VIETNAM DESTINATIONS > Destination > Chùa Hang | Chùa Hương Nghiêm – Tuyên Quang

Du lịch Chùa Hang | Chùa Hương Nghiêm - Tuyên Quang

Xã An Khang, Thành phố Tuyên Quang, Tỉnh Tuyên Quang, Việt Nam
Chùa Hương Nghiêm (Chùa Hang) tại xã An Khang, thành phố Tuyên Quang đang chuẩn bị khánh thành Đàn tế trời – một công trình văn hóa Phật giáo mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Chùa Hương Nghiêm (nguồn: Internet)

Theo đại đức Thích Thanh Tân – sư trụ trì Chùa Hang, ý tưởng xây dựng Đàn tế trời trên đỉnh núi Hương Nham  (Hương Nghiêm) của Chùa Hang xuất phát từ nhiều lý do, trong đó có những lý do hết sức ý nghĩa sau đây:

Thứ nhất, mặc dù trước đây, với phong cảnh kỳ thú và bí ẩn nhưng những di tích còn lại đến ngày nay, chưa đủ để du khách hình dung thấy hết vẻ đẹp vốn nổi tiếng từ thế kỷ XVI của ngôi chùa cổ kính này. Xây dựng một công trình đẹp và ý nghĩa như Đàn tế trời trên đỉnh núi Hương Nghiêm, chính là tạo thêm một điểm nhấn vô cùng hấp dẫn, để du khách khi đến vãn cảnh chùa, từng bước leo lên đỉnh núi, có thể cảm nhận được rõ ràng cái thế núi cao vút, nơi hội tụ linh khí của đất trời, nơi mây vàng uốn lượn như rồng bay quanh núi.


Du khách vãn cảnh chùa Hang, xã An Khang (TP Tuyên Quang).

Lý do thứ hai, xuất phát từ ý nghĩa tâm linh vốn đã lưu truyền từ lâu đời của Chùa Hang. Cách đây hơn bốn trăm năm, chùa Hang đã nổi tiếng linh thiêng. Trong  Bài ký về Chùa Hương Nham được PGS – TS Đinh Khắc Thuân (Viện Hán Nôm) dịch từ Hán văn, Chùa Hang là một ngôi chùa vô cùng linh thiêng, huyền bí. Tục truyền rằng, các quan trị nhậm vùng Tuyên Quang xưa muốn mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhân dân no ấm, hàng năm đều sắm lễ đến chùa Hang để cầu đảo. Bài Ký có đoạn viết: “Những khi trời đất không hòa thuận, Cầu nắng thì được trời quang mây tạnh, khấn mưa thì mưa trải khắp nơi. Chùa rất linh ứng không thể ngờ được”. Xây dựng Đàn tế trời trên đỉnh núi Hương nghiêm, chính là tiếp tục duy trì sự linh thiêng để chùa Hang cùng với đó là những Lễ hội mang ý nghĩa Văn hóa Phật giáo, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. 

Lý do thứ ba, xuất phát từ việc nghiên cứu lịch sử và những hoạt động thờ cúng tại Chùa Hang, sư thầy trụ trì Chùa Hang còn phát hiện thấy, trong chùa Hang trước đây từng có cung Phạm vương (cung thờ Ngọc Hoàng). Tấm “bi ký” chữ Hán do tiến sĩ Ngô Hoằng soạn, ngoài việc ghi tên họ những người làm công đức ở 13 huyện trong nước và nhân dân thôn Thúc Thủy, xã Thúc Thủy, tổng Thường Túc, (thôn Phúc Thọ, xã An Khang ngày nay) còn mô tả khá rõ hành cung Phạm Vương tại Chùa Hang. Từ phát hiện này, đại đức Thích Thanh Tân càng quyết tâm  xây dựng Đàn tế trời, với mong muốn khôi phục lại cung thờ Ngọc Hoàng xưa. Đây chính là nơi giao thoa trời đất, điểm  hội tụ và phát huy linh khí của Chùa Hang sau bốn trăm năm xây dựng trên mảnh đất linh thiêng này.

Về kiến trúc, đại đức Thích Thanh Tân cho biết, Đàn tế trời được thiết kế theo tín ngưỡng tôn giáo của người Việt, thường phối hợp thờ Phật với thờ Ngọc Hoàng Thượng đế cùng các vị thần (như Nam Tào, Bắc Đẩu, Phạm Thiên, Đế Thích…). Chính vì thế, ở tầng cao nhất, Đàn tế trời tôn thờ một bức tượng Phật Thích Ca Mâu Ni ngự trên đài sen. Bức tượng mang ý nghĩa từ bi và thanh tịnh, hướng con người tới sự an lạc, hòa ái. Tầng thứ hai là ba bức tượng gồm Ngọc Hoàng thượng đế (ngồi chính giữa), hai ông Nam Tào, Bắc đẩu ngồi hai bên (tượng thần Nam Tào cầm sổ sinh bên tả, tượng thần Bắc Đẩu cầm sổ tử bên hữu). Ngọc Hoàng thượng đế là đấng tối cao cai quản sự sống, chết, sướng khổ… của toàn bộ bầu trời, mặt đất, biển cả, và cõi âm phủ, còn Nam Tào, Bắc Đẩu có trách nhiệm báo cáo và ghi lại thiên mệnh của mỗi người, từ việc sinh, tử, nghèo, sang, may, rủi đến những việc bếp núc trong từng gia đình. Tầng cuối cùng sẽ là 4 pho Tứ đại Thiên vương. Ngoài ý nghĩa là tượng trưng cho sự bao quát 4 hướng Đông – Tây – Nam – Bắc và 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, 4 vị Thiên vương còn có trách nhiệm hộ trì cho nhân dân quanh vùng suốt năm no ấm, ngày ngày yên vui.

Theo đại đức Thích Thanh Tân, việc xây dựng Đàn tế trời tại chùa Hang thành phố Tuyên Quang là vô cùng ý nghĩa, đây sẽ là nơi thực hiện những lễ Tế hàng năm vào các dịp như: đầu Xuân, vào Hạ, lập Thu, Đông chí để cầu cho Tuyên Quang luôn được mưa thuận gió hòa, nhân dân yên vui, nhà nhà no ấm. Đặc biệt, vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, Chùa Hang sẽ tổ chức Lễ cúng Ông Công, Ông Táo. Từ nay, thay vì việc người dân Tuyên Quang tự làm Lễ cúng ông Công, ông Táo ở nhà vào 23 tháng Chạp, họ có thể đến Đàn tế trời của chùa Hang để cùng các nhà sư tấu thỉnh lên Nam Tào, Bắc Đẩu và Ngọc Hoàng, những việc tốt đã làm được trong năm và cầu mong những điều tốt đẹp may mắn sẽ đến với gia đình vào năm mới, giảm bớt việc vứt bừa túi nilon dọc bờ sông, suối, ao, hồ… 

Đại đức Thích Thanh Tân cho biết, vào ngày 11 tháng Chạp (tức ngày 5/1/2020) Chùa Hang sẽ tổ chức Lễ an vị và khánh thành Đàn Tế Trời trên đỉnh núi Hương Nghiêm tại Chùa Hang. Công trình văn hóa Phật giáo mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc này, chắc chắn sẽ là một điểm du lịch tâm linh thu hút đông đảo phật tử, nhân dân Tuyên Quang và cả nước tham quan, chiêm bái. 

vietnam-destinations.com | Khám phá Việt Nam

Nguồn: Sưu tầm internet.