Vài nét về Ghềnh Ráng – Tiên Sa
Nằm ở phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn, Ghềnh Ráng – Tiên Sa nằm cách trung tâm thành phố khoảng 3km về phía Đông-Nam. Điểm đặc biệt của nơi đây chính là quần thể những bãi đá nằm liền kề nhau và những bãi đá tập trung theo đường cong của eo núi Xuân Vân. Nhờ vào vẻ đẹp độc đáo mà Ghềnh Ráng đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là di tích quốc gia.
Sự tích về cái tên Ghềnh Ráng – Tiên Sa
Nói tới khu du lịch Ghềnh Ráng Bình Định bạn sẽ biết thêm về một sự tích được lưu truyền cho đến tận bây giờ về địa điểm này. Truyền thuyết kể về một người con gái nổi tiếng vừa đẹp người vừa đẹp nết, xinh xắn lại thùy mị nết na. Nàng đem lòng yêu một chàng trai trong làng, hai người yêu nhau thắm thiết, cho đến một ngày viên quan huyện nhìn thấy nàng và bị sắc đẹp của nàng mê hoặc, hắn cho người theo dõi và tìm mọi cách để chiếm đoạt được nàng. Nhưng nàng không hề yêu hắn, để giữ trọn được lòng thủy chung với người mình yêu, nàng khóc lạy cha mẹ và từ giã chàng trai rồi chạy trốn khỏi làng đến Quy Nhơn. Tên quan huyện thấy thế sai quân lính đuổi theo, khi đến Ghềnh Ráng – tên này do ngư dân đặt vì nơi này có nhiều ghềnh, khi tàu bè qua khu vực này thì thủy thủ phải làm sao cho giảm gió trong buồm đi để thuyền đi chậm lại nếu không dễ bị nước ngập vào tàu, trong nghề đi biển thao tác ấy gọi là ráng, tên Ghềnh Ráng từ đó mà ra – trời bỗng nổi sấm chớp, dông bão rất lớn làm núi đá bị nứt một khe lớn rồi cô gái biến mất tăm. Khi trời dừng bão và quang đãng trở lại thì khe núi ấy lại biến thành một dòng suối uốn lượn bên sườn núi.
Còn về phía chàng trai, khi hay tin người yêu mình bị mất tích nên đã chạy đi tìm kiếm khắp nơi, khi tới Ghềnh Ráng vào đêm tối chàng chỉ thấy hình ảnh của cô gái thoắt ẩn thoắt hiện, lúc thì mập mờ giữa làn sóng biển, lúc thì thướt tha trên rừng. Cũng kể từ đó, không biết chàng trai có theo cô gái không nhưng cứ khi nào chớp sáng lóe lên trên Ghềnh Ráng, người ta sẽ nghĩ cô gái trở về thăm người yêu năm xưa của mình. Có thể đó chính là lý do nơi đây còn được gọi là Ghềnh Ráng – Tiên Sa.
Những địa điểm nổi tiếng ở khu du lịch Ghềnh Ráng – Tiên Sa
Bãi tắm Hoàng Hậu (Bãi Đá Trứng)
Bãi Đá Trứng được tuyên truyền là nơi mà Nam Phương hoàng hậu, vị hoàng hậu cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam đã ưu ái lựa chọn làm bãi tắm riêng. Những bãi đá hình trứng kì ảo tập trung rất nhiều ngay dưới những vách núi tạo nên một khung cảnh đẹp và lạ đến ngỡ ngàng.
Bãi tắm Hoàng Hậu (Ảnh: ST)
Không chỉ đắm mình trong làn nước mát lành mà bạn còn được trải qua cảm giác giẫm bàn chân trần lên trên những viên đá tròn, nhẵn giống như trứng chim, một cảm giác man mát, dễ chịu chạy dọc khắp cơ thể, hay ngồi trên một viên đá thật lớn và quan sát khung cảnh xung quanh, thả mình trong thiên nhiên bao la, tươi đẹp mới thú vị làm sao. Nếu được bạn bè, người thân hỏi thăm về điểm đến hấp dẫn ở Bình Định thì bạn hãy giới thiệu khu du lịch Ghềnh Ráng và chắc chắn không thể thiếu cả bãi tắm Hoàng Hậu xinh đẹp này với những trải nghiệm vô cùng tuyệt vời.
Bãi Tiên Sa
Được ví như một phiên bản Nha Trang thu nhỏ ở Quy Nhơn, bãi Tiên Sa cũng là nơi nổi tiếng xinh đẹp với những hàng thông xanh ngắt ngút ngàn hòa cùng màu trắng xóa của bờ cát và màu xanh của làn nước. Đặt chân đến nơi đây, bạn sẽ không còn phải thắc mắc tại sao bãi tắm này lại được gọi bằng một cái tên rất mĩ miều là Tiên Sa khi chiêm ngưỡng cảnh đẹp đến nao lòng của thiên nhiên đất trời giao hòa với sông núi nơi đây.
Khung cảnh đẹp nhìn từ xa (Ảnh: ST)
Từ bãi Tiên Sa leo lên đỉnh Ghềnh Ráng để phóng tầm mắt ra xa nhìn cảnh biển Quy Nhơn đẹp đến mê hồn, mặt biển xanh thăm thẳm, những ngọn núi xanh bao quanh, bầu trời cao rộng xanh biêng biếc, tất cả tại nên bức tranh sơn thủy hữu tình. Ngoài ra nằm dài trên bãi biển và nhìn lên bầu trời đêm đầy những ánh sao lấp lánh cũng rất đẹp và thơ mộng đó.
Ngôi mộ thi sĩ Hàn Mạc Tử
Hẳn nhiều người cũng biết rằng, Hàn Mạc Tử đã có những năm tháng cuối đời tại miền đất Bình Định, nơi ông sống là trại phong Quy Hòa, cũng là nơi ông phải chịu những nỗi đau đơn khôn nguôi do căn bệnh phong quái ác mang lại và cũng từ đây mà những áng thơ bất hủ của ông đã ra đời. Để tưởng niệm một nhà thơ tài ba của Việt Nam, khu mộ Hàn Mạc Tử được xây dựng và trùng tu thường xuyên ngay tại khu vực Ghềnh Ráng – Tiên Sa này.
Khu mộ thi sĩ Hàn Mạc Tử (Ảnh: ST)
Giá vé khu du lịch Ghềnh Ráng để tham quan mộ của Hàn Mặc Tử là 10.000 đồng/người. Đến với nơi đây, ngoài việc được ngắm cảnh, bạn còn có cơ hội đến thăm khu mộ một thi sĩ rất nổi tiếng trong làng thơ Mới Việt Nam với những vần thơ đắm đuối và bí ẩn.
Nhà thờ Ghềnh Ráng
Nhà thờ đá nằm khuất phía dưới ở phía đối diện khu mộ thi sĩ Hàn Mạc Tử nên ít được biết đến hơn. Tuy nhiên, du khách sẽ khá bất ngờ với lối kiến trúc đẹp, cổng gỗ đơn sơ, không gian bên trong xanh mát của khu nhờ thờ này. Bước vào đây, ngoài được tìm hiểu thêm về kiến trúc các nhà thờ giáo phật còn có thể cảm nhận khung cảnh yên bình và ấm áp, đơn giản và hài hòa bên trong.
Nhà thờ Ghềnh Ráng (Ảnh: ST)
Nhà thờ được khởi công xây dựng vào tháng 2 năm 1963, đến tháng 8 năm 1964 thì được khánh thành do Linh mục Phạm Châu Diên là người đứng ra xây dựng. Trải qua nhiều năm tháng, nhà thờ được trùng tu tái thiết lại vào năm 2007. Không gian đẹp từ ngoài vào trong, với cách thiết kế trong không gian nhỏ hẹp nhưng vẫn cho bạn sự yên bình, bên trong bài trí đơn giản với ánh sáng soi từ những ô kính ở hai bên tường, bên ngoài bố trí khá hài hòa khiến cho du khách đều cảm nhận được sự thanh bình, gần gũi, thân thiện của nhà thờ trong tổng thể khu du lịch Ghềnh Ráng Quy Nhơn.
Dạo qua một vòng đủ thấy những điểm đến vô cùng đẹp mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho vùng đất võ này cũng như điểm đến do chính con người tạo dựng nên rồi đúng không nào. Hãy nhớ ghé tới tham quan khu du lịch Ghềnh Ráng để tận mắt chứng kiến cảnh sắc nơi đây cũng như có cho mình những hiểu biết mới để thêm yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam, bạn nhé!
Nguồn: Sưu tầm internet.