Miền Bắc và Bắc Trung Bộ là khí hậu cận nhiệt đới ẩm gồm 4 mùa: Xuân, Hạ, Thu, và Đông. Miền Trung và Nam Trung bộ là khí hậu nhiệt đới gió mùa, miền cực Nam Trung Bộ và Nam Bộ mang đặc điểm nhiệt đới xavan. Đồng thời chịu ảnh hưởng trực tiếp của kiểu khí hậu gió mùa mậu dịch, thường thổi ở các vùng vĩ độ thấp. Miền Nam thường có khí hậu nhiệt đới xavan Nóng và ẩm với hai mùa: mùa khô và mùa mưa (từ tháng 4-5 đến tháng 10-11). Hàng năm, mùa đông lạnh ẩm đặc trưng miền Bắc trái chiều với không khí đón Tết đến xuân về ấm nóng ở trong Nam.
Việt Nam là một đất nước đầy hứng khởi cho du lịch và đầu tư. Đời sống đường phố nhộn nhịp, ẩm thực đặc sắc và cảnh đẹp hùng vĩ, tất cả đều đang chờ đón bạn. Một đất nước không ngừng chuyển động, Việt Nam luôn cân bằng văn hóa đô thị trẻ với các giá trị truyền thống. Trong thành phố, những ngôi chùa cổ kính chỉ cách quán xá hiện đại một lối rẽ. Ở làng quê, cuộc sống vẫn trôi theo dòng những con sông và mùa gặt. Nét đối lập giữa cũ và mới này làm nên một phần không nhỏ sức hấp dẫn của Việt Nam. Thêm một lý do nữa để ghé thăm Việt Nam chính là vẻ đẹp thiên nhiên của nơi này. Miền Bắc có những ngọn núi hùng vĩ và vịnh đá vôi tuyệt đẹp. Đường biển miền Trung dẫn lối đến những di tích lịch sử và những bãi tắm thơ mộng. Còn ở miền Nam, đời sống không ngủ của thành phố Hồ Chí Minh và những ngôi làng ven sông ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ khiến bạn muốn nán lại mãi.
Với một quá trình lịch sử đấu tranh chống kẻ thù xâm lược để bảo vệ bờ cõi, giành tự do, độc lập và xây dựng đất nước có từ hàng ngàn năm của người Việt cùng sự hội tụ của 54 thành phần dân tộc khác nhau đã góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú và đặc sắc cho nền văn hóa của Việt Nam.
Chính thức là tiếng Việt (ngôn ngữ của người Việt (người Kinh)). Đây là tiếng mẹ đẻ của khoảng 85% dân cư Việt Nam, cùng với gần ba triệu Việt kiều ở hải ngoại, mà phần lớn là người Mỹ gốc Việt. Tiếng Việt còn là ngôn ngữ thứ hai của các dân tộc thiểu số tại Việt Nam. Mặc dù tiếng Việt có nguồn từ vựng vay mượn từ tiếng Hán và trước đây dùng chữ Hán (chữ Nho) để viết, sau đó được cải biên thành chữ Nôm, ngày nay tiếng Việt dùng bảng chữ cái Latinh, gọi là chữ Quốc Ngữ, cùng các dấu thanh để viết...