hùa Xuân Lũng (tên chữ: Phổ Quang tự), tọa lạc trên một quả gò thuộc xóm Chùa, xã Xuân Lũng. Chùa Xuân Lũng được xây dựng vào khoảng đầu thời Trần, trải qua nhiều lần tu sửa, lần tu sửa lớn nhất vào năm 1626 và lần gần đây nhất vào tháng 4 năm 2021. Ngôi chùa có niên đại trên 800 năm và còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật có giá trị.
Gác chuông Tam Quan – nằm trong quần thể chùa Phổ Quang (Ảnh: Sưu tầm)
Phía trước của chùa Phổ Quang – xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao (Ảnh: Sưu tầm)
Quần thể Phổ Quang Tự gồm các công trình kiến trúc cơ bản: Tam quan – Gác chuông, nhà văn chỉ, chùa Phổ Quang, nhà bia, nhà Tổ. Tam quan – Gác chuông tại chùa vẫn bảo lưu được kiến trúc cổ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, với hệ mái chồng diêm 2 tầng 8 mái, đao cong thanh thoát, bờ nóc đắp hình Long cuốn thủy. Thượng lương khắc hàng chữ Hán: “Hoàng triệu Minh Mạng nhị thập niên” (tức Minh Mạng năm thứ 12 – năm 1839), các đầu được chạm khắc hình hoa sen. Trên gác chuông treo quả chuông đồng “Phổ Quang tự chung” và khánh đồng đều có niên đại đúc năm Minh Mạng nhị thập niên – năm 1839. Sách Văn khắc Hán Nôm Việt Nam (Hà Nội, 1993) đã tóm lược nội dung khắc trên hai tấm bia đá ở chùa. Một tấm bia tạo năm 1628 cho biết chùa là ngôi cổ tự danh lam bị hư hỏng, nên vào năm 1626, các vị Tín quan, Phú Xuyên hầu Nguyễn Hiếu Dũng, Sĩ Phủ Nguyễn Văn Vị cùng khoảng 70 vị hội chủ hưng công tổ chức trùng tu các tòa thượng điện, thiêu hương, tiền đường, hậu đường, tam quan…Một tấm bia tạo năm 1634, có khắc bài thơ Đường luật 8 câu của Phạm Sư Mạnh năm 1377 nói việc đi kinh lý ở vùng này.
Chùa Phổ Quang được xây dựng theo kiểu chữ “Công”, lợp ngói, có hai cấp chùa. Chùa cấp trên cao 10m, dọc 7m, gồm ba gian, có một cửa ra vào từ nhà Tổ lên chùa. Chùa cấp dưới ngang 16m, dọc 13,5m, gồm 5 gian. Đá Kế cột có loại vuông, loại bát giác với trang trí gần như lá đề. Giữa chùa có bức đại tự và hai câu đối. Phổ Quang Tự có kiến trúc theo kiểu trồng đầu, điêu khắc đơn giản. Tòa Tam bảo gồm: Bái đường, Thiêu hương và Chính điện. Bộ khung kết cấu gỗ với các bộ vì nóc làm theo kiểu “Thượng giá chiêng, chồng rường – hạ kẻ”. Chùa Xuân Lũng hiện lưu giữ được hơn 30 pho tượng chất liệu gỗ và thổ, được bài trí trên bệ xây.
Chính điện tại chùa Phổ Quang (Ảnh:Sưu tầm)
Nghệ thuật kiến trúc đáng chú ý nhất của chùa Phổ Quang là bệ đá hoa sen ghép từ 71 phiến đá xanh trạm trổ kỳ công, đặt ở giữa chùa cấp trên đỡ ba toà tam thế. Đây là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, mang đậm phong cách nghệ thuật thời Trần. Bệ đá hoa sen cấu tạo hình chữ nhật, kích thước: Cao 1,05m, rộng 1,25m, dài 3,30m, Trong đó, cánh sen được cách điệu là đề tài chủ yếu, chiếm vị trí chủ đạo trong nghệ thuật điêu khắc bệ đá. Cùng với hình ảnh bông sen, cuộc sống trần thế cũng được miêu tả sinh động qua các hoạ tiết dân gian như: Cá lượn, sư tử vờn, hươu cặp cành hoa hải đường nở xoè… Bốn góc bệ, tầng ba, tầng bốn có bốn linh điểu vững chãi, mặt hình nhân, dưới ngực có bốn lá đề cách điệu, trán khắc chữ “vương”, cổ chân và thân đều thắt hoa…
Đây là một cổ vật không chỉ có giá trị nghệ thuật điêu khắc đá mà trên đó còn khắc ghi các dòng chữ Hán ghi niên đại có thể được coi là bức thông điệp của ông cha để lại cho thế hệ hôm nay những thông tin về một giai đoạn lịch sử cách đây trên 600 năm, giúp chúng ta khẳng định một cách chính xác, tuyệt đối về niên đại và những người công đức tác phẩm nghệ thuật có giá trị bậc nhất của tỉnh Phú Thọ.Tầng 3 của bệ đá hoa sen ghi: “Xương Phù thập niên, Đinh Mão tuế, nhị nguyệt thập nhị nhật, điền chủ tiểu học chi hầu Nguyễn Chiêu tự việt ngộ không cư sĩ tịnh thê Nguyễn Thị Sửu tự viết công tín tu tạo khánh tịnh thạch tòa vi tam bảo”. (Dịch: Ngày 12 tháng 2 năm Đinh Mão niên hiệu Xương Phù thứ 10 (1388) điền chủ học chi hầu Nguyễn Chiêu và vợ là Nguyễn Thị Sửu tên tự Công Tín cung tiến khánh đá tòa tam bảo). Ô số 4 mặt trước bệ đá ghi: “Sử đài điền ngự thư hà chính thư Nguyễn Nạp tự viết Đạo Cư Sĩ cộng tạo ban thạch hoàng tòa cư tam bảo”. (Dịch: Sử đài điền ngự thư hà chính thư tên là Nguyễn Nạp tự là Đạo Cư Sĩ cùng cung tiến tòa đá tam bảo vào chùa).
Bệ đá hoa sen tại chùa Phổ Quang có niên đại trên 600 năm (Ảnh:Sưu tầm)
Bệ đá hoa sen chùa Xuân Lũng là tác phẩm điêu khắc có giá trị nghệ thuật đặc sắc, hiếm hoi còn lại của thời Trần, một thời đại hào hùng trong lịch sử dân tộc với hào khí Đông A lần lượt 3 lần chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông. Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và thực tiễn đặc biệt này, tại quyết định số 2198/QĐ- TTg ban hành ngày 25/12/2021 của Chính phủ, bàn thờ Phật bằng đá tại chùa Xuân Lũng đã được công nhận là Bảo vật quốc gia.
Chùa Phổ Quang có bốn ngày lễ chính: Rằm tháng giêng, ngày 8/4 (lễ tắm Phật), rằm tháng 7 (lễ xóa tội vong nhân) và ngày 8/12 âm lịch. Chùa Phổ Quang không chỉ là nơi diễn ra các hoạt động tôn giáo lành mạnh, hướng thiện mà còn là niềm vinh dự, tự hào của người Làng Dòng. Nơi đây đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1980. Điều này càng khẳng định giá trị to lớn của ngôi chùa về lịch sử, kiến trúc, văn hóa và trong cả đời sống tâm linh của nhân dân. Mỗi chúng ta cần có ý thức bảo vệ, giữ gìn ngôi cổ tự để giá trị của nó còn mãi với thời gian.
Nguồn: Sưu tầm internet.