VIETNAM DESTINATIONS > Destination > Làng dệt thổ cẩm Lùng Tám

Du lịch Làng dệt thổ cẩm Lùng Tám

Xã Lùng Tám, Huyện Quản Bạ, Tỉnh Hà Giang, Việt Nam

Làng dệt lanh Lùng Tám ở đâu?

Làng dệt thổ cẩm Lùng Tám Hà Giang nằm cách cổng trời Quản Bạ không xa, bản Hợp Tiến của xã Lùng Tám là nơi sinh sống của đồng bảo H’mông (Mông) với nghề dệt thổ cẩm lâu đời. Đất Lùng Tám là một thung lũng nhỏ nằm giữa bốn bề núi đá và có dòng sông Miện (Miệm) chảy qua.
 

Vẻ đẹp của Hà Giang khi xuân về. Ảnh: blogspot

Cách để đi đến làng dệt lanh Lùng Tám?

Cách đi đến làng Lùng Tám: Khi bắt đầu rời khỏi thành phố Hà Giang, bạn đi khoảng 50km tới núi đôi và cổng trời Quản Bạ. Sau đó, xuôi theo con đèo đi qua thị trấn Tam Sơn, rồi đi qua cây xăng Tam Sơn thêm vài km thì đến địa điểm được gọi là Cua Tay Áo thuộc thôn Cốc Mạ (có 7 cua). Đến khúc cua thứ 7 thì rẽ phải vào con đường nhỏ dẫn đến Lùng Tám Hà Giang.
 

Những nếp nhà trình tường bình dị. Ảnh: vnexpress

Làng dệt lanh Lùng Tám có gì thú vị?

Nghề dệt lanh ở Lùng Tám Hà Giang là một nghề thủ công truyền thống có lịch sử lâu đời, không chỉ đem lại thu nhập cho các hộ gia đình ở làng Lùng Tám mà còn góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của người Mông. 
 

Sản phẩm vải lanh thổ cẩm của làng dệt lanh Lùng Tám, Hà Giang. Ảnh: vietnamtravel

Làng dệt lanh Lùng Tám sản xuất với nhiều sản phẩm đa dạng như quần áo, ví, khăn, chăn, khăn trải bàn, túi thổ cẩm, tấm trang trí, vỏ gối… Điểm nhấn của những sản phẩm là chất liệu lanh 100% và được làm bằng tay theo phương pháp thủ công từ xưa truyền lại cho tới bây giờ.
 

Một trong những công đoạn dệt lanh ở Lùng Tám. Ảnh: traveloka

Nguyên liệu chính để làm nên những tấm thổ cẩm là từ những sợi lanh. Những cây lanh được trồng ở trong xã hoặc vùng lân cận và chọn lựa rất kỹ, sau khi ngâm và tuốt sẽ tách ra từng sợi nhỏ.
 

Những cụ bà cũng hăng say bên khung dệt. Ảnh: zing

Tiếp theo, những người phụ nữ H’mông sẽ luộc và hấp cho sợi lanh mềm. Khâu nhuộm màu cũng rất đặc biệt. Tất cả các màu đều được làm từ lá cây rừng như chè, ổi hay củ nâu hoặc loại gỗ khác mà tuyệt đối không có hóa chất công nghiệp nào.
 

Để có được sản phẩm hoàn chỉnh thì cần phải trải qua rất nhiều công đoạn tỉ mỉ. Ảnh: zing
 
Người Mông ở Lùng Tám rất chuộng vải lanh hơn vải bông, họ cho rằng vải lanh bền chắc hơn vải bông. Hơn nữa, về mặt tâm linh họ quan niệm rằng vải lanh là cầu nối gắn kết giữa con người và thế giới tâm linh.

Họ cho rằng sợi lanh là sợi chỉ dẫn đường cho người chết trở về với tổ tiên và đầu thai trở lại làm người. Với người Mông, dệt vải lanh còn thể hiện sự khéo tay, chăm chỉ và trở thành một trong những tiêu chí đánh giá tài năng phẩm hạnh của người phụ nữ.
 

Người dân Lùng Tám rất có niềm tin vào thế giới tâm linh. Ảnh: foody

Những sản phẩm dệt lanh của người Lùng Tám Hà Giang phần lớn đều được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, ít xuất hiện ở thị trường trong nước nên vì thế mà có thể nhiều người chưa biết đến những sản phẩm thủ công tinh xảo này.

Mỗi sản phẩm dệt đều mang những nét hoa văn truyền thống, những hình ảnh đều mang ý nghĩa riêng và chủ yếu là họa tiết của người Mông trên mảnh đất này. Bạn có thể nghe tiếng thoi của khung dệt ngay từ đầu làng hoặc thấy những khuôn lớn để căng và se sợi lanh hay tấm thổ cẩm lớn đang phơi trên hàng rào quanh nhà.
 

Một người phụ nữ Mông cần mẫn từng đường kim mũi chỉ. Ảnh: blogspot

Không chỉ giỏi dệt vải, người Mông ở Lùng Tám còn có kỹ thuật nhuộm chàm mà khó có nơi nào sánh được. Nhuộm chàm là công việc vất vả, mất nhiều thời gian và đòi hỏi tính kiên nhẫn cao.

Muốn có màu chàm đen như ý, mảnh vải phải được nhuộm đi nhuộm lại nhiều lần, trong nhiều ngày. Người ta thường ngâm vải trong dung dịch chàm chừng một giờ đồng hồ, sau đó mới vớt ra để ráo nước rồi lại ngâm tiếp.
 

Cô vô cùng cẩn thận và tỉ mỉ kiểm tra từng công đoạn. Ảnh: vnexpress

Quy trình đó được lặp đi lặp lại 5-6 lần mới đem vải đi phơi. Khi nào mảnh vải khô, nó lại được mang vào ngâm tiếp; cứ như thế khoảng 8-10 lần. Thời gian ngâm cho vải lên nước đen bóng phụ thuộc nhiều vào thời tiết.
 

Các sản phẩm dệt lanh của làng Lùng Tám Hà Giang. Ảnh: imagekit

Gặp kỳ nắng ráo, mỗi mảnh vải chỉ cần 3- 4 ngày là có thể nhuộm xong; nhưng nếu trời mưa, phơi vải lâu khô, khoảng thời gian đó có khi kéo dài tới 2 tháng. Chính vì được nhuộm kỹ như vậy mà màu chàm của người H’Mông ở đây rất bền và luôn cho cảm giác tươi mới.

Những trải nghiệm thú vị khi du lịch làng dệt lanh Lùng Tám

Du lịch Hà Giang, đến với làng dệt lanh Lùng Tám bạn có thể khám phá và tìm hiểu hoặc ngồi dệt hay khâu tay cùng những chị em phụ nữ tại đây. Được chứng kiến sự tỉ mỉ, khéo tay và kiên nhẫn của người phụ nữ Mông. Sẽ thấy đầy đủ từng công đoạn vất vả và khó nhọc để làm nên một sản phẩm đặc biệt.
 

Một trong những sản phẩm đó là miếng lót ấm chén. Ảnh: bavan

Trước đây, vải lanh thường chỉ được dệt và may váy áo mặc trong những dịp lễ hội hay tết, giờ thì được sử dụng để làm nên hàng chục sản phẩm lưu niệm khác nhau.
 

Nụ cười tươi tắn khi làm được làm công việc mình yêu thích của cô gái Mông. Ảnh: ytimg

Sau khi khám phá và tìm hiểu từng công đoạn dệt lanh thì bạn cũng có thể tiếp tục cuộc hành trình của mình khám phá những điểm đến Hà Giang khác như chinh phục vẻ đẹp hoang sơ của cao nguyên đá Đồng Văn ở gần làng dệt lanh Lùng Tám, hay check in ở núi đôi Quản Bạ hùng vĩ hoặc những rừng Thông mê hoặc tại Yên Minh.
 

Em bé Mông yêu đời, rạng rỡ. Ảnh: tuoitre

Nếu có cơ hội du lịch Hà Giang hãy ghé qua làng dệt lanh Lùng Tám để mua những món quà kỷ niệm cho chuyến du lịch của mình, cũng như khám phá một trong những nghề truyền thống lâu đời của Việt Nam nói chung và của người dân Lùng Tám nói riêng.

vietnam-destinations.com | Khám phá Việt Nam

Nguồn: Sưu tầm internet.