sả Séng, Tả Phìn, Sapa. Chị Châu đón chúng mình với nụ cười tươi rói, chân thật, nồng hậu của người dân tộc. Chị mời chúng mình vào nhà, tìm quần áo dân tộc cho mặc, để chuẩn bị cho 1 ngày dài theo chị lên núi, trèo đường núi 6km cực dốc và sình lầy, để tìm 30 loại lá thuốc về tắm.

Nói về trang phục địa phương nhìn có vẻ thô sơ nhưng lại vô cùng kì công. Chị Châu có kể với mình rằng với chị , học may vá còn khó hơn cả học chữ, 7-8 tuổi  bắt đầu phải học theo bà và mẹ, rồi thêu thùa suốt đến tận năm 18 tuổi lấy chồng. Chị bắt đầu học thêu từ tay áo đến áo đôi đằng sau, được nhiều mảnh ghép thành 1 cái áo, quá trình này mất khoảng 4 tháng. Chị Châu kể rằng có những người thêu 2 năm mới được 1 mảnh, có người con 2 tháng thêu đến lúc con lên 5 tuổi mới xong. Mỗi người phụ nữ Dao Đỏ sẽ có khoảng 2-3 bộ. Năm chuẩn bị lấy chồng thì phải ở nhà cả năm trước để thêu cho cả vợ và chồng. Giá 1 bộ là khoảng 6-8 triệu đồng/ bộ. Quần áo truyền thống mặc cả ngày bình thường để giữ truyền thống bản sắc dân tộc. Áo, quần và quấn khăn đỏ để thể hiện bản sắc người Dao Đỏ. Quần áo đen được nhuộm bằng cây tràm, nhiều loại thuốc nhuộm suốt 20-25 ngày để có màu đen, rồi lại tiếp tục nhuộm lại với cây củ nâu.

sapa_11

Hôm sau, tụi mình theo chân chị Châu lên núi tìm lá thuốc trong bài thuốc tắm cổ truyền của người Dao đỏ. Chị Châu kể, 11 thùng nước tắm là công cụ nuôi sống cả gia đình chị những khi chưa tới vụ mùa. Từ sáng sớm, chị Châu đã thức dậy, đeo giỏ mây lên núi hái thuốc. Chị Châu kể, từ xa xưa, người Dao đỏ đã biết vận dụng 120 loại lá thuốc cổ truyền làm nước tắm, tuy nhiên, mỗi nhà lại có cách dùng và kết hợp khác nhau. Sau khi vượt rừng vượt núi, hái đầy chiếc giỏ mây đằng sau được khoảng 30 loại lá, chúng mình cùng chị Châu xuống núi.

Bạn thấy đấy, để có được thùng nước lá tắm cho chúng ta ngâm mình, những đồng bào người Dao đỏ đã phải vượt suối băng đèo, đi hàng chục km đường rừng mỗi ngày để đem về mấy chục kg lá thuốc. Những người khách nước ngoài lần đầu tắm lá thuốc của dân bản địa thì thích chí lắm, khen ngợi không ngớt những vị thuốc từ thiên nhiên làm con người ta sảng khoái, thư giãn tinh thần. Chị Châu còn hài hước kể: “Ngày chị đẻ đứa thứ hai, tắm 2 nồi nước lá xong 15 ngày sau có thể cõng con đi làm nương rẫy thoải mái. Khỏe như trâu vậy”.

vietnam-destinations.com | Khám phá Việt Nam

Nguồn: Sưu tầm internet.