Đền Cấm.
Cửa đền hướng Tây Nam, nhìn ra sông Lô. Xung quanh đền có những tán cây cổ thụ 4 mùa rợp bóng. Nơi đây yên tĩnh, tạo ấn tượng cho khách đến với cảm giác uy nghi, linh thiêng, cổ kính, trong lành.
Trong tiềm thức tâm linh về sự riêng biệt của đền Cấm, du khách thường nhắc đến sự linh thiêng của Bà Chúa Cấm (hay còn gọi là Chúa Bà) – Mẫu Thượng Ngàn, Cô bé cửa rừng. Người dân truyền miệng về ngôi đền với sự hoang sơ của vùng núi rừng hùng vĩ, về sự linh thiêng của Chúa Bà, Cô bé cửa rừng. Họ lan truyền về sự linh thiêng, nói rằng đã đến Tuyên Quang để lễ Mẫu, thì phải đến lễ Chúa Cấm cửa rừng. Cùng với giá trị văn hóa, kiến trúc của đền Cấm mang phong cách tín ngưỡng cổ, dấu ấn thời Nguyễn. Với nhiều di vật, hiện vật có những đường nét, mảng khối và màu sắc thể hiện sự tài hoa, thẩm mỹ sáng tạo của con người Tuyên Quang.
Theo tuyến đi lễ, du khách có thể đến đền đền Thượng, Thiền Viện Trúc Lâm, rồi đến đền Cấm, sau đó đến đền Ghềnh Quýt trên cùng một tuyến đường dọc theo sông Lô, với đường đi quanh co, cây cối xum xuê tỏa bóng, ven đường có sông, có núi…Đặc sản nơi này mà người dân đem đến cho khách du lịch thưởng thức là: măng khô, mộc nhĩ, nấm hương, mật ong… và các loại rau củ, quả rừng theo mùa.
Đền Cấm là di tích tín ngưỡng thuộc loại hình di tích lịch sử văn hóa, đã được xếp hạng là di tích cấp tỉnh. Ngôi đền đã gắn bó với lịch sử vùng đất này, đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu tâm linh của người dân trong và ngoài tỉnh. Đền Cấm nằm trong hệ thống các đền thờ Mẫu dọc sông Lô, là một điểm du lịch tâm linh độc đáo thu hút du khách khi đến Tuyên Quang.
Nguồn: Sưu tầm internet.