Sóc sơn từ lâu không chỉ nổi tiếng thu hút nhiều du khách bởi sở hữu cảnh đẹp thiên nhiên lãng mạn, mê hoặc lòng người. Bên cạnh những điểm đến thiên nhiên cuốn hút đó, Sóc Sơn còn là một trong những vùng đất được đánh giá là linh thiêng khi sở hữu hệ thống nhiều đền, chùa, miếu, mạo nổi tiếng từ thời xa xưa. Trong những khu di tích lịch sử, tâm linh ấy, không thể không kể đến Chùa Đức Hậu – ngôi chùa được xem là Chùa Thiêng chốn rừng thông núi Sóc, chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của dân tộc. Trong bài viết này, Justfly xin đưa ra một số thông tin hữu ích liên quan đến điểm tham quan đặc sắc, thiêng liêng này.
1. Vị trí địa lý của Chùa Đức Hậu
Chùa Đức Hậu là một di tích lịch sử thiêng liêng vùng ngoại ô Hà Thành, thuộc địa bàn thôn Đức Hậu, xã Đức Hòa, huyện Sóc Sơn, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 40km.
2. Lịch sử hình thành của Chùa Đức Hậu
Chùa Đức Hậu thuộc cụm di tích Đình – Chùa Đức Hậu bao gồm một ngôi chùa và đình nằm ngay cạnh nhau. Cho đến thời điểm hiện nay, người ta vẫn chưa tìm được bất cứ tư liệu nào ghi lại thời điểm chùa được thành lập. Tuy nhiên, dựa vào kiểu cách kiến trúc, hoa văn thiết kế của ngôi chùa, nhiều chuyên gia xác định chùa có thể được xây dựng dưới thời Lê Trung Hưng (cuối thế kỉ XVII – đầu thế kỷ XVIII).
Trải qua bao sóng gió lịch sử, cả cụm di tích đình chùa Đức Hậu đã chứng kiến bao thăng trầm, biến đổi trong từng giai đoạn thời gian của dân tộc, trở thành một biểu tượng văn hóa, truyền thống, lịch sử của nhân dân Đức Hậu.
Chùa Đức Hậu với vị trí địa lý, địa hình quen thuộc mang trên mình nét đặc trưng tiêu biểu của kiến trúc chùa Việt. Chùa cũng có tiền đường và thượng điện như bao ngôi chùa khác. Bên cạnh là đình Đức Hậu, được cho là nơi thờ hai vị tướng Trương Hống và Trương Hát của thời Lý Nam Đế và Triệu Việt Vương có công chống giặc Lương.
Cả ngôi chùa và đình đều mang một dáng vẻ thanh tịnh, uy nghiêm, vẫn đứng sừng sững qua thời gian, là nơi để con cháu xứ Đức Hậu và khách thập phương tìm về bày tỏ lòng tôn kính, biết ơn. Ngày 10/03/1994, Chùa Đức Hậu đã được xếp hạng Di tích Kiến Trúc và Nghệ Thuật bởi Bộ Văn Hóa và thông Tin.
3. Chùa Đức Hậu Sóc Sơn có gì nổi bật?
Tương tự như những ngôi chùa Việt Nam khác, Chùa Đức Hậu mang hình dáng chữ Đinh quen thuộc với bố cục chung kiểu “Tiền chữ Nhất, hậu chữ Công”. Chùa gồm tiền đường, thượng điện và gian hậu đường phía sau. Các khu thờ cúng đều được chạm trổ hoa văn công phu, mang đậm kiểu cách của chùa chiền khu vực đồng bằng Bắc Bộ.
Tiền đường phía trước được xây theo kiểu bít đốc tay ngai trụ trước gồm 7 gian 2 dĩ có 16 cột gỗ lớn. Trong đó, chính giữa là những cột vuông và 4 góc tiền đường là 4 trụ lớn hình tròn.
Thượng điện được nối liền với tiền đường, kiến trúc bao gồm 5 gian 4 vì. Dọc hai bên thượng điện là hai dãy nhà được xây dựng để làm nhà thờ Tổ và nhà tăng. Phía trước các khu thờ cúng là một khoảng sân lát gạch cùng hồ nước rộng lên tới 1000 mét vuông. Toàn bộ không gian của chùa Đức Hậu mang đến cho du khách một cảm giác thanh tịnh, bình yên và linh thiêng cực độ.
Bên cạnh đó, phía bên đình Đức Hậu cũng có những kết cấu kiến trúc cổ truyền với nhiều loại hoa văn, hình vẽ, chạm trổ tinh xảo, khéo léo.
4. Làm gì ở Chùa Đức Hậu?
Đến Chùa Đức Hậu, du khách không nên bỏ lỡ việc “dâng hương kính Phật” trước tiên ở cả cụm di tích đình chùa này. Sau đó là tìm hiểu về lịch sử, giá trị truyền thống, tâm linh của khu di tích lâu đời này.
Đồng thời, đừng quên tận hưởng bầu không khí trong lành, yên ả của vùng đất thiêng liêng. Nếu có thể, du khách nên ghé thăm Chùa Đức hậu vào các ngày từ mùng 4 – 6 tháng 9 âm lịch hàng năm bởi thời điểm này, làng sẽ tổ chức nhiều lễ hội truyền thống như Thánh Tam Giang,… hứa hẹn sẽ có nhiều hoạt động truyền thống và vui chơi náo nhiệt
Hiện nay, chùa mở cửa cho tất cả mọi du khách hoàn toàn miễn phí.
5. Những lưu ý khi đến Chùa Đức Hậu
Khi tìm đến điểm du lịch tâm linh này, bạn nên nhớ kỹ những điều sau để có một chuyến đi hoàn hảo nhất:
- Mặc quần áo dài, tránh mặc đồ ngắn, váy ngắn, bó sát không phù hợp để vào chùa hay đình. Nếu bạn chỉ ghé ngang qua di tích này, bạn nên chỉnh trang lại trang phục cho phù hợp trước khi vào chùa.
- Chú ý lời nói nên lịch sự, trang nghiêm, tránh nói bậy trong khu vực này.
- Tránh đi theo nhóm đông người và nô đùa, hò hét to tiếng.
Trên đây là một số thông tin chung về Chùa Đức Hậu mà Justfly muốn gửi đến bạn. Hy vọng với những thông tin này, bạn sẽ muốn ghé thăm ngôi chùa cổ kính này và có một chuyến nghỉ dưỡng đầy ý nghĩa tại điểm du lịch thiêng liêng này.
Nguồn: Sưu tầm internet.