Đền Pác Vãng được khởi dựng thời Trần, thờ nhân vật chính là Quan Đế Đại Thần và thờ Mẫu. Đền Pác Vãng được xây dựng bởi cộng đồng người Hoa ở Na Hang. Trước khi xa mảnh đất đã gắn bó lâu đời, toàn thể cộng đồng người Hoa đã đóng góp tiền của để xây dựng mới ngôi đền Pác Vãng làm nơi thờ Quan đế Đại thần và thờ Mẫu, tuy nhiên khi thuỷ điện Tuyên Quang được tích nước, ngôi đền được người dân di dời lên một vị trí mới cao hơn chính là vị trí hiện nay mà chúng ta đang thấy. Kiến trúc độc đáo của đền thể hiện sự giao thoa giữa 2 nền văn hoá, giữa văn hoá của người Hoa và người Việt Nam. Đền Pác Vãng được dựng trên sườn núi đá vôi, độ dốc tương đối lớn, xung quanh nhiều đá tảng, mặt bằng kiến trúc không bằng phẳng, các công trình kiến trúc của đền được dựng trên cột bê tông quay theo hướng nam, trông ra vùng lòng hồ rộng lớn. Nhân dân nơi đây, thờ phụng và ngưỡng vọng vị Thánh Mẫu Thượng Ngàn để cầu mong có được cuộc sống bình yên, dân khang vật thịnh, mùa màng tươi tốt.
Cũng như bao ngôi đền khác trên mảnh đất Tuyên Quang, hàng năm tại đền Pắc Vãng, nhân dân địa phương thường tổ chức nhiều ngày lễ được tính theo âm lịch mang tính truyền thống để cầu mong dân khang vật thịnh, mùa màng bội thu, như: Ngày 18 tháng Giêng: Lễ Thượng nguyên (lễ giải hạn cho dân); Ngày 25 tháng Giêng: Lễ Chư tướng (Hội Đồng); ngày 12 tháng 2: Lễ Mẫu; ngày 10 tháng Chạp: Lễ Tất niên; ngày 25 tháng Chạp: Lễ xếp ấn hết năm. Do có tiếng là đền linh thiêng, không ít du khách thập phương cũng không quản ngại đường xa ghé thăm nơi đây và cầu nguyện. Hiện nay đền Pắc Vãng là một điểm du lịch không thể thiếu mỗi khi du khách tham quan lòng hồ Na Hang – Lâm Bình
Nguồn: Sưu tầm internet.