Khu mộ cổ Đống Thếch nằm trên địa phận xã Vĩnh Đồng, huyện Kim Bôi thuộc tỉnh Hoà Bình. Từng là thánh địa bất khả xâm phạm đối với người dân Mường Động, khu mộ cổ Đống Thếch với những chuyện ma mị đồn thổi đã trở thành nỗi khiếp sợ của người dân. Từ nhiều năm nay, hàng trăm mồ đá nằm im lìm u tịch giữa vùng rừng núi Tây Bắc ấy là một bí ẩn lớn đối với bất cứ ai từng đặt chân tới đây.
Khu mộ cổ Đống Thếch sau 400 năm cùng với thời gian
Khu mộ cổ Đống Thếch gồm những cột đá gần 400 năm tuổi, đứng sừng sững giữa trời. Đó là điểm độc đáo của khu mộ cổ Đống Thếch, và còn được xem là một “kho báu” mang đậm bản sắc văn hóa xứ Mường Động.
Khu mộ cổ Đống Thếch được Bộ văn hóa – thông tin xếp hạng vào Di tích khảo cổ học vào năm 1996
Dựa vào ghi chép lịch sử để lại, Mường Động xưa kia là một trong bốn vùng Mường cổ. Thời phong kiến, nơi đây tồn tại một thiết chế Lang đạo được cai trị bởi các dòng họ quý tộc như: Đinh, Quách, Bạch, Hà. Cai trị Mường Động chính là dòng họ Đinh mà người đứng đầu là Đinh Như Lệnh. Trong hàng trăm năm, dòng họ Đinh từ đời này qua đời khác đều nắm giữ chức Thổ tù cai quản Mường Động.
Những dòng chữ và tượng vật được khắc lên tấm bia đá mộ
Cho đến đời thứ 8, nhờ lập được nhiều công lớn nên Đinh Công Kỷ (sinh năm 1582) được vua Lê sắc phong chức “Đô đốc oai lộc hầu”, đời đời nối nghiệp làm phiên thần cai quản dân binh 7 xã. Họ Đinh cũng được đổi thành Đinh Công. Song, với uy quyền trong tay, dòng họ Đinh Công ngày càng bộc lộ rõ sự dã man, tàn bạo. Đối với người dân Mường Động lúc bấy giờ, tất cả những gì thuộc về nhà Lang đều nhuốm một vẻ huyền bí đến đáng sợ.
Căn nhà quản lý khu mộ cổ đã bị người dân nơi đây phá bỏ
Ngay ở cái tên Đống Thếch cũng khiến cảm giác được cái huyền bí của nó. “Đống” là những nơi mồ mả, những nơi hoang vu ít người qua lại. “Thếch” là một địa danh đã có từ lâu, một địa danh riêng có của người Mường. Đống Thếch là một thung lũng nhỏ, cao ráo, bằng phẳng, mà nhấp nhô hàng trăm hòn mồ. Phía bắc Đống Thếch giáp núi Chùa cũ, phía tây là đồi Ông Nội, phía nam giáp Nà Thếch và suối Thếch, phía đông giáp ruộng Pạng Đông.
Một buổi sáng mờ sương làm cho khu mộ cổ Đống Thếch thêm huyền bí
Được hay những ngôi mộ cổ ở đây chôn cất thi thể của những người thuộc dòng dõi họ Đinh, nhưng bên cạnh đó có nhiều lời đồn cho rằng mộ cổ còn chôn cất thi thể cả những nô tỳ của các quan lang. Mỗi mộ có nhiều phiến đá khắc bằng chữ Hán, ghi lại tên, tuổi, chức sắc của người dưới mồ, ghi lại ngày tháng dựng mồ và còn khắc hình ảnh của các con vật.
Khung cảnh xanh mướt cảu khu mộ cổ Đống Thếch vào mùa xuân
Các phiến đá to nhô lên khỏi mặt đất gần 3m và nặng đến hàng tấn, còn các phiến đá nhỏ nhô lên chỉ khoảng 0,5m. Kích thước của các tảng đá ám chỉ những ý nghĩa riêng. Nó là nơi cắm dấu quyền lực của dòng họ Đinh. Nay các phiến đá đã được phủ bởi một lớp rêu xanh, hình thù các con vật và chữ khắc trên đó đã mờ đi vì thời gian. Mỗi ngôi mộ đều chôn ba phiến đá cao ở phía trước, ba phiến đá nhỏ hơn ở phía dưới mồ và hai bên sườn mộ được chôn các hòn mồ cao, thấp không đều nhau, số lượng không giống nhau. Có đến hàng trăm ngôi mộ với hàng trăm phiến đá ở khu mộ Đống Thếch.
Ngày nay tại khu mộ cổ Đống Thếch người dân dùng làm đất trồng cây nông nghiệp
Diện tích của cả khu mộ rộng khoảng vài vạn mét vuông, xen kẽ các phiến đá là cỏ cây um tùm, rậm rạp, bao quanh là rừng núi. Chính vì vậy, khu đất ít ánh sáng và càng trở nên hoang vu, ít người qua lại. Nơi đây được chia thành hai tuyến mộ khác nhau cùng tồn tại song song trong cùng một thời gian. Nhóm khu mộ trung tâm không có dấu vết của quan tài, còn khu B có biểu hiện chủ nhân của các ngôi mộ. Điều đó cho thấy, trong lễ thức tang ma của người Mường có hai lần. Một mộ là chôn thật và một là giả.
Cánh cổng được người dân xây dựng sau này tại khu mộ cổ Đống Thếch
Dân bản truyền tai nhau về các truyền thuyết bí ẩn xung quanh khu mộ cổ. Các lão làng kể lại rằng, người vợ thứ ba của vua Hùng giận chồng đã bỏ lên khai hoang, sinh sống ở đây cùng với hai người con. Về sau khu vực này trở nên một vùng đất trù phú, đông dân cư. Khi mất, ba mẹ con đã hoá thành ba ngọn núi dáng “rồng chầu” và cùng hướng về kinh đô. Khu đất có địa thế, hình dáng miệng rồng – một thế đất đẹp theo quan niệm thuật phong thuỷ ngày xưa nên từ lâu, dòng họ quan lang Mường Động đã độc chiếm làm nghĩa địa, nơi yên nghỉ cuối cùng của dòng họ mình.
Hai trong những tản đá cao nhất tại khu mộ cổ Đống Thếch
Sự huyền bí của Đống Thếch đến nay vẫn chưa được khám phá hết, nó vẫn còn là một bí ẩn. Vì vậy nó còn có sức hút với những người ham mê khảo cổ. Nếu tò mò và muốn khám phá sự huyền bí nơi đây, hãy đến Hòa Bình một lần để chiêm ngưỡng hết sự kỳ bí của Khu mộ Đống Thế.
Nguồn: Sưu tầm internet.