(BNP) – Chùa Tam Sơn (còn có các tên gọi là chùa Cảm ứng, chùa Ba Sơn, chùa Trăm gian) tọa lạc ở núi Tam Sơn, thôn Tam Sơn, xã Tam Sơn, thị xã Từ Sơn được xây dựng từ thời tiền Lê, là một trong những ngôi chùa độc đáo của vùng quê Kinh Bắc – Bắc Ninh.
Theo các thư tịch cổ, từ thời tiền Lê đến đầu thời Lý, chùa Tam Sơn (khi đó còn gọi là chùa Ba Sơn) đã là một trong những trung tâm phật giáo của vùng Kinh Bắc và cả nước. Theo sách “Việt sử lược” thì vào khoảng niên hiệu Ứng Thiên (955 – 1007) chùa là nơi Thiền sư Vạn Hạnh đưa Lý Công Uẩn về lánh nạn tránh sự truy đuổi của Lê Ngọa Triều. Khi nhà Lý ra đời, chùa vẫn là nơi trụ trì, hành đạo của nhiều vị tổ sư có công lớn trong việc xây dựng triều chính và nền văn hóa dân tộc dưới triều Lý.
Năm 1063, vua Lý Thái Tôn đã cho xây dựng chùa với quy mô lớn, trở thành trung tâm đào tạo các tăng sư và là danh thắng nổi tiếng của vùng. Thời Lý, Công chúa Thuận Dương, Nguyên Phi Thần Châu và Nguyên phi Bảo Liên từng đến tu hành tại chùa. Hiện nay trong chùa vẫn còn vết tích Am Hoa Viên (vườn hoa) và các tượng thờ các công chúa, nguyên phi thời Lý.
Vào sáng mồng 1 Tết năm Đinh Mùi (tức ngày 09/2/1967), Bác Hồ đã về thăm, nói chuyện với cán bộ, nhân dân, thiếu nhi xã Tam Sơn tại cổng chùa Tam Sơn. Sau đó Người đã trồng cây đa trước cồng chùa và đến nay cây đa vẫn tỏa bóng mát, được nhân dân địa phương trân trọng, gìn giữ.
Năm 1972, giặc mỹ ném bom làm nhiều công trình chùa Tam Sơn bị hư hại, tượng phật bị cháy hỏng. Vào năm 1975 và năm 2000, chính quyền và nhân dân thôn Tam Sơn đã tôn tạo, tu bổ, khôi phục lại chùa với quy mô kiến trúc gần giống như ngôi chùa trước khi bị bom Mỹ tàn phá.
Hiện nay, trong chùa còn lưu giữ được nhiều pho tượng phật và cổ vật có giá lịch sử, nghệ thuật như: Khánh đá tạo khắc năm 1672, cây hương đá dựng năm 1679, chuông đồng đúc năm 1826, đặc biệt là tấm bia “Tam Sơn xã đăng hoa bi ký” dựng khắc năm 1902…
Chùa Tam Sơn được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1992.
Nguồn: Sưu tầm internet.