Tôi tìm đến chùa Phổ Minh vào một ngày cuối tuần, trời nắng như đổ lửa. Khi bước qua cánh cửa cổng Tam Quan, khách sẽ thấy một thế giới văn hóa nhà Trần hiện ra trước mắt, một không gian tĩnh lặng, trang nghiêm.
Kiến trúc “nội công, ngoại quốc”
Men theo con đường nhỏ được lát bằng gạch đỏ nằm giữa 2 hàng cau cao vút và 2 hồ lớn, tôi chậm rãi tiến sâu vào sân chùa. Thời điểm này, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nên chùa cũng vắng bóng du khách đến vãn cảnh, lễ cúng rằm tháng Bảy.
Có lẽ, chưa khi nào chùa Phổ Minh ở làng Tức Mặc trở nên vắng lặng như bây giờ. Nơi đây từ lâu đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng đất Thành Nam do nằm trong Quần thể Khu Di tích Lịch sử văn hóa Đền Trần, (cách Đền Trần hơn 200m).
Khi chưa xuất hiện dịch Covid-19, hàng ngày có rất nhiều đoàn du khách từ các nơi đổ về chùa tham quan, bái Phật tại chùa Phổ Minh.
Theo sử sách, chùa Phổ Minh được xây dựng từ thời nhà Lý, nơi đặt vạc Phổ Minh – một trong tứ đại khí của Đại Việt. Quy mô chùa được mở rộng với quy mô lớn cùng với việc xây dựng các cung điện ở Thiên Trường dưới thời nhà Trần vào năm 1262.
Bởi thế, chùa Phổ Minh được coi là đại danh lam của nước Việt xưa gắn liền với những nhân vật lịch sử thời Trần.
Từ năm 1533 – 1592, chùa Phổ Minh tiếp tục được trùng tu. Người đứng ra tu sửa chùa là công chúa Mạc Ngọc Lâm. Bà đã về chùa tu hành một thời gian và phát tâm tu sửa cảnh chùa.
Kể từ sau đợt trùng tu này, chùa Phổ Minh còn trải qua nhiều lần tu sửa khác nhưng chùa vẫn giữ được dáng vẻ, quy mô bề thế với kiểu kiến trúc “nội công, ngoại quốc”.
Các hạng mục kiến trúc, công trình của chùa Phổ Minh gồm: Cổng Tam quan, Tiền đường, Thiêu hương, Thượng điện, tháp Phổ Minh, hành lang, nhà tổ, phủ mẫu…
Theo BQL Di tích Lịch sử văn hóa Đền Trần – Chùa Tháp, mặc dù chùa Phổ Minh được hình thành và tôn tạo liên tục qua các triều đại phong kiến và sau này, nhưng dấu tích kiến trúc thời Trần ở đây còn lại tương đối nhiều và vẫn được lưu giữ nguyên vẹn.
Cổng Tam Quan chùa có 3 lối vào, tường xây gạch, mái lợp ngói cổ, được thiết kế kiểu “hai tầng, bốn mái”, trên chốc mái tầng 1 có 4 chữ Hán, dịch là “Đại, Hùng, Bảo, Điện”.
Dưới thềm đá 3 cấp ở lối vào có đôi sóc đá thời nhà Trần được tạc theo đá tảng nguyên khối, đang ở tư thế lao chạy từ trên xuống dưới và toàn bộ bậc thềm được bó thành đá xanh khối hình chữ nhật.
Cụm kiến trúc chính của chùa gồm Tiền đường, Thiêu hương và Thượng điện được xếp theo hình chữ “công”. Trong khuôn viên chùa còn nhiều hiện vật mang dấu ấn nghệ thuật chạm khắc của thời Trần như chân tảng hoa sen, rồng đá, sóc đá…
Nhưng, điểm đặc biệt phải nói đến bộ cửa gian giữa Tiền đường gồm 4 cánh làm bằng gỗ lim, to dày; có chạm rồng, sóng nước, hoa văn. Hai cánh cửa ở giữa chạm đôi rồng lớn chầu Mặt trời, khi đóng cửa lại thì 2 con rồng tạo thành hình lá đề – biểu tượng của Phật giáo.
Chùa Phổ Minh thờ Phật giống như các ngôi chùa khác; nhưng hơn hết, nơi đây là nơi thờ phụng và có mối liên hệ mật thiết tới Đức Vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông, người đã sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm, đưa chùa Phổ Minh trở thành một trung tâm tôn giáo lớn của quốc gia Đại Việt.
Bởi vậy, trong chùa đang thờ 3 vị tổ của Thiền phái Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông sáng lập ra dưới triều Trần. Trong đó, chính giữa là tượng Vua Trần Nhân Tông nhập niết bàn (tư thế nằm nghiêng), cả bức tượng được đặt trong 1 khám thờ khối hình chữ nhật; bên trái là tượng Pháp Loa và bên phải là tượng Huyền Quang.
Ngoài ra, ở Điện thờ có pho tượng bà chúa Mạc – tức công chúa Mạc Ngọc Lâm, người đã có công tu sửa chùa Phổ Minh dưới thời nhà Mạc.
Khi bà mất, nhân dân ghi nhớ công đức, đã tạc tượng bà bằng đá trắng, ngồi khoanh chân trên tòa sen, mặc áo choàng, tựa lưng vào bức nền được trang trí vòng ánh sáng. Phần mộ của bà cũng được nhân dân đặt tại khuôn viên của chùa Phổ Minh.
Tháp Phổ Minh – Dấu tích Hào khí Đông A nước Đại Việt
Điểm nổi bật gây sự chú ý nhất trong khuôn viên sân chùa Phổ Minh chính là tháp Phổ Minh và 2 nhà bia đá. Trong đó, tháp Phổ Minh được đặt giữa sân chùa, trước Tiền đường ngôi chùa; còn 2 nhà bia đá đặt ở 2 bên tháp, cách nhau khoảng 4m.
Bia đá bên phải là Phổ Minh thiền tự bi khắc năm 1668 nói về việc xây dựng và trùng tu chùa. Bia đá bên trái là Bảo tháp từ bi khắc năm 1916 nói về tháp Phổ Minh. Cả 2 bia đá được đặt trên lưng rùa đá.
Theo sử sách ghi chép lại, tháp Phổ Minh được xây dựng từ năm 1308 theo lối truyền thống phổ biến thời văn hóa nhà Trần với kiểu dáng hình vuông; gồm 14 tầng; cao 19,5m. Ở các tầng đều trổ 4 cửa vòm cuốn, giữa các tầng là gờ mái…
Là người có nhiều năm gắn bó, tìm hiểu, nghiên cứu về ngôi chùa Phổ Minh, Tiến sĩ sử học Nguyễn Xuân Năm – nguyên Giám đốc Sở VH-TTDL Nam Định chia sẻ, tháp Phổ Minh gồm 3 thành phần chính: Đế tháp, thân tháp và đỉnh tháp.
Trong đó, đế tháp Phổ Minh được làm toàn bộ bằng đá, các tảng đá có nhiều kích thước khác nhau, được chạm khắc hoa văn cánh sen, hoa văn sóng nước và toàn bộ đế mang hình ảnh của 1 cỗ kiệu.
Thân tháp có 14 tầng, các tầng tháp mang dáng dấp chung, nhưng có khác nhau một số chi tiết. Tầng 1 được xây hoàn toàn bằng đá xanh, từ tầng 2 trở lên được xây bằng gạch, trát vữa kín. Mỗi đầu viên gạch có dòng chữ “Hưng Long thập tam niên” và khắc họa con rồng nổi thời Trần.
Đỉnh tháp là một khối đá tạo dáng hình bông sen bao gồm nhiều tầng lớp khác nhau như: Đỉnh búp sen thuôn mập, gồm 5 lớp cánh sen ngửa, chụm; trong đó lớp cuối cùng có viền kép và có đường sống nổi ở giữa. Toàn bộ búp sen được đặt trên một khối đất nung, dáng thuôn phình hai tầng màu đỏ.
Xung quanh tháp có tường bao quanh, ở các điểm trụ đều có đèn lồng. Chính giữa các tường có để 4 cửa ra vào tháp, ở trước có các đôi rồng đá.
Dưới chân tháp Phổ Minh là 2 cây hương lớn (hay còn gọi là cột kinh) được làm bằng đá, tạo tác vào thế kỷ 17. Trước 2 cột kinh lớn là 2 cột kinh nhỏ, được tạo tác tinh xảo, theo hình hoa sen; trên đỉnh chạm cánh sen, bên trong có hình ảnh Phật ngồi trên tòa hoa sen.
Đặc biệt, xung quanh các cột kinh và bát hương còn có 12 chân tảng đá hoa cánh sen có dáng dấp và kích thước khá gần nhau.
Theo Tiến sĩ Năm, tháp Phổ Minh là một ngôi tháp tiêu biểu của thiền phái Trúc Lâm, một thành công cho kỹ thuật xây dựng tháp thời Trần, có đóng góp quan trọng vào nghệ thuật kiến trúc tháp cổ Việt Nam.
Có thể nói rằng, tháp Phổ Minh không chỉ là một công trình quý giá về mặt văn hóa, lịch sử, kiến trúc mà mang trong mình cả niềm tự hào dân tộc thể hiện ý chí, hiên ngang, bất khuất của Hào khí Đông A.
Chùa Phổ Minh gắn với triều đại nhà Trần-triều đại phong kiến Việt Nam đối với với sự xâm lược của để quốc mạnh nhất lúc bấy giờ là đế quốc Nguyên Mông.
Bởi nhà Trần đã 3 lần đánh bại sự lâm lược của quân Nguyên Mông. Chính vì vậy, tháp Phổ Minh được coi là biểu tượng của Nam Định. Năm 1991, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã in hình ảnh tháp Phổ Minh lên tờ tiền giấy mệnh giá 100 đồng.
Nguồn: Sưu tầm internet.