VIETNAM DESTINATIONS > Destination > Làng Nghề Chạm Vàng Bạc Huệ Lai

Du lịch Làng Nghề Chạm Vàng Bạc Huệ Lai

Xã Phù Ủng, Huyện Ân Thi, Tỉnh Hưng Yên, Việt Nam

SỰ KHỞI NGHIỆP CỦA LÀNG NGHỀ

 
Thôn Huệ Lai là địa phương có 95% dân số chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp, đời sống nông dân gặp nhiều khó khăn. Song những năm gần đây nhờ có sự phát triển của nghề trạm vàng bạc, người dân đã có thêm nghề phụ nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình từng bước thoát khỏi đói, nghèo và vươn lên khá, giàu.
 
Làng nghề trạm vàng bạc Huệ Lai
Làng nghề vàng bạc Huệ Lai
Xem thêm: Các khách sạn giá tốt gần Hưng Yên
 
Làng nghề kim hoàn Huệ Lai được hình thành và phát triển gần 20 năm. Những năm đầu của thập kỷ 90 nghề kim hoàn về với Huệ Lai còn mới lạ do một người con Huệ Lai đi làm công kiếm sống từ làng Châu Khê – xã Thúc Kháng – huyện Bình Giang (Hải Dương) mang về, để tăng thêm thu nhập cho gia đình trong những lúc nông nhàn. Ban đầu chỉ có 3 – 4 người học nghề rồi về truyền cho nhau, trải qua nhiều năm, đã phát triển tăng cả số hộ và người lao động làm nghề này. Nếu như năm 1995 nghề trạm vàng, bạc Huệ Lai mới có 42/238 hộ với 170 lao động tham gia, thì đến nay đã thu hút được 70% số hộ tham gia chế tác kim hoàn và đã trở thành nghề chính, với 249/357 hộ với trên 1.000 lao động. Bình quân doanh thu của làng nghề kim hoàn Huệ Lai cùng các thôn khác 20 tỷ đồng/năm.
 
Trong quá trình phát triển và đi vào sản xuất ổn định, Hội Nông dân xã đã tuyên truyền, vận động các hộ nông dân, người lao động tiếp tục giữ gìn và phát huy giá trị của làng nghề, sản xuất hàng hoá chất lượng, giữ được chữ tín đồng thời bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh môi trường. Toàn xã có 30% số hộ làm nông nghiệp không có vốn đã được Hội Nông dân tín chấp cho vay vốn, với tổng số 5 tỷ đồng để đầu tư sản xuất.
 

ĐẾN HIỆU QUẢ KINH TẾ

 
Để có một làng nghề như hôm nay, những người làm nghề kim hoàn phải trải qua rất nhiều khó khăn, ban đầu cũng phải đối mặt với cơ chế thị trường, cùng với việc giữ chữ tín, thì việc nhanh nhạy nắm bắt thị trường là hết sức cần thiết, bởi đó là khâu quyết định tới sự phát triển bền vững của làng nghề. Nếu như trước đây những sản phẩm của làng nghề Huệ Lai chủ yếu tiêu thụ ở Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội thì nay mở rộng tiêu thụ khắp các tỉnh thành trong cả nước. Chính từ việc mở rộng thị trường mà sản phẩm của làng nghề làm ra tới đâu đều tiêu thụ hết đến đó và không bị ứ đọng. Ngoài ra, việc chế tác theo đơn đặt hàng, những người thợ còn sáng tạo ra nhiều mẫu mã, sản phẩm mới lạ, chất lượng cao được khách hàng trong nước ưa chuộng. Nhờ đó mà thu nhập của người thợ làng nghề kim hoàn bình quân từ 1,5-2,5 triệu đồng/người/tháng, có những thợ giỏi đạt mức thu nhập từ 3,5 – 4,5 triệu đồng/người/tháng.
 
Đặc thù của nghề kim hoàn cũng rất khắt khe, bởi nó không chỉ đòi hỏi sự cần cù, chịu khó, mà còn đòi hỏi đôi bàn tay tài hoa khéo léo để trổ các hoa văn tinh tế trên các sản phẩm vàng, bạc. Người thợ cần phải có sự kiên trì, nhẫn nại trong từng công đoạn. Ông Phạm Xuân Đinh 69 tuổi, đã có 21 năm làm nghề tâm sự: “Muốn trở thành một thợ kim hoàn giỏi, chế tác được các mặt hàng theo yêu cầu của khách trước hết người thợ phải có năng khiếu, chịu khó và sáng tạo thì mới gắn bó được lâu dài với nghề”.
 
 
Theo ông Đỗ Xuân Chuyển là người xây dựng lên làng nghề và là chủ nhiệm HTX trạm vàng bạc Phù Ủng cho biết: Hợp tác xã thành lập từ năm 1998 có 42 hộ nông dân tham gia, mục đích là nhằm tập hợp lực lượng sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm. HTX tạo công ăn việc làm cho các lao động, các hộ gia đình thiếu vốn nhận hàng về làm. Đến nay vốn của HTX trạm bạc có từ 9-10 tỷ đồng, để duy trì tạo việc làm cho các lao động và các hộ gia đình thiếu vốn để sản xuất.
 
Làng nghề trạm vàng bạc Huệ Lai
Người đi trước hướng dẫn cho người đi sau
 
Điển hình trong làng nghề có các hộ gia đình ông: Nguyễn Xuân Chuyển, Phạm Ngọc Quả, Phạm Văn Đinh đã có thu nhập bình quân từ 80-100 triệu đồng/năm và mỗi hộ gia đình thường xuyên tạo công ăn việc làm cho 20 lao động với mức thu nhập ổn định. Ngoài ra hộ gia đình ông Nguyễn Xuân Chuyển còn mở 2 cửa hàng vàng bạc tại huyện Mai Sơn (Sơn La) và huyện Yên Hưng (Quảng Ninh). Để giảm bớt công đoạn thủ công trong sản xuất, một số hộ trong làng nghề mua máy sản xuất để giảm công lao động, tăng năng suất lao động. Bên cạnh những thuận lợi về thị trường, tiêu thụ sản phẩm, làng nghề Huệ Lai còn gặp khó khăn về vốn, lãi suất cho vay ở mức cao. Chính quyền xã Phù Ủng cũng đã có biện pháp hỗ trợ nhằm giữ vững cho làng nghề Huệ Lai phát triển bền vững.
 
Làng nghề trạm vàng bạc Huệ Lai
Người thợ đang chăm chú tạo ra sản phẩm vừa ý khách hàng
 
 
Từ những việc làm hiệu quả của làng nghề, cùng với sự nỗ lực vươn lên của chính người dân Huệ Lai, năm 2004 vinh dự cho làng nghề trạm vàng bạc Huệ Lai được UBND tỉnh Hưng Yên trao bằng công nhận là “Làng nghề vàng bạc Huệ Lai”. Hy vọng rằng trong tương lai làng nghề vàng bạc Huệ Lai tiếp tục phát triển một cách bền vững, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân nơi đây, góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo của tỉnh.

vietnam-destinations.com | Khám phá Việt Nam

Nguồn: Sưu tầm internet.