Di tích được xây dựng trên một gò đất cao ở đầu làng Nguyên Xá theo thế quy xà với gò cao ở giữa, xung quanh có dòng nước uốn lượn. Đền nằm quay hướng về phía Đông, hướng về phía kinh thành Thăng Long.
Đền/miếu Đồng Cổ là tên gọi dân gian theo tên của vị thần được thờ là thần Đồng Cổ. Mặc dầu hiện nay ngôi đền/miếu Đồng Cổ chỉ là một di tích, có khuôn viên khá khiêm nhường nằm ẩn mình trong khu vuờn muỗm cổ thụ, song lại hàm chứa sâu xa những giá trị lịch sử – văn hoá gắn với triều đại nhà Lý nói riêng và lịch sử dân tộc nói chung.
Những sự kiện và nhân vật lịch sử qua truyền thuyết dân gian và ghi chép của sử thành văn cho thấy Nguyên Xá là vùng đất có lịch sử tụ cư lâu đời. Tại đây vào khoảng những năm 1970, các nhà khảo cổ học đã phát hiện và khai quật di tích Ngoã/Ngoạ Long – một trong số ít những di tích thuộc văn hoá Phùng Nguyên, có niên đại cách ngày nay khoảng 4000 năm ở khu vực Hà Nội. Bước vào các thời kỳ lịch sử, do vị trí nằm ở cửa ngõ phía Tây kinh thành Thăng Long, vùng đất này là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng và được ban tặng Thuần phong mỹ tục khẳng định là vùng đất có truyền thống lịch sử, phong tục thuần hậu…
Về vị thần được thờ, theo nội dung sắc phong, ngài là Đương Cảnh thành hoàng giám thệ vương Đồng cổ Sơn thần tức thần Đồng cổ. Truyền thuyết dân gian trong vùng cho biết: vào thời Hai Bà Trưng, các nghĩa sĩ Thanh Hoá trên đường ra Hát Môn tụ nghĩa dưới cờ của Trưng Trắc, Trưng Nhị đã mang theo vị thần của địa phương mình (Đan Nê, Yên Định, Thanh Hoá), khi qua Nguyên Xá, nơi có không gian uy nghiêm, trang trọng nên họ đã lập đền thờ thần.
Đến thời Lý, vua Lý Thái Tổ trên đường kinh lý, tới địa phận Phương Canh (khoảng ngã tư Canh), voi bỗng bị cắm ngà xuống đất không thể đi được. Vua liền cho xem xét, tới thôn Nguyên Xá, thấy ngôi đền/miếu Đồng Cổ liền chiêm bái, voi lại đi được. Kể từ đó, vua thường lui tới đền Đồng Cổ.
Song, có lẽ phải đến đời vua Lý Thái Tông, đền Đồng Cổ mới thực sự được đặc biệt chú trọng, bởi chính thần Đồng Cổ đã báo mộng cho vua về nội loạn Tam vương (Đông Chinh, Dực Thánh và Vũ Đức), xin phải dự phòng. Thái Tông tỉnh giấc, liền triệu cung thần là Lê Phụng Hiểu bái kiến, xông thẳng tới cửa Quảng Phúc giết chêt Vũ Đức Vương, dẹp yên được nội loạn đúng như mộng báo. Thái Tông bèn hạ chiếu phong Thần làm Thiên hạ minh chủ thần, lại gia phong thêm Vương tước và quyết định thường xuyên cử hành lễ thề trong miếu. Quần thần từ của Đông tiến vào qua chỗ rước Thần vị là lễ sát huyết (uống máu ăn thề). Vua cho khắc bài thơ xưng danh thần lúc mộng và ban cho đôi câu đối ghi lại công tích của thần Đồng Cổ (Các kỳ đức dĩ tôn thần Đồng cổ chí kim truyền hiển tích/Đại phi hoá chi vị thánh đan phai tự cổ bá linh thanh). Liền đó, vua xuống chiếu cấp tiền, ruộng sai dân sửa sang đền/miếu để tổ chức Hội Minh thệ với lời thề trung hiếu Làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, thần linh chu diệt. Có lẽ đây là hội thề Đồng Cổ đầu tiên mang tính chất Quốc tế (Lễ hội do triều đình/nhà nước đứng ra tổ chức định kỳ). Trong Minh thệ ghi rõ: …trước đây, trải qua ba họ Ngô, Đinh, Lê chưa rõ chính thống, kỷ cương, loạn thần tặc tử cùng đua nhau làm điều thoán nghịch, chưa hết lòng trung. Tới lúc bây giờ, suy tôn thần vương làm chư minh, mọi người đều sợ thần linh thiêng biết trước lòng người chính hay tà, nên chẳng dám manh tâm ăn ở hai lòng.
Lại có thuyết cho rằng: khi vua Lý Thái Tông còn là Thái Tử, được Thái Tổ sai đem quân đi đánh chiếm Chiêm Thành, vào canh ba vua mộng thấy một bậc dị nhân mặc áo nhung phục, tay cầm gươm xưng là thần núi Đồng cổ, sẵn lòng giúp đỡ. Thái Tông mừng rỡ làm theo lời dặn, quả nhiên thắng lợi, dẹp được giặc Chiêm. Thái Tông định chọn đất ở trong kinh để lập đền thờ, nhưng chưa quyết định xong, vị thần đó lại báo mộng dựng ở mé hữu bên nội thành, sau chùa Thánh Thọ. Vua Thái Tông nghe theo bèn lấp đền thờ Ngài ở bên phải kinh thành, chỗ chùa Từ Ân.
Không chỉ được các đời vua nhà Lý chú trọng, ở các thời kỳ lịch sử sau đó, di tích đền Đồng Cổ vẫn còn là chốn linh thiêng, vị thần Đồng cổ vẫn được trọng vọng lễ thờ (thể hiện qua hơn 40 đạo sắc phong) và đặc biệt là đã in đậm trong tâm thức dân gian.
Vào năm 1908, di tích là nơi được nhà yêu nước Lương Văn Can – thủ lĩnh phong trào Đông Kinh nghĩa thục chọn làm nơi giảng bài, giác ngộ tinh thần yêu nước. Tiếp đó, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đây là điểm tập kết của các dũng sĩ cảm tử trước khi tiến về Việt Bắc xây dựng căn cứ địa kháng chiến trường kỳ.
Trống đồng được coi là một “bảo vật”, gắn liền với nền văn hoá Đông Sơn nổi tiếng. Nó vừa là biểu tượng của quyền uy, song rất đỗi gần gũi, gắn với tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp. Chính bởi vậy, việc thờ thần trống đồng đã trở thành một bộ phận tín ngưỡng dân gian. Về vị thần và sự tích Đồng Cổ nói chung cũng như với Đồng Cổ (ở Nguyên Xá) nói riêng được ghi chép nhiều (Việt điện u linh và Lĩnh nam chích quái của Lý Tế Xuyên; Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên…). Cho đến nay, chúng ta đã biết tới 3 di tích thờ thần Đồng Cổ (Đan Nê -Thanh Hoá; Đền Đồng Cổ ở Bưởi, Tây Hồ và Đền Đồng Cổ ở Nguyên Xá). Lắng đọng sâu xa và là linh hồn của mỗi di tích là hội thề Đồng Cổ, có lúc nó đã trở thành là một sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng quan trọng của kinh thành Thăng Long xưa. Mặc dù còn có nhiều quan điểm khác nhau về đền thờ Đồng Cổ ở Hà Nội, giữa sử sách và truyền thuyết dân gian, giữa ngôi đền/miếu Đồng Cổ ở Nguyên Xá (Từ Liêm) và ngôi đền/miếu ở phường Bưởi (Tây Hồ)…. song giá trị lịch sử – văn hoá của di tích là không thể phủ nhận.
Trong chương trình nghiên cứu khảo cổ học hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, nhằm góp phần làm sáng tỏ hơn những giá trị lịch sử – văn hoá của di tích, vào cuối năm 2007, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phối hợp với ngành văn hoá Hà Nội, tiến hành điều tra, khai quật di tích đền/miếu Đồng Cổ.
Nguồn: Sưu tầm internet.