Bộ sưu tập dụng cụ chế biến lương thực của người Thái tại “bảo tàng” mini của vợ chồng anh Kiều Văn Kiên. Ảnh: HỒ DUY
Hầu hết những cổ vật anh sưu tập được là những dụng cụ gắn bó với sinh hoạt hằng ngày của người Thái ngày xưa như bộ dụng cụ chế biến lương thực (gồm nồi, niêu cơm, bát, đĩa, mâm, đũa, chum, bầu, cối xay đá); bộ dụng cụ săn bắn hái lượm (gồm bẫy, nỏ, súng chi mai, nơm, đăng, đó…); đèn đất, đèn soi, đèn đi tuần của quan lang thời trước; bộ đồ cúng của thầy mo gồm áo làm phép, trống, chiêng, lịch…
Bộ sưu tập nhạc cụ thì gồm khèn bè, kèn đám ma, chiêng, cồng, trống, chập chóe, lằng khằng trong ma chay, cưới hỏi. Bộ trang sức gồm dây xà tích, vòng bạc, hoa tai… Mỗi bộ sưu tập thường được anh bày biện, sắp xếp khoa học và có đánh số thứ tự và có phần giới thiệu bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Những ai đặt chân đến đây nếu nhìn vào đó sẽ hiểu hơn về cuộc sống, về sự hình thành và phát triển của đồng bào Thái nơi núi rừng Tây Bắc.
Yêu người yêu cả bản làng
Sau khi đưa khách tham quan “bảo tàng”, ngồi nhâm nhi chén trà tại căn nhà sàn hai tầng khang trang, anh Kiên kể về chuyện “bén duyên” với vùng đất Mai Châu này. Kiên vốn là một chàng trai quê ở Thạch Thất, Hà Nội. Từ hồi còn học phổ thông, Kiên đã có niềm đam mê sưu tầm tiền cổ và luôn có sở thích được đi đây đi đó. Do vậy, cứ vào những ngày nghỉ, Kiên thường cùng bạn bè hoặc một mình vác ba lô ngao du đây đó và không biết từ bao giờ, vùng đất Mai Châu (Hòa Bình) đã trở nên thân thuộc với anh.
Kiên tình cờ quen và yêu say đắm người con gái Thái tên là Hà Thị Lê (ở xã Xăm Khòe, huyện Mai Châu, Hòa Bình) đang học trung cấp y ở TP Hòa Bình. Họ yêu nhau rồi kết hôn, tình yêu của họ đẹp như núi rừng Tây Bắc. Yêu vợ, đam mê khám phá, Kiên đã quyết định gắn bó cuộc sống của mình với vùng đất Mai Châu này. Ngày đi làm, đêm về Kiên nhờ vợ dạy tiếng nói, chữ viết và tìm hiểu cuộc sống, phong tục, tập quán của người Thái để ứng xử với nhà vợ và sống với bà con làng bản cho đúng lễ nghĩa. Không chỉ vậy, anh còn rủ vợ đi vào các bản làng người Thái để học hỏi, tìm hiểu thêm. Từ những chuyến đi đó, văn hóa Thái, cuộc sống của người Thái đã “ngấm” vào máu thịt anh lúc nào không hay.
Vợ chồng anh Kiên bên bếp lửa trong “bảo tàng” của mình. Ảnh: HỒ DUY
Trong một lần đến chơi nhà một người trong bản, Kiên thấy những vật dụng hằng ngày để trên gác bếp của chủ nhà lạ mắt nên xin cầm xem. Vừa ngắm nghía, anh vừa hỏi gia chủ công dụng của từng đồ vật đã cũ và không khỏi tấm tắc khen. Biết anh thích chúng, người chủ nhà đã tặng luôn anh bộ “đồ cổ” của gia đình bao năm không dùng đến, nếu để chỉ thêm chật nhà. Không ngờ đến giờ, những vật dụng ấy anh có đi khắp nơi tìm cũng không thấy nữa.
Dạy chữ Thái để bảo tồn văn hóa
Bao lần ngao du đây đó, săn tìm tiền cổ, anh Kiên chứng kiến vô số đồ cổ của các dân tộc bị những tay buôn thu mua để bán về xuôi. Nhiều dân bản đã bán những vật dụng cũ cho đồng nát và vô tình trong số đó lại là những thứ đồ chứa đựng những giá trị văn hóa đặc sắc của người Thái. Hiểu được điều đó, Kiên nung nấu ý nghĩ sưu tập những cổ vật của người Thái. Từ đó, anh thường lui tới các bản làng vùng sâu, vùng xa tìm mua lại những đồ vật cũ, cổ của người Thái. “Thời gian đầu, thấy anh ấy đi suốt ngày, lại tha lỉnh kỉnh rổ rá, thúng mủng cũ kỹ về mình cứ nghĩ anh “có vấn đề”. Nhưng sau biết được ý định của chồng muốn bảo tồn văn hóa dân tộc mình, mình càng thêm hạnh phúc và luôn ủng hộ anh ấy” – chị Lê, vợ anh, bộc bạch.
Nghe nơi nào có cổ vật người Thái, anh lập tức lên đường. Anh mải miết đi, mải miết tìm với nỗi sợ “kẻ thù thời gian” sẽ làm hư hỏng, thất lạc đi những hiện vật mang giá trị tinh thần quan trọng. Không chỉ tìm hiểu văn hóa người Thái ở Mai Châu, Kiên còn một mình trên xe máy rong ruổi lên tận Sơn La hoặc về tận vùng cao Thanh Hóa, Nghệ An để hiểu và sưu tầm thêm nhiều hiện vật văn hóa Thái ở các vùng miền.
Sau khoảng 10 năm lặn lội sưu tầm, tháng 6-2012, Kiên xin phép chính quyền địa phương rồi dựng nên bảng “Điểm tham quan, trưng bày hiện vật, cổ vật văn hóa Thái, Mai Châu” để trưng bày, giới thiệu văn hóa Thái cho du khách. Mỗi ngày, “bảo tàng” của Kiên đón hàng chục đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan. Vừa là chủ “bảo tàng”, vợ chồng Kiên còn kiêm luôn nhiệm vụ thuyết minh cho du khách.
Đặc biệt, Kiên nói anh còn dự định sẽ mở lớp dạy chữ Thái miễn phí cho học sinh và thanh niên trên địa bàn. “Với người Kinh, muốn hiểu được tường tận văn hóa Thái thì cách tốt nhất là phải biết được chữ Thái. Với người Thái, hiểu được chữ viết của dân tộc mình còn để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, lưu giữ lại cho con cháu đời sau” – anh Kiên nói.
Nguồn: Sưu tầm internet.