Từ nhiều năm nay, cây nhãn đã trở thành một đặc trưng tiêu biểu của Hưng Yên và góp phần tăng giá trị sản xuất nông nghiệp. Hưng Yên hiện còn gìn giữ được nhiều cây nhãn cổ thụ hàng trăm năm tuổi.
Cây nhãn tổ trên 300 năm tuổi ở đình Hiến
Cây nhãn tổ có tuổi thọ hơn 300 năm, tọa lạc tại cụm di tích đình – chùa Hiến, phường Hồng Châu (thành phố Hưng Yên). Xưa kia, nhà bác học Lê Quý Đôn từng thưởng thức và đã miêu tả trong cuốn Phủ biên tạp lục năm 1776: “Mỗi lần bỏ vào miệng thì tận trong răng lưỡi đã nảy ra vị thơm tựa như nước thánh trời cho”.
Cây nhãn tổ ở cụm di tích đình – chùa Hiến |
Tương truyền, cây nhãn tổ là sản vật quý của vùng. Khi xưa, quả của cây nhãn này được các quan địa phương và dân làng dâng cúng Phật, thành hoàng và dâng vua vào mùa nhãn chín nên cây nhãn này còn được gọi là cây nhãn tiến.
Trước đây, thân cây nhãn tổ to khoảng ba người lớn ôm không xuể. Do lâu năm, thân cây nhãn mục rỗng bên trong nên cách đây mấy chục năm, cây bị gãy mất một nửa. Cây nhãn chỉ còn lại một nhánh con, nhánh cây này được nhà chùa và người dân chăm sóc phát triển thành cây “hậu duệ”, hiện diện như một biểu tượng của giống nhãn đặc sản Phố Hiến – Hưng Yên. Hiện nay, cây nhãn này cao khoảng 5 mét, gốc có chu vi khoảng 2 mét.
Đại đức Thích Thanh Sơn, Trụ trì chùa Hiến cho biết: “Hằng năm, cứ vào đầu tháng 7 âm lịch, khi nhãn chín, nhà chùa lại hái quả dâng đức Phật và thành hoàng. Không chỉ vào vụ thu hoạch nhãn mà ngày nào cũng có những du khách khắp nơi trong và ngoài tỉnh tìm đến thăm quan di tích, ngắm nhìn và trầm trồ trước cây nhãn tổ”.
Ngày 10.10.1992, cây nhãn được Hội làm vườn Việt Nam xác định trên 300 năm tuổi. Cây nhãn được vinh danh và bảo vệ nguồn gen gốc để bảo tồn và phát triển, quan trọng hơn, với mỗi người dân Phố Hiến, hình ảnh cây nhãn luôn được lưu giữ trong tâm trí và được truyền lại cho nhiều thế hệ sau để rồi người dân Phố Hiến dù đi xa đến đâu cũng đều nhớ về và muốn giới thiệu sản vật quê hương cho bạn bè gần xa.
Những cây nhãn trăm tuổi ở xã Hồng Nam
Nằm ở thành phố Hưng Yên, xã Hồng Nam được coi là “thủ phủ” của tỉnh với những vườn nhãn ngút ngàn xanh tốt, diện tích lên tới trên 200ha. Thiên nhiên hào phóng ban tặng cho mảnh đất nơi đây phù sa màu mỡ, đã trở thành đất lành cho giống nhãn lồng bén rễ và tồn tại cả trăm năm. Hiện nay, cả xã ước tính còn khoảng 300 – 400 cây nhãn có tuổi thọ trên 100 năm. Trong đó, riêng rặng nhãn cổ ven đê có 155 cây hiện nay đã được gắn biển cây bảo tồn, còn lại là những cây nhãn cổ được trồng trong vườn nhà hoặc đình, chùa, nhà thờ họ… Những cây nhãn to tán lớn, ánh nắng mặt trời khó lọt vào đến gốc trở thành những điểm dừng chân nghỉ ngơi lý tưởng cho những ai đi ngang qua vào buổi trưa hè.
Ông Vũ Duy Hân, Chủ tịch UBND xã Hồng Nam cho biết: “Trải qua thời gian, có nhiều cây nhãn cổ của xã Hồng Nam đã bị mục rỗng thân nhưng chính quyền địa phương và nhân dân vẫn cố công bảo vệ, chăm sóc để gìn giữ cho thế hệ sau nguồn gen nhãn quý. Năm nay, ước tính rặng nhãn cổ của xã cho thu khoảng 75 tấn quả. Không chỉ là nguồn lợi kinh tế, những cây nhãn này còn bảo tồn cho thế hệ sau nguồn gen giống nhãn quý”.
Cây nhãn cổ ở đình làng Tam Nông
Khuôn viên đình làng Tam Nông, xã Hưng Đạo (Tiên Lữ) là nơi tọa lạc của 2 cây nhãn cổ thụ đặc biệt. Hai cây nhãn cổ thụ sừng sững với lớp vỏ cây nhăn nheo, sần sùi, in đậm dấu thời gian. Các cành nhánh chính của cây uốn lượn tựa mình rồng. Tán cây rất rộng, tỏa bóng mát xuống một góc sân đình. Những chồi mới xanh tươi vươn lên từ thân cây già cỗi.
Rặng nhãn cổ của xã Hồng Nam được gắn biển “Cây bảo tồn” |
Theo ông Bùi Xuân Hồi, Trưởng thôn Tam Nông: “Cách đây khoảng 140 năm, ông Lương Đoàn Ứng, là một người dân trong thôn đã trồng hai cây nhãn này ở hai bên cổng đình. Cách đây khoảng 10 năm, một cây nhãn bị mục rỗng thân, nhân dân trong thôn tích cực chăm sóc nên cây tiếp tục phát triển tốt. Hiện nay, để bảo tồn hai cây nhãn cổ, chúng tôi đang tích cực chăm sóc, bón các loại phân hữu cơ, phòng trừ sâu bệnh và nhặt những dây tơ hồng bám trên cây để cây phát triển khỏe mạnh…”.
Năm nay, thời tiết thuận lợi, hai cây nhãn cổ này quả sai trĩu cành, một cây nhãn cho thu trên 400kg quả, một cây cho thu khoảng 140kg quả. Quả nhãn của hai cây nhãn cổ không to như những giống nhãn mới được lai ghép nhưng chất lượng quả được đánh giá là rất ngon với vỏ mỏng, cùi dày, hạt nhỏ, vị ngọt sắc và hương thơm dịu nhẹ. Mỗi năm, khi nhãn chín, chùm nhãn đầu tiên hái xuống được rửa sạch rồi dâng lên cúng Phật và thành hoàng làng. Số nhãn còn lại sẽ được bán cho người dân để mọi người cùng được thưởng thức giống nhãn ngon này.
Thời gian qua, việc quản lý, bảo tồn, khai thác giá trị của nhãn nói chung, các cây nhãn cổ thụ nói riêng đã được các cấp, các ngành tỉnh Hưng Yên thực hiện. Tuy nhiên, việc bảo tồn, gìn giữ vẫn còn nhiều khó khăn bởi nhiều cây có tuổi cao nên cằn cỗi, nhiều cây bị sâu, mục, gãy cành… Mặt khác do những tác động tiêu cực của con người dẫn đến cây bị chết, bị chặt phá, nguy cơ làm mất những giá trị đặc biệt của nhãn cổ thụ mang lại.
Cùng với sự phát triển của nhiều giống nhãn mới trồng tại Hưng Yên đem đến sự đa dạng về chủng loại, trà vụ, chất lượng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và nâng cao hiệu quả kinh tế thì những cây nhãn cổ trở thành nét văn hóa, niềm tự hào chung của người dân Hưng Yên, mảnh đất nức tiếng với đặc sản nhãn lồng, chia sẻ bao ngọt bùi của một thời khai hoang mở đất.
Nguồn: Sưu tầm internet.