Qua các đợt khai quật, nhiều loại hình di tích và hàng ngàn hiện vật đã được tìm thấy như: đồ gốm; công cụ sản xuất; vũ khí; đồ trang sức; đồ dùng sinh hoạt bằng đá, bằng đồng; xương sừng; tượng hình tròn, hình động vật được nặn bằng đất nung… Ngoài ra còn phát hiện có nhiều hạt lúa gạo cháy thuộc từ lớp văn hóa Phùng Nguyên – chứng tỏ nghề trồng lúa nước và chăn nuôi đã có từ rất sớm ở buổi đầu dựng nước của các Vua Hùng.
Đợt I: Từ tháng 11 năm 1965 đến tháng 3 năm 1966, Viện khảo cổ học đã tiến hành khai quật lần thứ nhất tại di tích Đồng Đậu. Đợt khai quật này được thực hiện với hai mục đích. Thứ nhất là để tìm hiểu về diễn biến địa tầng, tính chất, niên đại, chủ nhân, đặc trưng của di tích. Thứ hai, kết quả khai quật sẽ góp phần vào nghiên cứu giai đoạn hậu kỳ thời đại đồ đá, thời đại đồ đồng và sơ kỳ thời đại đồ sắt.
Trong tầng văn hóa dày từ 2,6 – 3,2m, các nhà khảo cổ học đã phát hiện nhiều di tích như: bếp, nền đất đắp, mộ cổ, hố đào…Đặc biệt là đã thu được một sưu tập di vật gồm trên 800 hiện vật. Trong đó, đồ đá có: rìu, bôn, đục, dao, chày, bàn nghiền, bàn đập, bàn mài, vòng trang sức, hạt chuỗi,; đồ đồng có: rìu, đục, dùi, cán dao, mũi tên, lưỡi câu, dây, kim cùng nhiều sỉ đồng; đồ gốm có: nồi, vò, chậu, bát, bình, chân chạc, dọi se chỉ; bi, tượng động vật bằng đất nung… Ngoài ra còn phát hiện những mảnh gốm mang những đặc trưng văn hóa khác nhau.
Qua diễn biến của tầng văn hóa và các hiện vật khai quật được, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy tầng văn hóa có những diễn biến khác nhau, hiện vật trong lớp văn hóa cũng có những sự khác biệt. Nhưng đáng chú ý là đồ gốm ở đây (từ loại hình đến hoa văn) đều có quan hệ với nhau, đồ gốm của lớp văn hóa trên giống đồ gốm lớp văn hóa dưới, gốm lớp trên là sự phát triển của gốm lớp dưới.
Kết quả của đợt khai quật lần thứ nhất này đã giúp chúng ta hiểu được bước đầu về di tích này, đồng thời đóng góp một khối tư liệu quan trọng để nghiên cứu về thời đại kim khí.
Đợt II: Do ông Lưu Trần Tiêu và ông Phạm Văn Kỉnh – cán bộ Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) tiến hành, cuộc khai quật được diễn ra từ cuối tháng 4 tới tháng 6 năm 1967. Khai quật đợt này cho thấy: Trong tầng văn hóa “rất dày” đã phát hiện được nhiều hiện vật và các dấu tích hoạt động khác của con người. Đặc biệt là lần đầu tiên thấy dấu vết lò đúc đồng, bên cạnh đó là 3 khuôn đúc rìu còn khá nguyên vẹn. Hiện vật thu được cũng rất phong phú. Đồ đá có rìu, bôn, qua, dao, hạt chuỗi và vòng. Đồ xương có mũi nhọn, dao. Đồ đồng có đục, dùi, mũi tên. Đồ gốm có dọi xe chỉ và nhiều mảnh đồ gốm các loại.
Đợt khai quật lần thứ hai này đã phát hiện thêm một số di tích, di vật mới như: vết tích lò nấu đồng, qua đá, dao đá…
Đợt III: Tháng 12 năm 1968 đến tháng 5 năm 1969, Viện khảo cổ học trở lại khai quật di tích Đồng Đậu với mục đích làm rõ hơn các vấn đề khoa học được nêu ra trong đợt khai quật lần trước về sự phân bố các lớp đất, các tầng văn hóa, về sự phát triển của các di vật cũng như mối quan hệ từ giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên đến giai đoạn văn hóa Gò Mun. Đây là cuộc khai quật có quy mô lớn nhất. Trong quá trình khai quật đã có nhiều cán bộ văn hóa, khoa học, giáo dục, hoạt động chính trị đến hiện trường tham quan, nghiên cứu. Đặc biệt là thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đến tham quan.
Toàn cảnh hố khai quật tại di tích Đồng Đậu, năm 1969
Trong đợt khai quật này, đã phát hiện được rất nhiều di tích như nền đất sét vàng, bếp, hố đào và lần đầu tiên phát hiện ra mộ táng tại di tích Đồng Đậu. Mộ được chôn trong khu vực cư trú, sát bề mặt sinh thổ. Di vật phát hiện được không chỉ nhiều về số lượng mà còn rất phong phú, đa dạng về chất liệu và loại hình.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm công trường khai quật tại di tích Đồng Đậu năm 1969
Qua những lớp đất từ giai đoạn sớm đến giai đoạn muộn, qua các di tích và di vật, các nhà nghiên cứu khảo cổ đã xác định rõ ràng sự phát triển liên tục của 3 tổ hợp văn hóa, khởi đầu từ Phùng Nguyên qua Đồng Đậu đến Gò Mun. Nhờ những phát hiện này chúng ta có thêm những căn cứ chắc chắn chứng minh cho nền văn hóa dân tộc ta là nền văn minh có nguồn gốc từ lâu đời và mang tính bản địa.
Đợt IV: Từ tháng 3 đến tháng 5 năm 1984, Ban kim khí thuộc Viện khảo cổ học và ông Nguyễn Anh Tuấn – cán bộ Bảo tàng Phú Thọ đã tiến hành khai quật. Với mục đích để thu thập thêm tư liệu nhằm làm sáng tỏ những mặt cơ bản của nền văn minh Việt cổ thời dựng nước.
Kết quả khai quật cho thấy sự định cư của cư dân Đồng Đậu là liên tục và khá lâu dài. Trong tầng văn hóa đã phát hiện được nhiều di tích hố cột, nền nhà, hố đào, bếp lò, lò đúc đồng và phát hiện được 2 ngôi mộ, một ngôi thuộc giai đoạn Gò Mun, một mộ thuộc giai đoạn Đông Sơn. Mộ thuộc giai đoạn Gò Mun được chôn trên nền đất sét vàng nện khá chặt, cẩn thận. Đặc biệt là khu chế tạo đồ đồng riêng với khu sinh hoạt, bếp lửa. Di vật trong tầng văn hóa cũng khá phong phú. Ngoài ra cũng đã tìm thấy một số vết tích của nghề luyện kim ở lớp văn hóa Phùng Nguyên. Qua những tư liệu thu thập, qua đợt khai quật này và các đợt khai quật trước đó đã chứng minh thuyết phục là nghề luyện kim thực sự mang tính bản địa. Ngoài ra còn tìm thấy chững tích xác thực của nghề nông nghiệp trồng lúa, chăn nuôi và nghề làm vườn với những hạt thóc cháy, xương động vật và hạt các loại cây ăn quả.
Đợt V: Tháng 3 năm 1987, Bộ môn Khảo cổ học, thuộc Khoa Lịch sử trường Đại học Tổng hợp (nay là trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) phối hợp với sở Văn hóa Thông tin, Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc đã tiến hành khai quật. Đợt khai quật này đã làm rõ hơn diễn biến tầng văn hóa ở Đồng Đậu. Kết quả phân tích tài liệu gốm của đợt khai quật này đã cho thấy 2 lớp trung gian chuyển tiếp từ văn hóa Phùng Nguyên sang văn hóa Đồng Đậu và từ văn hóa Đồng Đậu sang văn hóa Gò Mun. Ngoài ra đợt khai quật này đã cung cấp thêm bằng chứng cho thấy nghề đúc đồng đã xuất hiện từ lớp văn hóa sớm nhất.
Đợt VI: Ngày 12 tháng 11 đến 30 tháng 12 năm 1999. Viện bảo tàng Lịch sử Việt Nam ( nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) đã phối hợp với Sở Văn hóa Thông tin Thể thao và Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc tiến hành khai quật. Với mục đích tìm hiểu sâu hơn về di tích văn hóa Đồng Đậu nhằm hoàn thiện hồ sơ tiến tới đề nghị Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng Quốc gia cho di tích Đồng Đậu và bổ sung thêm sưu tập hiện vật cho công tác trưng bày của Bảo tàng.
Rìu, bôn bằng đá phát hiện tại di tích khảo cổ học Đồng Đậu năm 1999
Các hiện vật bằng đồng phát hiện tại di tích khảo cổ học Đồng Đậu năm 1999
Kết quả khai quật và thám sát cho thấy kết cấu địa tầng của các hố ở Gò Đồng Đậu khá giống nhau về quá trình hình thành và nội dung văn hóa. Đặc biệt trong lớp văn hóa sát sinh lớp sinh thổ đã phát hiện 2 mộ táng, trong đó một mộ di cốt còn khá nguyên vẹn. Di vật thu được ở đây cũng rất phong phú. Đồ đá có rìu, bôn, đục, dao, bàn đập, bàn mài, mảnh khuôn đúc, mũi tên, hòn kê, vòng, khuyên tai, hạt chuỗi, mảnh tước, lỗi vòng. Đồ đồng có 6 đồng tiền niên hiệu “Khai nguyên thông bảo” được phát hiện trong hố thám sát, ngoài ra cón có mũi dùi, mũi tên, lao, lưới câu, chuôi…Đồ xương có mũi tên, lao, mũi nhọn, mảnh vòng, bùa, vật sừng hình chữ Y. Đồ gốm có nồi, bát, bình, dọi se chỉ, bàn dập hoa văn, bi gốm, tượng động vật, lõi khuôn, chạc gốm và các mảnh gốm vỡ. Dấu tích động thực vật phát hiện được trong đợt khai quật này rất đa dạng về chủng loại.
Có thể nói kết quả khai quật lần thứ sáu này đã giúp chúng ta hiểu toàn diện hơn về di tích khảo cổ học Đồng Đậu. Diễn biến địa tầng với các lớp văn hóa sớm muộn kế tiếp nhau chứa đựng các dấu tích của người xưa cùng với các loại hình hiện vật càng khẳng định di tích Đồng Đậu là một di tích tiền Đông Sơn rất quan trọng, là nơi cư trú lâu dài và liên tục của người Phùng Nguyên – Đồng Đậu – Gò Mun. Đặc biệt, việc phát hiện, nghiên cứu những mộ táng, các dấu tích động thực vật, cũng như việc xác định niên đại đã làm rõ hơn các vấn đề về chủ nhân, môi trường sống và niên đại của di tích. Niên đại của văn hóa Đồng Đậu được các nhà nghiên cứu thống nhất cho rằng trong khoảng 3500 – 3000 năm cách ngày nay.
Các hiện vật gốm được phát hiện tại di tích khảo cổ học Đồng Đậu năm 1999
Di cốt người thuộc lớp Văn hóa Phùng Nguyên
phát hiện tại di tích khảo cổ học Đồng Đậu năm 1999, lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc
Di tích Đồng Đậu đã phát hiện và nghiên cứu cho ta thấy, tuy diện tích khai quật còn nhỏ so với qui mô diện tích. Nhưng nguồn tư liệu thu thập từ các đợt khai quật, thám sát rất đồ sộ và phong phú. Nguồn tư liệu đã giúp chúng ta từng bước phác họa bức tranh đa diện, sinh động về một làng cổ thời Hùng Vương. Đặc biệt nhờ khối tư liệu thu thập được ở di tích Đồng Đậu, các nhà khoa học đã phục dựng được chân thực, khách quan, khoa học con đường phát triển của các nền văn hóa tiền Đông Sơn ở lưu vực sông Hồng.
Nguồn: Sưu tầm internet.