VIETNAM DESTINATIONS > Destination > Chùa Bảo Ninh Sùng Phúc

Du lịch Chùa Bảo Ninh Sùng Phúc

Xã Yên Nguyên, Huyện Chiêm Hóa, Tỉnh Tuyên Quang, Việt Nam
Chùa Bảo Ninh Sùng Phúc là ngôi chùa cổ nhất hiện ở Tuyên Quang, là nơi còn lưu giữ được tấm bia quý giá từ thời Lý. Chùa được xây dựng vào năm 1107 dưới thời vua Lý Nhân Tông, tọa lạc tại thôn Bảo Ninh, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa).

Chùa Bảo Ninh Sùng Phúc được xây dựng ở nơi địa thế cao ráo, xung quanh cây cối tươi tốt, xanh rợp bóng tạo bầu không khí thanh bình nhưng không kém phần trang nghiêm khi đến với chùa. Gần 1.000 năm qua, chùa Bảo Ninh Sùng Phúc gắn bó với mảnh đất Yên Nguyên, là trung tâm sinh hoạt văn hóa của làng, của xã, trở thành một “chốn thiêng” không thể thiếu trong lòng những người dân của mảnh đất này. Những ngày rằm, mùng 1 âm lịch hàng tháng, đông đảo nhân dân và du khách thập phương về đây chiêm bái.


Tam quan chủa Bảo Ninh Sùng Phúc, thôn Bảo Ninh, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa).

Đặc biệt, dịp lễ hội chùa vào tháng 4 âm lịch hàng năm đã trở thành một điểm hẹn hấp dẫn. Trong dịp này, bên cạnh phần nghi lễ trang nghiêm, phần hội được tổ chức với các hoạt động như biểu diễn văn nghệ, tổ chức giao lưu thi đấu thể thao và các trò chơi dân gian…tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi, góp phần động viên, khích lệ nhân dân trên địa bàn xã hăng say lao động sản xuất.

Tại ngôi chùa này, hiện còn đang lưu giữ một Bảo vật quốc gia có ý nghĩa và giá trị lịch sử vô cùng to lớn đó là bia đá chùa Bảo Ninh Sùng Phúc, tài liệu thành văn cổ nhất phát hiện được trên đất Tuyên Quang và là một trong số rất ít các di vật thời Lý còn được nguyên vẹn cho tới ngày nay.

Tấm bia được tạc bằng đá xanh nguyên khối, bia được đặt trên lưng một con rùa đá. Trán bia khắc dòng chữ lớn: “Bảo Ninh Sùng Phúc tự bi” nghĩa là bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc. Văn bia khắc kín phần thân bia. Hai góc của trán bia có khắc hình hai con rồng chầu lên chữ “Bảo Ninh Sùng Phúc tự bi”. Hình tượng hai con rồng chầu bên trán bia đều ở tư thế nhìn nghiêng và giống hệt nhau cả về kích thước và kiểu dáng. Làm nền cho hình tượng con rồng là các hoa văn hình vân mây và một số hoa văn hình chữ S biểu hiện ý niệm về mây mưa, sấm chớp cầu mong mưa thuận gió hòa. Bia Chùa Bảo Ninh Sùng Phúc cũng là minh chứng cho sự giao lưu văn hóa rộng rãi giữa miền núi với miền xuôi, là nguồn tư liệu quý giá trong việc nghiên cứu các vấn đề về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… của mảnh đất Tuyên Quang nói riêng và Việt Nam nói chung dưới chế độ phong kiến tập quyền.

Hiện nay, bên cạnh tấm bia cổ có thêm tấm bia mới, nội dung văn bia chính là nội dung tấm bia cổ được dịch ra chữ quốc ngữ để tiện cho du khách tham quan, tìm hiểu.

Trải qua thăng trầm của nghìn năm lịch sử, chùa Bảo Ninh Sùng Phúc đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần nhưng nền chùa xưa vẫn còn đó cùng với những cổ vật quý giá còn sót lại đã trở thành tư liệu quan trọng để các nhà nghiên cứu tìm hiểu. Ngôi chùa cùng với tấm bia được công nhận Bảo vật quốc gia, mãi là niềm tự hào của người dân xứ Tuyên.

vietnam-destinations.com | Khám phá Việt Nam

Nguồn: Sưu tầm internet.