Tháng 10 năm 1947, trên dòng Lô Giang đã ghi một mốc son chói lọi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam nói chung và của quân và dân tỉnh Phú Thọ nói riêng.
Đó là chiến thắng sông Lô đã bẻ gãy một trong ba gọng kìm quan trọng của thực dân Pháp tấn công lên chiến khu Việt Bắc với âm mưu tiêu diệt cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến của ta đó là Trung ương Đảng và Bác Hồ.
Với tinh thần cảnh giác và chủ động ngăn chặn cuộc tiến công của thực dân Pháp, quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của TW Đảng và Bác Hồ đã chủ động xây dựng phòng tuyến, bố trí trận địa để sẵn sàng đón đánh địch, không cho chúng có đường tháo chạy. Quân và dân ta đã chọn địa điểm xã Chí Đám thuộc huyện Đoan Hùng là nơi quân giặc sẽ tiến từ Việt Trì lên chiến khu Việt Bắc trên dòng sông Lô là địa điểm tổ chức chiến đấu chặn đánh quân Pháp, bẻ gẫy gọng kìm trên đường thuỷ.
“… Sông Lô, sóng ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau núi rừng âm u. Thu ru bến sóng vàng từng nhà mờ biếc chìm một màu khói thu…”
Tượng đài chiến thắng sông Lô ngày nay.
Thời gian đã trôi qua nhưng chiến công lịch sử trên dòng sông Lô vẫn còn mãi với bản trường ca Sông Lô bất hủ của nhạc sỹ tài hoa Văn Cao như vẫn âm vang mãi mãi cùng dân tộc; cùng với những địa điểm đã diễn ra những cuộc chiến đấu ác liệt, cam go và sự hy sinh anh dũng của các chiến sỹ quân đội nhân dân Việt Nam. Di tích Tượng đài Chiến thắng sông Lô tại thị trấn Đoan Hùng tỉnh Phú Thọ đã trở thành Di tích LSVH cấp quốc gia tại Quyết định số: 2890/ VH-QĐ ngày 27 tháng 9 năm 1997 của Bộ VHTT (Nay là Bộ VHTTDL) với các địa điểm lịch sử liên quan đến chiến thắng Sông Lô, cụ thể như sau:
1- Ngã ba Đầu Lô: Là nơi diễn ra cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt giữa quân và dân ta với tàu chiến của thực dân Pháp xâm lược. Bến đò nhỏ đã từng đưa các chiến sỹ qua sông năm xưa, nay là cây cầu Đoan Hùng sừng sững ngày ngày người và xe qua lại tấp nập. Hai bên bờ sông, không còn những rừng lau, sậy năm xưa mà là màu xanh ngút ngàn của những vạt ngô, cây trái sum suê với những xóm làng đông vui, trù phú.
2- Khu vực tổ chức trận địa nghi binh năm xưa là dải đất nằm dọc ven làng Hữu Đô bên tả ngạn sông Lô kéo dài 1 km đối diện với trận địa sơn pháo 225 dưới chân núi Đồn và nằm ngay khu vực trung tâm ngã ba sông Lô- sông Chảy. Trên dải đất này, du kích và nhân dân Hữu Đô đã anh dũng chấp nhận hy sinh để lập trận địa pháo binh giả nghi binh, thu hút sự chú ý của quân Pháp nhằm tạo điều kiện cho lực lượng chủ lực tấn công tàu chiến trên sông Lô. Sau thất bại trên sông Lô năm 1947, năm 1949 quân Pháp đã quay lại trả thù đốt cháy đình Hữu Đô và 157 nóc nhà, tàn sát, giết hại dã man dân làng trong biển máu, biển lửa.
3- Địa điểm thả thuỷ lôi giả là khúc sông trông thẳng ra Nhà thờ Lã Hoàng, đối diện bờ bên kia là bãi Chẩy đầu làng Hữu Đô, cách trung tâm ngã ba sông khoảng 1km, cách trận địa pháo thôn Ngọc Chúc khoảng 500 m. Cây đa nhỏ dùng làm nơi buộc dây thả thuỷ lôi, khi ấy còn nhỏ, nay đã trở thành cây đa cổ thụ toả bóng sum suê. Dưới gốc đa này cũng là nơi du kích xã Chí Đám đặt khẩu trung liên phối hợp với bộ đội chặn đánh tàu chiến Pháp trên sông Lô.
4- Nơi đặt khẩu pháo cao xạ 75 ly của Trung đội 200 do Trung đội trưởng Trần Thái Quang chỉ huy nằm sát bờ sông bên hữu, cách bến Xiểng 400m, cách trung tâm ngã ba sông về phía Bắc 800m thuộc thôn Ngọc Chúc, xã Chí Đám. Đây là bờ sông bên lở nên đặt pháo có lợi thế về tầm cao và tầm bắn gần rất thuận lợi cho pháo binh ta bắn tàu chiến chạy trên sông Lô. Trước kia, pháo được đặt dưới gốc cây si, nay cây si đã mất, nơi đây trở thành bãi trồng hoa màu của nhân dân.
5- Nơi đặt khẩu sơn pháo “Lục tỉnh” 75 ly của Trung đội 225 do Trung đội trưởng Lê Văn Oanh chỉ huy nằm sát bờ sông bên hữu, cách chân núi Đồn 300m cách trung tâm ngã ba sông về phía Nam 500m thuộc thôn Hưng Tiến, thị trấn Đoan Hùng. Từ đây nhìn xuống thấy dòng sông Lô chảy ngay dưới chân mình đứng, rất thuận lợi cho việc bắn đón, bắn đuổi tàu chiến trên sông. Trước kia, pháo được đặt sát ngôi đền Hạ gần cây si to, cành xoè ra che kín nguỵ trang rất tốt cho pháo. Đến nay, ngôi đền đã lở xuống sông, chỉ còn nền móng, cây si cũng không còn. Điểm đặt pháo nay là một bờ đất cao sát bờ sông, ngay cạnh con dốc xuống bến đò ngang, có nhiều bụi tre gai rậm rạp.
6- Khu vực dựng Tượng đài chiến thắng sông Lô nằm trên núi Đồn ngay ngã ba sông Lô – sông Chảy có độ cao hơn hẳn so với một số quả đồi xung quanh. Phía Bắc là dòng sông Chảy có cây cầu Đoan Hùng bắc ngang dòng nước lững lờ trôi. Phía Đông là vùng ngã ba sông hiền hoà thơ mộng. Phía Nam là hướng dòng sông Lô chảy xuôi về hạ lưu. Phía Tây là khu dân cư đông đúc của thị trấn Đoan Hùng. Trước Cách mạng tháng 8-1945, núi Đồn là đồn điền của thực dân Pháp. Khi Phát xít Nhật đảo chính Pháp tháng 3-1945, địa điểm này trở thành nơi đồn trú của Nhật. Chính vì vậy, nhân dân địa phương gọi là Núi Đồn. Trong trận đánh lịch sử ngày 24-10-1947, các chiến sỹ Trung đội Pháo 225 đã kéo ngược khẩu sơn pháo “lục tỉnh” lên tận đỉnh núi Đồn để bắn đuổi theo tàu giặc.
Năm 1987, nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày chiến thắng sông Lô, Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phú (nay là UBND tỉnh Phú Thọ và UBND tỉnh Vĩnh Phúc) và UBND huyện Đoan Hùng đã quyết định xây dựng Tượng đài chiến thắng sông Lô để ghi nhớ chiến công hiển hách của quân và dân Phú Thọ nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung, làm nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ con cháu mai sau.
Toàn bộ khu vực di tích tượng đài có diện tích 19.300 m2 . Diện tích mặt bằng quy hoạch xây dựng trên đỉnh núi Đồn là 2.537,5 m2. Quy hoạch di tích được tạo mặt bằng và kè đá mang hình cánh cung cao vút về phía trước trông giống như một con tàu đang lao tới phía dòng sông. Hai bên và phía sau là đường dạo tham quan có lan can thấp. Bên trái xây theo đường cong có những đoạn gấp khúc thể hiện ý nghĩa lịch sử: Chiến thắng sông Lô đã bẻ gãy gọng kìm chiến lược của thực dân Pháp. Đó là những đường cong tượng trưng cho những gọng kìm bị cắt vụn bởi những đoạn thẳng ghép lại. Giữa trung tâm là Tượng đài chiến thắng sông Lô đồ sộ vươn cao giữa trời mây, non nước. Đứng ở đây có thể nhìn bao quát xung quanh cả một vùng rộng lớn của hợp lưu hai con sông Chảy- sông Lô. Tượng đài được xây dựng theo mẫu thiết kế của nhà điêu khắc quân đội Tạ Quang Bạo với hai phần: Tượng và Đài. Đài cao 26 m bên cạnh nhóm tượng cao 7m được làm bằng chất lượng bê tông cốt thép bên ngoài sơn chất kiệu màu giả đồng rất tinh sảo, tạo thế đứng vững chắc cho toàn bộ nhóm tượng trước mưa, nắng và thời gian.
Chân dung 5 bức tượng anh hùng.
Đài chiến thắng mang hình tượng một ngọn lửa cháy bất diệt đang toả lên bầu trời nguồn năng lượng vô tận của chiến thắng sông Lô với chất liệu gò đồng. Thân đài được thiết kế rất nhiều góc cạnh đồ sộ và được ốp bằng những viên gạch nhám có màu hồng nhạt xếp khít với nhau. Trên 4 mặt xung quanh của đài tưởng niệm có trang trí 8 bức phù điêu miêu tả chiến thắng sông Lô và khái quát một số nét tiêu biểu của truyền thống quê hương và con người Đoan Hùng. Mỗi bức phù điêu là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc với những đường nét nghệ thuật điêu khắc công phu được gắn với nhau vô cùng tinh tế. Thứ tự của các bức phù điêu được bố trí như sau:
– Mặt trước bên phải đài gồm 3 bức phù điêu biểu dương sức mạnh của lực lượng vũ trang quân đội nhân dân Việt Nam. Trên cùng là phù điêu một nữ đội viên du kích trang phục gọn ghẽ, tay nắm chắc gậy dài, mắt nhìn thẳng về phía trước. Bức tượng thứ hai ở giữa là một nam đội viên du kích đang trong tư thế sẵn sàng chiến đấu với khẩu súng trường khoác trên vai. Phù điêu dưới cùng thể hiện một đồng chí bộ đội mặc tấm áo trấn thủ, đầu đội mũ cài lá nguỵ trang, tay cầm súng hướng về phía trước.
– Mặt trước bên trái của đài là một bức phù điêu lớn diễn tả quang cảnh của chiến thắng sông Lô. Phần trung tâm là một khẩu đội pháo gồm ba chiến sỹ với hình tượng nòng pháo chĩa thẳng xuống dòng sông. Hai người đang khom lưng đẩy pháo và một người ở tư thế reo mừng, chân xoải rộng như đang chạy, một tay giang rộng, một tay giơ cao khẩu súng trên đầu khuôn mặt đầy vẻ hân hoan phấn khởi. Phía dưới dòng sông là cảnh miêu tả tàu chiến của địch bị cháy, khói bốc ngùn ngụt. Mảng nền phía sau là những mái nhà và những tán lá cọ xoè. Đây là bức phù điêu chủ đạo thể hiện một cách sinh động tầm vóc to lớn của chiến thắng sông Lô.
– Mặt sau bên trái gồm hai bức phù điêu thể hiện truyền thống văn hoá của quê hương Đoan Hùng. Bức phía trên diễn tả một hội vật với hai đô vật ở giữa sới, xung quanh có những người đánh trống cùng với bộ đội và nhân dân cổ vũ, reo hò. Phía sau là mái đình cong cong vút cao dưới trời mây.
– Bức phía dưới là cảnh một lớp bình dân học vụ dưới tán nhiều cây bưởi đang trĩu quả. Những học sinh là đại diện của mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi đang chăm chú học bài và một thầy giáo cầm quyển sách mở rộng, đang say sưa giảng bài.
Mặt sau bên phải đài gồm ba bức phù điêu thể hiện truyền thống chiến đấu dũng cảm, lao động cần cù, chăm chỉ của quân và dân ta. Bức phía trên thể hiện cảnh bộ đội đang cùng nhau kéo pháo lên đỉnh núi. Một anh bộ đội nằm vắt ngang đang lấy thân chèn pháo, biểu tượng truyền thống anh hùng của binh chủng pháo binh.
Bức phía dưới là cảnh những người phụ nữ đang khom lưng cấy lúa trên cánh đồng. Phía xa xa, có những người đang gánh lúa về bên luỹ tre làng.
Có thể nói, tám bức phù điêu nói trên được gắn trên tượng đài chiến thắng sông Lô thể hiện ý nghĩa sâu sắc văn hoá, truyền thống lao động cần cù và tinh thần đấu tranh chống giặc ngoại xâm ngoan cường, dũng cảm để bảo vệ quê hương đất nước. Chiến thắng sông Lô vang dội chính là kết quả, là biểu tượng cụ thể sinh động của những truyền thống quý báu đó. Đây là tác phẩm nghệ thuật tâm đắc nhất, công phu nhất và mang tính biểu đạt rất cao của nhà điêu khắc quân đội, để lại cho hậu thế một công trình nghệ thuật có giá trị.
Nhóm tượng chiến thắng sát với chân đài hướng về dòng sông Lô trong xanh đang hiền hoà trôi xuôi gồm 5 nhân vật tiêu biểu cho các thành phần, các lực lượng đã anh dùng tham gia chiến đấu làm nên chiến thắng sông Lô đi vào lịch sử oai hùng của dân tộc:
– Tượng số 1: (Phía trước bên phải) là một anh bộ đội đang trong tư thế đứng hiên ngang, tay phải giơ cao khẩu súng, tay trái giơ cao về phía trước. Mình mặc áo trấn thủ, bên hông đeo lựu đạn và bao gạo sau lưng, đầu đội mũ cứng, chân đi dép cao su. Đây là pho tượng chủ đạo diễn tả tư thế chiến thắng của người chiến sỹ sông Lô.
– Tượng số 2 (Phía sau bên trái): Là hình tượng anh bộ đội đứng thẳng mặc áo trấn thủ có khoác bao tượng qua người, hai tay nắm chắc khẩu súng trường, tầm mắt nhìn ra xa dòng sông Lô trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.
– Tượng số 3 (ở giữa nhóm tượng): miêu tả hình ảnh một nữ du kích người dân tộc có vóc dáng khoẻ mạnh, đầu chít khăn, áo ngắn, váy buông nếp gấp mềm mại như đang bay trong gió. Một tay cầm chắc gậy dài, mặt hướng thẳng về phía trước trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.
Tượng số 4: Thể hiện một chiến sỹ trẻ đầu đội mũ ca nô, mặc áo trấn thủ có đeo lựu đạn sau lưng. Hai tay ôm quả lựu pháo lớn, chân trái đặt trên bệ pháo.
Tượng số 5: (Sau cùng) là hình ảnh người chiến sỹ đứng trên khẩu pháo đang vươn nòng xuống dòng sông Lô. Tay trái nắm chặt để trên bệ pháo, tay phải cầm mũ vẫy cao đầy vẻ hân hoan mừng vui, áo phanh trần bay trong gió để lộ lồng ngực trần khoẻ mạnh tràn đầy sức sống.
Hai bên tượng đài là hai biểu tượng thân tàu và những đợt sóng vút cao nhằm thể hiện hình tượng lịch sử: Con tàu chiến thắng chở sức mạnh tổng hợp của dân tộc Việt Nam đang rẽ sóng ra khơi theo dòng chảy của lịch sử.
Toàn bộ nhóm tượng đài được dựng trên diện tích đất mang hình mũi của một con tàu đang chuẩn bị hướng xuống dòng sông lao tới. Nền của các pho tượng được lát đá cẩm thạch sạch, đẹp và bền vững.
Phía dưới ngang chừng núi Đồn là nhà trưng bày sưu tập các hiện vật của chiến thắng sông Lô nhằm phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu và giáo dục truyền thống yêu nước phục vụ khách tham quan trong nước và quốc tế.
Khu Di tích Tượng đài Chiến thắng sông Lô là công trình lịch sử văn hoá ấn tượng và hoành tráng mang đậm sức biểu cảm nói lên ý nghĩa to lớn về một chiến thắng lẫy lừng, là niềm tự hào của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp xâm lược. Đây là di tích quý giá trong việc giáo dục các thế hệ trẻ về truyền thống dựng nước và giữ nước của quân và dân Phú Thọ nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung để dân tộc ta vững bước đi lên trên chặng đường đổi mới và xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.
Nguồn: Sưu tầm internet.