Tổng quan
Ngôi đền ở làng Chân Lạc, tức làng Chóa, thuộc xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
Lịch sử
Đền được xây dựng thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII), thờ 3 vị thủy thần là: Thủy tộc long quân, Hoàng Hà long khiết phu nhân và Tam Giang công chúa. Từ khi thành lập đến nay, đền đã qua một vài lần trùng tu vào thời Nguyễn. Ngôi đền hiện nay nằm trên một khu đất cao ở giữa làng, bên cạnh là đình, chùa, miếu, tạo thành một quần thể di tích cổ kính của làng quê.
Kiến trúc
Trước đền có sân, hồ bán nguyệt rộng, cây cổ thụ bao quanh. Khu đền chính bao gồm Thượng điện, Trung điện, Hạ điện. Mỗi tòa 3 gian 2 chái mái ngói đao cong, nằm trên một trục chính giữa theo kiểu chữ 三Tam. Hai bên là dãy Tả vu, Hữu vu cũng 3 gian 2 chái mái ngói đao cong.
Di vật
Trong đền còn bảo lưu được nhiều cổ vật quý hiếm như: Tượng “Long Vương” mặt người mình rồng, 19 đạo sắc phong (sắc sớm nhất năm 1740, sắc muộn nhất năm 1924), 2 bia đá (được khắc năm 1704 và 1714), hoành phi, câu đối, hương án, sập đá hạc gỗ, phỗng gỗ, chấp kích, bát bửu… không những là chứng tích của ngôi đền trong lịch sử, mà còn là những tác phẩm đặc sắc của hai thời Lê-Nguyễn.
Lễ hội
Vào năm hạn hán, dân làng Chóa tổ chức lễ cầu đảo tại đền. Nghi thức tế lễ Thần được tiến hành trong ba ngày liền, không mưa lại ba ngày tiếp theo. Nếu trời vẫn không mưa thì dân làng tổ chức “Tắm kiệu”: rước kiệu Thần từ đền Chóa bằng thuyền vượt sông Cầu sang đền Vường sát bờ sông (thuộc xã Châu Minh, Hiệp Hòa, Bắc Giang) để tế lễ Thần ở đây. Khi thuyền qua sông, người ta còn dùng gáo đồng múc nước dội lên kiệu gọi là tắm kiệu. Sau khi tế lễ tại đền Vường mà trời vẫn không mưa, dân làng lại tổ chức “Rước bơi”: Kiệu Thần được rước đến bến Đình (thuộc thôn Lạc Trung) để thi bơi chải. Đến nơi kiệu được đặt trên bờ, mặt hướng ra sông. Dưới sông 3 thuyền chải của 60 trai tráng làng Chóa thi bơi. Trên bờ dân làng đánh trống cái liên hồi để thúc dục các thuyền bơi. Dưới nước các thuyền bơi quanh một vòng tại khúc sông bến Đình. Sau ba ngày rước bơi mà trời vẫn không mưa thì nhân dân ở đây tổ chức “Rước huyện”, tức đồng loạt các làng ven sông Cầu như Chóa, Xà… rước kiệu Thần xuống đền Đông Yên (xã Đông Phong) để tổ chức tế lễ cầu đảo.
Nguồn: Sưu tầm internet.