Việt Nam là đất nước trên dải đất hình chữ S, nằm ở trung tâm khu vực Đông Nam Á, ở phía đông bán đảo Đông Dương, phía bắc giáp Trung Quốc, phía tây giáp Lào, Campuchia, phía đông nam trông ra biển Đông và Thái Bình Dương. Bờ biển Việt Nam dài 3 260 km, biên giới đất liền dài 4 510 km. Trên đất liền, từ điểm cực Bắc đến điểm cực Nam (theo đường chim bay) dài 1 650km, từ điểm cực Đông sang điểm cực Tây nơi rộng nhất 600km (Bắc bộ), 400 km (Nam bộ), nơi hẹp nhất 50km (Quảng Bình).
Địa hình Việt Nam có núi rừng chiếm khoảng 40%, đồi 40% và độ che phủ khoảng 75% diện tích đất nước. Có các dãy núi và cao nguyên như dãy Hoàng Liên Sơn, cao nguyên Sơn La ở phía bắc, dãy Bạch Mã và các cao nguyên theo dãy Trường Sơn ở phía nam. Mạng lưới sông, hồ ở vùng đồng bằng châu thổ hoặc miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Đồng bằng chiếm khoảng 1/4 diện tích, gồm các đồng bằng châu thổ như đồng bằng sông Hồng, sông Cửu Long và các vùng đồng bằng ven biển miền Trung, là vùng tập trung dân cư. Đất canh tác chiếm 17% tổng diện tích đất Việt Nam.
Chính thức là tiếng Việt (ngôn ngữ của người Việt (người Kinh)). Đây là tiếng mẹ đẻ của khoảng 85% dân cư Việt Nam, cùng với gần ba triệu Việt kiều ở hải ngoại, mà phần lớn là người Mỹ gốc Việt. Tiếng Việt còn là ngôn ngữ thứ hai của các dân tộc thiểu số tại Việt Nam. Mặc dù tiếng Việt có nguồn từ vựng vay mượn từ tiếng Hán và trước đây dùng chữ Hán (chữ Nho) để viết, sau đó được cải biên thành chữ Nôm, ngày nay tiếng Việt dùng bảng chữ cái Latinh, gọi là chữ Quốc Ngữ, cùng các dấu thanh để viết...
Sân khấu dân gian có nhiều hình thức và tồn tại lâu đời như hát chèo, hát tuồng, múa rối nước...và mới hơn như cải lương, kịch dân ca. Chèo là hình thức kể chuyện bằng sân khấu, lấy sân khấu và diễn viên làm phương tiện giao lưu với công chúng. Nội dung của các vở chèo lấy từ truyện cổ tích, truyện Nôm, mang giá trị hiện thực và tư tưởng sâu sắc, đồng thời thể hiện tính dân tộc Việt. Sân khấu chèo đơn giản, với các diễn viên có thể không chuyên, biểu diễn ngẫu hứng...