Chùa Cấm là nơi thờ của Chúa Năm Phương. Sau này, do ngôi chùa bên cạnh bị xuống cấp, nên các pho tượng của ngôi chùa này được ghép phối thờ với ngôi miếu thờ bà chúa Năm Phương. Vì thế ngôi đền thờ theo hình thức: Tiền Phật, Hậu Thánh. Cũng vì thế nơi đây, bà con quanh vùng vẫn quen gọi đó là Chùa Cấm.
Đền Thờ Chúa Năm Phương
Chúa Năm Phương hay còn gọi là Chúa Ngũ Phương. Nhắc đến ngài có lẽ rất ít người biết, hoặc trong văn hoá đạo Mẫu ít đề cập. Trong bài viết này Mã Đắc Khoa chia sẻ thông tin đến quý độc giả.
Giai thoại về Chúa Năm Phương.
Chúa bà Ngũ Phương là vị thánh mẫu có quyền năng cao, cai quản năm phương trời, đất. Danh xưng là Bà Chúa Quận Năm Phương, hoặc Vũ Quận Bạch Hoa Công Chúa.
Trong giai đoạn lịch sử đức Ngô Quyền đánh giặc Nam Hán xâm lược. Chúa đã thác sinh vào gia đình họ Vũ tại làng cổ Gia Viên, thuộc phủ Kinh Môn xưa. Ngày nay là phường Gia Viên, quận Ngô Quyền, Hải Phòng.
Trong cuộc kháng chiến, đức Ngô Quyền giao cho bà làm nữ tướng cai quản lương thực. Trong trận đánh trên sông Bạch Đằng chống quân Nam Hán năm 938 bà có công rất lớn. Sau giành thắng lợi, đức Ngô Quyền phong bà tước hiệu Ngô Vương Vũ Quận Chúa.
Năm 1924, Vua Khải Định sắc phong cho bà là: Ngũ Phương Vũ Quận Quyến Hoa Công Chúa Hộ Quốc Trang Huy Thượng Đẳng Thần. Sắc chuẩn cho làng Gia Viên được thờ phụng.
Hiện nay, Chúa Năm Phương được thờ tại nhiều nơi khác nhau, nhưng nổi bật là tại Hải Phòng. Với địa điểm tại Hoà Bình là trong quá trình tôi làm việc được may mắn tiếp xúc và ứng nghiệm. Điểm thờ tại Xã Mông Hoá, tp Hoà Bình ( trước là xã Dân Hoà, huyện Kỳ Sơn) là một miếu nhỏ trên đường quốc lộ 6.
Sắm Lễ Cúng Bà Chúa Năm Phương Thế Nào ?
Chúa thường xuất hiện với trang phục màu trắng, đi cùng hai hầu nữ cũng trang phục màu trắng. Sắm lễ cúng bà chúa Năm Phương gồm có các phẩm vật sau:
- Bộ quần áo trắng hoặc đỏ.
- 7 miếng trầu cau cánh phượng ( hoặc 5 miếng trầu cũng được).
- 7 bông hoa hồng ( hoặc 5 bông mỗi loại khác nhau).
- Quả ngọt 5 quả khác nhau.
- Nước trắng ( chai nước lavie hoặc aqua).
- Hương thắp.
Sau bày lễ và tín chủ thập phương đặt lễ và xin khấn tại bản đền thờ Chúa.
Nguồn: Sưu tầm internet.