VIETNAM DESTINATIONS > Destination > Đền Thờ Đô Thống Lê Phụng Hiểu – Bắc Ninh

Du lịch Đền Thờ Đô Thống Lê Phụng Hiểu - Bắc Ninh

Đền thờ Lê Phụng Hiểu và tục xưa còn lưu tại làng Hòa Đình, tại làng Hòa Đình, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh, có một ngôi đền đã có lịch sử hàng trăm năm mang tên đền thờ Lê Phụng Hiểu, danh tướng nổi tiếng đời Lý.

Từ lâu, nơi đây đã là chốn linh thiêng thể hiện sự tôn kính với bậc tiên hiền của người dân trong vùng.  Nơi thờ tự Lê Phụng Hiểu và những danh nhân – anh hùng

 

do thong tuong quan le phung hieu

Nằm trong thành phố Bắc Ninh, đền thờ Lê Phụng Hiểu là một di tích quan trọng. Ngôi đền được khởi dựng từ thời Lý, thờ ba nhân vật lịch sử là Lê Cả, Lê Hai và đặc biệt là Lê Phụng Hiểu. Dân trong làng hay gọi đó là đền thờ 3 thánh, hay còn gọi là đền Hòa Đình.

Đền có kiến trúc kiểu chữ tam truyền thống thường thấy trong kiến trúc đền chùa, gồm các tòa Tiền Tuế, Thiêu Hương, Hậu Cung. Toàn bộ ngôi đền được dựng bằng bộ khung gỗ lim, mái lợp ngói đắp nổi trang trí Long Ly Quy Phượng. Ngôi đền hiện tại đã được tu sửa nhiều lần, phần lớn bị ảnh hưởng do sự tàn phá của chiến tranh và sự mai một của thời gian. Đền thờ Lê Cả, Lê Hai và Lê Phụng Hiểu nằm liền kề với ngôi đình làng có quy mô lớn đằng sau tạo thành một quần thể di tích. Một điều thú vị ở ngôi đền, đó là không chỉ thờ một vị thánh, nơi đây còn thờ tự những người có công với nước và được hóa tại đây.

Có 2 tấm bia có tên “Phả Lục Tam Vị Thánh”, niên đại Thành Thái Thập Tam niên 1901 và tấm bia Sự tích Bi Ký, niên đại Tự Đức Tam Thập Tam Niên 1880, đã cho biết rất rõ lai lịch, công trạng những người được thờ phụng ở đền. Những thông tin về cuộc đời của Lê Phụng Hiểu gắn bó với những sự tích ở vùng đất Hòa Đình, Tiên Du, Kinh Bắc. Đây vốn là nơi ông lưu lạc thưở hàn vi tới khi làm quan, lại là nơi ông dựng trại chống giặc ngoại xâm nên đã lập ông làm Thành Hoàng làng.

Truyền thuyết về Lê Phụng Hiểu

Lê Phụng Hiểu là một danh tướng có công chống ngoại xâm dưới triều Lý. Ông còn nổi tiếng với câu chuyện khai sinh ra ruộng ném đao (thác đao điền). Theo sách sử và thư tịch cũ, Lê Phụng Hiểu sinh ngày mùng 8 tháng Giêng năm Nhâm Ngọ, xuất thân trong một gia đình làm nông tại vùng đất Thanh Hóa. Ông vào làm quan dưới triều vua Lý Thái Tổ. Năm 1028, sau khi phò vua Lý Thái Tông dẹp loạn tranh dành quyền lực của các vương tôn đại thần, ông được phong chức Đô Thống Vương tướng quân. Năm 1044, quân Chiêm Thành xâm chiếm đất nước, Lê Phụng Hiểu hộ giá vua Lý Thánh Tông đi đánh giặc và chiến thắng trở về. Sau này, ông còn nhiều lần cầm quân đi đánh giặc Chiêm Thành lập nhiều chiến công với vương triều Lý.

 

Sự tích Thác đao điền

Sau khi lập nhiều công trạng, Lê Phụng Hiểu đã được nhà vua ban thưởng. Ông xin được đứng trên núi Băng Sơn ném đao đi, đao rơi xuống chỗ nào thì xin ban cho chỗ đất đó làm sản nghiệp.

Bình sinh sở hữu sức khỏe phi thường, ông đứng trên chóp núi Băng Sơn, xách đao lớn ném, đi xa hơn 10 dặm, dao rơi xuống hướng Đa Mi. Cả vùng đất rông lớn thuộc sở hữu của tướng quân Lê Phụng Hiểu. Từ đó, thác đao điền (ruộng ném đao) chính thức trở thành một trong những loại ruộng đất qua các triều đại phong kiến như quân điền, tịch điền, sơn lăng… Cho đến ngày nay, một số hương ước và tục lệ vẫn được người dân gìn giữ và truyền từ đời này sang đời khác, như một cách bày tỏ sự tôn kính với Lê Phụng Hiểu và những người được thờ tự. Tục lệ Khánh tiết

Theo lệ cũ, người con trai (xuất đinh) có hộ khẩu chính thức ở làng đến 50 tuổi phải ra hầu làng, gọi là Khánh Tiết. Cửa đền chỉ mở khi có dịp quan trọng và chỉ những người trong ban Khánh Tiết mới được vào bên trong, trông coi và chăm sóc.

Trước khi bước vào đền, người trong ban Khánh Tiết phải vệ sinh sạnh sẽ bằng cách tắm rửa nước gừng. Chỉ có một số người mới được phép vào hậu cung làm lễ tắm rửa, vệ sinh cho tượng thờ. Khi đi không được quay lưng vào ban thờ, đi lùi khi muốn ra ngoài, tất cả thể hiện sự tôn nghiêm với bậc thánh thần.

Đối với những người Hòa Đình thì một năm sẽ có 4 dịp lễ quan trọng với những ngày sinh nhật các thánh Lê Cả, Lê Hai là mùng 6 tháng 2 Âm lịch và sinh nhật thánh Lê Phụng Hiểu mùng 8 tháng 1 Âm lịch sẽ là dịp lễ tế và ca hát của cả làng. Còn với những ngày giỗ Lê Cả, Lê Hai và Lê Phụng Hiểu thì chỉ được tế lễ.
Hy vọng làng Hòa Đình và đền thờ Lê Phụng Hiểu sẽ tiếp tục giữ được truyền thống văn hóa vốn có để nhiều người biết tới.

 

vietnam-destinations.com | Khám phá Việt Nam

Nguồn: Sưu tầm internet.