VIETNAM DESTINATIONS > Destination > Nhà tù Sơn La

Du lịch Nhà tù Sơn La

Phường Tô Hiệu, Thành phố Sơn La, Tỉnh Sơn La, Việt Nam

Nhà tù Sơn La được xây dựng từ năm 1908, nằm trên đỉnh đồi Khau Cả, thuộc tổ 9 (phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La). 

Từ diện tích 500m2 ban đầu, Nhà tù Sơn La tiếp tục được mở rộng vào những năm 1930 – 1940. Sau ba lần mở rộng, Nhà tù Sơn La có tổng diện tích là 2.184m2, gồm 3 hạng mục lớn: Nhà tù Sơn La, Nghĩa trang Liệt sỹ Nhà tù Sơn La và Cây đa bản Hẹo.

Nhà tù Sơn La trở thành nơi hoạt động cách mạng của những chiến sĩ cộng sản yêu nước.

Thực dân Pháp lợi dụng nơi “rừng thiêng nước độc” này để xây dựng và biến Nhà tù Sơn La thành “địa ngục trần gian” để giam cầm, đày ải và thủ tiêu ý chí đấu tranh của những người cộng sản Việt Nam. 

Vượt lên gông cùm và tội ác của thực dân Pháp, những chiến sỹ cộng sản kiên trung đã biến nhà tù của đế quốc thành trường học cách mạng, biến những phòng giam lạnh lẽo thành tổ ấm, thắm tình đồng chí của những bạn tù.

Nhà tù Sơn La được thực dân Pháp thiết kế 49 phòng giam to nhỏ khác nhau. Trong các phòng giam, thực dân Pháp thiết kế hệ thống cầu tiêu nổi. 

Mặc dù được xây dựng theo lối tự hoại nhưng cầu tiêu lại xây cao hơn sàn nằm, không có nắp đậy, không có nước dội, chất thải tù nhân lưu trữ ở bên trong, do không được vệ sinh thường xuyên nên môi trường rất ô nhiễm.

Hướng dẫn viên giới thiệu với du khách về di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La.

Thực dân Pháp còn thiết kế những phòng giam đặc biệt, được gọi là “xà lim nổi trên mặt đất”. Với chiều dài khoảng 1,6m, chiều rộng và chiều cao cũng hơn 1m và cuối các phòng để một thùng đựng phân không có nắp đậy. 

Cao điểm nhất, trong 1 phòng giam đặc biệt này, thực dân Pháp đã giam đến 4 tù nhân. Khi đó, tù nhân chỉ có thể đứng lom khom, ngồi bó gối hoặc thay nhau nằm co. Âm mưu của thực dân Pháp là gây tâm lý ức chế cho tù nhân.

Kiến trúc nhà tù Sơn La trước đây được xây dựng kiên cố, tường được xây bằng đá lẫn gạch, dày từ 40- 60 cm, mái được lợp bằng ngói hoặc tôn nhưng không có hệ thống trần. Vào mùa hè, những đợt gió Lào của vùng Tây Bắc gây ra cái nóng “như thiêu như đốt”, vào mùa Đông những đợt sương muối gây ra cái rét “thấu xương, thấu thịt”.

Những hiện vật được lưu giữ tại Nhà tù Sơn La.

Trong 15 năm (1930 – 1945), thực dân Pháp đã giam giữ 14 đoàn tù chính trị, với tổng số 1.013 lượt tù nhân tại đây. 

Nhà tù Sơn La đã trở thành nơi đào tạo, bồi dưỡng những chiến sỹ cộng sản xuất sắc, đóng góp chung vào thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, tiêu biểu như các đồng chí: Tô Hiệu, Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Văn Tiến Dũng, Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Trân, Lê Thanh Nghị, Trần Quốc Hoàn,…và nhiều đồng chí khác. 

Đặc biệt, Nhà tù Sơn La chính là nơi đồng chí Tô Hiệu – Bí thư chi bộ, người chiến sỹ cộng sản kiên trung đã hi sinh, cây đào mang tên ông tại vách tường Nhà tù Sơn La đã trở thành biểu tượng cho tinh thần đấu tranh bất khuất, ý chí kiên cường của các chiến sỹ cộng sản tại Nhà tù Sơn La.

Năm 1962, Nhà tù Sơn La được xếp hạng Di tích Quốc gia. Tuy nhiên, trong kháng chiến chống Mỹ, qua 2 lần chịu bom giặc, nhiều hạng mục của di tích bị hư hỏng nặng. Đến cuối năm 1980, Bảo tàng tỉnh Sơn La phục chế nhà tù theo các dấu tích cũ. Cuối năm 2014, khi Nhà tù Sơn La được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt.

 

Ông Phạm Văn Tuấn, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết: Bảo tàng tỉnh Sơn La được thành lập từ năm 1985 trên cơ sở của Bảo tàng Khu tự trị Tây Bắc trước đây. Từ ngày thành lập cho đến tháng 7/2020, trụ sở làm việc được đóng trong khuôn viên của khu di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La và được giao trực tiếp quản lý, khai thác, phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La. 

Theo số liệu thống kê, hiện đơn vị đang trưng bày và lưu giữ 209 tư liệu, hiện vật liên quan đến Di tích Nhà tù Sơn La.

Thực dân Pháp đã biến Nhà tù Sơn La thành “địa ngục trần gian” để giam cầm những chiến sĩ cộng sản.

Ngoài việc thực hiện các văn bản chỉ đạo của cấp trên về việc phê duyệt, quy hoạch, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị của di tích, Bảo tàng tỉnh còn triển khai sưu tầm các tư liệu hiện vật tại các cơ quan nghiên cứu về hệ thống bảo tàng, di tích trong cả nước như Ban quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò, Ban quản lý di tích Nhà tù Côn Đảo,…

Trong thời gian tới, ngoài việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác thuyết minh tại di tích, Bảo tàng tỉnh tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các hình thức hoạt động. 

Trước mắt là đổi mới hình thức trưng bày tại di tích và các cuộc triển lãm lưu động trong tỉnh và thực hiện các hoạt động về giáo dục trải nghiệm, phối hợp với các bảo tàng, ban quản lý di tích trong cả nước như Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Dân tộc học,…

Nơi thực dân Pháp giam giữ các chiến sỹ cộng sản yêu nước.

Đến với Nhà tù Sơn La, khách du lịch sẽ được chứng kiến hàng trăm hiện vật, những công cụ tra tấn – những chứng tích sống về tội ác dã man của chế độ thực dân cũ đối với các chiến sỹ cộng sản như: Còng tay, xích sắt, bàn kẹp sắc nhọn…

Hiện nay, Nhà tù Sơn La vẫn còn để nguyên trạng các xà lim ngầm, xà lim chéo, trại hai giam, trại ba giam cùng những phòng giam đặc biệt chỉ rộng 1,2m2, nơi từng giam những chiến sỹ cộng sản. Ngoài ra, du khách sẽ không khỏi xúc động khi đứng trước cây đào mang tên người chiến sĩ cộng sản kiên trung Tô Hiệu.

Mỗi năm, Nhà tù Sơn La đón có hàng trăm nghìn lượt khách đến tham quan, nghiên cứu, học tập.

Ông Đinh Văn Ngọc, bản Vạn Yên (xã Tân Phong, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La): “Được nghe nhiều trên sách báo nhưng hôm nay là lần đầu tiên tôi đến đây. Thấy thực tế được sự tàn ác của chế độ thực dân Pháp để lại cho các chiến sỹ cộng sản. Tôi thấy rất cảm động, ngưỡng mộ và khâm phục trước ý chí, nghị lực trung kiên của các chiến sỹ cộng sản đã bị giặc Pháp bắt và tù đày trên miền đất Sơn La này.

Mặc dù bị tra tấn dã man nhưng họ vẫn kiên định, không chịu khuất phục trước kẻ thù, luôn tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, tin tưởng vào sự thắng lợi của cách mạng để có thể đánh bại kẻ thù xâm lược, đem lại sự ấm no cho đất nước và cho nhân dân. Nếu có dịp đến đây một vài lần nữa, tôi sẽ rủ thêm người thân, gia đình, bạn bè đến đây để thăm quan, học hỏi và là cơ hội để giáo dục tư tưởng, đạo đức cho các thế hệ sau này”.

vietnam-destinations.com | Khám phá Việt Nam

Nguồn: Sưu tầm internet.