Nằm bên đường quốc lộ 5, cách thành phố Hải Dương 15km về phía Bắc, thuộc xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương), văn miếu Mao Điền được biết tới là một trong số ít văn miếu hàng tỉnh còn tồn tại ở Việt Nam. Lịch sử của văn miếu bắt đầu từ hơn 500 năm về trước.
Dưới triều vua Lê Thánh Tông, triều đình cho mở thêm một số trường học nữa ngoài trường Quốc Tử Giám ở kinh thành để đẩy mạnh phát triển Nho giáo. Ở xứ Đông (gồm toàn bộ tỉnh Hải Dương, thành phố Hải Phòng, huyện Đông Triều của Quảng Ninh) văn miếu Mao Điền được xây dựng vừa làm nơi thờ các bậc tiên hiền Nho học vừa làm trường thi của vùng.
Từ giữa thế kỷ 15 cho đến khoa thi cuối cùng của nhà Nguyễn, nơi đây trở thành nơi thi hương của vùng trấn Hải Dương. Đặc biệt trong thời Mạc (1527-1593) đã bốn lần tổ chức thi đại khoa ở Mao Điền.
Ngay từ khi mới xây dựng văn miếu Mao Điền đã là một công trình có kiến trúc văn hóa uy nghi, bề thế. Đi trên quốc lộ 5 theo hướng Hải Dương – Hà Nội, ngay từ xa ta đã có thấy Tam quan đồ sộ của văn miếu Mao Điền nằm giữa cánh đồng lúa rộng mênh mông.
Qua Tam quan là cây gạo cổ thụ hơn 200 tuổi in bóng xuống hồ nước xanh mát làm tôn lên vẻ trang nghiêm, tĩnh mịch cho văn miếu. Theo nhân viên của ban quản lý di tích cho biết, tương truyền cây gạo này được trồng vào năm Cảnh Thịnh thứ 9 (1801), thời điểm tái thiết văn miếu trấn Hải Dương.
Cây gạo cổ thụ hàng trăm năm tuổi trong khuôn viên văn miếu Mao Điền.
Hai bên tả, hữu trước dãy điện thờ chính là lầu chuông Đồng nặng 1042 kg đường kính miệng 115cm, cao 150cm, lầu trống Đại có miệng 150cm, chu vi tang trống 565cm, dài 188cm. Lầu chuông, lầu trống được thiết kế theo phong cách truyền thống hai tầng tám mái toàn bằng gỗ lim, tuy giản dị nhưng lại rất mềm mại, uyển chuyển.
Nguồn: Sưu tầm internet.