Làng Diềm hay còn được biết là thôn Viêm Xá, thuộc xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh. Cách Hà Nội chừng 40km, ngôi làng cổ kính này như một mảnh hồn quê đang tự mình tách khỏi những cuộc chen đua hiện đại của phố thị. Tìm về với ngôi làng đã làm thổn thức những trái tim hoài cổ, ta thấy lòng đong đầy tình yêu với một vùng đất kinh kỳ nghìn năm văn hiến.
Về đến cổng làng, men theo con đường nhỏ rợp bóng cây xanh, không khí mát mẻ và yên bình của chốn quê xưa làm tâm hồn ta- những con người đã quen với ồn ào, khói bụi bỗng cảm thấy quá đỗi an yên.
Cổng làng cổ kính mở ra một góc trời hoài cổ – Ảnh: Sưu tầm
Dừng chân trong Đền Cùng, sau khi dâng hương, làm lễ, du khách phương xa thường dành thời gian nhìn ngắm giếng Ngọc vắt trong gắn liền với huyền tích đã trở nên vô cùng nổi tiếng. Chuyện kể rằng, đã từ rất lâu, có ba cụ cá thần trú ngụ nơi giếng ngọc hơn 1000 năm tuổi.
Giếng Ngọc trước Đền Cùng đến nay vẫn được lưu truyền nhiều huyền tích – Ảnh: Lê Bích
Theo người dân trong làng, 3 cụ cá thần ấy là hóa thân của hai nàng công chúa nhà Lý: Thủy Tiên và Ngọc Dung cùng với một nàng hầu. Đền Cùng cũng chính là nơi thờ tự hai nàng đã có công lập nên ngôi làng và truyền nghề lại cho dân. Cá thần trú trong giếng ngọc tự bao đời đã chứng kiến biết bao thăng trầm, thay đổi của làng Diềm.
Giếng Ngọc an yên một mảnh hồn làng – Ảnh: Lê Bích
Điều đặc biệt là không một loài nào khác có thể sống trong giếng Ngọc ngoài 3 cụ cá. Dân làng đã từng thử thả thêm nhiều cá khác nhưng lát sau, cá thả vào lại nổi lên như sắp chết, cả rùa cũng phải bò lên bờ, lánh sang ao khác. Rồi những trận lụt lớn vào những năm 1945, 1957, 1971 làm nước dâng tràn mặt giếng nhưng các cụ cá vẫn không hề rời đi. Chính những điều lạ kỳ, khó giải thích ấy mà sự tồn tại của 3 cụ cá thần trong giếng mang một ý nghĩa rất đỗi linh thiêng.
Giếng Ngọc cùng vùng đất này trải qua biết bao thăng trầm – Ảnh: Lê Bích
Vào đại lễ 1000 Thăng Long- Hà Nội năm 2010, ba cụ cá thần đã quy tiên, dân làng xem đây là một việc vô cùng trọng đại. Tất cả dân làng tụ họp đông đủ để thực hiện nghi thức trang trọng tiễn biệt 3 cụ cá thần. Về sau, người dân làng Diềm làm lễ rồi thả vào giếng ngọc 3 con cá chép khác từ ao cá của Bác Hồ với mong muốn duy trì giá trị truyền thống, tâm linh cũng như giữ mãi hình ảnh Cá Thần- Giếng Ngọc vốn đã đi vào tâm khảm của bao thế hệ.
Giếng Ngọc- Cá Thần đã đi vào tâm khảm người làng Diềm từ thuở ấu thơ – Ảnh: ngaynay.vn
Không mang dáng tròn như những giếng khác, giếng ngọc gần như một hình vuông, bao bọc bên trên là thành giếng và một lối cầu thang dẫn xuống mặt giếng gồm 11 bậc gạch, 4 bậc đá và bậc cuối cùng là gỗ lim. Thoạt trông, giếng Ngọc chỉ như một chiếc hồ nhân tạo nhưng kỳ thực đó là một báu vật của tạo hóa.
Giếng Ngọc gắn bó với đời sống của người dân làng Diềm từ xưa đến nay – Ảnh: S Viet Nam
Nằm ở địa hình cao bên cạnh hai ngọn núi Kim Sơn và Lĩnh Sơn nhưng giếng Ngọc lại được trao cho một nguồn nước dồi dào không bao giờ cạn từ nghìn năm nay là một điều hiếm có. Hơn thế, nước ở đây rất trong sạch, ngọt và thanh mát vô cùng do nguồn nước giếng chảy từ núi, lọc qua nhiều lớp đá tự nhiên dưới lòng đất. Đứng bên thành hồ, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng bởi màu nước xanh trong thấy tận những viên đá tổ ong dưới đáy giếng.
Những khối gạch đá ong phủ màu rêu theo năm tháng – Ảnh: ngaynay.vn
Muốn xuống giếng lấy nước, ai cũng phải để giày dép phía trên. Đặt đôi chân trần trên những bậc thang mát lạnh, bên mặt nước trong veo, vốc một cốc nước mát lành sẽ thấy lòng nhẹ nhàng, khoan khoái. Ai một lần đến đây cũng đều muốn nhấp thử nước giếng làng Diềm để cảm nhận được sự thanh khiết, dịu ngọt mà khó có nơi nào có được.
Làn nước trong xanh như ngọc – Ảnh: Sưu tầm
Tương truyền rằng, nước giếng quý này là nguồn gốc ra đời của một làng quan họ với những làn điệu dân ca Bắc bộ sâu lắng, ngọt ngào đến say lòng người. Những chàng trai, cô gái trong làng uống nước giếng Ngọc sẽ sở hữu được một giọng hát rất hay, rất đặc trưng của vùng quan họ Bắc Ninh. Người trong làng vẫn dùng nước giếng pha trà, nấu cơm và uống tự bao đời, dù giờ đây làng đã có nước máy. Họ nói rằng chỉ có nước giếng Ngọc mới làm nên những cốc trà thanh ngọt còn giữ nguyên màu trà gốc, những bữa cơm ngon lành hay những cốc nước mát trong, tinh khiết.
Làng Diềm nổi tiếng là cái nôi của dân ca quan họ Bắc Ninh – Ảnh: vanhoattdlbacninh.gov
Từ ngàn xưa đến nay, dù được dùng nhiều như vậy, kể cả mùa hạn hán, cũng chưa bao giờ người ta thấy nước giếng cạn veo. Nước vẫn cứ xanh trong, tươi mát, yên ả nằm trong những khối gạch đá ong già nua phủ rêu phong theo năm tháng tựa như một viên ngọc bích.
Những cô gái Bắc Ninh với giọng hát ngọt ngào, sâu lắng làm say lòng người – Ảnh: Sưu tầm
Nhiều du khách phương xa nghe danh Giếng Ngọc đã cất công đến tận làng Diềm để viếng Đền Cùng và xin nước uống với mong muốn khỏe mạnh, tinh thần minh mẫn, sáng suốt. Niềm tin cứ thế theo ngày tháng lớn dần lên trong mỗi con người, mỗi thế hệ, dù chưa một lần kiểm chứng nhưng Giếng Ngọc làng Diềm vẫn luôn là một nơi linh thiêng và huyền bí.
Vẫn còn đó làn nước vắt trong, tinh khiết suốt nghìn năm qua – Ảnh: Lê Bích
Giếng Ngọc nằm trước Đền Cùng, bình dị và mộc mạc theo năm tháng, không nổi bậc cũng chẳng phải được dát ngọc ngà, thế nhưng, làn nước vắt trong như ngọc báu ấy lại chứa đựng cả tinh túy đất trời. Dạo quanh làng Diềm trong một ngày nắng đẹp, lòng bỗng dậy lên những an yên rất đỗi dịu dàng, để rồi ta lại thấy ở mảnh làng này một hồn quê kinh Bắc như chưa bao giờ bị thời gian vùi lấp.
Nguồn: Sưu tầm internet.