Không đơn thuần là một công trình kiến trúc nổi bật, thành cổ Quảng Trị là chứng nhân lịch sử, là chứng tích cho cả một cuộc kháng chiến khốc liệt nhưng đầy vẻ vang của dân tộc. Nếu có cơ hội tới thăm mảnh đất Quảng Trị, đừng quên tới thăm thành cổ để cùng sống lại giai đoạn chiến đấu vẻ vang mà đầy tự hào ấy.
Có ai đó nói rằng đến Quảng Trị mà chưa viếng Thành cổ thì coi như vẫn chưa đặt chân tới nơi này. Di tích thành cổ Quảng Trị (hay còn gọi là cổ thành Quảng Trị) nằm ở trung tâm thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị, cách quốc lộ 1A 2km về phía Bắc, cách sông Thạch Hãn 500m về phía Đông.
Thành có kiến trúc tiêu biểu của tòa thành quân sự với 4 góc nhô hẳn ra ngoài, dùng làm pháo đài canh giữ. Thành có chu vi 2.080m, tường cao 4,29m, chân tường dày 12,75m. Thành có các cửa tiền, hậu, tả, hữu xây hình vòm cuốn, trên có vọng lâu. Bên ngoài thành là hào bao quanh, bên trong có các công trình kiến trúc như: Hành cung, cột cờ, dinh tuần vũ, dinh án sát, dinh lãnh binh, ty phiên, ty niết, kho thóc, nhà lính…
Theo sử sách ghi lại, thành Quảng Trị được xây dựng từ thời Gia Long, ban đầu chỉ là thành đất. Tới thời vua Minh Mạng mới được xây dựng bằng gạch (năm 1837), trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, quân sự của cả tỉnh Quảng Trị. Trong khoảng thời gian từ năm 1809 đến năm 1945, nơi đây được sử dụng làm thành lũy quân sự và trụ sở hành chính cho nhà Nguyễn. Đây cũng là trung tâm tỉnh lỵ Quảng Trị thời thuộc Pháp và chính quyền miền Nam.
Cuộc chiến đấu ác liệt năm 1972 như một dấu mốc mà thành cổ đã cùng thị xã Quảng Trị đi qua. Sau 81 ngày đêm khói lửa (từ 28-6 đến 16-9-1972), với khối lượng bom đạn phải gánh lên tới 328.000 tấn, tòa thành gần như bị san phẳng, chỉ còn cửa hướng Đông vẫn khá nguyên vẹn, toàn bộ đoạn tường thành cùng hệ thống hào bên ngoài thì chi chít vết bom đạn. Người ta cũng nói rằng, mặc dù không thống kê được hết số lượng những liệt sĩ đã ngã xuống ở đây nhưng chắc chắn một điều rằng, mỗi tấc đất thành cổ đều thấm máu cha anh.
Đến nay, những di vật, thư tín của các anh hùng đã chiến đấu và anh dũng hy sinh để bảo vệ thị xã Quảng Trị vẫn còn được lưu giữ lại ở bảo tàng thành cổ. Và để tưởng niệm về “mùa hè đỏ lửa” đó, nhắc tới thành cổ Quảng Trị người ta nhớ ngay tới miền đất tâm linh, nơi mà những người còn sống sau cuộc chiến hay cả lớp trẻ bây giờ cũng có thể cùng ngồi ôn lại một thời hào hùng, sống trong không khí anh dũng mà cha ông để lại.
Bước vào khuôn viên thành cổ là cả một không gian xanh, mỗi thảm cỏ trưng bày nhiều tượng đài ca ngợi sự hy sinh oanh liệt của bao anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống. Trên những tảng đá được mài khắc những câu thơ cảm xúc: “Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi/ Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ/ Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió/ Ru mãi bài ca Bất tử đến vô cùng” của cựu chiến binh Thành cổ Phạm Đình Lân, hay “Hễ có Việt Nam có Cổ Thành/ Kết vòng hoa lửa nối Khe Sanh/ Huân chương khó đủ từng viên gạch/ Tấc đất từng giây mỗi lá cành” (Trần Bạch Đằng)…
Trung tâm của Thành cổ Quảng Trị là Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ được xây dựng mô phỏng là ngôi mộ tập thể. Để bước lên Đài du khách cần vượt qua 81 bậc thang – tượng trưng cho 81 ngày đêm chiến đấu, tới cây hương cũng cao 8,1m; xung quanh có 81 bức phù điêu như 81 tờ lịch ghi lại từng ngày của cuộc chiến đấu anh dũng, bắt đầu từ ngày 28-6, kết thúc ngày 16-9-1972.
Một trong số các công trình không nên bỏ qua trong chuyến thăm Thành cổ Quảng Trị phải kể đến Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị. Đây là nơi trưng bày các hiện vật của cuộc chiến, các lá thư “thiêng” chiến sĩ gửi tới quê nhà, giữa gian trưng bày có bức ảnh đen trắng chụp Thành cổ trong 81 ngày đêm tan hoang bởi đạn bom.
Trước khi rời thành cổ Quảng Trị, đừng quên ngước mặt về phía Tây để chiêm ngưỡng tháp chuông yên tĩnh trong buổi chiều xứ Quảng. Du khách có thể được lắng nghe tiếng chuông này khi tới vào các ngày lễ, ngày rằm vang lên để vọng tưởng linh hồn các liệt sĩ.
Chiến tranh đã lùi xa, hiện nay du khách ghé thăm nơi này là đến với một khu đô thị trẻ sầm uất bên dòng Thạch Hãn. Nhưng ở đó, di tích Quốc gia đặc biệt thành cổ Quảng Trị vẫn là nơi lưu dấu lại một giai đoạn đau thương mà hào hùng, là cội nguồn nuôi dưỡng lòng yêu nước cho thế hệ trẻ. Và nếu tới thăm thành cổ, cũng đừng quên ghé lại như: Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn, Sân bay căn cứ Ái Tử thời Mỹ – ngụy, Nhà thờ La Vang, bến sông Thạch Hãn, chốt Long Quang… để có chuyến đi Quảng Trị vẹn tròn ý nghĩa.
Nguồn: Sưu tầm internet.