Cách trung tâm thành phố Bắc Kạn hơn 50km đi theo Quốc lộ 3B, qua đèo Áng Toòng, du khách sẽ đến trung tâm thị trấn Yến Lạc (huyện Na Rì). Từ đây nhìn về phía Tây Bắc có dãy núi đồ sộ chạy theo hướng vòng cung Bắc Nam – tựa như một cô gái đang ngắm cảnh. Phía Bắc của dãy núi này có dãy núi Phja Mần, Phja Trạng và con suối Khuổi Hai (suối trăng). Cách bờ Khuổi Hai khoảng 150 mét có một hang đá, gọi là động Nàng Tiên.
Theo truyền thuyết, thủa xưa có 7 nàng tiên trên trời bay xuống tắm mát, vãn cảnh ở một con suối. Vui cảnh đẹp trần gian, mải tắm mát, vui chơi, trời tối lúc nào không hay. Các nàng tiên không kịp bay về trời. Lúc đó có một người trần thế đến suối này mò cua, bắt ốc, các nàng tiên nhìn thấy, sợ hãi nên chạy lên bìa rừng.
Từ trên thượng giới nhìn xuống, Ngọc Hoàng thương tình, đã tạo ra một cái động để các nàng tiên trú ngụ qua đêm. Sau này, con suối đó được gọi là Khuổi Hai (suối trăng) và động đó là Động Nàng Tiên.
Để chứng minh cho truyền thuyết về Động Nàng Tiên, trong dân gian còn lưu truyền một câu chuyện: Một ông tổ họ Lý nọ ở xã Lương Hạ vác búa lên rừng tìm cây làm bắp cày.
Lúc qua động, thấy các nàng tiên đang ngồi đánh cờ, phần vì ham mê cờ, phần vì sắc đẹp các nàng tên, ông đã nán lại, lấy cán búa làm ghế ngồi xem các cô tiên đánh cờ.
Vì mải xem quá mà quên cả thời gian, trời tối không tìm được đường về. Ở nhà, vợ con, họ hàng đi tìm nhiều nơi không thấy, tưởng ông bị hổ vồ nên đã làm ma đưa tang. Còn ông, xem hết ván cờ vác búa ra về thì cán búa đã bị mối xông. Đến nhà, thấy rất đông người ở trong nhà, ông mới biết gia đình đã làm ma cho ông đã được 3 năm, nay tổ chức mãn tang…
Trước đây, từ bờ Khuổi Hai hướng về phía Tây Bắc, đi qua một bãi bằng, trèo lên sườn núi khoảng 70 mét mới đến được cửa Động. Nhưng hiện nay, chính quyền địa phương đã đầu tư xây dựng, cải tạo nên đường lên Động Nàng Tiên đã dễ dàng hơn.
Trèo qua 132 bậc đá, du khách sẽ nhìn thấy một tảng đá khá to được cấu trúc hình vòm tròn trông như mai rùa, bên trên được bao phủ bởi cây cỏ rậm rạp, bên dưới có cửa ra vào, chính là lối để đi vào Động.
Chỉ cần đặt một chân vào trong cửa động, ánh sáng phía ngoài đối lập với bóng tối bên trong khiến chúng ta dường như lạc vào một thế giới khác. Ngay lập tức, mọi giác quan trên cơ thể đều có thể cảm nhận rất rõ sự thay đổi: Bầu không khí dịu mát, hơi nước mờ ảo, tiếng nước chảy róc rách… Từ đây, đường đi ăn sâu xuống lòng đất. Càng vào trong, không khí càng yên ắng, dịu mát. Con người như rời hẳn khỏi thế giới bên ngoài.
Lối đi vào động khá nhỏ hẹp, bao bọc bởi những thành đá nhấp nhô. Dọc lối đi, ta có thể nhìn và chạm vào những phiến đá mát lạnh. Ngước lên trên, là những nhũ đá đã hình thành từ hàng triệu năm trước, giống như những tháp đá ngược chảy từ trên cao xuống dưới. Có những nhũ đá lâu đời, đã chạm và ăn sâu xuống mặt đất, tạo thành những cột đá vững chãi.
Cuối lối vào, hiện ra trước mắt chính là khu vực trung tâm của Động với một khoảng rộng chừng 20 – 30m2, xung quanh và bên trên bao bọc bởi những bức thành đá hàng triệu năm tuổi, vững chãi và kiên cố. Len lỏi róc rách bên dưới là một mạch nước nhỏ, khiến người ta dễ liên tưởng đến những con mương dẫn nước vào thửa ruộng bậc thang của đồng bào miền núi. Từ đây, có thể ngắm nhìn gần như trọn vẹn khung cảnh trong Động, với những phiến đá đủ mọi hình dáng. Hai bên là hai lối đi, dẫn ta đi sâu hơn vào những ngõ ngách, những khung cảnh “huyền ảo”, gắn liền với sự tích dân gian.
Vì là Động Nàng Tiên – nơi những nàng tiên trú ngụ nên mỗi phiến đá, tảng đá nơi đầy đều gắn với những câu chuyện thần tiên. Ví như, “ao tiên” – là một khoảng nước rộng, trong vắt, được coi là nơi các nàng tiên tắm mát, vui đùa hàng ngày. Làn nước ở đây đặc biệt mát lạnh, thanh khiết. Lội qua “ao tiên”, sẽ đến những bậc thang trũng, tùy theo mùa mà nước trong các bậc thang nhiều hay ít, cũng giống như như những thửa ruộng bậc thang của người dân vùng núi cao.
Có lẽ chính bởi vậy nên nơi đó cũng được đặt tên là “ruộng tiên” – nơi các nàng tiên trồng trọt, cấy hái quanh năm.
Huyền ảo và lung linh nhất, chính là “buồng tiên”. Được bao phủ xung quanh bởi rất nhiều nhũ đá từ trên cao rớt xuống và chỉ có một lối vào, “buồng tiên” ở đây giống như những phòng ngủ của thần tiên trên thượng giới, đẹp và huyền ảo vô cùng. Hay những phiến nhũ đá cao, dài, nối thẳng từ trên đỉnh hang chạm xuống đất. Nhìn từ dưới lên trên, những phiến đá này trông giống như suối tóc óng ả của những nàng tiên xinh đẹp, kiêu sa, lộng lẫy…
Đứng bên trong động, ngắm nhìn cảnh vật xung quanh, mới thấy con người thật bé nhỏ giữa thiên nhiên.
Cũng nằm trên địa phận tỉnh Bắc Cạn, một địa chỉ du lịch sinh thái đặc biệt, độc đáo và hấp dẫn mà du khách không thể qua đó là động Puông, nằm trong khu vực Vườn quốc gia Ba Bể. Dòng sông Năng chảy xuyên qua dãy núi đá vôi Lung Nham đã hình thành nên động Puông. Là một hang thông hai đầu, động Puông có chiều dài 300 mét, cao hơn 30 mét. Động Puông với các vách đá đứng và nhiều nhũ đá có nhiều hình dạng, màu sắc khác nhau.
Bên trong động, những dải thạch nhủ hình thù kỳ lạ rủ xuống soi bóng lung linh trên dòng nước. Càng vào sâu bên trong, tuy lòng động khá tối nhưng vẫn đủ sức hấp dẫn du khách bởi trên vòm động có cả hàng vạn con dơi đang sinh sống hay trú chân. Thuyền bè có thể đi trên sông Năng xuyên qua động Puông.
Với vẻ đẹp huyền ảo, nguyên sơ cùng những trầm tích tạo thành qua thời gian, Động Nàng Tiên và Động Puông thực sự là một kiệt tác mà mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho mảnh đất nơi đây.
Nguồn: Sưu tầm internet.