Đền Ỷ La thuộc phường Ỷ La thành phố Tuyên Quang. Đền được khởi dựng năm 1743, niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 4 và được trùng tu lại vào đầu thế kỷ XIX. Theo truyền thuyết, đền Hạ thờ công chúa Phương Dung do gặp nạn binh đao đền bị đốt phá nghiêm trọng, dân cư phải rước tượng thần đến làng Ỷ La để lánh nạn. Năm 1817 – Năm Khải Định thứ 3 đã cho khởi công dựng lại đền Hạ trên địa điểm cũ nhưng quy mô lớn hơn. Khi đó tại địa điểm tượng thần lánh nạn, dân làng Ỷ La cũng xây dựng đền Mẫu Ỷ La để thờ công chúa Phương Dung, (người được coi là hóa thân của đức thánh Mẫu Thượng Thiên) cùng với các vị thần linh trong tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam; là sản phẩm sáng tạo của nền văn hóa mang tính chất bản địa, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong quảng đại quần chúng nhân dân lao động.
Mẫu Thượng thiên là một nhân vật huyền thoại, truyền thuyết kể lại rằng: Bà vốn là Đệ nhị Tiên chủ Quỳnh Nương ở chốn tiên cung vì phạm một lỗi rất nhỏ là làm mẻ chiếc chén ngọc nên bị đày xuống cõi trần tục, bà đã thác sinh vào một gia đình họ Lê ở Phủ Giày. Khi ra đời bố mẹ đặt tên là Giáng Tiên. Năm 18 tuổi Giáng tiên xuất giá, chồng là Đào Lang và sinh được hai người con một trai, một gái. Giữa lúc hương lửa đương nồng thì hết hạn đi đày, dù không muốn nhưng Giáng Tiên phải về trời. Vì nhớ thương chồng con, nàng thường chau mày nhỏ lệ, các nàng tiên động lòng đã tâu lên Thượng Đế. Ngài phong nàng làm Liễu Hạnh Công chúa, lại cho xuống hạ giới. Lần này, nàng về quê thăm cha mẹ đẻ, lên kinh đô thăm chồng con. Nàng khuyên chồng về đạo tu thân tề gia, sống với nhau một đêm rồi chia tay, hẹn gặp nhau ở kiếp sau. Như mây nổi lưng trời, nàng không ở nhất định một chỗ. Có khi nàng giả làm gái đẹp thổi tiêu dưới trăng, có khi hóa làm bà già tựa gậy trúc ở bên đường. Người nào dùng lời đùa cợt tất bị vạ, người nào mang lễ cầu đảo tất được phước lành. Các lễ vật mà người ta dâng, nàng mang về cho cha mẹ dùng. Khi cha mẹ qua đời và con cái đã trưởng thành, trong lòng tiên chúa “không còn vướng bận điều gì”, từ đó mới đi chu du thiên hạ, tìm nơi danh thắng, đem cảnh núi non làm giả cảnh tiên. Rồi đến kỳ hạn, nàng phải về trời. Trên cung đình, nàng lại nhớ duyên ước ba sinh, liền xin Ngọc Hoàng thượng đế một lần nữa được giáng sinh cho “thoả nguyện sinh hóa khôn lường, ngao du tuỳ thích”. Được phép của Ngọc Hoàng, nàng cùng hai thị nữ xuống trần. Ở đây, Tiên chúa thường hiển linh người giúp dân lành được phúc và trừng trị kẻ ác. Thấy vậy, dân ở vùng ấy sợ hãi, cùng nhau lập ngôi đền thờ phụng.
Vào đời vua Cảnh Thịnh, triều đình nghe tin đồn tưởng là yêu quái, sai quân vũ lâm cùng với thuật sĩ về tiêu trừ, trong chốc lát tòa đền đài đã biến thành khói tàn. Nhưng sau đó ít lâu, vùng đó sinh bệnh dịch cho người và gia súc. Nhân dân ở nơi ấy hoảng sợ bèn lập đàn cầu đảo. Bỗng nhiên nàng từ trong đám đông nhảy lên trên đàn 3 tầng quát to lên rằng: “Ta là tiên nữ trên trời, hiển thánh xuống trần, lũ chúng ngươi phải xin phép triều đình làm lại đền mới ta sẽ trừ tai cho…” Nhân dân theo lời cùng nhau kéo đến cửa khuyết kêu xin. Triều đình cho là thiêng và lạ lùng lập tức hạ lệnh làm lại đền mới và sắc phong cho là Mã hoàng Công chúa. Sau này, quân triều đình đi đánh giặc ngoại xâm, Tiên chúa thường hiển linh phù trợ. Nhớ tới công ơn của Người, triều đình đã gia tặng là Chế thắng Hòa diệu Đại vương, nhân dân tôn thần là Thánh Mẫu và được liệt vào trong hàng tứ bất tử của thần linh Việt Nam.
Từ bao đời nay, ngôi đền Mẫu Ỷ La đã gắn bó với lịch sử vùng đất Tuyên Quang và là nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân thành Tuyên. Trải qua bao thế hệ, đền Mẫu Ỷ La đã đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu tâm linh của người dân nơi miền sơn cước, thể hiện khát vọng truyền đời của cư dân nông nghiệp lúa nước nhờ siêu lực của Đức Thánh Mẫu mà ban cho cuộc sống bình yên, mưa thuận gió hòa, có được vụ mùa bội thu phong đăng hòa cốc.
Ngôi đền thể hiện một giá trị nhân văn nhân bản sâu sắc và mang tính truyền thống tốt đẹp trong văn hóa ứng xử của con người Việt Nam nói chung và cư dân thành Tuyên nói riêng đó là đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Hiện nay trong đền còn chứa đựng nhiều văn bản, thư tịch Hán Nôm cổ như: hoành phi, câu đối, sắc phong… Đó là những sử liệu rất quý giá, qua đó giúp chúng ta nhận biết được lịch sử, tên gọi của vùng đất, những nét văn hóa của địa phương trải qua trường kỳ lịch sử dân tộc.
Đền mẫu Ỷ La là công trình kiến trúc của một tín ngưỡng cổ – một thiết chế văn hoá mang đậm dấu ấn của phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Với nhiều di vật, hiện vật bằng nhiều chất liệu khác nhau, những đường nét, mảng khối và màu sắc mang phong cách nghệ thuật đặc trưng của một giai đoạn lịch sử, thể hiện đôi bàn tay tài hoa, óc thẩm mỹ sáng tạo của người nghệ nhân dân gian. Bởi vậy, đền Mẫu Ỷ La giống như một Bảo tàng nghệ thuật sống, từ đó giúp cho các nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ có thêm những tư liệu để tìm hiểu phong cách nghệ thuật của các triều đại phong kiến Việt Nam trên vùng đất xứ Tuyên.
Ngôi đền tọa lạc trên một địa thế phong cảnh hữu tình với tán cây xanh cổ thụ 4 mùa tươi tốt, tạo nên những dáng hình kỳ thú, kích thích trí tưởng tượng của du khách, ở đó con người sẽ tận hưởng không khí trong lành và cảm giác thư thái và là nơi kết hợp đồng điệu giữa cảnh sắc thiên nhiên với bàn tay con người miền sơn cước. Bởi vậy đền Mẫu Ỷ La hiện tại và tương lai sẽ là một địa chỉ văn hóa thu hút khách tham quan trong và ngoài tỉnh.
Từ khi khởi dựng tới nay, trải qua bao biến thiên của lịch sử cùng sự tác động của điều kiện tự nhiên, nên kiến trúc khởi nguyên của đền đã bị thay đổi nhiều. Qua bao thế hệ người dân nơi đây bằng niềm ngưỡng vọng và tôn kính, họ đã luôn gia cố trùng tu tôn tạo cho ngôi đền Mẫu Ỷ La ngày một khang trang sạch đẹp thoả mãn nhu cầu tâm linh của nhân dân và những di vật vẫn được bảo quản, gìn giữ chu đáo.
Với những giá trị văn hóa và lịch sử độc đáo, ngày 29/6/2015, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã Quyết định xếp hạng di tích cấp Quốc gia đền Ỷ La. Ngày 18/3/2016, thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Hải Anh đã trao Bằng công nhận di tích cấp Quốc gia đền Ỷ La cho đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Tuyên Quang.
Cũng như ở các ngôi đền thờ Mẫu khác, hằng năm tại đền diễn ra rất nhiều các ngày lễ:
Ngày mồng 2 tháng giêng là ngày tiệc Mẫu Thượng ngàn.
Ngày mồng 10 tháng Giêng là lễ Thượng nguyên (là ngày lễ giải hạn cho dân).
Ngày mồng 10 tháng 4 có lễ vào hè cầu mát cho dân.
Ngày 15 tháng 7 là lễ Vu lan.
Ngày 20 tháng 8 là ngày giỗ Đức Thánh Trần…
Ngoài ra còn một số ngày lễ tiệc quan trọng của Phật giáo, đạo giáo, và đạo thờ Mẫu khác.
Có thể nói, đền Mẫu Ỷ La là một thiết chế văn hóa tín ngưỡng, nơi hỗn dung của nhiều tín ngưỡng mang tính bản địa của người dân đất Việt. Ở đó con người bày tỏ sự tôn kính và ngưỡng vọng với các chư vị thánh thần, thể hiện truyền thống và đạo lý tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn” mang đậm bản chất dân tộc của con người nơi miền quê thôn dã./.
Nguồn: Sưu tầm internet.