VIETNAM DESTINATIONS > Destination > Chùa Tứ Kì – Linh Tiên Tự

Du lịch Chùa Tứ Kì - Linh Tiên Tự

Linh Tiên Tự là một ngôi chùa của làng Việt cổ Tứ Kỳ. Xét theo nội dung một văn bia chữ Hán mang niên hiệu Chính Hòa thứ 8 triều Lê Trung hưng (năm 1687) còn lưu giữ tại đây thì có thể đoán chùa được xây dựng cùng vào khoảng thời gian soạn và khắc chữ lên tấm bia đá. Nên nhớ rằng lúc đó là giai đoạn sau khi đạo Phật ở Đàng Ngoài đang từ chỗ suy vong lại dần dần phục hưng với các thiền phái mới.

Chùa Tứ Kì - Linh Tiên Tự

Làng Tứ Kỳ gọi tắt là làng Tứ, tên Nôm Đình Gạch, vốn ở một vùng đất có lịch sử lâu đời và vị trí phòng thủ chiến lược, nằm án ngữ các trục đường giao thông thuỷ bộ quan trọng nối kinh thành Thăng Long với khu vực phía nam. Đặc sản của làng là bún, trước kia bún Tứ Kỳ bán khắp các chợ Hà Thành và dễ nhận biết vì được gói trong lá sen từng có rất nhiều ở Đầm Đại.

Chùa Tứ Kỳ toạ lạc trên một gò đất khá cao và rộng ở phía đông hồ Linh Đàm. Đi dọc từ chùa Pháp Vân xuống phía nam theo đường Ngọc Hồi hoặc đi ngang theo đường vành đai 3 nối với cầu Thanh Trì, từ xa du khách đã có thể nhận ra ngôi bảo tháp có đáy to đặc biệt của chùa, mặc dù ngọn tháp chỉ hơi cao hơn các mái nhà lô nhô xung quanh.

Năm 1992, Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng chùa là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Trải qua hơn 300 năm, chùa Tứ Kỳ đã được sửa sang và tôn tạo nhiều lần. Thập niên 2010, nhà chùa lại cho trùng tu lớn và xây thêm một số hạng mục mới. Vị trụ trì chùa hiện nay là ni sư Đàm Vĩnh.

 

KIẾN TRÚC

Chùa được làm theo kiểu truyền thống với đầy đủ các thành phần chủ yếu, từ ngoài vào trong bao gồm: tam quan, nhà bia, tiền đường, thượng điện, nhà Tổ, nhà Mẫu, bảo tháp, vườn cây, nhà hậu. Sau những lần xây lại và trùng tu từ giữa thế kỷ XX đến nay, nhìn chung hình dáng của chùa cùng ngôi đình làng ở liền kề ngay bên cạnh vẫn giữ được phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn.

Mặt chùa Tứ Kỳ nhìn hơi chếch về hướng đông, áp sát đường sắt Bắc-Nam và mở ra quốc lộ 1A. Sau khi xây lại vào cuối năm 2013, cổng tam quan cao to hơn trước nhiều. Đỉnh mái chính đội luân xa, tất cả 24 đầu đao đều đắp hình rồng chầu phượng mớm. Gác chiêng lầu chuông ở hai bên, chính giữa đặt tượng Quán Thế Âm Bồ Tát thiên thủ thiên nhãn được che chắn trước sau bởi hai bức cuốn thư. Bao quanh chùa là dãy tường hoa, lợp ngói ống màu xanh lục.

Sau cổng tam quan là một cái sân khá to được lát đá phẳng phiu, đường đi chính giữa dẫn thẳng khách đến trước tiền đường. Bên phải sân là đầu hồi của ngôi đình làng Tứ Kỳ. Phía bên trái sân có một ngọn tháp đá nhỏ cao 4 tầng và tượng Quán Thế Âm Bồ Tát bằng đá trắng… Thấp thoáng sau những cành cây xanh là hai nhà phương đình mái xây chồng diêm, trong mỗi nhà có đặt một tấm bia trên lưng rùa đá.

Tiền đường rộng 5 gian, xây theo kiểu 2 tầng 8 mái phân thượng tứ–hạ tứ, đầu hồi bít đốc tay ngai, vì kèo kết cấu chồng rường giá chiêng. Thượng điện cao nhất, xây 3 tầng 12 mái, nối liền với tiền đường theo kết cấu hình chuôi vồ. Từ sân trước, khách có thể đi thẳng lên tầng trên qua một thềm rồng với các bậc thang rất rộng ở chính giữa. Hai nhà bên ăn thông với toà Tam bảo bằng hành lang không có mái che.

Sân sau liền kề với bậc thềm nhà thờ Tổ cũng xây theo kiểu đầu hồi bít đốc, kiến trúc đơn giản bằng những vật liệu mới sau đợt tu sửa từ năm 1993. Nhà thờ Mẫu rộng 5 gian. Bên phải sân là toà bảo tháp đáy rộng hình bát giác, cao 9 tầng, mái lợp ngói xanh lục với các hoa văn và đầu đao làm theo kiểu hiện đại. Mé sau tháp có một pho tượng Quán Thế Âm nữa đứng giữa khu vườn cây non trên lối đi dẫn đến ngôi Thiền đường mới, xây 2 tầng 8 mái rất lớn với các cửa hậu mở ra mặt phố Linh Đường ở phía tây-bắc chùa.

DI VẬT

Như đã nói, phần lớn công trình của chùa Tứ Kỳ đều rất mới, tương phản với những cổ vật hơn 300 tuổi. Chùa hiện bảo lưu được khoảng 20 pho tượng tròn, tạo tác từ thế kỷ XVII đến nay. Đáng chú ý nhất là pho tượng bằng gỗ ở lớp thứ 3 của thượng điện, tạc Bồ tát Quán Thế Âm trên toà sen, đội mũ tỳ lư, tay chắp búp sen, 17 đôi tay khác tỏa đều từ hai sườn. Hai tượng Bồ tát đội mũ miện ở hai bên cũng ngồi thiền, một tay giơ ra trước ngực. Toàn thân và bệ tượng sơn thiếp lộng lẫy, mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII—XIX.

Lại có pho tượng hậu ngồi trong toà thạch động tạc một phụ nữ tóc túm hất lên, đầu phủ ba cánh sen; nay đã sửa lại từ màu sơn then thành màu xanh, đặt ở vị trí gần gian thờ Mẫu. Theo 3 thần vị trong chùa, đây là hình tượng của bà thị nội cung tần họ Nguyễn hiệu là Diệu Tâm hoặc Viên Kính. Ba cỗ thần vị sơn son thiếp vàng chạm hình mặt trời, đặt trên bệ sen chân quỷ. Tất cả cũng mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII—XIX.

Sát tường hậu của tiền đường có treo một quả chuông khá lớn khắc 4 chữ Hán “Linh Tiên Tự Chung”, đúc năm Thiệu Trị nguyên niên (1841). Ngoài tấm bia cổ nhất ghi niên hiệu Chính Hòa 8 (1687), trong chùa còn lưu giữ một tấm bia cũng mang niên hiệu Thiệu Trị thứ nhất (1841), một tấm bia niên hiệu Duy Tân và một tấm bia niên hiệu Khải Định 9 (1924).

vietnam-destinations.com | Khám phá Việt Nam

Nguồn: Sưu tầm internet.