VIETNAM DESTINATIONS > Destination > Làng Chạm Khắc Gỗ Đông Giao

Du lịch Làng Chạm Khắc Gỗ Đông Giao

Đông Giao thời Lê là một xã trong số 7 xã của tổng Mao Điền, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương. Cuối thời Nguyễn, Đông Giao vẫn đứng riêng biệt một xã gồm 3 thôn: Sở, Chay và Đông Tiến. Năm 1948, do chủ trương thực hiện liên xã của tỉnh, Đông Giao hợp với các thôn Bến, Thái Lai, Bái Dương, Ải, Bối Tượng, Lường Xá, Đông Khê, Cầu Dốc thành xã Lương Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.

Tương truyền, nghề chạm khắc gỗ ở Đông Giao đã có trên 300 năm. Xưa, người thợ Đông Giao nổi tiếng với các sản phẩm đồ thờ như ban thờ, nghi môn, hoành phi, câu đối… Các sản phẩm ấy được người dân các tỉnh thành lân cận rất ưa dùng. Ngoài ra, đôi bàn tay tài hoa của người thợ Đông Giao còn in dấu ở rất nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng trên khắp mọi miền đất nước. Vì thế, cho đến nay, người Đông Giao vẫn còn tự hào mỗi khi nhắc đến công lao của những người thợ tài hoa quê mình trong việc xây dựng Kinh thành Huế xưa kia.

Xưa, thợ Đông Giao ít khi làm việc tại nhà, một phần do ít vốn, một phần còn phụ thuộc yêu cầu người sử dụng. Thông lệ, hàng năm vào hạ tuần tháng Giêng, sau hội làng xong, thợ cả đi tìm việc, nhận việc, nhiều khi khách đên làng tìm thợ. Nắm chắc việc làm, thợ cả về làng tìm thợ bạn. Trong số thợ bạn phải có thợ đầu cánh, thông thạo từng loại việc, đủ khả năng vẽ mẫu và chỉ huy thợ phụ. Công việc chạm khắc công phu, tỉ mỉ, việc nhỏ cũng phải mất hàng tháng, việc lớn cả hiệp phải mất hàng năm, thợ phải ăn ở tại nơi làm việc.

Cách mạng tháng Tám thành công, tiếp theo là ba mươi năm chiến tranh ác liệt, đồ thờ, đồ chạm khắc trang trí chỉ là hiện vật bảo tàng, không ai mua sắm và bị tiêu huỷ phần lớn. Thợ chạm Đông Giao thất nghiệp, số đông về làm ruộng, số ít chuyển sang đóng tủ, bàn ghế thông dụng. Lớp trẻ không ai quan tâm đến nghề chạm, họ khâm phục tài năng của ông cha, song vẫn coi như một nghề đã chết. Thợ già không có đất dụng võ, thỉnh thoảng chạm chiếc lèo tủ để luyện tay nghề, bán được chăng hay chớ. Ngày qua tháng lại, lớp thợ lão luyện vắng dần, nghề nghiệp mai một, đang có nguy cơ thất truyền, thì đất nước hoàn toàn giải phóng.

địa điểm du lịch Hải Dương

Cuộc sống vật chất chưa cao, nhưng nhiêu gia đình đã có của ăn của để, có điều kiện mua sắm vật dụng gia đình không chỉ thực dụng mà còn có chức năng trang trí, khơi dậy nếp sống văn hoá và truyền thống. Tủ buyp phê, Tủ Đức, tủ bằng, tủ lệch…kiểu nào cũng một hai năm là lạc hậu. Dân gian, nhất là nông thôn quay lại vơi tủ chè -tủ văn tiến, loại tủ cổ điển của dân tộc. Sức mua mặt hàng này tăng nhanh chưa từng có trong lịch sử. Nghề làm tủ chè không phải làm nghề chính của Đông Giao, nhưng do nhu cầu xã hội thúc đẩy, nghề chạm Đông Giao sống lại và phục hưng nhanh chóng. Từ chạm khắc đồ thờ chuyển nhanh sang chạm tủ chè. Chỉ trong tám năm, từ 4-5 nghệ nhân cao tuổi đã đào tạo lên một đội ngũ thợ chạm lớn mạnh với nhiều thợ trẻ đầy triển vọng.

Tính đến năm 1983, làng có tới 97% số hộ tham gia nghề mộc với trên 400 thợ nam, nữ, già, trẻ. Đến Đông Giao nhiều người ngạc nhiên khi thấy những chiếc lèo tủ hoa văn mềm mại, chênh bong lại do lớp thanh niên tạo ra. Nhiều em 9-10 tuổi đã chạm thành công những bức chạm phức tạp. Đặc biệt hơn là có những nữ thanh niên chạm lèo, bệ không kém thợ lành nghề và long tủ thành thục – công việc phức tạo nhất quyết định chất lượng mặt hàng. Đây là nét mới của nghề chạm, nét mới của Đông Giao. Xưa phụ nữ đi theo các hiệp thợ để nấu cơm và làm việc nhẹ thì ngày nay, họ tham gia hầu hết các công đoạn của nghề chạm. Xưa mọi việc phụ thuộc vào thợ cả, nay đã hình thành những ông chủ đặt và thu mua hàng xuất khẩu. Nếu nam giới có những người bắt tay vào điêu khắc rất sớm từ lúc lên 5, lên 6 tuổi thì nữ giới tay cũng đã biết cầm chàng, cầm đục, mắt đã quen với từng “mẫu Phật”. Nghề điêu khắc gỗ chủ yếu làm bằng tay nên ngoài năng khiếu, người thợ phải được đào tạo bài bản qua trường lớp hoặc trải qua thời gian dài làm việc tại các làng nghề thì mới có khả năng tạo ra những sản phẩm tinh xảo, vừa lòng khách hàng. Nghề điêu khắc của làng được cha truyền con nối từ đời này sang đời khác. Với những gia đình không làm mộc, khi còn nhỏ, người phụ nữ đã học nghề và được tôi luyện tại các xưởng mộc lớn. Hàng năm thợ Đông Giao không chỉ sản xuất hàng tại quê mà có hàng trăm thợ đi làm ở các trung tâm sản xuất hàng gỗ mỹ nghệ tại các doanh nghiệp ở các thành phố lớn cũng như các làng nghề. Sản phẩm của Đông Giao đã có mặt ở hầu khắp các làng xã và thành phố trong nước trở thành dấu ấn văn hoá và là một mặt hàng xuất khẩu sang nhiều nước, được khách hàng ưa chuộng.

 

Gỗ dùng chạm khắc gồm nhiều loại, tuỳ theo mặt hàng mà chọn gỗ thích hợp. Yêu cầu chung là gỗ phải bền chắc, ít cong vênh, nứt rạn, không mọt, khó mối, dẻo mịn, dễ chạm và đánh bóng. Chọn gỗ xong, tiến hành, xẻ, cắt, đẽo, bào…tạo dáng đúng quy cách. Vẽ mẫu trên giấy bản, in vào gỗ rồi bắt đầu chạm khắc. Nhiều thợ lành nghề thuộc lòng các đề tài, chỉ cần phác các nét chính, đăng đối, đúng kích thước là có thể chạm đâu được đấy. Vật chạm khắc không phải bao giờ cũng thể hiện được trên một khúc gỗ, thông thường phải lắp ghép nhiều chi tiết bằng các loại mộng. Để đảm bảo cho các chi tiết liên kết với nhau bền chắc, phải mồi sơn ta vào các lỗ mộng hoặc chốt đinh tre, đinh đồng. Những chi tiết chênh bong thường được chạm rời đắp lại bằng mộng và sơn để tiết kiệm gỗ, khắc phục loại gỗ nhỏ và tạo điều kiện thuận lợi khi thể hiện. Đề tài chạm khắc trên một số đồ thờ thường là tứ linh: Long, ly, quy, phượng; tứ quý: Thông, mai, cúc, trúc, hoặc trích các tích trong kinh Phật hay truyện cổ. Các hoạ tiết phải đăng đối, cân xứng.

Thợ Đông Giao có sự khéo léo, thông minh với bản chất cần cù chịu khó nên qua thời gian, họ đã không ngừng sáng tạo, cải tiến mẫu mã, nâng cao tay nghề. Đặc biệt trong cơ chế thị trường hiện nay họ đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tạo nên những sản phẩm chạm khắc gỗ vô cùng phong phú đa dạng. Nếu như trước đây là đồ gia dụng (bàn ghế, giường tủ…) và đồ thờ cúng (ngai ỷ, hương án, bát bửu…) thì nay người thợ sản xuất cả những sản phẩm mỹ thuật nội thất mang phong cách phương Nam (tủ chùa, sa lông, gạt tàn thuốc lá, con giống trang trí các loại…). Đặc biệt là những mặt hàng xuất khẩu cho các nước: Đài Loan, Hồng kông, Singapo,Thái Lan, Trung Quốc… phải được thể hiện trau chuốt hơn, đa dạng hơn theo yêu cầu khách hàng. Đến nay, chỉ tính riêng tại thành phố Hồ Chí Minh, làng nghề chạm khắc Đông Giao đã có tới gần 30 cửa hàng lớn, có đủ khả năng bao tiêu và xuất khẩu ra nước ngoài mang lại nguồn thu nhập ngày càng cao cho các gia đình.

Từ năm 1993 ở Đông Giao đã hình thành cơ sở dịch vụ thương mại đầu tiên của gia đình ông Vũ Xuân Cửu. Tuy rằng “vạn sự khởi đầu nan” song nó đã mở đường cho sự phát triển mới của Đông Giao. Đối với thị trường trong nước, sản phẩm của  Đông Giao được tiêu thụ ở khắp 3 miền. Thị trường miền Bắc xưa có phần như không thích ứng với mặt hàng này thì nay do nhu cầu của cuộc sống đã giúp cho sản phẩm Đông Giao khẳng định được mình ngay trên mảnh đất quê hương. Nếu đi dọc đường 38 từ Sặt đi Bắc Ninh, ta sẽ bắt gặp nhiều cơ sở sản xuất đồng thời cũng là nơi  giới thiệu sản phẩm và bán sản phẩm của  Đông Giao. Sự phát triển này không phải là một sự ngẫu nhiên mà nó còn mang truyền thống của một làng nghề trong quan hệ mật thiết với những làng nghề truyền thống của Bắc Ninh từ xa xưa.

 Công việc chạm khắc công phu, tỉ mỉ, cùng đôi bàn tay tài hoa của người thợ, làng nghề chạm khắc gỗ Đông Giao trong một tương lai gần sẽ vươn cao, bay xa, hoà chung trong dòng chảy đổi mới của đất nước.

vietnam-destinations.com | Khám phá Việt Nam

Nguồn: Sưu tầm internet.