(NLĐO) – Tọa lạc trên địa bàn thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, thành Hoàng Đế (hay còn gọi là thành Đồ Bàn) là một trong những di tích lịch sử có kiến trúc đặc biệt gắn với hai triều đại vương quốc Champa và Tây Sơn.
Mảnh đất nhiều thăng trầm
Cuối thế kỷ thứ X, đầu thế kỷ XI, khi dời đô từ Đồng Dương (Quảng Nam) về phía Nam, vương triều Champa đã quyết định chọn Đồ Bàn (nay thuộc địa bàn xã Nhơn Hậu và phường Đập Đá, thị xã An Nhơn) làm kinh đô mới, do Chiêm vương Ngô Nhật Hoan xây dựng. Văn bia Champa gọi là kinh đô Vijaya, sử Việt thời Lê gọi là thành Chà Bàn, còn sử liệu sau này gọi là thành Đồ Bàn.
Bờ móng thành Hoàng Đế sau khai quật
Từ đó đến cuối thế kỷ 15, thành Đồ Bàn trở thành trung tâm chính trị, quân sự, văn hóa, tôn giáo, kinh tế phồn thịnh của vương quốc Champa. Năm 1471, sau khi vua Lê Thánh Tông đem quân chinh phục Champa, đã sát nhập vùng đất Bình Định vào lãnh thổ của Đại Việt. Lúc này, thành Đồ Bàn không còn giữ được vai trò là kinh đô của vương quốc Champa.
Lăng mộ Võ Tánh trong thành Hoàng Đế được lập sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi
Đến thế kỷ 18, khi cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn nổ ra, thành Đồ Bàn xưa được Nguyễn Nhạc chọn làm đại bản doanh. Sau đó, tại tòa thành này, Nguyễn Nhạc lên ngôi Hoàng Đế, lấy niên hiệu là Thái Đức. Từ đây, thành Đồ Bàn chính thức mang tên thành Hoàng Đế và trở thành kinh đô của chính quyền Trung ương Hoàng Đế Thái Đức – Nguyễn Nhạc.
Năm 1802, triều đại Tây Sơn sụp đổ, Nguyễn Ánh lên ngôi, đặt niên hiệu là Gia Long, đóng đô ở Phú Xuân (Huế). Năm 1805, nhà Nguyễn cho lập lăng Võ Tánh ngay trên nền điện Bát Giác của thành Hoàng Đế và dùng lầu Bát Giác làm nơi hương khói gọi là Bát Giác lầu.
Những kiến trúc nét điêu khắc cổ xưa vẫn còn lưu lại ở thành Hoàng Đế
Đến năm 1815, nhà Nguyễn cho triệt hạ hết các cung điện cũ của thành Hoàng Đế, dỡ đá ong của thành cũ mang đi xây thành mới, trừ lầu Bát Giác được sửa sang lại làm Đền Song Trung thờ Võ Tánh và Ngô Tùng Châu (sau này còn có tên gọi là Đền Chiêu Trung).
Địa thế quân sự đặc biệt
Những năm qua, khảo cổ học đã khai quật bóc tách, nhờ vậy diện mạo kiến trúc thành Hoàng Đế cũng như thành Đồ Bàn đã dần được phát lộ. Theo đó, thành Hoàng Đế nguyên là một tổng thể kiến trúc hình chữ nhật, gồm ba vòng thành: Thành Ngoại, Thành Nội và Tử Cấm Thành. Thành ngoại có chu vi 7.400m, hiện nay phần còn lại của tường thành cao từ 3 – 6m, trên mặt bờ thành phía Nam còn lưu giữ hai thanh đá cắm thẳng đứng cao 3m.
Bờ thành Hoàng Đế sau này được xây lại bằng đá ong
Thành nội còn được gọi là Hoàng Thành, có hình chữ nhật, với chu vi 1.600m, dài 430m, rộng 370m. Những dấu vết còn lại cho thấy tường thành được xây bằng đá ong và đắp đất, có 3 cửa ở 3 mặt Nam, Đông, Tây, cửa chính hướng về phía Nam gọi là cửa Tiền. Trước cửa Tiền hiện còn hai tượng voi đá gồm một voi đực và một voi cái. Voi cái cao 1,7m, dài 2,2m, thân rộng 0,7m tạc trong tư thế tĩnh, mang bành và đồ trang sức thể hiện những yếu tố của nghệ thuật Champa. Voi đực cao 2m, dài 2,2m, thân rộng 1m, tạc trong tư thế động, vòi uốn cong như đang nhổ một vật gì đó. Đây được cho là hai tượng voi thể hiện dạng tượng tròn có kích thước lớn nhất của người Champa hiện còn.
Bên trong Thành nội là Tử Cấm Thành cũng có hình chữ nhật với chu vi 600m, dài 174m, rộng 126m, cửa chính quay về hướng Nam, gọi là Nam Lâu. Tường thành đắp đất và đá ong hai mặt dày 1,5m, bờ tường cao nhất hiện còn khoảng 3m. Nơi đây hiện còn lưu giữ 3 tượng sư tử đá có niên đại từ thế kỷ XII; hai hồ bán nguyệt (thủy hồ) dài 17m, rộng 10m và sâu 1,6m; lầu Bát Giác và khu lăng thờ hai viên quan nhà Nguyễn chết ở đây là Võ Tánh và Ngô Tùng Châu.
Hồ Bán Nguyệt trong thành Hoàng Đế
Theo tài liệu của Tổng đốc Bình Phú Quan phòng Phan Huy Dũng và Trần Tiến Hối (triều Thành Thái), thành Đồ Bàn dựa vào núi Long Cốt để làm thế vững. Thành hình vuông rộng hơn 10 dặm mở bốn cửa. Xây bằng gạch, rào gỗ, tuy không có hào rãnh mà vẫn kiên cố. Trong thành có các thắng cảnh như tháp Tiên Sí (Cánh Tiên), gác Thiên Lan.
Còn theo sách “Đồ Bàn Ký” của Nguyễn Văn Hiển, thành Đồ Bàn được xây dựng vào trung tâm của nước, tựa vào thế vững của núi Long Cốt, non xanh bày hàng trước mặt, nước biếc uốn réo xung quanh… Bên hữu lấy núi Phong làm lũy, bên tả lấy bể làm hào; núi Cù Mông như rồng cuộn khúc ở phía trước; bến Thạch Tân như cọp hùng cứ ở mặt sau, quả là nơi hiểm trở thiên nhiên.
Không gian hoang sơ còn lưu lại những phế tích lịch sử Thành Hoàng Đế
Với chu vi 7.400m, thành Hoàng Đế được xem là có quy mô lớn nhất trong hệ thống thành cổ Việt Nam còn đến nay. Nơi này được coi là “thắng địa”, có vị trí cao thoáng, lấy núi Mò O làm tiền án phía Đông, núi Tam Sơn làm lá chắn phía Nam, phía Tây là những dải đồi thấp nối tiếp nhau trải dài tạo tấm lá chắn giăng trước lũy.
Ba mặt thành, phía xa là các dòng sông uốn lượn như hào tự nhiên che chắn. Thành được xây dựng trên thế đất hội tụ núi sông liền kề, liên kết điệp trùng, vừa có thế công vừa có thế thủ.
Thành Hoàng Đế còn lưu lại của một thời Champa cổ
Trải qua những năm tháng thăng trầm của lịch sử, hiện nay thành Hoàng Đế vẫn còn lưu giữ nhiều dấu tích của hai vương quốc Champa và Tây Sơn. Các kiến trúc của hai thời kỳ nằm đan xen nhau, tạo nên sự phong phú và nét đặc trưng của di tích, đặc biệt là kiến trúc quân sự. Đây cũng là lý do khiến hai triều đại vương quốc Champa và Tây Sơn quyết định chọn nơi này định đô.
Nguồn: Sưu tầm internet.