VIETNAM DESTINATIONS > Destination > Đình làng Hạ Hiệp – Hà Nội

Du lịch Đình làng Hạ Hiệp - Hà Nội

Xã Liên Hiệp, Huyện Phúc Thọ, Thành phố Hà Nội, Việt Nam

ĐÌNH HẠ HIỆP

Ngôi đình ở thôn Hạ Hiệp, xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội. Đình còn có tên là đình Liên Hiệp hay đình Kẻ Hiệp.

Làng Hạ Hiệp từ cổ xưa có tên Nôm là Kẻ Hiệp, thời Lê thuộc Tổng Hạ Hiệp, huyện Đan Phượng, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Sang thế kỷ 19 (năm 1899), dưới thời vua Thành Thái nhà Nguyễn vùng đất này thuộc huyện Yên Sơn, tỉnh Sơn Tây. Sau cách mạng tháng Tám, Hạ Hiệp thuộc xã Liên Hiệp, huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây. Từ năm 1979, Hạ Hiệp thuộc xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây. Từ năm 2008 đến nay thuộc thành phố Hà Nội.

Hạ Hiệp là một làng Việt cổ ven bờ hữu ngạn sông Đáy. Trước khi có đập Đáy, sông Đáy có tên là Hát Giang, một phân lưu của bờ phải sông Hồng tại Hát Môn (Phúc Thọ – Hà Tây) và cũng là tụ điểm thứ hai của ngã ba Hạc. Đoạn sông Đáy chảy qua huyện Phúc Thọ dài 14,5km. Đời Đinh Tiên hoàng, sông Đáy gọi là Lạch đài giang, đời Lê – Trịnh gọi là sông Sinh Quyết. Do ngã ba Hát giang cũng là một điểm xung yếu của dòng lũ sông Hồng nên năm Canh Thìn (1460), Lê Thánh Tông đã cho đắp đê quai từ Phùng chạy qua Thượng Mỗ. Hệ thống đê điều như vậy một mặt có tác dụng ngăn lũ, bảo vệ những vùng đất định cư bên trong, nhưng ngược lại nó khiến cho những vùng đất trong đê ngày càng bị bạc màu và chỉ còn những vùng bãi ngoài đê là được bồi đắp thường xuyên hàng năm.

Đồng đất Hạ Hiệp được chia thành hai vùng: đất đồng và đất bãi. Đất bãi được hình thành do phù sa sông Đáy bồi đắp, chiếm 1/3  diện tích, chủ yếu trồng mía, trồng màu. Vùng đất đồng chiếm 2/3, độ dốc thoải dần từ Tây sang Đông, chủ yếu dùng cấy lúa, vào những năm 20 của thế kỷ 20 được đánh giá là đất loại A, có hệ thống dẫn thuỷ nhập điền rất phù hợp cho việc trồng trọt. Từ bao đời nay, người nông dân Hạ Hiệp vẫn sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Chỉ một số ít hộ biết làm mộc, thợ xây hay buôn bán nhỏ.

Về đời sống tinh thần, trước Cách mạng tháng Tám (1945), bên cạnh những thuần phong, mỹ tục, trong làng cũng tồn tại một số hủ tục lạc hậu.                Tệ mua ngôi, bán chức có đều trong các Giáp nhằm tránh phiên, bổ. Người đứng đầu Giáp gọi là Trạ trưởng. Ma chay, cưới xin thường tổ chức ăn uống linh đình. Ngoài ra còn có nạn tảo hôn, thách cưới… Những tệ nạn ấy dưới chế độ mới đã dần được trừ bỏ.

Ngoài đình làng, làng Hạ Hiệp cũng có một ngôi chùa làm nơi sinh hoạt tín ngưỡng tinh thần cho nhân dân trong thôn và các thôn, xã khác trong vùng. Tấm bia mang niên đại Đại Trị (thời Trần) hiện lưu tại chùa làng Hạ Hiệp           (chùa Sẻ) khẳng định Phật giáo đã có mặt ở đây từ khá sớm. Tấm bia này có tên  “Tam bảo điền địa”, nội dung bia ghi lại việc cúng ruộng vào chùa dưới thời Trần. Bia được lập vào ngày 8 tháng 1 năm 1362.

Vào khoảng giữa thế kỷ 19, đạo Thiên chúa đã vào đây, tổ chức truyền đạo, dựng nhà thờ, khiến đời sống tinh thần của nhân dân làng Hạ Hiệp càng thêm phong phú. Đạo Thiên chúa bắt đầu vào đời sống tinh thần người dân            Hạ Hiệp năm 1836. Khi đó Hạ Hiệp chỉ có 5 hộ theo đạo này và sinh hoạt chung với nhà thờ xứ Kẻ Bạc (Từ Liêm, Hà Nội). Năm 1842, nhà thờ Hạ Hiệp được dựng, gọi là nhà thờ xứ Giôgiê, khiến cho việc sinh hoạt của giáo dân nơi đây được thuận tiện hơn nhiều. Nhờ vậy, số giáo dân cũng ngày một đông hơn. Năm 1985, số Giáo dân Hạ Hiệp là 52 hộ, 257 người. Theo thống kê, tính đến tháng 7 năm 1995, số giáo dân toàn xã Liên Hiệp là 664 nhân khẩu thuộc 124 hộ (chủ yếu tập trung ở Hạ Hiệp), trên tổng số 1431 hộ với 7431 nhân khẩu.

 *. Về vị thần được thờ tại di tích:

Đình thờ Hoàng Đạo, một danh tướng tham gia cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng trong những năm 40 – 43 sau công nguyên.

Theo thư tịch, đây là một vị danh tướng dưới thời Hai Bà Trưng. Hiện đình làng Hạ hiệp còn giữ được 27 đạo sắc phong của các đời vua phong Thượng đẳng thần cho Thành hoàng Hoàng Đạo. Việc thờ các vị tướng liên quan đến khởi nghĩa Hai Bà Trưng là hiện tượng phổ biến đối với nhiều di tích dọc sông Đáy.

Cùng với việc thờ Thành Hoàng làng, đình làng Hạ Hiệp còn phối thờ cả ông Đặng Trung hầu (tự là Phúc Ánh) – người đã có công tu sửa đình. Ban thờ Đặng trung hầu được làm trên một khám thờ lửng giữa hai hàng cột hiên ngoài, chái bên trái Đại đình.

 – Tướng quân Hoàng Đạo:

Theo truyền thuyết do các cụ địa phương kể lại thì Cha Hoàng Đạo nguyên họ Đỗ. Hai vợ chồng họ Đỗ này nguyên gốc người Nghệ An, ra Hạ Hiệp lập nghiệp, hương đăng tại chùa Sẻ (cũng thuộc làng Hạ Hiệp). Một hôm, mẹ ông đi chơi núi Sài Sơn (núi Thày, thời cổ còn gọi là núi Phật Tích), đêm đó về nằm mộng thấy một dải mây vàng (Hoàng vân) bay ngang qua. Từ đó bà có thai và sau chín tháng mười ngày hạ sinh ông, đặt tên là Đỗ Năng Đạo. Nhớ tới đám mây vàng nên hai ông bà quyết định gọi tên con là Hoàng Đạo (giờ tốt).

Khi Hai Bà Trưng nổi dậy khởi nghĩa chống quân Hán, trả thù nhà, đền nợ nước, ông Hoàng Đạo đã chiêu tập dân binh ba thôn Hạ Hiệp, Hiệp Lộc và Yên Dục cùng tham gia khởi nghĩa dưới cờ của hai nữ tướng. Khi Hai Bà Trưng bị thất trận và phải tuẫn tiết ở cửa sông Hát, ông đã cho lui quân về lại quê cũ. Về tới đất thôn Hiệp Lộc, ông dừng lại, đem chia số vàng của mình cho dân binh 3 thôn đã theo ông khởi nghĩa, trong đó Hiệp Lộc được 3 thoi, Yên Dục 3 thoi và Hạ Hiệp được 7 thoi. Ông mất ngày 12 tháng 3 trên phần đất ngoài bãi sông Đáy thuộc làng Hạ Hiệp. Tưởng nhớ ông, cả 3 thôn đều lập đền và tôn thờ ông làm Thành hoàng. Chỗ ông chia vàng trên đất Hiệp Lộc cũng được dựng đền, gọi là Quán Vàng. Chỗ ông mất được dựng quán, gọi là Quán Hiệp. Quán Hiệp (hay còn gọi là đền Hạ Hiệp) là nơi thờ chính của ông. Đình làng Hạ Hiệp, chỉ là nơi thờ vọng, tới ngày hội, dân làng mới rước bài vị của ông từ Quán về đình để tế lễ. Người dân hai thôn Yên Dục và Hiệp Lộc gọi tên ngài là Hoàng Thông, người dân thôn Hạ Hiệp gọi tên ngài là Hoàng Đạo. Do kiêng tên huý nên dân Hiệp Lộc, Yên Dục đều dùng từ Thuông để gọi chệch từ Thông; dân thôn Hạ Hiệp dùng từ Điệu để gọi chệch từ Đạo.

– Quan thị Đặng Trung hầu

Vị quan này họ Đặng, tự là Phúc Ánh, là người bản địa, làm quan vào khoảng cuối thế kỷ 18. Khi đương chức, ông được phong là Tuần phủ Tam Tuyên (Tuyên Quang – Sơn Tây – Hưng Hoá). Về già, ông lui về sống tại quê nhà và xuất tiền của dựng thêm toà Tiền tế phía trước Đại đình Hạ Hiệp. Năm dựng toà Tiền tế là 1856. Đồng thời ông còn cúng cho làng cả khu đất ruộng rộng lớn phía cuối thôn (khu đất đó nay đã thành nghĩa trang liệt sĩ của xã).

Tưởng nhớ công ơn, dân làng đã tôn ông làm Hậu thần và hương khói  thờ phụng trong đình. Ban thờ của ông được đặt ở phá đốc bên trái đại đình.

*. Về cảnh quan và kiến trúc ngôi đình:

Tại đình làng Hạ Hiệp hiện còn một đôi câu đối phần nào mô tả cảnh quan khu di tích:

Hạ Hiệp thọ linh từ, Hát thủy đông kinh ba dục trạc;

Tiền Lê truyền thắng tích, Sài sơn tây trĩ thạch năng ngôn.

Tạm dịch: 

Đền thiêng còn mãi ở Hạ Hiệp, nước sông Hát chảy về phía đông, muốn giặt [dải mũ] ở làn sóng;

Thắng tích truyền từ thời Tiền Lê, núi Sài vòi vọi ở phía tây, đá như nói lên lời…

Đình làng Hạ Hiệp được dựng quay mặt hướng Tây và do sự phát triển  dân số, ngày nay đình đã nằm lọt vào giữa làng Hạ Hiệp. Theo các bậc cao niên tại địa phương kể lại thì xưa kia đình được dựng trên một thế đất đẹp, bằng phẳng đầu làng. Phía sau đình là một phần ruộng Nhang đăng và những xóm dân cư kéo dài tới chân đê sông Đáy. Nếu tính theo đường chim bay thì khoảng cách từ đình làng Hạ Hiệp tới chân đê sông Đáy hiện nay chỉ khoảng 100 m.

Phía trước Tiền tế là khoảng sân đình, tiếp đó là một chiếc giếng hình bán nguyệt, bán kính 6m (chiếc giếng này đã bị lấp năm 1960), qua giếng là Nghi môn trước. Bên ngoài Nghi môn xưa kia là một lạch nước nhỏ, chảy vòng từ bên phải sang bên trái đình. Hai chiếc cầu nhỏ, xây kiểu vòm cuốn được bắc qua lạch nước, thẳng với hai cổng phụ của Nghi môn, tạo lối vào Đình. Bên ngoài lạch nước là, tiếp đến là một gò đất cao (gò Đình) nhưng nay gò đất này cũng bị san bằng.

Cũng theo các cụ cao niên kể lại, năm 1913, trận đại hồng thuỷ đã làm vỡ đê Phương Độ và làm ngập lụt cả vùng. Trận lụt đó cũng đã làm biến đổi dòng chảy của lạch nước, để rồi qua thời gian, cùng với sự bùng nổ dân sống, lạch nước đó đã bị lấp, dấu vết còn lại chỉ là những hồ, ao xen giữa đường thôn. Một đoạn hồ trước cửa đình hiện đã được kè vuông vắn, làm nơi tụ thuỷ, tụ phúc cho công trình. Cũng từ sau trận lụt đó, lối vào đình từ phía trước đã không còn được sử dụng, dân làng mở thêm cổng bên trái đình và giờ đây nó đã thành lối chính ra vào đình…

Có thể thấy rằng, đình làng Hạ Hiệp từ đầu đã được dựng quay lưng về phía sông Đáy. Điều này dường như trái với quy luật chọn đất dựng đình của nhiều ngôi đình làng Việt khác (thường hướng về nguồn nước, hướng về dòng chảy…). Nhưng nếu phân tích kỹ, ta sẽ thấy, người dân Hạ Hiệp cũng đã chọn cho mình một thế đất đắc địa để dựng đình: đình làng vẫn hướng về một nguồn nước, một lạch nước nhỏ chảy trước mặt. Nếu đình được dựng quay ngược lại 1800, hướng về sông Đáy thì án ngữ trước mặt đình sẽ là con đê hữu sông Đáy sừng sững. Con đê ấy quá gần đình đã tạo cảm giác bức bí cho di tích. Đình được dựng quay lưng lại thì con đê ấy lại trở thành bức hậu trẩm phía sau bao bọc ngôi đình (trên bản đồ địa lý, đoạn đê chạy qua làng Hạ Hiệp không thẳng mà có dạng cánh cung, vòng theo hướng Tây Bắc – Đông Nam). Gò đình trước mặt trở thành tiền án. Ta cũng gặp một vài ngôi đình dựng sát chân đê, không hướng về dòng sông mà dựa lưng vào đê, coi con đê như một thứ Hậu trẩm cho mình và điển hình là đình làng Viên Châu (xã Cổ Đô, huyện Ba Vì)

 Ngày nay, chếch bên trái, phía trước đình là nhà thờ công giáo của làng, phía sau là trụ sở Uỷ ban nhân dân xã. Đằng sau đình là đường làng, chợ và các hộ dân cư.

Về mặt kiến trúc, đình làng Hạ Hiệp gồm nhiều hạng mục công trình, toạ lạc trên một khu đất rộng khoảng 5000 m2. Ngoài hai cổng trước, sau, hồ nước, sân… kiến trúc hiện nay của đình làng Hạ Hiệp gồm 3 phần: Tiền tế – Đại đình – Hậu cung, tạo nên một mặt bằng công trình chính có dạng tiền chữ nhất, hậu chữ đinh.

Tiền Tế: Có mặt bằng chữ nhất, gồm 3 gian 2 chái, mái kiểu chồng diêm, hai tầng tám mái. Vì nóc kết cấu kiểu chồng rường. Câu đầu bên trái gian giữa cho biết công trình này có niên đại Tự Đức 9 [1856] và vẫn giữ nguyên kiểu dáng của lần khởi dựng.

Đại đình: Gồm 3 gian 2 chái lớn, 6 hàng chân cột. Vì nóc kết cấu kiểu giá chiêng. Vì nách kiểu cốn chồng rường. Liên kết ở hiên là dùng kẻ. Dựa vào các tác phẩm điêu khắc, trang trí có thể đoán định công trình này được khởi dựng vào nửa đầu thế kỷ 17, tu bổ lớn vào các giai đoạn nửa cuối thế kỷ 17, thế kỷ 18, 19…Đại đình xưa kia vốn có sàn, nay đã bị dỡ mất, dấu vết còn lại chỉ là những lỗ một ở thân cột.

Hậu cung: Gồm 02 gian, dựng vuông góc với toà ngoài, có hai lớp mái trước, sau, xây kiểu tường hồi bít đốc ( ) và được dựng vuông góc với Đại đình tại vị trí gian giữa. Các mảng chạm khắc tại kẻ vì nách cho biết công trình này được xây dựng vào nửa sau thế kỷ 17, được tu sửa vào thế kỷ 19. Hậu cung hiện vẫn còn sàn đình.

Mái toà Tiền tế lợp bằng hai loại ngói: ngói lót và ngói mũi hài nhỏ.  Mái Đại đình lợp bằng hai loại: ngói lót và ngói mũi hài lớn. Các đầu kìm,  đầu đao, con xô trên mái được làm bằng đất nung và đắp bằng vữa.

Bao che: toà Tiền tế để trống xung quanh. Bao che ở Đại đình dùng hình thức xây tường gạch, trên là cửa sổ trấn song con tiện. Hậu cung xây kín bằng tường gạch hai bên và phía sau theo kiểu tường hồi bít đốc.

Khởi dựng từ thế kỷ 17, được bổ sung dần các thành phần trong những thế kỷ 19, 20…, sự phát triển của đình làng Hạ Hiệp cũng phù hợp với sự phát triển chung của đình làng Việt.

*. Điêu khắc, trang trí ở đình Hạ Hiệp

Với người Việt, nghệ thuật tạo hình không chỉ đơn thuần để trang trí, làm đẹp cho kiến trúc hoặc các hiện vật nào đó, mà chúng là sự kết tinh các giá trị thẩm mỹ, là sự  bồi đắp và ngày càng khẳng định tài hoa của những người thợ thủ công. Đã một thời rất dài, hoa văn gắn vào cuộc sống thường ngày trước việc ứng xử với cái đẹp, để trở thành những mảnh tâm hồn nhân thế và cõng trên lưng bao vấn đề lịch sử xã hội của dân tộc. Chúng luôn luôn mang đậm nhiều khía cạnh về bản sắc, dấu ấn của nghệ thuật đương thời. Chúng là hình ảnh chân thực, là lời nhắn nhủ đầy tính triết mỹ của tổ tiên chúng ta để lại cho mai sau.

 Thiên nhiên vùng nhiệt đới gió mùa mang lại cho chúng ta nhiều thuận lợi trong nông – lâm – ngư nghiệp nhưng cũng đặt ra cho chúng ta nhiều thử thách. Sự khắc nghiệt của khí hậu do độ ẩm cao, mưa bão nhiều cùng với hoàn cảnh xã hội tác động lớn tới nghệ thuật. Ban đầu là sự thay đổi của các triều đại phong kiến, kèm theo đó là chiến tranh liên miên đã phá huỷ của dân tộc ta nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật quý giá, nhiều mảng chạm bị tàn phai, hư hỏng dần sau đó. Cho tới nay, đã không còn một công trình nào bảo tồn nguyên vẹn những tác phẩm điêu khắc tuyệt mỹ từ ngày khởi dựng và đình làng Hạ Hiệp cũng nằm chung trong số phận đó. Nhưng vẫn còn may mắn hơn nhiều di tích khác bởi tuy bị hư hỏng, mất mát nhưng về đại thể, đình làng Hạ Hiệp vẫn còn bảo lưu được một khối lượng lớn những tác phẩm điêu khắc, trang trí, mang đậm dấu ấn đương thời.

Trang trí đất nung, vôi vữa: Các trang trí này tập trung bên ngoài kiến trúc, trên hệ mái và tại Nghi môn. Đề tài thể hiện chủ yếu là những con vật thần thoại, ước lệ: rồng, lân, phượng, voi, ngựa, các hoa văn chữ triện…

Điêu khắc gỗ: Tại đình làng Hạ Hiệp, những tác phẩm điêu khắc đặc sắc nhất đều tập trung ở toà Đại đình, trên các bức cốn vì nách hai gian giữa và hai gian hồi;  tại các ván nong trên cật kẻ và dày đặc trên các ván gió xà thượng bao quanh nội thất. Các trang trí ở đây được thể hiện bằng nhiều kỹ thuật đục – chạm khác nhau: chạm nét, chạm nổi, chạm lộng, chạm kênh bong. Đề tài thể hiện cực kỳ phong phú, đa dạng: rồng, chim, thú, con người, tất cả hoà quyện, đan cài vào nhau, tạo thành một tổ hợp sống động… tất cả thể hiện sự tài hoa, khéo léo của người thợ thủ công và mang đặc trưng dấu ấn đương thời.

Hình tượng con người đã xuất hiện trong thời Tiền sử, sơ sử. Đến thời đất nước thành quốc gia tự chủ, đề tài này được người Việt quan tâm để có một vị trí xứng đáng, tạo điều kiện thành mẫu hình hằng xuyên của mỹ thuật truyền thống. Ở đình làng Hạ Hiệp, đề tài con người đã chiếm một  vị trí đặc biệt trong điêu khắc, trang trí.

– Hình tượng người mang yếu tố thần thoại, ước lệ

+ Hình tượng vũ nữ thiên thần: Đề tài này có mặt rộng rãi trong các kiến trúc, bao gồm hai loại hình khác nhau: Có cánh và không có cánh. Nhìn chung, hình tượng này như đem lại nguồn vui cho chính mảng chạm, bởi bóng dáng của người vũ nữ đó cũng là bóng dáng của người thôn nữ.

Tại đình làng Hạ Hiệp hiện còn 12 tác phẩm Vũ nữ thiên thần (11 bức được chạm trên các ván gió diệp thượng và 01 bức chạm trên thân kẻ bên trái vì thứ hai Hậu cung). Các vũ nữ đều được tả với khuôn mặt bầu bĩnh đang nhìn chính diện, trên đầu đội mũ hình cánh phướn. Thân hình uyển chuyển, thon thả và đều được phục sức bằng một loại áo váy giống nhau: áo cổ tròn, viền cổ trang trí hoa cánh tròn. Váy dài, phía trước có ba vạt hình cánh phướn nhọn đầu buông xuống. Đôi tay được tả như đang múa trong những vũ điệu  đa dạng.

Cùng với các tác phẩm vũ nữ thiên thần kể trên, tại các ván gió Đại đình còn nhiều tác phẩm mô tả cảnh người cưỡi rồng. Nữ cưỡi trên lưng rồng, nam ngự trên đầu rồng. Người thò đầu, người bắt chân chữ ngũ,  người múa lượn… Tất cả tạo nên một hình ảnh vui nhộn, vừa ước lệ, vừa đầy tính biểu cảm. Với những hình ảnh đó, con rồng đã mất đi dáng vẻ dữ tợn, oai nghiêm, mà chúng như những con vật rất đỗi thân thuộc trong đời sống thường nhật (bản ảnh 82, 83, 84).

+ “Táng mả hàm rồng” là thành ngữ ám chỉ phần mộ của những người đã khuất được chôn ở thế đất tốt. Người xưa tin rằng khi mộ của cha, mẹ, ông bà được đặt ở phần đất tốt, mồ yên, mả đẹp (như miệng rồng) thì họ sẽ phù hộ, độ trì cho người còn sống.

Tại Đại đình đình làng Hạ Hiệp hiện còn hai bức chạm đặc tả hoạt cảnh táng mả hàm rồng. Cảnh táng mả hàm rồng tại ván gió trước gian bên bên trái Đại đình tả một người nông dân mình trần, đóng khố, tay trái đang nắm hàm trên con rồng lớn, như muốn vành miệng rồng ra; tay phải đang cố đẩy một cỗ quan tài vào sâu trong miệng rồng. Bức chạm thứ hai lại mô tả chi tiết trang trí tại cốn chồng rường phía sau, bên trái gian bên Đại đình. Một người đang hai tay nâng cỗ quan tài nhét vào miệng rồng…

+ Cưỡi hổ: Trên thân kẻ bên phải Hậu cung có một bức chạm người cưỡi hổ khá độc đáo. Bức chạm tuy nhỏ nhưng phần nào diễn tả được ý đồ của người nghệ sĩ chạm khắc xưa. Cưỡi trên lưng hổ là một người đàn ông mặt nhỏ, nghiêm nghị với miệng rộng, tai lớn, trên đầu đội chiếc mũ vải tròn, không có vành. Đôi chân người đàn ông kẹp chặt mạng sườn con hổ như trong tư thế phi ngựa, tay phải chỉ thẳng về phía trước. Con hổ được tả với hai chân trước duỗi thẳng, hai chân sau co gập như đang trong tư thế phi nước đại. Vị chúa sơn lâm với những bắp thịt cuồn cuộn, nhưng khuôn mặt lại không có vẻ gì dữ tợn mà như đã chịu thần phục ông chủ.  Ngay phía trước bức chạm này là bức chạm một tiên nữ đầu đội mũ miện đang vừa cưỡi trên thân rồng, vừa vung tay múa.

– Hình tượng con người với cảnh sinh hoạt dân gian

+ Đấu vật: Hoạt cảnh này ta gặp khá nhiều trong các chạm khắc của đình làng thế kỷ 17 (đình Đại Phùng – Đan Phượng, Hoàng Xá – Ứng Hòa…). Các đô vật đều tả với đặc điểm chung là: mình trần, đóng khố, khuôn mặt tươi tỉnh và đều trong một động tác cụ thể với nét chạm lộng và kênh bong. Các bộ phận của cơ thể (đầu, thân, chân, tay) có vẻ không cân xứng nhưng chính động tác  tự do, khoáng đạt đã khiến mảng chạm trở nên thuận mắt.

 Hiện còn 02 bức chạm cảnh đấu vật lưu trên ván gió phía trước gian bên bên trái Đại đình. Cả hai bức chạm đều mô tả các đô vật mình trần, đóng khố, đầu trọc, khuôn mặt tròn, các bắp thịt cuồn cuộn, đầy sức sống.  Bức chạm thứ nhất mô tả keo vật đang đến hồi gay cấn, hai đô vật đang ôm ghì lấy nhau. Đô vật bên phải hai chân trụ vững, tay phải ôm cổ chân bên phải của đối phương trong thế lừa để quật ngã địch thủ. Người bên trái đang trụ vững chân trái, tay phải đưa lên ngang đầu đối thủ, tay trái chuẩn bị  vung ra đòn quyết định. Phía trên hai đô vật là một tiên nữ cưỡi rồng đang dõi mắt nhìn xuống. Đằng sau họ cũng là một con rồng đang vươn chiếc đầu lớn dõi mắt nhìn theo.

Bức chạm thứ hai lại mô tả hai đô vật như đang chuẩn bị vào cuộc.  Chân phải bước lên chạm vào nhau. Tay trái đô vật bên phải đang nắm cổ tay phải đô vật bên trái. Hai tay còn lại đều đang trong tư thế sẵn sàng vung ra. Hai chiếc đầu trọc ghé sát vào nhau. Cả hai bức chạm đều được mô tả chân thực và rất sinh động.

+ Uống rượu: Hiện còn 01 bức chạm cảnh uống rượu tạc trên ván dong trước gian giữa Đại đình. Hai người đàn ông vận áo dài, đầu đội mũ tròn ôm sát đầu đang ngồi đối ẩm bên mâm bồng cao. Mâm rượu lại được đặt trên một sập nhỏ hình chữ nhật. Chân phải để nằm, chân trái chống lên ngang cằm. Tay phải nâng chén rượu, tay trái đặt trên đầu gối chân trái. Bức chạm cảnh đối ẩm này rất giống với bức chạm cùng đề tại tại đình làng Hoàng Xá (Ứng Hoà- niên đại 1694), không chỉ về phong cách nghệ thuật mà còn cả bố cục, cũng như những chi tiết nhỏ…

Cũng như đề tài đấu vật, đề tài uống rượu đã xuất hiện nhiều trong  điêu khắc đình làng: đình Hoàng Xá (Ứng Hòa), đình Cao Thượng (Bắc Giang), đình Xốm (Vĩnh Phúc). Những chén rượu đều được đặt trên mâm bồng cao và người uống đều là những quan nhân, người giàu và người già với những  trang phục đương thời. Những bức chạm này còn phần nào cho ta thấy được nét thư thái, phong nhã của những nhà nho trí thức.

+ Đánh cờ: Tại vì nách sau chái hồi bên trái còn 01 bức chạm cảnh hai người đàn ông đang ngồi đánh cờ. Bàn cờ được chạm nổi, đặt giữa. Cả hai  kỳ thủ đều vận áo dài với ống tay áo rất rộng, đội mũ che kín tay và gáy như không màng tới sự đời (mũ ni che tai), khuôn mặt to, béo tốt, thể hiện sự vương giả. Người ngồi bên phải, tay áo vén cao lên sát nách đang đặt một ngón tay vào quân cờ chuẩn bị đi nước mới. Người ngồi bên trái hai tay khoanh vòng ngang ngực như đang nâng chén trà nhâm nhi, khuôn mặt đăm chiêu, nghĩ ngợi. Nếu bàn cờ được chạm nổi thì hai kỳ thủ lại được chạm kênh bong đầy tính nghệ thuật.

+ Cưỡi ngựa: Có 04 bức chạm mô tả người cưỡi ngựa: Một trên thân kẻ bên trái Hậu cung; Một ở ván nong trên cật kẻ chái hồi bên trái trong hoạt cảnh Vinh quy; Một trên thân kẻ trước, bên trái gian giữa và đặc sắc nhất là bức chạm trên vì nách sau chái hồi bên trái. Bức chạm mô tả hai người đàn ông đang cưỡi ngựa phi nước đại. Hai kỵ sĩ đều có khuôn mặt lớn, tròn, mũi to, trang phục gọn gàng. Người bên trái trên tay lại cầm một ngọn giáo dài. Thú vị ở chỗ hai con ngựa lại tả quay về hai hướng khác nhau. Tay hai kỵ sĩ cũng chỉ về hai hướng. Phải chăng bức chạm mô tả cảnh hai chàng thợ săn nhưng họ lại đang không thống nhất về hướng chạy của con mồi. Đây là một bức chạm đẹp, bố cục chặt chẽ, giàu tính biểu cảm.

+ Cảnh ôm gà đi chọi: Trên bức cốn phía sau, bên trái gian giữa  Đại đình (mặt trong) có một bức chạm hoạt cảnh ôm gà đi chọi. Ba người đàn ông, trên tay mỗi người là một chú gà chọi đang xếp hàng một đi vào xới. Đằng sau họ là một tốp người đang hò reo, cổ vũ. Phía trên là hai vị giám khảo đang ngôi trước một cái bàn thấp, quay mặt nhìn xuống. Với thủ pháp chạm nổi kết hợp chạm nét, người nghệ sĩ đã phần nào diễn tả được không khí lễ hội của làng quê xưa.

Cảnh ôm gà đi chọi (hay cảnh chọi gà) cũng đã được thể hiện khá nhiều trên điêu khắc đình làng Việt thế kỷ 17: đình Cao Thượng (Bắc Giang), đình An Hoà (Hà Nam), đình Hoàng Xá (Ứng Hòa). Trong các bức chạm đó, có một đặc điểm chung là con gà thường được mô tả lớn hơn người…

+ Thiếu nữ tắm hồ sen: Chúng ta cũng gặp hoạt cảnh này ở khá nhiều ngôi đình làng Việt thế kỷ 17, như đình làng Đông Viên (Ba Vì), đình Đại Phùng (Đan Phượng), hay trên những di tích, di vật khác như đền Đệ Tam (Nam Định), đền Sấu Giá (Hoài Đức). Tại đình làng Hạ Hiệp,  bức chạm với đề tài này nằm tại ván gió chái hồi bên phải. Bức chạm nhỏ,  lẫn vào với rừng đao mác, lại ở trên cao, phải nhìn kỹ mới nhận ra. Vẫn là những cô thôn nữ để trần, tóc buông dài, đang ngồi tắm trong một hồ nước. Một cô ngắt lá sen lớn che phía trên, như sợ ai dòm ngó.

+ Cảnh Vinh quy lại được đặc tả trong bức chạm ở ván nong trên cật kẻ chái hồi bên trái. Đi đầu là một người cưỡi ngựa, mũ áo xênh xang. Người hầu đeo tay nải đang túm đuôi ngựa. Người gọi loa, người đánh trống cơm, người bế trẻ, người múa trong tư thế cách điệu cao. Người cởi trần, người mặc áo dài… Tất cả tạo nên một tổ hợp huyên náo vui nhộn…

– Đặc sắc nhất có lẽ phải kể tới bức chạm trên kẻ trước, bên trái gian giữa Đại đình. Giữa bức chạm là một người cưỡi ngựa, đội mũ phớt rộng vành, chân đi ủng, tay phải đang chỉ ra phía trước. Ngay trước con ngựa là một người đang quỳ trong tư thế ngắm bắn. Tiếp đến là một người đang túm đuôi một con lợn dốc ngược lên. Phía cuối bức chạm là một con hổ đang lấp ló, rình mò. Xung quanh là cảnh người quỳ, người ngồi. Có ý kiến cho rằng đây là bức chạm tả cảnh đi săn, người cưỡi ngựa là một quan tây, con lợn đang được mang ra để nhử. Nhưng một điều thắc mắc, tại sao người cưỡi ngựa (ông chủ) lại không cầm súng để săn. Có ý kiến lại cho là cảnh quan quân cướp bóc, đang đi cướp lợn của dân. Nhưng con hổ ở cuối bức chạm lại có ý nghĩa gì ? Dù sao thì đây cũng là một bức chạm đặc sắc, thể hiện được đời sống sinh hoạt của xã hội đương thời… 

Rồi còn rất nhiều đề tài về hình tượng con người khác: đó là những đạo sĩ đang ngồi bó gối trầm tư (trên ván nong trước gian bên bên trái), người bắt lợn (trên thân kẻ trước, bên trái gian giữa), cảnh trồng nụ, trồng hoa (trên thân kẻ sau chái bên trái), cảnh thôn nữ ngồi trên đầu rồng (trên cốn vì nách bên trái gian giữa), cảnh đá cầu (trên cốn vì nách trước gian bên bên phải)… Có thể nói, hình tượng con người ở đây được đặc tả với nhiều dạng, nhiều tư thế tĩnh, động khác nhau. Các bức chạm trổ lại là một loại hình ngôn ngữ không lời. Người Nghệ sĩ thế kỷ 17 đã không chỉ mô tả được những đề tài gần giũ cuộc sống mà còn lột tả được nội tâm. Tất cả tạo nên sự sinh động, tạo nên một giá trị nghệ thuật đặc biệt của ngôi đình cổ. Hơn thế nữa, nó thể hiện sự tài hoa, khéo léo của các nghệ nhân chạm khắc xưa.

– Đề tài mô tả động vật:

+ Đề tài rồng mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII:

Cũng là đề tài rồng với những đặc điểm chung: Mắt tròn lồi, mũi to như mũi sư tử, trán dô, miệng rộng, sừng nhọn như sừng nai, tai thú, chân có bốn móng như móng chim ưng… nhưng mỗi con lại có một vẻ riêng. Con thì cổ trơn, con thì có vẩy xếp lớp; Có con râu tết lại, bay ngược về phía sau; Có con râu uốn khúc thành những ngọn lửa nhỏ, đều nhau; Có con hai chân trước vươn ra vuốt râu trông rất ngộ nghĩnh; Có con lại dùng hai chân sau tỳ vào cây cột lực lưỡng như muốn vươn mình thoát ra một cách dũng mãnh.  Các con rồng được chạm với thân mập, uốn khúc, miệng rộng, mắt tròn. Toàn bộ đao mắt, bờm rồng như những đao mác cuồn cuộn bay ngược ra phía sau. Khúc đuôi nhỏ dần, thuôn đều. Lông đuôi xoè tròn như hình chiếc lá.

Trong lòng mỗi giá chiêng tại vì nóc đều được chạm nổi một con rồng lớn đang cuộn mình. Đầu rồng ở vị trí trung tâm mảng chạm đang quay nhìn ra chính diện, râu, đao mắt bay đều ra hai bên. Thân rồng cuộn khúc phía dưới. Lối bố cục này đã xuất hiện từ thế kỷ 15 trên trán bia Vĩnh Lăng  (Lam Sơn – Thanh Hoá, niên đại 1442). Sang thế kỷ 16, chúng ta gặp dạng này trên các ván lá đề vì nóc đình làng Thuỵ Phiêu (Ba Vì – Hà Tây), đình làng Lỗ Hạnh, Thổ Hà (Bắc Giang).

Mỗi một cây kẻ ngoài hiên ở đình làng Hạ Hiệp đều chạm nguyên một con rồng, con thì mình trơn, con thì có vảy xếp lớp. Đầu kẻ chính là đầu rồng hướng ra phía ngoài với mặt rồng, mũi lớn, mắt lồi, miệng há rộng, để lộ hai hàm răng nanh lớn. Dưới cằm là một túm râu dê.

Tại đình làng Hạ Hiệp còn giữ được 04 đầu dư chắc khoẻ tại vị trí gian giữa chạm hình rồng phong cách nghệ thuật giữa thế kỷ 17. Mỗi con lại có một vẻ riêng. Con thì cổ trơn, con thì có vẩy xếp lớp; Có con râu tết lại, bay ngược về phía sau; Có con râu uốn khúc thành những ngọn lửa nhỏ, đều nhau; Có con hai chân trước vươn ra nắm chặt râu trông rất oai vệ; Có con lại dùng hai chân sau tỳ vào cây cột lực lưỡng như muốn vươn mình thoát ra một cách dũng mãnh. Đuôi đầu dư ăn mộng qua thân cột cái tạo thành rường cánh tại vị trí xà nách. Trên thân rường cánh đó chạm khắc dạng đuôi cá, như muốn nhắc đến sự tích   (bản ảnh 76, 77, 78, 79).

Rồng đuôi cá còn được tả ở cốn vì nách trước chái bên trái, ở cốn vì nách trước gian bên bên trái… Đầu đã là đầu rồng với miệng loe, mô dày, mát tròn lồi, đao mác, nhưng đuôi vẫn là đuôi cá chép, thân tròn vắn, cuộn khúc như vẫn đang trong tư thế bơi dưới nước. Hình ảnh rồng này như phần nào mang dang dấp của những con rồng cuộn thắt túi tại đình làng Viên Châu  (Ba Vì).

Trên bức cốn vì nách trước, bên phải gian giữa hiện còn 04 đoạn xà nhỏ, được đặt vuông góc với các con rường cụt; đầu xà chạm đầu rồng như ở tay ngai. Công năng chịu lực của những cấu kiện này hiện không còn và có lẽ nguyên xưa nó là giá đỡ để trên đó đặt một pho tượng tròn nhỏ nhằm tạo thành một bố cục Tiên cưỡi rồng hoàn chỉnh…. Đáng chú là đầu rồng được chạm ở đây vẫn có nét hiền lành, dễ gần, với trán dô, mắt tròn lồi, đặc biệt các đao tóc, đao mắt vẫn được tỉa tót kỹ càng và bay đều ra phía sau một cách mềm mại chứ không mạnh mẽ, khoẻ khoắn như nhiều đao mác mang phong cách nghệ thuật nửa cuối thế kỷ 17. Hình rồng, đao mác ở đây có nhiều nét tương đồng với các con rồng chạm vào giai đoạn Hoằng Định hay Vĩnh Tộ, Dương Hoà… ở đình làng Xuân Sơn (Sơn Tây), đình làng Tường Phiêu (Phúc Thọ), hay trên trán bia chùa Mía (Sơn Tây, niên đại 1632), chúng vẫn còn mang phong cách nghệ thuật của thời Mạc giai đoạn cuối thế kỷ 16. Theo chúng tôi, những cấu kiện này đã được làm trong khoảng 30 năm đầu của thế kỷ 17 và đây là những cấu kiện kiến trúc sớm nhất hiện còn ở đình làng Hạ Hiệp.

Đề tài rồng còn được thể hiện dày đặc tại các ván gió xà thượng bao quanh Đại đình. Mỗi tấm ván gió là hai con rồng ở đây được đặc tả với chiếc đầu lớn, đang quay nhìn chính diện, tai thú, cằm bạnh, miệng rộng, mắt tròn lồi. Bao quanh hai con rồng lớn đó là bầy rồng nhỏ, là những con thạch sùng và những đao mác nhọn đầu, những vân xoắn dạng mây cuộn.

Không chỉ có vậy, ở đình làng Hạ Hiệp, ta còn gặp nhiều mảng chạm rồng với các lớp lá hoả, rồi dạng trúc hoá rồng… Hình tượng rồng với đao mác và mây cuộn đã hợp thành một biểu tượng cầu mưa, cầu nguồn nước của cư dân nông nghiệp.

– Rồng mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn:

Rồng mang phong cách nghệ thuật Nguyễn có nhiều trên đồ thờ  (nhang án, bát bửu, đồ tế khí…), trên cấu kiện kiến trúc ở Tiền Tế  (đầu bẩy…). Trên các vì ván mê gian giữa trước toà Tiền tế đều chạm nổi các hình rồng mây, xen vào đó là các hình hoa sen, hòm sách, tứ quý…

Rồng được chạm khắc với chiếc đầu khá lớn, nổi bật, trán dô, mắt lồi, khuôn mặt dữ tợn. Bờm, tóc, đao mắt mềm mại, dạng như đuôi nheo, bay ngược ra đằng sau. Thân rồng uốn khúc, đuôi và các lông đuôi xoắn tít. Xung quanh rồng là mây ám, rùa, phượng, hoa sen… Nét chạm, rối rắm, chúng có nhiều nét tương đồng với những mảng chạm ở Phương đình đình Tây Tựu, chùa Cổ Nhuế (cùng thuộc Từ Liêm, Hà Nội) hay như ở đình làng Cầu Đơ (Hà Đông). Sản phẩm này mang đặc trưng phong cách nghệ thuật giữa thế kỷ XIX 

Nói chung các mảng chạm rồng mang phong cách nghệ thuật Nguyễn ở đình làng Hạ Hiệp chủ yếu tập trung tại toà Tiền Tế. Các con rồng thường không đứng độc lập mà được mô tả chung với các đề tài khác: phượng, rùa, hoa sen, vân mây, lá lật… Một đặc điểm chung nữa là các con rồng mang phong cách nghệ thuật thời này đều được tạo với chiếc đầu khá lớn so với thân, mắt tròn lồi, sừng nhọn, miệng rộng, khuôn mặt dữ tợn…,

 – Đề tài Lân:

Tại đình làng Hạ Hiệp hiện còn 02 bức chạm lân chầu (một ở cốn vì nách sau chái hồi bên phải và một ở cốn vì nách trước chái hồi bên chái).  Mỗi bức chạm diễn tả một đôi lân ngồi đối diện, đang chầu vời một khóm cây ở giữa (có thể là cây Thiên mệnh, hoặc cúc phù dung – tượng trưng cho mặt trời…). Lân được tả trong “tư thế ngồi theo kiểu chó thân thuộc”, thân mảnh khảnh, đầu ngước lên như đang rướn về phía trước. Điểm xuyết trên thân, khuỷu là những vân xoắn, đao mác. Tất cả tạo cho Lân một vẻ đẹp viên mãn, vừa sống động, vừa gần gũi. Cùng với những đề tài về con người, rồng, lân, đao mác… Những đề tài về các con vật quen thuộc cũng được chú ý mô tả tạo nên giá trị biểu đạt riêng cho di tích.

– Con trâu: Trên cốn chồng rường sau, gian bên bên trái Đại đình là bức chạm mô tả cảnh trọi trâu. Hai con trâu mập mạp đang cúi gằm, ngoắc đầu giao chiến một cách dũng mãnh, dữ tợn. Nghệ nhân xưa lại khéo bố cục cho lưng con trâu bên phải cong vồng lên đỡ hoành mái. Bức chạm vừa chặt chẽ, vừa khoẻ khoắn và tạo nên một giá trị nghệ thuật độc đáo.

– Con voi: Tại cột cái sau, gian bên bên trái Đại đình là một pho tượng tròn thể hiện cảnh người cưỡi voi. Con voi được tả chân thực với cặp ngà dài, cong, vòi lớn đang uốn lên phía trước. Cưỡi trên cổ voi là một quản tượng nhỏ bé những rất oai vệ đang cầm ngọn giáo giương cao.

Rồi bức chạm những con ngựa với người cưỡi bên trên, cảnh hổ, lợn… Các bức chạm vừa mang tính tả thực, vừa mang tính biểu đạt… rất giàu chất dân gian và sống động.

Con hổ: Có 02 con hổ được chạm khắc tại đình làng Hạ Hiệp. Con thứ nhất nằm trên thân kẻ bên trái Hậu cung, có người cưỡi ở trên; Con thứ hai nằm trên thân kẻ trước bên trái, gian giữa Đại đình. Con hổ thứ hai này được chạm ở vị trí cuối của chiếc kẻ, giáp cột quân, đang ở tư thế lấp ló, rình mò. Con hổ với những bắp thịt cuồn cuộn đang nằm ép sát đất, hai chân trước co lại trước ngực như đang phủ phục, lại như đang sẵn sàng lao tới.

Cùng với những đề tài trên, đề tài gắn với thiên nhiên cúng được chú ý mô tả trên kiến trúc đình làng Hạ Hiệp. Tuy nhiên, chúng không được chạm khắc độc lập mà thường kết hợp với những mảng chạm khác để tạo thành một bố cục tổng thể. Những đề tài gắn với biểu tượng tự nhiên (đao mác, vân xoắn) thường được chạm lẫn vào thân rồng, lân. Các đao mác ở đâu đều có đặc điểm chung là thân mập, nhọn đầu, bốc ra một cách ngùn ngụt, đầy sức sống. Đao mác, vân xoắn như tượng trưng cho mây và những tia chớp, chúng hội với rồng như  một biểu tượng về sự cầu mưa, cầu nguồn nước trong đời sống cư dân nông nghiệp.

Những đề tài hoa cỏ thường được chạm nhiều trên đồ thờ nhưng lại rất hiếm trên kiến trúc đình làng Hạ Hiệp. Chỉ có những lá sen trong bức chạm thiếu nữ tắm hồ sen, hay bông cúc hướng dương chạm thủng trên vì nóc gian bên bên phải (sát thân trụ trốn). Nếu hoa cúc tượng trưng cho mặt trời, cho dương thì hoa sen lại tượng cho âm, mặt trăng, nước…

Có thể nói, các đề tài trang trí ở đình làng Hạ Hiệp vừa phong phú về nội dung, hình thức thể hiện, lại phong phú cả về thẻ pháp nghệ thuật. Có bức được chạm lộng, kênh bong; có bức lại chạm nổi. Có bức mô tả dạng phù điêu, lại có bức mô tả dạng tượng tròn… Và may mắn hơn nữa, qua hàng mấy thế kỷ, các tác phẩm nghệ thuật này vẫn còn được bảo tồn tương đối nguyên vẹn…. Tất cả tạo nên một giá trị nghệ thuật đặc biệt cho di tích.

Dựa vào phong cách nghệ thuật, đặc biệt dựa vào các mô típ trang trí chạm khắc ở toà Đại đình có thể nhận thấy được hầu hết chúng đều mang phong cách nghệ thuật giữa thế kỷ 17.

Mặt khác, khi nghiên cứu các di vật ở đình làng Hạ Hiệp, đáng chú ý nhất là 27 đạo sắc phong thuộc các đời phong Thượng đẳng thần cho vị Thành hoàng duy nhất (ông Hoàng Đạo) được thờ tại đây. Di tích còn lưu giữ 11 đạo sắc có niên đại thế kỷ 17, đạo sắc sớm nhất có niên đại Đức Long 7 [1635], dưới thời vua Lê Thần Tông. Ngoài ra, có có các đạo mang niên đại: Dương Hoà 5 [1639], Dương Hoà 8 [1642], Phúc Thái 3 [1645] Phúc Thái 5 [1647], Phúc Thái 7 (1649), Khánh Đức 4 [1652]… Như vậy, tới giữa thế kỷ 17, đây đã là một thờ tự rất nổi tiếng, được triều đình quan tâm và ít nhất di tích cũng phải ra đời trước năm 1635, tức năm có đạo sắc sớm nhất.

*. Về lễ hội đình Hạ Hiệp:

Liên quan đến việc thờ Thành hoàng, hàng năm, dân làng Hạ Hiệp đều mở hội vào ngày 12 tháng 3 âm lịch. Lễ hội thường gồm 2 phần: phần Lễ và phần hội. Phần Lễ trang nghiêm là những nghi thức để tưởng nhớ tới vị thần bảo hộ cho làng, là sự cầu mong với mục đích cầu cho nhân khang, vật thịnh,  mùa màng bội thu.

Bên cạnh phần lễ là những hội đám: hát ả đào, chèo sân đình, múa hạc gỗ, kỳ lân, hý cầu, các trò chơi, đánh đu, đấu vật, đi cầu phao, bắt vịt… diễn ra rất nhộn nhịp. Hội hè là dịp để người nông dân được thoả sức vui chơi, bù lại những chuỗi ngày vất vả, mệt nhọc và cũng là để chuẩn bị cho một mùa làm ăn mới.

Lễ hội là một nét sinh hoạt văn hoá của cư dân làng xã người Việt. Lễ là sự thành kính, trang nghiêm, là sự tưởng nhớ những người có công với dân, với nước, là sự cầu mong cho những điều tốt lành, mưa thuận, gió hoà, cuộc sống an vui. Ngược với lễ, hội là hình thức sinh hoạt văn hoá cộng đồng, là những trò vui dân gian, giúp cho người nông dân quanh năm đầu tắt, mặt tối có được giây phút giải trí vui vẻ trước khi bắt đầu một năm lao động mới. Lễ hội là sự   đoàn kết, gắn bó cộng đồng. Trong lễ hội, mọi người cùng vui vẻ và quên đi những lo lắng đời thường. Và, người ta như chợt hiểu về ý nghĩa sâu xa của lễ hội, rằng: lễ hội là một sự đồng nhất trong đan xen, có nghĩa là trong lễ có hội và hội là đỉnh cao của lễ. Trong đó đã đề cập tới cùng một lúc ít nhất 4 mối ứng xử của con người:

– Ứng xử giữa con người với thần linh, mà một biểu hiện là sự cúng lễ.

– Ứng xử giữa con người với cộng đồng mà trung tâm là cộng đồng làng xã.

– Ứng xử giữa con người với tông tộc và gia đình.

– Ứng xử với chính mình

Như thế, từ hội đình làng Hạ Hiệp có thể thấy, lễ hội không chỉ giải quyết sự vui chơi cho người nông dân quanh năm vất vả, mà chủ yếu là sự thanh lọc tâm hồn để con người sống tốt hơn, đẹp hơn và vững tin hơn vào tương lai, cũng như để cân bằng lại nhận thức và những trách nhiệm trong một không khí thiêng liêng mà thoải mái. Chính vì thế mà lễ hội là đỉnh cao của sinh hoạt văn hoá cộng đồng, đầy tính truyền thống và đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc…

Đình Hạ Hiệp đã được xếp hạng cấp Quốc gia tại Quyết định số 1728VH/QĐ ngày 2/10/1991. Năm 2017, di tích đã và đang được thực hiện Hồ sơ đệ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt.

vietnam-destinations.com | Khám phá Việt Nam

Nguồn: Sưu tầm internet.