Đền Mỏ than (Sơn Thán Linh Từ) thuộc tổ 35, phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang. Đền Mỏ Than được dựng vào đầu thế kỷ XX trên một quả đồi nhỏ, xung quanh cây cối bốn mùa xanh tươi, dưới chân đồi là dòng Lô uốn khúc như bao bọc che chở cho ngôi đền. Ban đầu là đền được dựng nêm để thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (Đức Thánh Trần), về sau đền mới trở thành nơi thờ Mẫu Thượng Ngàn cùng các vị thần linh trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Nguyên Nhân của sự thay đổi bởi:
Đầu thế kỷ XX, sau khi đặt ách cai trị trên vùng đất Tuyên Quang, thực dân Pháp đã khai thác khoáng sản, vơ vét tài nguyên thuộc địa. Năm 1915 chúng mộ phu khai thác mỏ than Tuyên Quang. Tên chủ nhất Becna đã cho xây dựng bể nước, cần cẩu và đường goòng xe để chở than. Chúng bắt công nhân làm việc quần quật suốt ngày đêm, ăn uống thiếu thốn, ốm đau không được nghỉ. Ngày 26 tháng 4 năm 1924, đã xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng, hai 2 cửa hầm đều bị sập chôn vùi hàng chục thợ mỏ dưới lòng đất. Nguyên nhân là do chủ mỏ thiết kế khai thác không an toàn. Tuy nhiên người dân địa phương lại cho rằng đã phạm đến Bà Chúa Rừng Xanh bèn cùng đông đảo phu mỏ dựng ngôi đền mới bên cạnh “Sơn Thán Linh Từ” để thờ Mẫu Thượng Ngàn và lấy tên gọi là đền Mỏ Than (ngôi đền được dựng trên quả đồi gần nơi xảy ra vụ sập hần khai thác than). Do tín ngưỡng thờ Mẫu ngày ấy phát triển, người dân đến đền để cầu mong được Thánh Mẫu phù hộ, lâu dần đền thờ Đức Thánh Trần bị mai một và hiện nay chỉ còn là một am nhỏ nằm trong khôn viên di tích đền Mỏ Than.
Trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt; Mẫu Thượng ngàn có vị trí đặc biệt quan trọng, là người cai quản miền núi rừng và ngàn cây. Hành trạng của bà thể hiện qua lời hát chầu văn:
Đứng trên ngàn xanh bát ngát
Tưởng bóng Cô về hiện phật Quan Âm.
Tay Cô đàn miệng Cô ngâm
Điểm đa điểm đót tiếng trầm tiêng ti.
Vượn trên non ru con rầm rĩ
Dưới suối ngàn chim lại véo von.
Vui về thú ở đầu non
Cô đôi thương cảm ca ngâm bồi hồi.
Tiếng tầy tiếng téo cha ơi
Thứ hữu tình càng ngự càng vui.
Ba gian đều mát thảnh thơi
Sớm dừng sườn núi tối ngồi đầu non.
Ai ơi có biết Cô ngàn tôi chăng?
Ngoài ra đền Mỏ Than còn là nơi tổ chức nhiều cuộc họp, gặp gỡ, trao đổi tình hình của các cán bộ cách mạng. Ngày 20/3/1940, chi bộ Mỏ Than (chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang) được thành lập; dưới sự lãnh đạo trực tiếp của chi bộ, phong trào cách mạng ở mỏ than phát triển sâu rộng và ảnh hưởng mạnh mẽ đến các vùng xung quanh, xây dựng được những cơ sở cách mạng ngoài mỏ như trong công nhân thuyền sắt, trong nông dân ở các vùng soi Sính, soi Hồng Lương, Hoàng Khai, Mỹ Lâm…
Đền Mỏ Than nằm trên đỉnh Thán Sơn bốn mùa rợp bóng cây xanh, trong khuôn viên rộng 1407,2 m2. Từ dưới chân núi, theo đường lát đá lên tới đền, hai bên cổ thụ rợp bóng mát, cùng những phiến đá đen hình dáng lạ mắt. Với vẻ đẹp thơ mộng cùng sự nổi tiếng linh thiêng, ngôi đền Mỏ Than đã từng được đi vào thi ca:
Mỏ Than Cô Bé thấp cao
Mấy tầng lộng lẫy treo vào cây xanh
Xa xưa huyền thoại chuyển mình
Linh từ chốn ấy anh linh muôn đời
Hang Rùa nước đọng đầy vơi
Vết chân còn đó muôn đời về sau….
Đền Mỏ Than hiện nay có kiến trúc theo kiểu chữ đinh gồm tòa tiền đường và hậu cung, đền quay theo hướng Đông Nam. Phía trước là bức bình phong được xây bằng gạch. Bức bình phong được tạo dáng hình cuốn thư, ở giữa đắp nổi chữ thọ tròn, hai bên là hình rồng chầu cách điệu và hoa văn kỷ hà, phía dưới ghi năm khánh thành đền Mỏ Than (năm 1935).
Phía sau bức bình phong là toà tiền đường. Tòa tiền đường ba gian, diện tích 10mx 4m, kiểu tường hồi bít đốc tay ngai. Trên bờ nóc đắp nổi hình rồng chầu mặt trời, xung quanh có hệ thống tường chịu lực bằng vật liệu bền vững. Phía trước hai gian bên trổ cửa sổ hình chữ thọ. Toà tiền đường kiến trúc khá đơn giản; các cấu kiện được bào trơn đóng bén, mái lợp ngói mũi hài. Gian giữa treo câu đối:
Càn khôn Thánh đức an dân đại
Nhật nguyệt thần công hộ quốc trường
(Thánh đức an dân sánh cùng trời đất.
Công lao hộ quốc mãi cùng năm tháng).
Hậu cung liền với gian giữa tiền đường, diện tích 3m x 3m, nền lát gạch hoa, xung quanh được bưng kín bằng vật liệu bền vững. Phía ngoài là án thờ bằng gỗ cao 1,4m , sơn son thếp vàng, đặt lư hương, đỉnh trầm. Trên là cửa võng chạm nổi hình rồng chầu và hoa văn hình kỷ hà. Phía trong án thờ là khám thờ bằng gỗ sơn son thếp vàng, phía trên là cửa võng chạm nổi hình rồng chầu mặt trời cách điệu và hoa văn kỷ hà. Phía trong đặt bộ tượng Tam toà Thánh Mẫu: Mẫu Thượng thiên, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải. Tượng đúc bằng đồng, cao 0,70m, hình dạng giống nhau, khuôn mặt dạng nữ, đội mũ tỳ lư, cổ đeo anh lạc, tư thế ngồi tọa thiền, khoác áo choàng.
Từ đền Mẫu sang phải, lên bậc tam cấp là tới sân đền thờ Đức Thánh Trần. Phía ngoài là ban thờ Mẫu Bán Thiên Cửu trùng. Phía trước đền có một phiến đá đen lớn hình dáng tựa rồng chầu, xung quanh nhiều cây xanh tỏa bóng. Đền Đức Thánh Trần là ngôi kiến trúc một gian, xây dựng bằng vật liệu bền vững, diện tích 24 m2. Phía ngoài là là nơi khách hành hương cúng lễ, phía trong đặt ban thờ, xây kiểu vòm cuốn. Ban thờ cao 1,5m, xây gạch, kiểu dật cấp. Phía ngoài đặt nhang án lư hương các đồ tế tự và minh khí. Tượng Đức Thánh Trần đặt trong khung kính. Tượng cao 0,70m, tư thế ngồi, đội mũ võ tướng, khuôn mặt vừa cương nghị vừa hiền từ, chòm râu dài, mặc triều phục, chân đi hia, hai tay để lên đầu gối. Phía dưới ban thờ Đức Thánh Trần là tranh thờ ngũ hổ.
Phía sau đền thờ Mẫu, qua một khoảng sân rộng là lầu Chúa Sơn Trang; bên trái lầu Bà Chúa Sơn Trang có đường dẫn tới một hang đá, nơi có lầu thờ Cô Bé Mỏ Than. Cạnh miếu có những phiến đá hình dạng kỳ lạ gợi mở trí tưởng tượng của du khách. Trong đó phải kể đến hang Rùa mà nhân dân địa phương vẫn truyền cho nhau nghe về truyền thuyết “Thần Kim Quy hóa đá”.
Chuyện kể rằng: Thần Kim Quy thấy mỏ đá của Vua cha và Mẫu mẹ tại đền Mỏ Than nêm đã rủ cá Kình ở biển đông cùng nhau đem hết mỏ qúy ra vùng Nam Hải. Cá Kình đứng gác bên ngoài, thần Kim Quy xuống hang và khi lên gần tới miệng hang thì ông Cóc ở miếu Sơn Thần đã nghiến răng báo lên thiên đình cho Ngọc Hoàng Thượng Đế. Ngọc Hoàng cử Cô Mười hạ giới trần gian, cô cưỡi rồng bay xuống, gần đến nơi Cô Mười thấy phía dưới có khoảng trời mây mù u ám có khí lạnh bay lên, cô nhảy vội xuống dẫm lên thần Kim Quy, bàn chân trái Cô Mười đè oằn cổ thần rồi cô bắt cả Kim Quy lẫn Cá Kình cùng hóa đá. Bàn chân phải Cô Mười bị trượt gót lên trên lưng rùa ngày nay vẫn còn để lại dấu vết mờ.
Các hiện vật trong đền còn lưu giữ gồm: Bảy pho tượng đồng đúc năm 1923, (Bảo Đại thứ bảy); hai quả chuông đồng cùng niên đại; ba đôi chân đèn; hai lư hương đồng và ba đạo sắc phong cùng nhiều bức đại tự, câu đối và các đồ tế tự.
Các ngày lễ chính tại đền: Lễ đón xuân, ngày 1, 2, 3 tháng Giêng; Lễ khai bút: ngay 16 tháng Giêng; Lễ thượng nguyên, ngày 11, 12 tháng Giêng; Tiệc Mẫu Tuyên Quang, ngày 18 tháng Hai; Lễ nhập hạ, ngày 24 tháng Sáu; Tiệc Hoàng Bảy, ngày 18 tháng Bảy; Tiệc Trần Triều, ngày 20 tháng Tám; tiệc Mẫu Cửu, ngày 9 tháng Chín; Tiệc ông Hoàng Mười, ngày 10 tháng Mười; Tiệc quan Giám Sát ngày 17 tháng Mười Một; Lễ tất niên, ngày ngày 9 tháng Chạp; Lễ xếp ấn, ngày 25 tháng Chạp.
Đền mỏ than được Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang xếp hạng là di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh ngày 19/11/2007. Những năm gần đây, chính quyền cùng nhân dân địa phương đã tiến hành tôn tạo, tu bổ ngôi đền, xây tường rào bảo vệ, làm đường đi tạo điều kiện thuận tiện cho người dân và du khách khi đến hành hương, tham quan vãn cảnh ngôi đền.
Nguồn: Sưu tầm internet.