Thuộc địa phận huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, Côn Sơn – Kiếp Bạc không chỉ là quần thể kiến trúc cổ kính với cảnh quan thiên nhiên đẹp mà là hai di tích lịch sử nổi tiếng gắn liền với thân thế và sự nghiệp của anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi.
Quần thể di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc là di tích Quốc gia đặc biệt quan trọng của nước ta, có quy mô bề thế với phong cảnh sơn thủy hữu tình thu hút khách du lịch đến tham quan hàng năm. Khu di tích bao gồm các di tích lịch sử gắn liền với chiến công lừng lẫy 3 lần đánh thắng quân xâm lược Mông Nguyên lừng lẫy của quân dân nhà Trần ở thế kỷ XIII và cuộc kháng chiến 10 năm của nghĩa quân Lam Sơn chống quân Minh ở thế kỷ XV.
Toàn cảnh khu di tích Côn Sơn (Ảnh: Sưu tầm)
Khu di tích danh thắng Côn Sơn
Khu di tích Côn Sơn nằm giữa hai dãy núi Phượng Hoàng và Kỳ Lân cùng với núi non, chùa tháp, rừng thông, khe suối và các di tích nổi tiếng gắn liền với cuộc đời của nhiều danh nhân trong lịch sử.
Chùa Côn Sơn
Chùa Côn Sơn (tục gọi là chùa Hun) tọa lạc dưới chân núi Côn Sơn có tên chữ là Thiên Tư Phúc Tự nghĩa là chùa được trời ban cho phúc lành. Chùa được xây dựng vào đầu thế kỷ XIV là một trong ba trung tâm của thiền phái Trúc Lâm bên cạnh chùa Yên Tử và chùa Quỳnh Lâm (Quảng Ninh). Trải qua những biến thiên của lịch sử, Chùa Côn Sơn ngày nay bị thu nhỏ lại so với kiến trúc thời Lê, bao gồm các công trình như Tam quan, Tiền đường, Thiêu hương và Thượng điện.
Chùa Côn Sơn (Ảnh: Sưu tầm)
Hành lang tượng 18 vị A La Hán (Ảnh: Sưu tầm)
Bia Thanh Hư chùa Côn Sơn có bút tích của vua Trần Duệ Tông được công nhận là “Bảo vật Quốc gia” (Ảnh: Sưu tầm)
Ghé vãn cảnh chùa Côn Sơn, ngoài các công trình kiến trúc đặc sắc, du khách sẽ còn có cơ hội tìm hiểu về giếng Ngọc. Giếng Ngọc tọa lạc ở chân núi Kỳ Lân, trên đường lên Bàn Cờ Tiên, phía sau là Đăng Minh bảo tháp – nơi đặt xá lị Huyền Quang tôn giả. Nằm ở vị trí cao hơn mái ngói chùa Côn Sơn nhưng mùa nào giếng Ngọc cũng luôn đầy nước. Người xưa quan niệm rằng giếng Ngọc là huyệt mạch của núi Côn Sơn và chính là mắt của Kỳ Lân. Đây không chỉ là nguồn nước quý của di tích mà còn là một điểm tham quan mang nhiều giá trị tâm linh. Từ giếng Ngọc, bạn men theo các bậc đá leo lên đỉnh Côn Sơn có đặt Bàn Cờ Tiên – nơi Nguyễn Trãi cũng các bậc tiền nhân dừng chân chơi cờ. Từ đỉnh Côn Sơn, một vùng núi non hùng vĩ thu gọn lại trong tầm mắt người lữ hành.
Giếng Ngọc chùa Côn Sơn (Ảnh: Sưu tầm)
Năm 1330, Đệ Tam Thánh Tổ Huyền Quang mở rộng chùa, lập ra Cửu phẩm Liên Hoa. Năm 2017, công trình này đã được tôn tạo thành công tạo nên điểm nhấn kiến trúc trong cảnh quan thanh tịnh, linh thiêng của chốn Côn Sơn. Tòa Cửu phẩm Liên Hoa gồm cây Phẩm 9 tầng và nhà Phẩm. Nhà Phẩm được dựng hoàn toàn bằng gỗ lim, gỗ vàng tâm, đá xanh Thanh Hóa, ngói mũi hài phục chế và hàng nghìn viên gạch Bát Tràng. Với kết cấu 3 tầng, 12 mái, cả công trình tựa như một bông sen thanh thoát với 3 lớp cánh hoa mãn khai. Còn tòa tháp Cửu phẩm Liên Hoa hình bát giác 9 tầng cao 10.3 m với những chi tiết chạm trổ, điêu khắc tinh xảo. Tất cả tạo nên một công trình nghệ thuật sáng tạo độc đáo của Phật giáo chỉ có duy nhất ở Việt Nam.
Tòa Cửu phẩm Liên Hoa (Ảnh: Sưu tầm)
Đền thờ Nguyễn Trãi
Điểm nổi bật trong khu di tích danh thắng Côn Sơn đó là đền thờ Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi có tên chữ là “Ức Trai linh từ”. Ngôi đền tọa lạc dưới chân núi Ngũ Nhạc, Kỳ Lân, tựa lưng vào Tổ Sơn tạo thành thế “tả thanh long, hữu bạch hổ”. Đền bao gồm các công trình như đền Chính, Tả vu, Hữu vu, Nghi môn nội, Nghi môn ngoại, cầu Thấu Ngọc, miếu Giải oan,… mang đậm phong cách kiến trúc thời hậu Lê. Quanh đền là dòng suối Côn Sơn ngày đêm chảy rì rầm như tiếng đàn cầm vang vọng giữa núi rừng xanh ngắt đã đi vào thơ ca, sử sách.
“Côn Sơn suối chảy rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai…”
Đặc biệt, ở Hậu cung của đền Chính có đặt bức tượng đồng Nguyễn Trãi cao 1.4m, nặng 600kg và tượng song thân phụ mẫu của ngài. Đền thờ Nguyễn Trãi chính là nơi lưu giữ tâm hồn, cốt cách, tài đức lớn lao của vị Danh nhân văn hóa thế giới này.
Tam quan đền thờ Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi (Ảnh: Sưu tầm)
Đền thờ Côn Sơn (Ảnh: Sưu tầm)
Cầu Thấu Ngọc (Ảnh: Sưu tầm)
Đền Kiếp Bạc
Đền Kiếp Bạc cách khu di tích Côn Sơn khoảng 5km là nơi thờ phụng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Cái tên Kiếp Bạc là do đền tọa lạc trên một thung lũng giao giữa hai làng Vạn Yên (làng Kiếp) và Dược Sơn (làng Bạc). Đền Kiếp Bạc có địa thế vô cùng thuận lợi nhìn ra con sông Thương, sau lưng là núi Rồng sừng sững, bên tả có núi Bắc Đẩu, bên hữu là núi Nam Tào là nơi tụ khí để gây dựng cơ nghiệp. Đền bao gồm các công trình Tam quan, giếng Ngọc, các tòa điện thờ Hưng Đạo Vương, Phạm Ngũ Lão, công chúa Thiên Thành – phu nhân Hưng Đạo Vương và hai con gái Nhị vị Vương cô. Hiện đền có lưu giữ 7 pho tượng đồng mang giá trị văn hóa, tâm linh lớn.
Cổng Tam quan đền Kiếp Bạc tựa như bức cuốn thư “lưỡng long chầu nguyệt” bề thế (Ảnh: Sưu tầm)
Đền Kiếp Bạc (Ảnh: Sưu tầm)
Lễ hội Côn Sơn – Kiếp Bạc
Hàng năm, Lễ hội Côn Sơn – Kiếp Bạc được tổ chức 2 lần chính vào mùa xuân và mùa thu với nhiều hoạt động tín ngưỡng dân gian mang đậm nét văn hóa truyền thống đặc sắc, thu hút rất nhiều du khách thập phương về tham dự, vãn cảnh.
Lễ hội mùa xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc
Lễ hội mùa xuân diễn ra từ ngày 16 đến ngày 23 tháng Giêng m lịch hàng năm để tưởng nhớ ngày viên tịch của Đệ tam Thánh tổ Huyền Quang tôn giả. Trong những ngày diễn ra lễ hội, nhiều nghi thức tế lễ, diễn xướng dân gian được tổ chức như Lễ Mông sơn thí thực, lễ tế trời đất, lễ rước nước, đua thuyền trên Lục Đầu Giang, pháo đất, cờ người, chọi gà,…
Khung cảnh lễ hội mùa xuân tươi vui tại khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc (Ảnh: Sưu tầm)
Lễ hội mùa thu Côn Sơn – Kiếp Bạc
Lễ hội mùa thu Côn Sơn – Kiếp Bạc được tổ chức từ ngày 15 đến ngày 20 tháng Tám m lịch hàng năm để tưởng nhớ ngày mất của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Lễ hội diễn ra với các nghi lễ: lễ rước cỗ tiến Thánh, lễ duyệt quân trên sông Lục Đầu, lễ cầu an, lễ ban ấn của Đức Thánh Trần, hội hoa đăng và rất nhiều trò chơi dân gian thu hút sự tham gia của người dân địa phương cũng như khách du lịch.
Lễ hội mùa thu Côn Sơn – Kiếp Bạc (Ảnh: Sưu tầm)
Những giá trị lịch sử, văn hóa của mảnh đất địa linh nhân kiệt Côn Sơn – Kiếp Bạc sẽ mãi trường tồn vĩnh hằng cùng với non sông đất Việt.
Nguồn: Sưu tầm internet.