VIETNAM DESTINATIONS > Destination > Làng quan họ Viêm Xá

Du lịch Làng quan họ Viêm Xá

Làng quan họ Viêm Xá (Làng Diềm) thuộc xã Hoà Long, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Viêm Xá là ngôi làng quan họ xưa cổ. Làng có đền thờ vua Bà – thủy tổ của làn điệu dân ca. Đền có kiến trúc cổ, hoa văn chạm khắc đơn giản nhưng tinh tế. Đền lưu giữ nhiều hiện vật quý như tượng vua Bà, những hoành phi, câu đối xưa.

1. Làng Diềm là ngôi làng cổ xưa nhất ở tỉnh Bắc Ninh

Làng Diềm còn được gọi là thôn Viêm Xá. Khi đến ngôi làng này, bạn sẽ cảm nhận được sự yên bình từ khung cảnh đến lối sống sinh hoạt thường nhật của người dân tại nơi đây. 

Ngôi làng này được xem là ngôi làng cổ xưa nhất ở tỉnh Bắc Ninh. Chính vì thế, nơi đây còn lưu giữ nhiều phong tục tập quán cũng như nét văn hóa truyền thống. Khung cảnh nơi đây thì vô cùng thơ mộng, kèm theo những câu hát quan họ nghe sâu lắng của vùng đất nơi đây. Nơi đây còn lưu lại được những nét kiến trúc thời xưa, khiến các du khách khi tham quan tới đây dường như bước chân vào khung cảnh phong kiến thời bấy giờ. Làng Diềm cũng chính là quê hương của những làn dân ca quan họ mà du khách không thể không nghe khi đặt chân đến đây.

Cổng cổ làng Diềm, phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh

Làng Diềm, tên chữ là Viêm Xáthuộc xã Hòa Long, huyện Yên Phong. Rồi như để nhớ tới một thời khai đất lập làng, nơi đây còn có tên là Viêm ấp. Cách trung tâm TP.Bắc Ninh khoảng hơn 4 cây số đường chim bay, nhưng làng Diềm vẫn được coi là hẻo lánh bởi bất thuận về giao thông. Có lẽ chính vì vậy làng Diềm còn lưu giữ được nhiều yếu tố truyền thống gần với nguyên gốc, mà ít nơi có được. 

Cổng làng Diềm

2. Làng Diềm cổ kính truyền thống văn hóa vùng Kinh Bắc

Làng Diềm nằm giữa một vùng dày đặc những thôn xóm thờ mẫu, thờ vua bà. Như bà Chúa Kho ở Cổ Mễ, bà chúa Sành, bà Sành, bà chúa Lẫm ở Vạn An, bà chúa đánh giặc Chiêm Thành là Đoan Trang công chúa tôn thần và …ở làng Thụ Ninh, rồi Đổng Mẫu ở Thị Cầu, bà Banh ở Đông Yên, chúa Chóa ở Chân Lạc… 

Khung cảnh hữu tình ở thôn Viêm Xá (làng Diềm)

Yếu tố độc đáo ấy cho phép dự thuyết rằng: Những cư dân nông nghiệp đã đến đây khai phá đất hoang, lập điểm tụ cư từ rất lâu đời. Sự tích về những tên đất, tên xứ đồng ở đây càng minh chứng thêm điều đó. Ví như sự tích địa danh “Đồng mặt gương”. Vậy là muộn nhất từ thế kỷ thứ 6 đã có làng Diềm.

Tính cổ kính, bảo lưu truyền thống của làng Diềm trước hết được thể hiện làng có một quần thể các di tích lịch sử văn hóa. Trước hết là chùa “Hưng Sơn tự”. Tương truyền, vốn được khởi dựng từ thời nhà lý, tường chùa xây toàn bằng đá. 

Giếng Ngọc – Nơi lấy nước làm lễ

Ngay đầu làng là đền Cùng nằm dưới chân núi Kim Lĩnh, thấp thoáng ẩn hiện trong bóng cây già. Đền thờ hai vị Ngọc Dung công chúa và Thủy Tiên công chúa. Tương truyền nhị thân nữ này vốn là những người có công đánh giặc cứu dân và giữ gìn giang sơn gấm vóc. Đền cũng có giếng Ngọc vốn xây bằng đá, nước trong vắt. Các cụ thượng trong làng kể rằng từ thủa cha sinh mẹ đẻ chưa thấy giếng cạn bao giờ. Dân làng Diềm quả quyết rằng có những năm trước lụt trắng băng, vậy mà khi nước rút, đôi cá vàng vẫn không đi nơi khác.

Làng quan họ cổ xưa nhất vùng Kinh Bắc

3. Đình Diềm với lối kiến trúc truyền thống của Việt Nam

Nói về đình làng Diềm, với kiến trúc đặc trưng của đình làng Bắc bộ, toát lên hồn quê mộc mạc nhưng lại giữ vai trò không thể thiếu đối với vùng đất Kinh Bắc xưa.

Đình Diềm được xây dựng tháng 6 năm 1692. Đình nằm uy nghi trên một nền cao bó đá với một quy mô lớn. Đình dựng theo kiểu chữ công (Hán tự), tiền tế gồm 5 gian, dài 17,5m rộng 14,9m. Phần chuôi vồ dài 6,8m, rộng 9,m. Nghệ thuật kiến trúc và trạm khắc tinh tế và lộng lẫy.

Đình Diềm cổ kính

Đình thờ Đức thánh Tam Giang Trương Hống, Trương Hát. Thần tích ghi rõ rằng hai ngài có công giúp Triệu Quang Phục đánh tan giặc Lương. Mấy trăm năm sau lại hiển thánh giúp Lê Đại Hành, rồi Lý Thường Kiệt đánh giặc, bài “Nam quốc sơn hà” do hai ngài làm nên mới gọi là “thơ thần”. Đặc điểm chùa hướng tâyđình hướng nam của nơi đây càng chứng tỏ tính chất nề nếp, cổ kính của làng Diềm.

Khuôn viên đình Diềm

Theo truyền thống vùng Kinh bắc một làng có thể thờ nhiều vị Thành hoàng là những người có công bao che, trợ giúp dân làng. Diềm có Ngũ vị Thành Hoàng (ông Trương Hống – Trương Hát (Thánh Tam Giang); Đức bà-Vua bà Thủy tổ Quan họ; ông Quan Đô Thống; ông Giáp Ngọ; ông Ngũ Vị Bảo Hựu), dân làng lấy năm 1692 ( thời Hậu Lê, Vua Lê Chính Hòa năm thứ 13) là năm xây dựng đình.

Bên trong đình Diềm

4. Đền Vua Bà

Ở 49 làng Quan họ, không ít nơi còn lưu truyền câu chuyện chứng tỏ Quan họ phát tích ở làng mình. Song, chỉ ở làng Diềm mới có đền thờ Thủy tổ Quan họ, gọi là Đền Vua Bà.

Ngôi đền nằm giữa quần thể di tích cổ kính của thôn Viêm Xá (tên nôm làng Diềm), được dân gian gọi là đền Vua Bà, truyền rằng đền thờ “Thủy tổ Quan họ” và từ lâu đời nổi tiếng với lễ hội Quan họ.

Cổng vào đền Vua Bà

Đền Vua Bà vốn được khởi dựng từ lâu đời, nhưng đã qua nhiều lần tôn tạo; dấu ấn kiến trúc điêu khắc cổ nhất còn để lại là đôi “sấu đá” trên thân với những cụm mây lưỡi mác mang phong cách nghệ thuật thời Lê Trung Hưng; lớp kiến trúc muộn là của thời Nguyễn-Trên câu đầu của tòa Tiền tế trước đây còn nguyên dòng chữ Hán: “Hoàng triều Khải Định cửu niên” (1924). Đền Vua Bà đã được Bộ văn hóa – Thông tin công nhận là di tích văn hóa tháng 12-1994.

Đền Vua Bà linh thiêng, cổ kính

 Đến năm 2000, đền được tu bổ xây dựng lại hoàn toàn. Ngôi đền có kiến trúc kiểu chữ “Vương” gồm: Tiền tế, Thiêu hương và Hậu cung, bộ khung gỗ chạm khắc trang trí, với các lớp mái ngói đao cong uốn lượn duyên dáng.

Đền Vua Bà còn bảo lưu được những cổ vật cổ quý như: Ngai bài vị, tượng thờ, sắc phong, hoành phi, câu đối và nhiều đồ thờ tự khác.

5. Lễ hội đền Vua Bà

Theo tục lệ làng Viêm Xá, hàng năm cứ đến ngày 06 tháng 02 (âm lịch) đền Vua Bà lại được mở hội. Ngày mùng 5, dân làng làm lễ mở cửa đền. Sáng mùng 6 chính hội, dân làng tổ chức tế lễ thần, trong nghi lễ có “hát” Quan họ thờ thần của các “bọn” Quan họ trong làng với những giọng lề lối ca ngợi công đức của thần và cầu xin phù hộ cho người khang vật thịnh, mùa màng phong đăng hòa cốc.

Lễ rước kiệu Vua Bà

Tiếp theo là lễ rước kiệu Vua Bà quanh làng, tượng trưng cho ngày Vua Bà du ngoạn đặt chân lên đất Viêm Xá. Sau phần lễ là phần hội với nhiều tục trò vui chơi giải trí như: Vật, cướp cầu, Quan họ giao lưu…

Các Liền anh, Liền chị hát tại lễ hội đền Vua Bà

6. Chỉ có làng Viêm Xá còn bảo lưu được những tập tục sinh hoạt quan họ cổ xưa nhất

Đặc biệt, người làng Viêm Xá còn bảo lưu được những tập tục cổ xưa nhất về lề lối sinh hoạt quan họ ở đền Vua Bà như: Mỗi khi hạn hán có tục “hát” quan họ cầu đảo, khi ca chỉ có “bọn” quan họ của làng được ca và chỉ ca những giọng lề lối (giọng cổ). 

Mặt khác, cũng chỉ có làng Viêm Xá còn bảo lưu được những tập tục sinh hoạt quan họ cổ xưa nhất như: “hát” quan họ trùm đầu, tục nhà chứa, ngủ bọn, kết bạn, kết chạ… 

Hát quan họ trên sông

Viêm Xá là làng có nhiều thế hệ Liền anh, Liền chị, nghệ nhân nổi tiếng am hiểu về lề lối quan họ và ca được nhiều giọng lề lối nhất vùng. Tất cả lễ hội của đền, đình, chùa của làng đều nổi trội với sinh hoạt văn hóa quan họ và thu hút được nhiều Liền anh, Liền chị quan họ của các làng trong vùng đến trảy hội.

vietnam-destinations.com | Khám phá Việt Nam

Nguồn: Sưu tầm internet.