Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang, thuộc địa bàn hai huyện Na Hang và Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang, có diện tích trên 21.000ha, với sự đa dạng về cảnh sắc thiên nhiên, phong phú về hệ sinh thái động-thực vật, trong đó điểm nhấn là hồ Na Hang rộng lớn với diện tích nước mặt 8.000ha.
Hồ Na Hang của Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang, được hình thành sau quá trình tích nước của công trình thủy điện Tuyên Quang.
Với cảnh quan sơn thủy hữu tình, lưu giữ khá nguyên vẹn vẻ hoang sơ tự nhiên, làn nước xanh ngọc bích, hồ sinh thái Na Hang đang trở thành một sản phẩm du lịch đặc sắc, thu hút khách du lịch, đặc biệt là du khách ưa mạo hiểm mỗi khi lên thăm đất Tuyên Quang.
Na Hang (còn gọi là Nà Hang), trong tiếng người Tày bản địa có nghĩa là “ruộng cuối.”
Na Hang mùa nào cũng đẹp bởi vẻ hoang sơ kỳ bí. Mùa thu, không gian hồ trở nên tĩnh lặng, lãng mạn lạ thường. Mỗi sáng thức giấc, lữ khách ngỡ như mình đang lạc vào chốn “bồng lai tiên cảnh” với mặt hồ xanh ngọc bích mờ ảo trong sương, núi cao mây trắng phủ thành tầng…
Mỗi địa danh trên hành trình này đều gắn với những huyền tích, những câu chuyện linh thiêng, từ ngọn núi Pác Tạ – là nơi hợp lưu giữa hai dòng sông Gâm và sông Năng, là biểu tượng của Na Hang, thoắt hiện trong mây vờn bên hồ thủy điện Tuyên Quang; ngôi đền Pác Tạ thờ phụng và ngưỡng vọng vị hôn thê của tướng quân Trần Nhật Duật, đến sự tích ngọn núi Ái Cao kể về câu chuyện nàng Ái Cao hy sinh thân mình để bảo vệ dân làng trước sự xâm lăng của giặc ngoại xâm.
Nằm giữa Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang là Thác Mơ. Lối vào thác là con đường ngoằn ngoèo chạy dưới tán rừng nguyên sinh. Từ hồ nước trong xanh vời vợi trên đỉnh núi Pắc Ban, từng ngọn thác mềm mại, trắng xoá đổ xuống chân núi. Thác nước hùng vĩ phối hợp với khung cảnh núi rừng trùng điệp đang chờ đón những du khách ưa phiêu lưu, mạo hiểm.
Nhìn từ dưới lên, thác nước như một chiếc thang mây trắng bồng bềnh. Thác thứ nhất nước đổ dữ dội, tung bọt trắng xóa. Thác thứ hai êm dịu hơn, nước chảy thành chùm len qua từng kẽ đá.
Dưới chân thác là một hồ nước nhỏ trong vắt. Nếu du khách thích mạo hiểm có thể lặn ngụp dưới đáy hồ để chiêm ngưỡng những hang động kỳ ảo với những nhũ đá đủ các hình thù.
Điểm nhấn của du lịch hồ thủy điện là Khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ-Bản Bung, nơi bảo tồn được gần như nguyên vẹn các giá trị đa dạng sinh học của rừng Tuyên Quang. Với diện tích trên 22.000ha, khu bảo tồn có khoảng 68% diện tích là rừng ẩm nhiệt đới vẫn còn ở tình trạng nguyên sinh.
Tại đây hiện còn lưu giữ được trên 2.000 loài thực vật, có nhiều loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam như trai, mun, lát hoa, đinh, thông tre, hoàng đàn, trầm gió, đặc biệt là hàng trăm cây nghiến có đường kính từ 2-3m sừng sững ôm lấy những khối đá vôi.
Bên cạnh đó còn có 263 loài chim, 61 loài bò sát, 35 loài ếch nhái và 90 loài thú, nhiều loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam như: Voọc mũi hếch, voọc đen má trắng, gấu ngựa… Quỹ bảo tồn thế giới của Mỹ (WWF) đã xác định đây là một trong những hệ sinh thái có giá trị đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới.
Đi dọc sông Gâm theo hướng tới Thượng Lâm, giữa cảnh sông nước núi non hùng vĩ, là sừng sững chiếc “cọc Vài” đá (cọc buộc trâu) gắn với sự tích chàng Tài Ngào. Đi tiếp nữa là gặp thác Nậm Mè (suối mẹ)…
Bên bờ trái, đi một đoạn là vách đá tên gọi là “Nàng Tiên-Chú Khách.” Có thể hình dung trên vách đá có hình ảnh Nàng Tiên-Chú Khách đang chơi vơi giữa chốn bồng lai tiên cảnh và hạ giới. Vách đá này cũng gắn liền truyền thuyết rất hay và cảm động.
Đến đây được nghe về sự tích hoa Phặc Phiền, một loài hoa cỏ tiên có hương thơm ngào ngạt có thể chữa được mọi ưu phiền làm cho người khỏi bệnh; những thác nước Tin Tát, Đén Luông, Đén Lang đổ như mái tóc của người thiếu nữ buông xuống rừng đại ngàn, tạo thành bức tranh tuyệt mỹ.
Một “đặc sản” mà không ở đâu trên lòng hồ có được, chỉ có ở thác Khuổi Nhi là dịch vụ cho cá mát xa chân. Đây là một loại cá nhỏ, sống ở vùng thác nước trên núi cao. Cá chịu được tốc độ dòng chảy rất lớn nên có hình thù đầu nhọn, người dài, mình mỏng. Mồm cá được cấu tạo đặc biệt, có thể bám chắc vào cây, vách đá. Cá ăn rong rêu, phù du. Khi du khách ngâm chân xuống nước, đàn cá ngay lập tức đến rỉa.
Lên thác Khuổi Nhi, điều hấp dẫn du khách nhất chính là hoạt động leo thác, tắm thác, cho cá rỉa chân. Với chiều dài khoảng 3km, thác đổ từ trên đỉnh núi xuống vách đá với dòng nước trong, mát lạnh. Thác có nhiều tầng, nước chảy mạnh, tung bọt vào vách núi trắng xóa. Những giọt nước nhỏ theo gió bay tạo một không gian mát lạnh.
Không chỉ cuốn hút du khách trải nghiệm bằng những khu rừng nguyên sinh trải dài theo hai triền sông tạo nên cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, kỳ thú, Na Hang còn lôi cuốn bởi nét văn hóa bản địa truyền thống vô cùng độc đáo, đặc sắc của nhiều dân tộc được thể hiện qua các lễ hội cổ truyền như Lễ hội Lồng Tông (người Tày), lễ Cấp sắc, lễ Tơ Hồng, lễ rước Dâu (người Dao) trong trang phục thổ cẩm độc đáo.
Bên cạnh đó với các di cốt hóa thạch có niên đại trên 10.000 năm tuổi được khai quật tại các di chỉ khảo cổ hang Phia Vài (Lâm Bình), Phia Muồn (Na Hang), nơi đây còn được biết đến như một cái nôi của người Việt cổ, đồng thời là điểm tham quan di tích lịch sử với hang Nà Thẳm – cơ quan ấn loát đặc biệt của Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Đến với Na Hang, du khách có thể ghé thăm và vãn cảnh đền Pác Tạ, đền Pác Vãng, chùa Phúc Lâm (nay thuộc xã Thượng Lâm – huyện Lâm Bình) nơi hội tụ các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và nghệ thuật, là nơi thờ Phật nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của người dân nơi sở tại.
Không chỉ vậy, nét văn hóa ẩm thực cũng góp phần thu hút nhiều thực khách khi đến với Na Hang, đó là đặc sản rượu Ngô men lá, rượu Đao, lẩu cá Lăng, cá Bỗng, thịt trâu khô, thịt bò khô, xôi ngũ sắc.
, thăm quan thắng cảnh núi rừng Na Hang, du lịch lễ hội, tâm linh là những yếu tố cấu thành giá trị văn hóa độc đáo, đa dạng của địa phương, tất cả tạo nên không gian muôn màu, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc./.
Nguồn: Sưu tầm internet.