Đình So xứng đáng là một địa danh rất gần với Hà Nội để các bạn ghé thăm dịp cuối tuần cùng bạn bè và chụp ảnh nhé !
Đình So là đình của làng So thuộc xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai, cách trung tâm Hà Nội khoảng 40km. Đình được xây dựng vào năm 1673 thờ tam vị Nguyên Soái Đại Vương có công giúp Đức vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân ngày xưa và là nơi cất giữ những đồ thờ cúng được lưu truyền từ thủa xa xưa và những chiếc kiệu rước chỉ được mang ra ngoài vào dịp lễ hội.Từ trên đê sông Đáy cong cong như dải lụa đào bạn sẽ thấy đình So hoành tráng và uy nghi soi bóng trên mặt hồ bán nguyệt. Trải qua 4 lần tu sửa và những thăng trầm của lịch sử, ngôi đình có kiến trúc vừa hài hòa với cảnh sắc thiên nhiên, vừa mang đầy đủ dáng dấp của ngôi đình cổ Việt nhưng vẫn thể hiện sự tinh xảo, cầu kỳ về tinh hoa nghệ thuật. Đây là ngôi đình hiếm hoi duy nhất còn sót lại của miền đất “xứ Đoài mây trắng” đến nay vẫn được bảo tồn nguyên vẹn các bạn ạ.Trước cổng tam quan là một khoảng sân rộng với một dãy bậc đá 18 cấp dẫn xuống phía hồ bán nguyệt, hai bên có hai hàng lan can bằng đá, mỗi đầu có tạo hình đám mây rất mềm mại và sống động, tạo cảm giác mây vờn gió thổi rất nhẹ nhàngKhi bạn đến tham quan thì hãy đi vòng theo con đường nằm phía bên phải đình, dắt xe đi bộ từ nơi có những bậc thang và tấm bia “Hạ mã” (xuống ngựa). Hai đầu phía ngoài tam quan là hai cây đại già không biết đã bao nhiêu năm tuổi như trầm mặc chứng kiến sự thăng trầm của mảnh đất này.Các họa tiết trang trí và chạm khắc trên nóc tam quan vô cùng đẹp và tinh xảo, đặc biệt là hình ảnh lưỡng long triều nguyệt ở trên cao và bốn con linh thú nằm ngoan lành dưới chân những cột gỗ nữa.
Ngôi đình có 7 gian, 2 chái, 4 mái rộng lợp ngói, đầu đao bốn góc uốn quanh, mái đao cong vút như mũi hài, kiêu hãnh và lộng lẫy. Bên trong đình các cột gỗ lim lớn nhỏ xếp thành 6 hàng ngang, 10 hàng cột, có 32 cột lim lớn một vòng tay bạn ôm cũng không xuể đâu và 32 cột lim nhỏ bao quanh, đặc biệt hơn là hầu như tất cả đều được chạm trồ hoa văn rồng, mây , ly, nghê, hoa vô cùng tinh xảo và sống động. Còn phía sau điện thờ là “cung” – nơi này chỉ mở cửa vào khi diễn ra lễ hội thôi các bạn nhé.
Trong Sân đình có một cây hoàng lan lá xanh mê mải, hè sang hương lan thơm ngọt như thể ngấm vào trong từng mái ngói, góc đình.
Hội làng diễn ra trong ba ngày bắt đầu từ ngày 8/2 âm lịch, các bạn có thể rủ nhau đến đây tham quan hay dự lễ hội , và hơn thế nữa các bạn có thể ngồi “ đàm đạo” cùng các cụ cùng nhau nâng chén rượu, chén trà, chuyện trò để hiểu hơn về lịch sử đáng tự hào của ngôi đình danh tiếng này nhé.
Nguồn: Sưu tầm internet.