VIETNAM DESTINATIONS > Destination > Chùa Thanh Mai Hải Dương

Du lịch Chùa Thanh Mai Hải Dương

Đến với chùa Thanh Mai bạn sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp rừng phong đỏ trong khung cảnh cổ kính, thanh tịnh của ngôi cổ tự và có cơ hội khám phá bảo vật Quốc gia. Cùng Ximgo ghé thăm ngôi chùa linh thiêng này nhé!

1. Giới thiệu về chùa Thanh Mai

Chùa Thanh Mai là một trung tâm tôn giáo của thiền phái Trúc Lâm ở chốn rừng sâu, núi cao. Chùa được xây dựng trên sườn núi, bên một con suối nhỏ, nhìn về phía nam. Nằm trên núi Tam Ban, được Đệ nhị tổ Pháp Loa xây dựng làm chốn tu hành cho Thiền phái Trúc Lâm. 

Chùa Thanh Mai cùng với chùa Côn Sơn, chùa Ngũ Đài của thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương và chùa Quỳnh Lâm, Yên Tử của Đồng Triều, tỉnh Quảng Ninh là một trong những trung tâm của Thiền phái Phật giáo này do 3 vị tổ gồm: Đệ nhất tổ Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông; Đệ nhị tổ Pháp Loa; Đệ tam tổ Huyền Quang sáng lập và phát triển. 

Trước chùa là núi Bái Vọng nơi có phần mộ của Nguyễn Phi Khanh – thân phụ Nguyễn Trãi. Nay chùa đang được khôi phục từng phần trên di tích của một công trình lớn gồm: tiền đường 7 gian, tam bảo 5 gian, hai dãy hành lang, nhà tổ, nhà tăng. Phía sau là tháp Viên Thông, xây dựng từ năm 1334. Phía trước có 7 ngôi tháp. Tại di tích còn 7 tấm bia có giá trị trong đó Thanh mai Viên Thông tháp bi có giá trị lớn hơn cả. 

Sự hiện diện của di tích đã chứng minh cho tính phi thường của tôn giáo thời Trần. Tại đây còn một rừng cổ thụ do con người trồng giữa đại ngàn tự nhiên, một hệ thống tháp và bia ký có giá trị, tiêu biểu là bia “Tháp Viên Thông”. Chính vì vậy khu di tích cùng rừng tự nhiên đã được nhà nước khoanh vùng bảo vệ, từng bước trùng tu, tôn tạo nhằm bảo tồn một di sản văn hóa, tạo một điểm tham quan du lịch hấp dẫn về văn hóa và cảnh quan tự nhiên. Kỷ niệm ngày mất của Pháp Loa đã trở thành hội chùa hàng năm. Hội bắt đầu từ mùng 1 đến mùng 3 tháng 3. Tuy nhiên do cảnh quan kỳ thú mà Thanh Mai không vắng khách tham quan.

2. Địa chỉ

Chùa Thanh Mai thuộc xã Hoàng Hoa Thám, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, được thiền sư Pháp Loa, vị tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, xây dựng vào khoảng năm 1329. 

Để đến với chùa Thanh Mai, bạn đi theo dọc đường quốc lộ 18 hướng Hà Nội – Quảng Ninh. 

Bản đồ Hướng dẫn cách di chuyển đến chùa Thanh Mai:

3. Tham quan chùa Thanh Mai

3.1 Vẻ đẹp chùa Thanh Mai

Chùa Thanh Mai nằm ở lưng chừng núi Tam Ban thuộc cánh cung Đông Triều – Yên Tử. Đây là một khu rừng nguyên sinh duy nhất của tỉnh Hải Dương, với sự đa dạng, phong phú của hệ thống động thực vật. Đối với người dân địa phương, nơi đây có cảnh sắc đẹp nên thơ. Mùa xuân cây đâm chồi nảy lộc, màu xanh non tơ của cây lá và trong rừng rộn rã tiếng chim thánh thót, khiến cho lòng người thêm phấn khởi, yêu đời. Hiện nay Thanh Mai là một thôn trù phú xanh mướt có những cây ăn quả và là xã còn giữ được rừng tự nhiên lớn nhất của tỉnh.  

Rừng tự nhiên ở đây điển hình với hai loại cây trám và dẻ cùng nhiều loại gỗ quý như lim, sến, lát,… Mỗi năm khi mùa đông tới, hoa dẻ nở trắng rừng còn lá trám ngả màu vàng rực tạo nên bức tranh thiên nhiên độc đáo của Thanh Mai. Chim thú trong rừng Thanh Mai khá phong phú với mật độ cao, nay đã bị săn bắn nhiều nhưng gần đây người ta vẫn thấy gà lôi, lợn rừng và nhiều loại thú quý hiếm.

Về Thanh Mai vào dịp mùa xuân giữa chốn thâm nghiêm bừng lên một màu xanh tươi non đầy sức sống của rừng cây trên núi Tam Ban đang đâm chồi nảy lộc, khiến trong lòng mỗi du khách càng thêm phấn chấn, náo nức. Con đường lên chùa Thanh Mai được trải thảm bê tông ngoằn ngoèo, uốn lượn giữa những vạt rừng thông, rừng phong, dưới tán cây cây vang tiếng chim hót rộn ràng, khiến cho du khách quên hết mệt nhọc. Ngôi cổ tự nằm lưng chừng núi, bao bọc xung quanh bởi rừng phong và nhiều loại cây cổ thụ khác, với những gốc cây to sừng sững, khiến cảnh sắc của ngôi chùa càng thêm trầm mặc, cổ kính, uy linh.

3.2 Chiêm ngưỡng rừng lá phong cổ

Ở Thanh Mai có rừng lá phong cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Vào cuối thu sang đông, cả cánh rừng lá phong chuyển màu lá vàng rực, đẹp đến kỳ lạ thu hút nhiều du khách thập phương đến tham quan kiến trúc độc đáo và ngắm cảnh thiên nhiên.

Có dịp đến thăm chùa Thanh Mai, bạn sẽ được chiêm ngưỡng gốc cây phong cổ thụ 2 – 3 người ôm. Những cây phong có kích thước nhỏ hơn mọc rất nhiều và chỉ mọc trên núi Tam Ban cũng như sườn nam chùa Thanh Mai tọa lạc, trong khi các ngọn núi khác gần đó không hề có.

Rừng phong chỉ có ở xứ lạnh, nhưng thiên nhiên đã ưu đãi cho nơi đây cảnh quan tuyệt đẹp này. Lá đổi màu theo mùa. Lá phong xanh xum xuê vào mùa hạ và ngả dần màu vàng, đỏ thẫm rồi rụng xuống vào mùa đông. Mặc dù lá phong ở đây không đồng loạt đỏ rực như thường thấy ở phương Tây mà chỉ lác đác biến sắc rồi rụng. 

Đầu đông, rừng phong thay lá tạo nên cảnh thơ mộng và yên bình. Những chiếc lá phong cuống dài, xẻ ba thùy với mép răng cưa rụng xuống có thể là món quà độc đáo để bạn dành tặng bạn bè, người thân. Khung cảnh thiên nhiên ở đây thích hợp cho nhiều người muốn đi leo núi, dã ngoại hay tìm một nơi thanh tịnh nơi chốn cửa phật. 

Nhờ có rừng phong bao quanh chùa Thanh Mai nên đã tạo cho nơi đây một cảnh sắc quyến rũ mỗi độ sang đông. Tìm về chùa Thanh Mai những ngày này, bạn không những được tận hưởng sự tĩnh lặng chốn cửa thiền mà còn được tận mắt ngắm nhìn sắc đỏ diệu kỳ của lá phong không dễ gặp ở Việt Nam.

3.3 Tham quan bảo vật quốc gia

Chùa Thanh Mai hiện còn lưu giữ được nhiều di sản hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh như: Viên Thông Bảo Tháp được xây dựng năm 1334, tháp Phổ Quang được xây dựng năm Chính Hòa 23 (1702), tháp Linh Quang được xây dựng năm Chính Hòa 24 (1703), cùng 7 tấm bia thời Trần, Lê. Trong số 7 tấm bia, quý nhất, giá trị nhất là “Thanh Mai Viên Thông Tháp Bi”. 

Sau khi, Đệ nhị tổ Pháp Loa viên tịch, các đệ tử đã khắc bia gọi là Thanh Mai Viên Thông Tháp Bi, để ghi lại tên tuổi, cuộc đời, sự nghiệp tu hành của ông để lưu truyền muôn đời. Gần 7 thế kỷ trôi qua, tấm bia vẫn trường tồn cùng thời gian, để mỗi dịp du khách đến thắp hương chiêm bái, vãn cảnh chùa, chiêm ngưỡng bia và tự hào. Bởi tấm bia cổ này vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là “Bảo vật quốc gia” cuối năm 2016.

Bia “Thanh Mai Viên Thông tháp bi” là tấm bia có niên đại tuyệt đối, có giá trị lớn khi nghiên cứu lịch sử Phật giáo nói riêng và lịch sử văn hóa Việt Nam nói chung. 

Nội dung bia là nguồn sử liệu quý nghiên cứu về hành trạng các vị sư tổ Thiền phái Trúc Lâm. Đặc biệt cho biết về tiểu sử, hành trạng của Đệ nhị tổ Trúc Lâm Pháp Loa tôn giả từ hoằng dương đạo pháp, xây dựng thiền viện đến tu trì.

Bia Thanh Mai đã cho thấy sự phát triển của Phật giáo thời Trần: Nội dung bia cho biết, Pháp Loa cho xây chùa, đúc tượng, biên soạn kinh sách, truyền giáo đến các đệ tử, số lượng là rất nhiều. Đặc biệt liệt kê các đệ tử đắc pháp với hơn 30 người ở khắp các chùa, gắn liền tên địa danh ở cuối văn bia, cho thấy sự phát triển pháp phái trải khắp Đại Việt.

Bia có đồ án trang trí hình rồng có mào, thắt túi, hoa cúc dây, sóng nước hình núi là phong cách độc đáo về trang trí mỹ thuật ở nước ta, góp phần quan trọng khi nghiên cứu lịch sử những hoa văn đặc trưng của thời Trần nói riêng và lịch sử mỹ thuật Việt Nam nói chung.

4. Ở đâu khi đến chùa Thanh Mai

Ximgo gợi ý một số nhà nghỉ, khách sạn để các bạn có thể dừng chân sau ngày khám phá dài của mình.

Khách sạn Công Đoàn Côn Sơn

  • Địa chỉ: Tiên Sơn, xã Cộng Hòa, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương
  • Số địên thoại: 0320.3882240 – 0320.3883329
  • Giá giao động: 250.000VNĐ – 300.000VNĐ /phòng/đêm

Khách sạn Hữu Nghị

  • Địa chỉ: 01 Đoàn Kết, Thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương
  • Số điện thoại: 0320.3855859
  • Giá giao động: 250.000VNĐ – 300.000VNĐ/phòng/đêm

Nhà Khách hồ Côn Sơn

  • Địa chỉ: Cộng Hòa, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương
  • Số điện thoại: 0320.3882982 – 0912.256.344 – 0320.3884023
  • Giá giao động: từ 250.000VNĐ/phòng/đêm

Nhà Khách Quân Khu 3

  • Địa chỉ: Số 214 – Nguyễn Trãi 2 – Thị xã Sao Đỏ, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương
  • Số điện thoại: 0320.3882289
  • Giá giao động từ 250.000VNĐ/phòng/đêm

Star Hotel Hải Dương

  • Địa chỉ: Số 1 Hồng Châu, phường Hải Tân, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương
  • Giá giao động từ: 250.000VNĐ đến 350.000VNĐ/phòng/đêm

Nam Cường Hải Dương Hotel

  • Địa chỉ: Số 10, Đại Lộ 30/10, phường Tứ Minh, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương.
  • Giá giao động từ: 2.000.000VNĐ đến 2.500.000VNĐ/phòng/đêm

5. Những món ăn nên thử 

5.1 Bánh đậu xanh 

Bánh Hải Dương ra đời vào những năm đầu của thế kỷ 20. Bánh ở đây luôn có sự khác biệt, độ ngọt béo khó cưỡng. Ngoài vị truyền thống là đậu xanh thì giờ đã có thêm một số vị như: bánh đậu sầu riêng, bánh đậu khoai môn, bánh đậu hạt sen, bánh đậu dừa xiêm ,…

5.2 Bánh gai Ninh Giang

Để làm được một chiếc bánh ngon thì khâu chọn nguyên liệu rất quan trọng từ chọn gạo, xay gạo, chọn lá gai, hấp bánh ,… Khi ăn bánh ta sẽ cảm nhận được vị ngọt thanh của bánh, vị ngậy ngậy nhưng lại không thấy ngán, dẻo mịn từ vỏ bánh và xốp mềm của nhân bánh.

5.3 Vải Thanh Hà

Vải thiều Thanh Hà là loại vải rất nổi tiếng ở Hải Dương, với vị ngon ngọt tuyệt vời cộng thêm cùi dày hạt nhỏ nên ngày xưa đã được chọn tiến vua.

5.4 Bánh Lòng Kinh Môn

Bánh Lòng được làm từ nguyên liệu chính là gạo nếp cái hoa vàng, đường, lạc, vừng và mứt dừa. Những công đoạn chế biến lạc, vừng, dừa được chuẩn bị kỹ lưỡng, cô đường trắng thành mật đều thể hiện sự khéo léo tay nghề của người làm. Các bạn sẽ cảm nhận được vị đặc trưng của bánh như: mùi thơm và béo ngậy từ nếp cái hoa vàng đặc sản của Kinh Môn, của lạc, của vừng, vị cay của gừng và vị ngọt vừa phải từ đường, mứt

6. Lưu ý khi đến đây

  1. Đến chùa bạn có thể gửi xe tại chùa, nhờ nhà chùa trông giúp mà không mất phí giữ xe.
  2. Người trong chùa rất nhiệt tình, hướng dẫn khách đến đây tham quan nên bạn tha hồ thoải mái tìm hiểu văn hóa, lịch sử tại đây.
  3. Khi du lịch bất kì đâu, đặc biệt là trong chùa Thanh Mai bạn nên ý thức được vấn đề vệ sinh, không xả rác, tránh sử dụng lửa để đề phòng hỏa hoạn.
  4. Nên ăn mặc chỉnh tề, kín đáo và lịch sự khi đến chùa
  5. Thời gian du lịch Hải Dương lý tưởng nhất là vào từ tháng 2 cho đến tháng 4: Đây là mùa lễ hội chính ở Hải Dương, một số địa điểm di tích thu hút đông khách thập phương như chùa Côn Sơn, đền Kiếp Bạc ,…Và từ tháng 6 đến tháng 7: Đây là mùa của vải thiều, hồng xiêm, ổi Thanh Hà, những loại trái cây được ưu thích nhất ở Hải Dương.

Với hệ thống di tích, di sản, hiện vật cổ, cộng với những danh lam thắng cảnh đặc sắc với rừng phong cổ thụ, di tích chùa Thanh Mai ngày càng được du khách thập phương biết tới. Du lịch Hải Dương các bạn nhớ sắp xếp thời gian của mình để đến thăm ngôi chùa này nhé. Ximgo chúc các bạn có chuyến đi vui vẻ!

vietnam-destinations.com | Khám phá Việt Nam

Nguồn: Sưu tầm internet.