Cứ đến mùa hoa lộc vừng nở rộ, đến Sơn Đông, du khách lại tìm về đền thờ Tả Tướng Quốc Trần Nguyên Hãn, thắp nén nhang thơm bày lòng kính cấn. Qua nhiều thế hệ, ngôi đền vẫn là nhân chứng sống động nhắc nhớ về cuộc đời của vị tướng trung nghĩa, vẫn đậm tính thiêng liêng thu hút nhiều người ghé thăm.
Đền thờ Trần Nguyên Hãn – Nơi tưởng nhớ vị tướng trung nghĩa
Đền thờ Trần Nguyên Hãn còn gọi là đền Tả Tướng hay đền Thượng là một công trình kiến trúc nghệ thuật được xây dựng vào thời Hậu Lê cách đây trên 200 năm. Ngôi đền nằm tại thôn Đa Cai, xã Sơn Đông, Huyện Lập Thạch – vùng đất được xem là nơi có bề dày văn hóa, lịch sử lâu đời.
Đền thờ phụng Trần Nguyên Hãn – một trong những khai quốc công thần hàng đầu của triều Lê, có nhiều công lao trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược ở thế kỷ XV. Trần Nguyên Hãn (1386 – 1429), là cháu nội Đại tư đồ Trần Nguyên Đán và là cháu sáu đời của Chiêu Minh vương Tướng quốc Thái sư Trần Quốc Khải thời cuối nhà Trần.
Ông sinh ra và lớn lên tại thôn Đa Cai, trang Sơn Đông (nay là xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch). Trần Nguyên Hãn giỏi binh pháp và là người đã trực tiếp tham gia vào nhiều trận đánh với chiến thắng vang dội như chiến dịch giải phóng Tân Bình, Thuận Hóa (tháng 8-1425), chiến dịch Chi Lăng – Xương Giang (tháng 9-1427).
Sau khi đánh đuổi hoàn toàn quân xâm lược nhà Minh, Lê Lợi lên ngôi vua (1428) và Trần Nguyên Hãn được phong Tả Tướng quốc. Sau khi ông mất vì bị vu oan tội mưu phản, người dân lập đền thờ ông để tưởng nhớ những công lao của ông đối với đất nước.
Ngày nay, du khách có thể đến tham quan đền thờ Tả Tướng quốc bằng nhiều đường khác nhau. Từ thành phố Việt Trì đi lên đê sông Lô, qua bến phà Đức Bác, rẽ sang phải chạy thẳng theo bờ đê tới xã Sơn Đông, thôn Đa Cai. Hoặc du khách cũng có thể đi bằng tàu hỏa, từ ga Bạch Hạc đi tới bến đò Phú Hậu, qua đò đi ngược lên theo ven làng Phú Hậu rồi rẽ phải sang thôn Đông Mật, đi qua thôn Quan Tử là tới thôn Đa Cai. Hoặc nhiều người chọn đi theo tỉnh lộ 305C từ trung tâm huyện Lập Thạch vào.
Đền thờ Tả Tướng quốc được xây dựng trên một thế đất bằng phẳng, rộng cao, (dân làng gọi là thế Bạch Hổ) tương truyền chính là nơi đặt Phủ đệ cũ của Trần Nguyên Hãn. Đền được cấu trúc theo kiểu chữ “Đinh” xung quanh có tường bao bọc tạo thành khuôn viên chữ “điền” vuông vắn đồng thời mang phong cách thời Nguyễn với các đục trơn bào nhẵn, trang trí đơn giản.
Đền thờ gồm 3 phần cổng đền, nhà tiền tế, hậu cung. Khu vực nội vi được xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ gồm đền thờ chính, nghi môn, nhà tả mạc, nhà hữu mạc, lầu thiêu hương, nhà đặt đá mài gươm, sân vườn, tường rào,… Từ khi xây dựng đến nay, đền đã được tu sửa nhiều lần và xây dựng thêm, chủ yếu vào thời nhà Nguyễn (1802-1945).
Trong đền, nổi bật với một số cổ vật như 2 hoành phi, 4 câu đối, 2 sập thờ, 1 ngai thờ, 1 án thư, 2 con hạc bằng gỗ, 2 cây đèn gỗ, 1 mâm gỗ, 1 hòm sắt (đựng 13 đạo sắc phong, và 1 bản thần tích… tất cả đều là những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, quý giá.
Đến với ngôi đền thờ, du khách sẽ cảm nhận được sự trang nghiêm, bình yên, tĩnh lặng, du khách được trở về những năm tháng lịch sử xưa qua câu chuyện về cuộc đời, sự nghiệp của Tả Tướng quốc.
Liên quan tới đền thờ, người dân Sơn Đông vẫn truyền cho nhau nghe về 2 vật cổ là thanh gươm và phiến đá mài gươm của vị tướng Trần Nguyên Hãn. Chuyện kể rằng, khi quân Minh đặt ách đô hộ lên nước ta, trong một lần đi rừng, Trần Nguyên Hãn đã tìm thấy một thanh sắt dài tại nương Gò Rạch. Đêm đêm, ông thường mang thanh sắt này ra mài thành gươm ở một hòn đá lớn bên bờ ao Son.
Vì vậy, sau này hòn đá được gọi là phiến đá mài gươm. Trên phiến đá hiện vẫn còn một vết lõm ở giữa do vết chém thử gươm của ông lên đá. Từ đó, thanh gươm đã theo Trần Nguyên Hãn cùng Nguyễn Trãi vào Lam Sơn phò tá Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa, tạo chiến công lừng lẫy trong 10 năm chống quân Minh đến ngày thắng lợi.
Ngày nay, khi du khách tìm đến với ngôi đền này còn thấy phiến đá mà tướng Trần Nguyên Hãn từng mài gươm. Phiến đá dài khoảng 2,49m, rộng chừng 1,6m, bề dày 0,4m và nặng gần 2 tấn. Phiến đá được người dân nơi đây tìm thấy, trục vớt lên, chuyển về trong khuôn viên đền thờ để mọi người cùng chiêm ngưỡng những vết tích còn lưu giữ lại.
Bên cạnh phiến đá mài gươm, cây lộc vừng cổ thụ quanh năm soi bóng dưới lòng hồ bán nguyệt trước đền thờ Tả Tướng Quốc cũng là điều hấp dẫn du khách. Cây cao khoảng 10m, thân cây ba người ôm không xuể. Theo lưu truyền, cây lộc vừng được trồng khi nhân dân trong vùng xây dựng đền thờ cách đây hơn 500 năm. Cây được trồng ở thế đất tốt, nhờ sinh dưỡng của đất trời, qua tháng năm vẫn tốt tươi minh chứng cho uy danh bất diệt và cốt cách thanh tao của Trần Nguyên Hãn.
Di tích lịch sử đền thờ Tả Tướng quốc Trần Nguyên Hãn bao năm qua vẫn được người dân gìn giữ với một lòng thành kính. Những ngày tiệc làng, kỉ niệm ngày sinh, ngày mất của Tả Tướng quốc hay dịp đầu xuân, hàng vạn du khách trong cả nước đã hành hương về đây tưởng nhớ công lao của người Anh hùng dân tộc này.
Năm 1984, Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) quyết định xếp hạng di tích lịch sử đền thờ Tả Tướng quốc Trần Nguyên Hãn là Di tích quốc gia. Năm 2013, lần đầu tiên Tuần Văn hóa, Du lịch Vĩnh Phúc được tổ chức và Lễ dâng hương tưởng niệm 584 năm ngày mất của Trần Nguyên Hãn tại đền thờ Tả Tướng quốc.
Với những nỗ lực của địa phương, đền Trần Nguyên Hãn cùng quần thể di tích xã Sơn Đông đang trở thành một trong những trọng điểm du lịch văn hóa, lịch sử của tỉnh, thu hút nhiều du khách thập phương ghé thăm.