QUẦN THỂ HANG ĐỘNG PU SAM CÁP (LAI CHÂU)
Nếu thiên nhiên đã “tiền định” cho vùng Tây Bắc những dãy núi đá vôi hùng vĩ hay những cánh rừng xanh mát trải dài với những dòng sông, con suối ngày đêm róc rách, thì trong dòng chảy của miên trường lịch sử qua hàng triệu năm vận động, thiên nhiên cũng đã để lại nhiều dấu ấn tác tạo mà những hang động trong lòng núi với những nhủ đá kỳ ảo đã trở thành những biểu tượng sống động, những tuyệt tác phẩm làm nao lòng du khách.
Thiên nhiên khéo tạc nên những tác phẩm nghệ thuật – Ảnh: nguồn anninhthudo.vn
Nhũ đá với cấu trúc độc đáo – Ảnh: Phạm Quân (vnmedia.vn)
Một trong những điển hình cho sức kiến tạo bền bỉ đầy hấp dẫn này tập trung tại vùng đất Lai Châu, nơi “hoa Ban nở thành cô gái Thái” và “ngủ dậy núi đã đong đầy mắt” với quần thể hang động Pu Sam Cáp mới được người dân địa phương phát hiện từ tháng 7-2006, gồm hơn 10 hang động lớn, nhỏ trong đó có 3 hang động chính Thiên Môn, Thiên Đường và Thủy Tinh được ví như những người đẹp ngủ quên giữa rừng sâu. Vẻ đẹp nguyên sơ của hang động Pu Sam Cáp không hề kém cạnh nếu đem so với bất kỳ hang động nào đã thành danh như quần thể hang động Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình), động Thiên Cung (Quảng Ninh), động Ngườm Ngao (Cao Bằng)…
Huyền ảo trong hang động Pu Sam Cáp – Ảnh: Phạm Quân (vnmedia.vn)
Từng giọt nước chắt lọc thành cột đá – Ảnh: nguồn anninhthudo.vn
“Pu Sam Cáp” theo tiếng bản địa, có nghĩa là ba quả núi lớn chồng lên nhau. Đây là tên gọi dãy núi đá vôi dạng địa hình karst, được hình thành từ kỷ nguyên kiến tạo. Quần thể hang động Pu Sam Cáp nằm men theo đường tỉnh lộ 129 đi cao nguyên Sìn Hồ, cách trung tâm thị xã Lai Châu chừng 6km về phía Tây trên độ cao 1.700m so với mực nước biển. Đường đến các hang động Pu Sam Cáp vừa khúc khuỷu gập ghềnh lại vừa khó đi, đó đây vẫn còn ngổn ngang những cây cổ thụ bị gió mưa quật ngã đã phủ kín rêu phong hay bám đầy những loài cây tầm gửi khiến mỗi bước chân du khách như chạm vào những bí ẩn thiêng liêng của đại ngàn.
Mỗi giọt nước, nhũ đá đều mang đầy huyền bí – Ảnh: nguồn anninhthudo.vn
Những cây thạch nhũ – Ảnh: Mã Anh Lâm (VnExpress.net – 4.9.2011)
ĐỘNG THIÊN MÔN
Trong hành trình khám phá hang động Pu Sam Cáp, điểm đầu tiên du khách tiếp cận là động Thiên Môn với chiều sâu hun hút và vòm cửa lớn. Càng vào đến trung tâm, vòm hang càng cao rộng với mặt nền tương đối bằng phẳng gợi liên tưởng đến một thính phòng của tự nhiên giới được kiến dựng từ thuở hồng hoang. Du khách sẽ ngỡ ngàng thích thú trước hình dạng độc đáo của các khối nhũ mặc cho trí tưởng tượng bay bỗng, từ cột nhũ vàng sừng sững có phía trên xòe ra rồi rủ xuống như một chiếc lọng Trời, những dãy ruộng bậc thang của núi đồi Tây Bắc, những suối nhũ có hình thù kỳ lạ… đến hình tượng Đức Quán Thế Âm cứu khổ cứu nạn, những viên nhũ đá kết tinh với đủ hình dạng, kích cỡ tưởng như những hòn bi được Tạo hóa mài dũa đang trong quá trình hoàn thiện, ngọn bút lông biểu đạt sự trọng thị đối với việc học hành và tri thức… Du khách còn choáng ngợp khi ở cuối động hiện ra một cung điện nguy nga, lộng lẫy với những cột nhũ đến mấy người ôm, óng ánh như được dát vàng rực rỡ…
Cột nhũ có hình như chiếc lọng Trời – Ảnh: Phạm Quân (vnmedia.vn)
Nhũ đá hình thành “ruộng bậc thang” – Ảnh: nguồn anninhthudo.vn
Đi trong khoảng tối huyền bí của hang động Thiên Môn, du khách dễ dàng cảm nhận được hơi mát lạnh toát ra từ các khối đá, thi thoảng những làn gió mát thổi vào, luồn qua những cột nhũ, dội vào vách đá thành những thanh âm trầm bổng, nghe như những lời thầm thì vọng về tứ quá khứ… Từ cuối động, một làn ánh sáng hiếm hoi dọi vào mở ra một khung trời bình yên, đem lại cho du khách sự an tâm, niềm vui thống khoái của người lầm lũi trong bóng tối bỗng gặp lại ánh sáng từ cuối đường hầm (!)…
Nhũ đá tạo hình cây bút lông – Ảnh: Mã Anh Lâm (VnExpress.net – 4.9.2011)
Nơi có chút ánh sáng lọt vào – Ảnh: Mã Anh Lâm (VnExpress.net – 4.9.2011)
ĐỘNG THIÊN ĐƯỜNG
Rời động Thiên Môn, phải mất chừng nửa tiếng luồn rừng, len lỏi qua từng hàng cổ thụ còn nguyên nét hoang sơ, có nơi phải bám vào dây leo hay men theo sườn vách đá, du khách mới đến được động Thiên Đường. Đường đến động Thiên Đường cheo leo hiểm trở như muốn thử thách ý chí và lòng can đảm của người đi khám phá, và phần thưởng thật vô cùng xứng đáng khi bất ngờ hiện ra trước mắt một cõi “non Bồng”, vừa tĩnh mịch lắng đọng vừa huyền bí thâm nghiêm…
Cổng Thiên Đường – Ảnh: Mã Anh Lâm (VnExpress.net – 4.9.2011)
Nhũ đá trong động Thiên Đường – Ảnh: Phạm Quân (vnmedia.vn)
Động Thiên Đường quả là chốn bồng lai tiên cảnh, một món quà kỳ diệu được Đấng Hóa công ưu ái ban tặng cho con người… Càng đi sâu vào trong, các khối nhũ càng phô diễn vẻ hào nhoáng trong một không gian đa sắc, đa chiều, như một tác phẩm sắp đặt đầy ngẫu hứng và sinh động với những hình ảnh vừa lạ lẫm vừa thân quen. Tùy vào trí tưởng tượng, du khách có thể nhận ra những đường cong uốn lượn mang dáng dấp của những thửa ruộng bậc thang, những hình thù kỳ vĩ là những giàn hoa Lan hay hoa Ban đặc trưng của núi rừng Tây Bắc, những cột nhũ trắng trong như pha lê với nhiều hoa văn độc đáo đứng bao quanh hồ nước tạo nên nét lộng lẫy kiêu sa…
Dải nhũ đá rủ xuống từ trần hang – Ảnh: Mã Anh Lâm (VnExpress.net – 4.9.2011)
Nhũ đá nối trời với đất – Ảnh: nguồn dulich.vn
ĐỘNG THỦY TINH
Thủy Tinh là một trong ba động chính của quần thể hang động Pu Sam Cáp. Do vị trí không thuận lợi lại chưa đáp ứng được các điều kiện an toàn cần thiết để đón tiếp khách du lịch nên cho đến nay các nhà quản lý vẫn chưa có kế hoạch đưa động Thủy Tinh vào khai thác. Động Thủy Tinh kỳ bí vẫn là một ẩn số, hứa hẹn nhiều hấp dẫn đối với du khách ưa mạo hiểm phiêu lưu…
Kiến tạo kỳ vĩ – Ảnh: Khánh Kiên (baolaichau.vn)
Nhũ đá tầng tầng lớp lớp – Ảnh: Phạm Quân (vnmedia.vn)
Điều thú vị là đang khi ở những hang động khác, du khách ít có dịp tiếp cận với nhiều loại thạch nhũ thì tại Pu Sam Cáp, du khách có thể đến tận nơi, chạm tay vào những nhũ đá được hình thành qua một quá trình dài. Chính điều tưởng như thuận lợi này lại là điểm yếu cơ bản, đặt ra nhiều vấn đề gai góc cho công tác bảo tồn, bởi phải mất hàng triệu năm thiên nhiên mới tạo dựng nên những kỳ quan trác tuyệt nhưng chỉ cần một chút manh động của những người thiếu ý thức, những công trình này có thể bị hủy hoại trong một sớm một chiều, thậm chí chỉ ngay trong tích tắc (!).
Ngỡ ngàng trước những nhũ đá như… hoa – Ảnh: nguồn anninhthudo.vn
Hoang sơ Pu Sam Cáp – Ảnh: nguồn anninhthudo.vn
Hang động Pu Sam Cáp hãy còn mộc mạc và hoang sơ quá, để hướng dẫn khách du lịch dường như chỉ mới có vài tấm biển chỉ đường tới động Thiên Môn hay Thiên Đường và tại các hang động này cũng chỉ mới dừng lại ở một số bậc thang ăn vào nền đá, một số dây vịn thô sơ giúp du khách dễ dàng tham quan trong động, hệ thống đèn chiếu được lắp đặt cũng còn khá sơ sài…, hầu như chưa có sự đầu tư qui mô nào tương xứng với vẻ đẹp kiều diễm của các nàng sơn nữ Pu Sam Cáp.
Thắng cảnh Tây Bắc hùng vĩ – Ảnh: nguồn anninhthudo.vn
Hy vọng trong tương lai không xa, với sự quan tâm chăm chút của chính quyền địa phương, quần thể hang động Pu Sam Cáp sẽ sớm trở thành một điểm sáng. Cùng với những giá trị tiềm tàng tại địa phương như lễ hội, làng bản…, Pu Sam Cáp sẽ góp phần xứng đáng nâng cao giá trị du lịch tỉnh Lai Châu, điểm thêm vào bản đồ du lịch Việt Nam những sắc màu lung linh độc đáo mang âm hưởng của núi rừng Tây Bắc…
Nguồn: Sưu tầm internet.