VIETNAM DESTINATIONS > Destination > Căn Cứ Tiên Động Đền Ngô Quang Bích

Du lịch Căn Cứ Tiên Động Đền Ngô Quang Bích

Xã Tiên Lương, Huyện Cẩm Khê, Tỉnh Phú Thọ, Việt Nam

Căn cứ Tiên Động thuộc xã Tiên Lương huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, cách trung tâm huyện Cẩm Khê khoảng 17 km và cách thành phố Việt Trì khoảng 53 km, gần trục đường quốc lộ 32C và cao tốc Nội Bài – Lào Cai nên rất thuận tiện đi lại cho du khách gần xa tới thăm quan, tìm hiểu. Đây là địa danh gắn liền với tên tuổi và công lao của tướng quân Nguyễn Quang Bích cùng các nghĩa sĩ của phong trào Cần Vương thời kỳ chống Pháp xâm lược.

Đền thờ tướng quân Nguyễn Quang Bích tại căn cứ Tiên Động  (Ảnh: Sưu tầm)

Theo sách Từ điển văn học (bộ mới) của tác giả Nguyễn Huệ Chi do nhà xuất bản Thế Giới phát hành năm 2004, mục từ Nguyễn Quang Bích có ghi lại rằng: Nguyễn Quang Bích là một trí sĩ yêu nước, tự Hàm Huy, hiệu Ngư Phong. Ông sinh ngày 08 tháng 4 năm Nhâm Thìn (tức 7/5/1832)  tại xã Trình Phố, huyện Trực Định, phủ Kiến Xương, tỉnh Nam Định (nay là làng Trình Nhất, xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình). Ông vốn họ Ngô, dòng dõi vua Ngô Quyền và khai quốc công thần nhà Hậu Lê – Ngô Từ (ông ngoại vua Lê Thánh Tông), nhưng do ông nội ông đổi sang họ ngoại là họ Nguyễn nên sử sách thường gọi ông là Nguyễn Quang Bích.  Năm 1861, ông  đỗ Cử nhân và mở trường dạy học. Năm 1869, ông thi đỗ Đình Nguyên Hoàng Giáp và lần lượt giữ các chức vụ quan trọng tại kinh đô Huế, sau thăng đến chức Chánh sứ Sơn phòng kiêm Tuần Phủ tỉnh Hưng Hóa. Vào tháng 4 năm 1884, tỉnh Hưng Hóa bị thất thủ, tuần phủ Ngô Quang Bích được triệu hồi về kinh. Ông đã nộp trả ấn tín rồi dẫn quân lên Tiên Động (Cẩm Khê) dựng cờ khởi nghĩa, hưởngứng phong trào CầnVương. Hơn một năm sau, phong trào khởi nghĩa Cần Vương được phát động cả nước thì Tiên Động trở thành trung tâm chỉ đạo toàn Bắc Kỳ.Suốt 7 năm lãnh đạo, với cương vị lãnh tụ phong trào Cần Vương Bắc kỳ, ông đã tập hợp được lực lượng ở khắp vùng hai bên sông Hồng, sông Đà thành một đội quân hùng hậu và lớn mạnh, được nhiều tướng tài mưu lược phò tá, dựa vào núi rừng, dùng lối đánh “du kích” kết hợp với chiến tranh “du binh”… làm cho quân giặc nhiều lần thất điên, bát đảo.Thực dân Pháp rất lo sợ trước mưu lược của tướng quân Nguyễn Quanh Bích cùng lực lượng nơi Căn cứ Tiên Động ngày càng lớn mạnh, vì vậy, đã nhiều lần dụ ông ra hàng và hứa cho bổng lộc; nhưng với lòng căm thù giặc sâu sắc, Ngô Quang Bích giữ trọn lòng trung hiếu với Vua, với nước, với dân. Sử gia Phạm Văn Tân viết trong cuốn “ Việt sử tân biên” xuất bản năm 1963 cũng cho biết Nguyễn Quang Bích “khẳng khái từ chối” chiêu dụ hàng của thực dân Pháp. Trong “Thư trả lời quân Pháp” ông đã đanh thép tuyên bố: “Thắng mà sống thì làm nghĩa sĩ triều đình, chẳng may thua mà chết thì cũng làm quỷ thiêng giết giặc…”. Vào tháng giêng năm 1890, Nguyễn Quang Bích lâm bệnh trọng và mất tại khu căn cứ Tiên Động. Thi hài ông được mai táng trên núi Tôn Sơn, châu Yên Lập (Phú Thọ). Ba năm sau, con trai ông đã đưa hài cốt ông về an táng tạm tại làng Cát Trù (Cẩm Khê, Phú Thọ) – quê hương của viên tướng thân thuộc Đề Kiều (một trong những tướng lĩnh hưởng ứng phong trào CầnVương), hai năm sau mới được chuyển về an táng tại quê nhà Thái Bình.

Di tích căn cứ Tiên Động được xây dựng trên khu đất có tổng diện tích là 1,2ha, trong đó các hạng mục công trình là có tổng diện tích là 1.230m2, bao gồm các công trình sau: Cổng di tích , đền thờ tướng quân Nguyễn Quang Bích với hai gian nhà tiền tếvà hậu cung, sân, vườn, cột cờ cao 30m2 và hệ thống khuôn viên.Trong đền có đặt tượng thờ tướng quân Ngô Quang Bích, súng hổ mai, bút tích bằng chữ Hán của vua Tự Đức, các văn bia ghi lại ý chí và lòng quả cảm của ông và các nghĩa sĩ Cần Vương.

Ngôi đền nằm trên đỉnh đồi cao,có cột cờvới lá cờ đỏ sao vàng tung bay giữa một khoảng không gian xanh mát và bình yên. Đó là nơi từng diễn ra lễ tế cờ của tướng quân Ngô Quang Bích trong những ngày diễn ra phong trào khởi nghĩa Cần Vương sôi sục. Không gian ngôi đền tĩnh lặng đến tịch mịch, cây trái đua nhau trổ hoa và tỏa mùi hương thơm ngát. Những tấm bia đá bên phải, bên trái ngôi đền, dưới chân cột cờ đã phủ một lớp rêu phong cổ kính. Trên tấm bia, Ban quản lý khu di tích lại cho khắc ghi những dòng thơ đầy cảm phục của Phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết ngợi ca ý chí và tấm lòng yêu nước của Ngô Quang Bích: 

                      “Lòng trung không nỡ bỏ Tây Châu

                        Giữ lấy Thao, Đà dải thượng lưu

                        Họp đám cô quân nơi viễn cảnh

                        Cầm ba thước kiếm chém quân thù”. 

Dù những dòng chữ ấy có bị bao phủ bởi một lớp thời gian dài vô tận nhưng trong lòng nó vẫn ngùn ngụt lửa của tinh thần yêu nước và ý thức về độc lập chủ quyền của tướng quân Ngô Quang Bích cùng hàng trăm nghĩa sĩ Cần Vương. Đó là tinh thần và hành động của tướng quân Nguyễn Quang Bích cùng các nghĩa sĩ quyết tâm giữ trọn từng tấc đất, từng con sông, không để cho kẻ thù lấn chiếm.

Văn bia ghi lại ý chí chống giặc ngoại xâm của Nguyễn Quang Bích tại đền Tiên Động (Ảnh: sưu tầm)

Cột cờ tại căn cứ Tiên Động-nơi diễn ra lễ tế cờ của tướng quân Nguyễn Quang Bích (Ảnh: sưu tầm)

Để khẳng định giá trị của căn cứ Tiên Động và công lao cống hiến của danh nhân Nguyễn Quang Bích, ngày 12/02/1999 Bộ Văn hoá Thể thao & Du lịch đã ban hành quyết định số 05/QĐ-BVHTT về việc xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia đối với căn cứ Tiên động (Xã Tiên Lương, huyện Cẩm Khê). Vào ngày 16/2/2002, được sự đồng ý của UBND tỉnh Phú Thọ, UBND huyện Cẩm Khê đã tiến hàng lễ rước tượng tướng quân Nguyễn Quang Bích và các nghĩa sỹ về thờ tại ngay trong khu vực căn cứ, thống nhất lấy ngày 16/2 âm lịch hàng năm là ngày tổ chức lễ hội chính tại Đền. Những ngày lễ hội diễn ra vừa trang trọng phần nghi lễ, vừa tưng bừng phần hội với các trò chơi dân gian như đánh cờ người, viết chữ thư pháp về các tác phẩm của Ngư Phong và các họat động thể thao như bóng chuyền, bóng đá… Hình ảnh ông quan thanh liêm Ngư Phong tướng công Nguyễn Quang Bích và các nghĩa sĩ Cần Vương còn mãi khắc sâu vào tâm khảm mỗi du khách khi về với căn cứ địa Tiên Động, với Đền thờ ông và các nghĩa quân năm nào.

Căn cứ Tiên Động có cảnh đẹp của vùng núi đồi xen lẫn đầm ao, sông ngòi và nhiều rừng cọ, đồi chè kỳ thú, đẹp mắt, là một thắng cảnh của vùng trung du. Hiện nay, tại đây còn lưu giữ lại được các địa danh nổi tiếng như đồi Tướng Quân, gò Mai, gò Đồn, gò Múc, đồn Cỏ Rác, đồi Cột Cờ là những di tích về một trung tâm kháng chiến chống pháp đầu tiên ở Bắc Kỳ.

Di tích Tiên Động là một điểm du lịch, văn hóa lịch sử nổi bật của huyện Cẩm Khê, có ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu tìm hiểu về phong trào Cần Vương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế, du lịch của địa phương. Hàng năm di tích Tiên Động đã thu hút số lượng khách lớn về tham quan vãn cảnh, đi lễ và nghiên cứu. Nơi đây cùng với các di tích lịch sử như: Đình Thổ Khối, Đình Hạ Khê (xã Phương Xá), đình Cả (xã Phùng Xá) đình Trình Khúc (xã Văn Khúc), cùng nhiều lễ hội truyền thống và thắng cảnh sinh thái khác như: Hồ Ba Vực (xã Văn Bán), khu Đá thờ (xã Hương Lung), Chiến khu Cách mạng Vạn Thắng (xã Đồng Lương)… sẽ tạo cho Cẩm Khê có tiềm năng phát triển về du lịch văn hóa kết hợp du lịch sinh thái trong thời gian tới.

vietnam-destinations.com | Khám phá Việt Nam

Nguồn: Sưu tầm internet.