Từ xa xưa, người làng Xuân Lai đã có cuộc sống gắn bó với cây tre, cây trúc. Trước đây, sản phẩm làm từ tre trúc của làng chủ yếu là thúng, rổ, rá, chõng tre, cán cuốc, sào, cần câu. Ngày nay, ở Xuân Lai nhiều hộ dân đầu tư công nghệ, máy móc sản xuất với quy mô lớn, đa dạng hóa sản phẩm với nhiều mặt hàng cao cấp như: bàn ghế, trường kỷ, bàn làm việc, tranh nghệ thuật, đèn lồng, bình phong…các sản phẩm làm từ tre trúc đều mang lại cảm giác thân thiện, dung dị nhưng không kém phần sang trọng.
Làng nghề Xuân lai đang tiếp tục được các nghệ nhân gìn giữ và phát triển những sản phẩm có giá trị sử dụng và nghệ thuật cao như Tranh tre, nội thất bằng tre và cả những công trình kiến trúc, khuôn viên thiết kế trang trí từ tre trúc hun khói. Sản phẩm của làng Xuân lai không chỉ được người dân trong nước đón nhận mà còn được bè bạn quốc tế biết đến qua các tour du lịch, các doanh nghiêp xuất khẩu đồ mỹ nghệ
Tre trúc được đưa về từ các tỉnh Cao Bằng,Thái Nguyên, Lạng Sơn… là nguyên liệu chính để làm ra những sản phẩm thủ công ở Xuân Lai.
Theo những người thợ lâu năm, để chế tác vật liệu, người thợ phải chọn những cây tre, trúc tốt có dóng đều, thẳng, không sâu, mấu nhỏ. Tùy loại sản phẩm mà người thợ chọn loại cây to hay nhỏ, độ trưởng thành của cây để đảm bảo độ bền vững sản phẩm.
Tiếp đó, tre, trúc sẽ được ngâm dưới bùn ao trong vòng 4 tháng, sau đó vớt lên, làm sạch lớp vỏ ngoài và đưa vào lò đất hun khói, tạo độ bền, tránh mối mọt.
Trong lò đất tre, trúc được sấy khô, hun khói từ 4 – 10 ngày đêm. Qua công đoạn này những cây tre, trúc được sấy khô trở lên rất nhẹ, bền, chắc có thể chịu được mốc, mối mọt và giữ được màu trong nhiều năm.
Trải nghiệm công đoạn chế tác sản phẩm tranh tre hun khói mới thấy được những nét sáng tạo và tài hoa của người thợ Xuân Lai. Người thợ tạo hình bằng cách dùng chiếc lưỡi cưa mài sắc để cạo những lớp màu cánh gián do hun lửa. Đây là cách “vẽ” đặc biệt ở làng Xuân Lai.
Tranh tre Xuân Lai có nội dung thể hiện phong phú đó là những cây đa, bến nước, sân đình, những khung cảnh sinh hoạt bình dị mang nét văn hóa truyền thống của vùng Bắc Bộ.
Bức tranh dân gian “Đám cưới chuột” được người thợ Xuân Lai thể hiện bằng kỹ thuật tre hun khói.
Một bức bình phong tre ở làng Xuân Lai.
Bên cạnh các sản phẩm tranh hun khói, tre trúc Xuân Lai đã có mặt tại nhiều công trình kiến trúc đẹp bởi ưu điểm thân thiện với môi trường.
Hiện ở Xuân Lai có không ít gia đình sản xuất tranh trên chất liệu tre, trúc hun khói, làng có 3 thôn với 826 hộ dân thì gần 50% hộ dân làm tre trúc, trong đó có khoảng 10 cơ sở sản xuất lớn. Nghề làm tre đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.
Bằng sự sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo, từ cây tre, cây trúc bình dị những người thợ Xuân Lai đã sáng tạo thành các sản phẩm nghệ thuật độc đáo và làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình một cách hiệu quả.