Những nghệ nhân của vùng quê này, “tiên phong” là ông Nguyễn Ðăng Vông – “Vông gốm Dâu” đã phục dựng dòng gốm, sau nhiều thế kỷ tưởng đã thất truyền.
Nhà sử học và nghệ nhân
Giờ đây nhiều công trình kiến trúc có giá trị trong nam, ngoài bắc đều muốn chiêu dụ “Vông gốm Dâu” để ông gắn những sản phẩm trang trí, thổi hồn cho công trình. Sau những chuyến đi “Vông gốm Dâu” lại về ẩn mình đâu đó, tĩnh tâm để sáng tác. Một ngày cuối thu, đất cổ vùng Dâu nắng vàng như mật, Chủ tịch UBND huyện Thuận Thành Lê Ðình Thanh kéo được “Vông gốm Dâu” rời xưởng gặp khách. Chủ tịch huyện là người am hiểu về văn hóa vùng Dâu, lại gắn bó với nghệ nhân từ thuở hàn vi.
Nghệ nhân Nguyễn Ðăng Vông tuổi Nhâm Tuất, sinh ra và lớn lên tại xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành. Ông cho biết: Thực ra hồi nhỏ tôi cũng chưa có thiên hướng gì cả. Cho đến năm 1971, khi Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng cùng đoàn khảo cổ về quê Hà Mãn tiến hành khai quật, tìm những cổ vật của thành cổ Luy Lâu, tôi cùng bọn trẻ hào hứng ra xem. Giáo sư nói chuyện với bà con vùng Dâu về lịch sử và vẻ đẹp của gốm Luy Lâu. Tôi nghe như bị mê hoặc, để rồi nuôi trong mình mong ước khôi phục lại dòng gốm của quê nhà.
Năm 1980, Nguyễn Ðăng Vông tốt nghiệp Khoa mỹ thuật, Trường Văn hóa-Nghệ thuật Hà Bắc. Niềm đam mê gốm đã ngấm vào máu, khiến anh lặn lội khắp nơi để tìm hiểu về gốm Luy Lâu – vùng Dâu. Anh lân la trong các viện bảo tàng để tìm hiểu về những sản phẩm gốm cổ. Có khi, một mình Nguyễn Ðăng Vông khăn gói đến các làng nghề gốm nổi tiếng của cả nước như: Bát Tràng, Phù Lãng, Chu Ðậu rồi lên cả Thổ Hà (Vĩnh Phúc)… để xem gốm, học làm gốm. Mấy năm học tại nhà trường đã mách bảo anh phải biết lắng nghe và gắn kết với các nhà sử học và khảo cổ trong nước để tìm hiểu về lịch sử và những nét độc đáo, đặc sắc của gốm Luy Lâu. Cơ duyên khiến anh được Giáo sư Trần Quốc Vượng và nhà nghiên cứu sử học Dương Trung Quốc ân cần chỉ dẫn.
Trong một lần gặp mặt nhà sử học Dương Trung Quốc, chúng tôi nêu lại câu chuyện gốm Luy Lâu, ông cho biết: Dòng gốm Luy Lâu ra đời cách đây hơn hai nghìn năm. Ðây là một trong những dòng gốm cổ nhất Việt Nam, với nhiều sản phẩm độc đáo, thể hiện trình độ phát triển cao trong nghệ thuật tạo hình và nung đốt. Ðến thế kỷ 17 thì gốm Luy Lâu bị mai một. Nhà sử học Dương Trung Quốc nhớ lại: Thầy Trần Quốc Vượng sinh thời rất gắn bó với công việc nghiên cứu vùng đất cổ Luy Lâu. Ông cho rằng: Những sản phẩm gốm đỏ vùng Dâu – Luy Lâu được coi như những sản phẩm mẫu mực đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật-mỹ thuật đặc thù của dòng gốm Phương Nam mà lâu nay các nhà khoa học đã đặt cho cái tên là gốm Sông Hồng. Như vậy thực chất gốm Sông Hồng chính là dòng gốm đỏ Luy Lâu.
Từng có những hội thảo khoa học diễn ra trong và ngoài tỉnh Bắc Ninh nhằm tìm giải pháp khôi phục, phát triển dòng gốm Luy Lâu. Với các sản phẩm gốm cổ tìm thấy trong những cuộc khai quật ở các xã Nguyệt Ðức, Thanh Khương, Hà Mãn… huyện Thuận Thành, các nhà khảo cổ, nghiên cứu lịch sử nhận thấy nét nổi bật của loại men phủ mầu xanh ô-liu ở dòng gốm Luy Lâu. Tuy nhiên, sau nhiều biến cố lịch sử, trong đó có sự chấm dứt thời kỳ Bắc thuộc, dòng gốm Luy Lâu dường như đã di dời qua các sông Luộc, Ðuống, Thái Bình để xuất hiện những trung tâm gốm ở Hải Dương và Thái Bình. Thông qua những kết luận khoa học, lãnh đạo địa phương và nghệ nhân đi đến tiếng nói, tâm nguyện chung: Cần tạo những sản phẩm tiêu biểu cho thương hiệu “Gốm đỏ vùng Dâu – Luy Lâu”.
Sau những cuộc hội thảo và đề án với các giải pháp khôi phục phát triển dòng gốm cổ Luy Lâu đã có nhiều người khẳng định, gốm Luy Lâu sẽ phát triển tốt trong thời kỳ hội nhập. Nguyễn Ðăng Vông vận động thành lập hợp tác xã (HTX) gốm để tập hợp, đào tạo các nghệ nhân cùng chí hướng. Ðến nay HTX gốm Luy Lâu đã có hơn 1.000 mẫu thiết kế, chế tác sản phẩm gốm. Những năm trở lại đây, từ các sản phẩm gốm Luy Lâu trưng bày tại các cuộc triển lãm, các hội chợ thương mại, giới nghiên cứu, những người say mê gốm cổ nhận thấy: Gốm Luy Lâu ngày nay đã có những bước tiến cả về mẫu mã và chất lượng. Bên cạnh sản phẩm phục vụ cuộc sống hằng ngày, nghệ nhân đã khéo sử dụng ngôn ngữ hiện đại của mỹ thuật tạo hình gắn kết nhuần nhuyễn với chất liệu, đường nét, mầu sắc truyền thống tạo thành các sản phẩm nghệ thuật và những sản phẩm gốm phản ánh nội dung văn hóa, lịch sử.
Vũ điệu của lửa và đất
Bao năm nay, không ít người mê gốm khắp nước đã về tận đất cổ vùng Dâu – Thuận Thành tìm gặp bằng được “Vông gốm Dâu”. Nhiều người trong số họ được “mục sở thị” bộ sưu tập gốm đỏ vùng Dâu (Luy Lâu) nghìn năm tuổi, độc nhất vô nhị của ông cùng các tác phẩm mới, cũng rất độc đáo và gần như độc bản, do chính nghệ nhân chế tác.
Tiêu biểu độc đáo phải kể đến tác phẩm đạt kỷ lục “Chiếc ngọc bình lớn nhất Việt Nam” tại Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội với chiều cao 4,2 m, đường kính 2,1 m, nặng 2,2 tấn. Ngọc bình gồm năm phần: nắp, miệng, cổ, thân, đế kết hợp hài hòa với nhau. Ðất làm chiếc ngọc bình được nghệ nhân kỳ công lấy từ 63 tỉnh, thành phố trên khắp đất nước kết hợp với đất Hà Mãn, đất gốm Luy Lâu vùng Kinh Bắc. Những hoa văn trên ngọc bình khái quát lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc với những chiến công hiển hách của ông cha. Ðặc biệt, ngọc bình đắp phù điêu 1.000 nhân vật văn hóa trong lịch sử. Trên vai ngọc bình là hình ảnh đôi rồng thời Lý vươn mình, thể hiện sức mạnh và vị thế Thăng Long – Hà Nội cùng với hình ảnh vua Lý Công Uẩn với Chiếu dời đô và chiến thắng Như Nguyệt hào hùng trên phòng tuyến sông Cầu. Tác phẩm cũng thể hiện đặc biệt sinh động cảnh sinh hoạt và lễ hội đặc trưng cùng các danh lam thắng cảnh chùa Dâu, chùa Bút Tháp, đền Ðô… nổi tiếng vùng Kinh Bắc. Nghệ nhân Nguyễn Ðăng Vông cho biết, ý tưởng làm chiếc ngọc bình của ông có từ một tư liệu lịch sử: Khi Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long, những người thợ gốm thành Luy Lâu cũng được tập họp về đất kinh kỳ. Nghệ nhân tâm đắc: Văn hóa của Thăng Long có ghi dấu ấn của văn hóa Luy Lâu, nét văn hóa bản địa của người Việt cổ.
Sống với nghề gốm nhưng Nguyễn Ðăng Vông không đi vào sản xuất đại trà gốm gia dụng mà tập trung sáng tác gốm mỹ nghệ, đơn chiếc với nghệ thuật trang trí đầy sáng tạo ngẫu hứng. Mỗi tác phẩm của ông độc đáo mà không lặp lại, đẹp dung dị mà sang trọng. Còn nhớ, tháng 11-2006, khi tham gia triển lãm do Bảo tàng Cách mạng Việt Nam tổ chức để chào mừng các quan khách nước ngoài đến dự Hội nghị APEC lần thứ 14 được tổ chức tại Hà Nội, gian trưng bày của “Vông gốm Dâu” được nhiều vị nguyên thủ các nước đến thăm và đánh giá cao. Ngay tại triển lãm, một khách người Mỹ đã mua một số sản phẩm gốm của ông mang về nước. Sau đó, một doanh nhân Mỹ tìm sang đặt lô hàng với số lượng khá lớn. Gần đây, HTX gốm Luy Lâu đã tạo nên ấn tượng mạnh trong làng gốm Việt Nam khi ký hợp đồng sản xuất 2.500 pho tượng Phật. Cả 2.500 pho tượng đã được hoàn thành với sự tham gia của các nghệ nhân gốm tài hoa đất Thuận Thành, được đặt trang trọng tại chùa Bái Ðính (Ninh Bình).
Ðược biết, Nguyễn Ðăng Vông đã trải qua bao phen sóng gió với nghề để giải mã bí truyền của tổ tông kết tinh trong gốm cổ Luy Lâu. Từ bùn đất của sông Dâu, tro than đốt từ thân cây dâu mọc trên phù sa đồng bãi quê nhà, thêm chút sỏi đá của vùng rừng, vỏ sò, vỏ điệp của biển, ông đã hồi sinh được sắc mầu men gốm Luy Lâu cổ truyền là xanh ô-liu trầm ấm và trong trẻo, đỏ sậm mạnh mẽ… Bức tranh sinh hoạt trữ tình, sống động của vùng đất Kinh Bắc được nghệ nhân nhào nặn thổi hồn, rồi thăng hoa trong vũ điệu của đất và lửa, tạo nên dòng sản phẩm đậm sắc thái cổ điển của gốm cổ Luy Lâu lại hiện đại về phong cách tạo hình.
Năm 2012, thêm một dấu ấn mang tính sự kiện: Trường trung cấp nghề Kinh tế – Kỹ thuật và Thủ công mỹ nghệ truyền thống Thuận Thành với sự hỗ trợ, chỉ đạo của Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đã triển khai đề án đào tạo khôi phục làng nghề gốm đỏ vùng Dâu. Hiệu trưởng Nguyễn Văn Chế đã thuyết phục nghệ nhân Nguyễn Ðăng Vông vừa là cố vấn vừa trực tiếp tham gia đào tạo thợ chế tác, sản xuất. Ðề án khởi động tạo nền tảng cho hàng trăm hộ gia đình thợ gốm ở đây theo nghề, tiếp thêm nguồn sinh lực mới cho dòng gốm đỏ vùng Dâu – Luy Lâu.
Trong xu thế hội nhập, thương hiệu “gốm Luy Lâu” đã bổ sung cho thị trường du lịch miền quê Kinh Bắc và xuất khẩu một dòng sản phẩm độc đáo, có giá trị.
Nguồn: Sưu tầm internet.