Đặc điểm: đình Dồng Dụ được xây dựng trên một khu đất cao mặt chính quay hướng Tây với một không gian rộng thoáng đãng, có cây cổ thụ trên dưới 300 năm.
Theo bản ngọc phả của các vị đại vương được dân làng Đồng Dụ thờ cúng: dưới triều Trần Thuận Tông (1388 – 1398), niên hiệu Quang Thái có người họ Nguyễn tên Đại Phạm, quê huyện Hoa Phong, xứ Hải Đông kết duyên vợ chồng với Đỗ Thị Uyển người trang Đồng Dụ. Vợ chồng ăn ở với nhau rất hòa thuận, sau 3 năm sinh được người con trai. Mấy năm liền sau đó lại sinh được 5 người con trai nữa. Người con trai cả vì được sinh dưới gốc cây thông nên được đặt tên là Ba Tùng, con thứ hai là Trọng Bách, tiếp đến Trọng Minh, Trọng Mẫn. Hai người con cuối cùng được hai vợ chồng đặt tên là Quý Hồng, Quý Nghị.
Di tích đình Đồng Dụ
Để thỏa điều mơ ước lúc tuổi xanh, làm nên quan sang, áo gấm vinh quy, Đại Phạm từ biệt vợ con lên trọ học tại phường Báo Thiên ở kinh đô Thăng Long. Sau những năm dùi mài kinh sử, năm Quang Thái thứ 9 (1397), ông đỗ đầu trong kỳ thi Đình. Đại Phạm được bổ chức Thừa Tuyên phủ Nam Sách, trấn Hải Dương, sau hai năm lại được thăng chức An phủ sứ Hóa Châu.
Trong thời gian làm quan, ông rộng rãi, công bằng, coi dân như ruột thịt, đối xử với mọi người hòa nhã. Vùng đất ông trông coi không có nạn trộm cắp, dân chúng được an cư lạc nghiệp. Vua rất coi trọng, cho ông được thu tô thuế của một xã. Từ đó, dân Đồng Dụ ai nấy đều thấm nhuần ơn đức của ông, nhà nào của cải cũng dư thừa, đất đai màu mỡ. Bấy giờ, có người quý tộc ngoại thích nhà Trần là Hồ Quý Ly mưu toan nắm quyền binh về tay minh. Năm Kỷ Mão, niên hiệu Kiến Tân thứ hai (1399), Quý Ly giành ngôi nhà Trần, xưng đế, đặt quốc hiệu là Đại Ngu. Triều thần nhiều người bất bình, bỏ chức không làm quan với nhà Hồ nữa. Đại Phạm lánh về quê Đồng Du, than rằng: “bày tôi trung không thờ hai vua”.
Di tích đình Đồng Dụ được Nhà nước xếp hạng năm 1991. Ngày nay, di tích lịch sử đình Đồng Dụ được nhiều khách du lịch thập phương biết và tìm đến tham quan dâng hương tại khu di tích này.
Nguồn: Sưu tầm internet.