Chiến tranh đã qua đi rất lâu nhưng có những nỗi đau vẫn để lại cho đến tận bây giờ. Để có cuộc sống hòa bình, thống nhất cho dân tộc, nhiều thế hệ chiến sĩ đã ngã xuống, đổi độc lập bằng chính máu thịt của mình. Hang Lèn Hà ở Quảng Bình được xem là một trong những di tích lịch sử rất ý nghĩa, là điểm du lịch Quảng Bình có giá trị đặc biệt. Đến đây giúp du khách hồi tưởng lại những năm tháng chiến đấu gian khổ của những người con yêu nước chống giặc ngoại xâm.
Trong thời kỳ chống Mỹ, Quảng Bình được xem là hậu phương trực tiếp của chiến trường lớn miền Nam. Tuyến đường Trường Sơn ngày đêm đều có các đoàn quân ra trận với ý chí đánh thắng giặc giải phóng miền Nam. Để chiến thắng kẻ thù với vô vàn vũ khí tối tân hiện đại, Bộ Tư lệnh Trường Sơn xác định, ngoài việc vận chuyển quân lương thì công tác thông tin liên lạc trên toàn tuyến luôn phải bảo đảm.
Năm 1967, Trạm thông tin liên lạc A69 được thành lập, chọn Hang Lèn Hà làm nơi đóng quân. Hang Lèn Hà thuộc bản Hà, xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, một xã biên giới giáp nước bạn Lào. Hang nằm ở lưng chừng núi đá vôi phía Tây đường Trường Sơn, có độ cao 150m, đỉnh cao nhất là 320m, rộng khoảng 420m cách tuyến đường chiến lược 15A khoảng 3 km, nơi thường xuyên là trọng điểm bị địch tập trung đánh phá.
Hang Lèn Hà được cải tạo thành nơi đặt máy móc điện đàm; rừng cây rậm rạp dưới chân núi được ngụy trang xây dựng làm khu nhà nghỉ, hội trường sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ và hội trường của Trạm. Hang Lèn Hà vừa có thể cất giấu thiết bị máy móc và đường dây của Trung đoàn 134, thường xuyên dự trữ 700 km đường dây bọc dã chiến, sẵn sàng thay thế đường dây trần tuyến trục Bắc – Nam trong trường hợp đường dây này bị địch tấn công, tê liệt.
Trạm cơ vụ A69 là một phần quan trọng trong huyết mạch thông tin, nơi đầu tiên nhận mệnh lệnh, chỉ thị của Bộ Quốc phòng, Trung ương từ Hà Nội đến chiến trường miền Nam. Phát hiện được hoạt động của Trạm cơ vụ A69 và vị trí quan trọng của hang Lèn Hà, địch thường xuyên tập trung đánh phá ác liệt.
Ngày hè đỏ lửa 2/7/1972, trong lúc cán bộ, chiến sĩ Trạm cơ vụ A69 đang làm nhiệm vụ, máy bay Mỹ ập tới bất ngờ bắn pháo khói vào nhà ăn của Trạm. Ngay sau đó là 3 quả bom B52 và hàng loạt bom phát quang, bom cháy. Chỉ trong 5 phút, khu lán dưới chân lèn bốc cháy dữ dội.
Tổn thất của Trạm A69 sau trận đánh phá này hết sức nặng nề: trạm máy trên hang đá cao bị hư hỏng nặng, mạng cáp nhập đài và khoảng 1.500 m đường dây quanh khu vực Trạm bị đứt nát không liên lạc được; 13 chiến sĩ anh dũng hy sinh (trong đó có 3 chiến sĩ nam, 10 chiến sĩ nữ). Các liệt sỹ hầu hết có quê quán ở các tỉnh phía Bắc, trong đó có 6 liệt sỹ quê ở tỉnh Phú Thọ. Tất cả các anh chị đã ngã xuống khi đang ở độ tuổi mười tám, đôi mươi và vẫn chưa có ai lập gia đình.
Cả một khu vực rộng lớn của Trạm bị bom địch đánh phá gây ra bao đau thương và tổn thất cho Trạm Cơ vụ A69. Nhưng với tinh thần tất cả cho nhiệm vụ đảm bảo thông tin liên lạc, các chiến sỉ còn sống đã gạt nước mắt, nén đau thương để tiếp tục làm nhiệm vụ và chỉ sau 1 giờ đồng hồ, thông tin liên lạc đã được khôi phục thông suốt, Trạm máy được củng cố tiếp tục phục vụ chiến trường. Đồng thời các đồng chí còn lo cứu chữa thương binh, tìm thi thể và mai táng 13 đồng đội của mình.
Không chỉ ném bom bắn phá, kẻ địch còn dùng mọi thủ đoạn để phá hoại đường dây thông tin liên lạc của ta, nhưng đều bị thất bại. Đặc biệt vào tháng 5-1972, với tinh thần cảnh giác cao độ, cán bộ, chiến sĩ của Trạm cơ vụ A69 đã phát hiện địch cài hai máy nghe trộm vào đường dây thông tin tuyến trục Bắc – Nam (tại khu vực Khe Mài). Đơn vị đã kịp thời thu hồi, báo cáo lên cấp trên và điều chỉnh một số đoạn, tuyến thông tin để tránh sự phá hoại của địch.
Trong suốt quá trình chiến đấu và phục vụ chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, chi viện cho các chiến trường, bất chấp mưa bom bão đạn của địch, không ngại gian khổ, hy sinh, cũng như khí hậu khắc nghiệt của núi rừng Trường Sơn, các cán bộ chiến sĩ Trạm Cơ vụ A69 đã kiên cường, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo vượt qua khó khăn, gian khổ, hy sinh để tiếp chuyển hàng trăm ngàn phiên liên lạc kịp thời, chính xác, bí mật tạo nên một mạng lưới thông tin thông suốt từ hậu phương ra tiền tuyến; nhất là từ Sở chỉ huy chiến dịch đến các đơn vị tác chiến.
Sau khi hòa bình, thống nhất đất nước tại địa danh nơi đã thấm đẫm máu, mồ hôi và nước mắt của các cán bộ, chiến sĩ Trạm cơ vụ A69, tháng 9/2005, một bia tưởng niệm đã được xây dựng, khắc tên 13 anh hùng liệt sĩ hy sinh trong ngày 2/7/1972. Một ngôi miếu chân núi Lèn Hà (hố bom năm xưa) cũng được xây dựng để các thế hệ về sau thành kính bày tỏ lòng biết ơn với các chiến sĩ đã hiến dâng tuổi thanh xuân để bảo vệ mạch máu thông tin liên lạc thông suốt, kịp thời, góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Ngày 7-5-2009, Hang Lèn Hà đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia. Những chiến sĩ hy sinh được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đặc biệt, năm 2017, UBND tỉnh quảng Bình đã phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng khu di tích với diện tích trên 12ha gồm nhiều hạng mục công trình tái hiện cuộc sống và hoàn cảnh làm việc của các chiến sỹ bộ đội thông tin, trở thành một điểm đến được nhiều người biết đến như một chứng tích hào hùng về những công hiến, hy sinh của các chiến sỹ bộ đội thông tin.
Vào ngày 16/09/2018 nhà dâng hương khu di tích lịch sử Quốc gia Lèn Hà đã khánh thành chính thức đưa vào sử dụng. Đây là công trình có ý nghĩa văn hóa, tâm linh, là nơi để đồng bào, chiến sĩ cả nước, du khách quốc tế đến dâng hương, tưởng niệm tri ân các liệt sĩ, qua đó giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Khi du lịch Quảng Bình bạn hãy dành thời gian đến Hang Lèn Hà thắp một nén nhang và nhớ về những chiến công anh hùng của những chiến sĩ A69 tại hang Lèn Hà trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Từ trung tâm thành phố du khách có thể theo con đường nối liền các xã Đức – Thạch – Đồng – Thuận bởi Hang Lèn Hà nằm cạnh con đường rất thuận tiện để đi lại.
Bạn còn có dịp chiêm ngưỡng phong cảnh núi non hùng vĩ tuyệt đẹp của huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình. Đồng thời hiểu hơn về vùng đất và con người Quảng Bình, chân chất, dũng cảm với lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần chiến đấu quả cảm.
Trong chuyến hành trình, sau khi đến thăm Hang Lèn Hà bạn có thể theo đường 15 trở ra Bắc hơn năm chục cây số là đến Ngã ba Đồng Lộc; hay theo đường 12A ngược hướng Tây là Khe Ve, Cha Lo; thẳng hướng Nam là đường 20 Quyết Thắng, hang Tám Cô… Tất cả đều là những trọng điểm ác liệt của tuyến đường Trường Sơn huyền thoại những năm đánh Mỹ.
Nguồn: Sưu tầm internet.