Là nơi đặt huy đầu tiên của chiến dịch Điện Biên Phủ và được người dân bản địa gọi là hang “ông Giáp”, nhưng hang Thẩm Púa còn ít được nhiều người biết đến khi đến thăm địa danh “lừng lấy năm châu, chấn động địa cầu” này.
|
Hang Thẩm Púa |
Sau hơn 400km theo đường QL6 từ Hà Nội và vượt qua con đèo Pha Đin – một trong tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam – chúng tôi đặt chân tới Điện Biên, vùng đất một thời oanh liệt của cha ông với chiến thắng Điện Biên Phủ lừng danh. Theo lịch trình, cả nhóm cũng thăm thú các địa danh lừng lẫy Đồi A1, Hầm tướng Đờ-Cát, cánh đồng Mường Thanh…
Nhưng cứ thấy như đã bỏ quên điều gì đó.
Mày mò trên những dòng lịch sử về chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng tôi bắt gặp một chi tiết mà có lẽ ít ai để ý: “Thẩm Púa(tên gọi khác là Thẩm Báng) – nơi người dân đại phương đã phát hiện một số loại rìu, chày nghiền thức ăn bằng đá, một số mẩu xương động vật hóa thạch, cũng chính là nơi đặt sở chỉ huy đầu tiên của chiến dịch Điện Biên Phủ. Tại đây ngày 14-1-1954 đã diễn ra hội nghị quan trọng quyết định cho chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ”.
Tìm hiểu thêm mới biết Thẩm Púa là một hang nằm dưới chân núi đá vôi Pú Hồng Cáy, thuộc địa phận Bản Pó, xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo, Điện Biên. Để đi được vào đây, từ km15 Tuần Giáo, phải hỏi thăm nhiều lần và rất khó khăn mới tìm được đường để đi vào hang sau vài lần lạc đường.
Đường đi vô cùng nhỏ và hẹp, một bên là sườn dốc, nhiều đoạn đất sạt lở khá nguy hiểm nhưng cũng vô cùng đẹp với những quả đồi mướt màu xanh của nếp nương.
Những quả đồi mướt xanh nếp nương |
Cửa hang Thẩm Púa nhìn từ xa xa |
Núi rừng trùng điệp bên những thung lũng xanh màu lúa nhìn từ cửa hang Thẩm Púa |
Sau một hành trình dài vất vả, cuối cùng mọi người cũng đã thấy cửa hang. Hiện ra trước mắt mọi người là một vẻ đẹp hùng vĩ, tráng lệ nhưng còn đầy hoang sơ. Ở phía xa ngay trên đỉnh hang xuất hiện những vệt mây đâm thẳng lên trời thật khỏe khắn tựa như thể hiện tinh thần, ý chí bất khuất của con người nơi đây.
Băng qua nương ngô, gặp các thiếu nữ người dân tộc đang chăm chỉ làm rẫy chào khách bằng những nụ cười trìu mến. Các cô hỏi phải nhóm “đi hang “ông Giáp” không?”. Qua cuộc trò chuyện ngắn ngủi với các sơn nữ, chúng tôi mới biết người dân nơi đây vẫn gọi hang Thẩm Púa là hang “ông Giáp” – Đại tướng Võ Nguyên Giáp – người anh hùng dân tộc vừa mới ra đi về cõi vĩnh hằng ở tuổi 103.
Với họ, qua lời kể của những cụ già trong bản, Đại tướng là một con người vô cùng vĩ đại, và tên hang “ông Giáp” vì thế cũng được người dân nơi đây đặt như một cách để tỏ lòng kính trọng, biết ơn sâu sắc đối với người anh hùng của dân tộc.
Người dân Bản Pó cho biết thi thoảng mới có người vào hang, đoàn gần đây nhất là vào dịp sau tết, còn chủ yếu là người dân địa phương vào để bẫy chim.
Tiếp tục men theo các bậc đá được xây dựng từ thời chiến, mọi người khá vất vả mới leo được vào hang do đường đi đã bị cây cối che khuất. Nhưng không phụ lòng mong đợi của khách phương xa, ngay từ cửa hang đã bắt gặp những bông hoa rừng đẹp rạng rỡ chào đón.
Từ cửa hang phóng tầm mắt nhìn ra xung quanh là những mảng màu thân quen của vùng núi phía Bắc. Núi rừng hùng vĩ trùng trùng điệp điệp trải dài ngút mắt, phía dưới là những thung lũng xanh mát màu lúa mới, nắng vàng ươm trên những cánh đồng…
Những mảng rêu phong phủ đầy trên vách đá |
Khung cảnh bên ngoài nhìn qua cửa hang |
Hang đá có vẻ đẹp tự nhiên và còn khá nguyên vẹn, lòng hang rộng, nhiều nơi cao gần 10m. Càng vào sâu bên trong càng gặp nhiều phiến đá to, phẳng như mặt bàn phủ đầy rêu phong.
Tiếp tục đi, hiện lên trước mắt mọi người là những vách đá, trần đá, măng đá, nhũ đá có hình thù những con rắn, rồng phượng tuyệt đẹp…
Vào sâu hơn, bên cạnh lòng hang, còn có một bàn thờ không rõ thờ ai có vẻ không được trông nom từ lâu. Ánh sáng lúc này cũng đã mờ dần và bắt đầu khó nhìn thấy cảnh vật xung quanh.
Do không chuẩn bị kỹ càng từ trước vì thiếu thông tin nên sau khi đi cố thêm một chút vào trong, chúng tôi không dám mạo hiểm đi tiếp và đành kết thúc hành trình khám phá hang trong sự tiếc nuối. Nhưng đường về như càng gần hơn với niềm vui trào dâng khi được khám phá một di tích đặc biệt nơi mảnh đất Điện Biên hào hùng.
Thẩm Púa, hi vọng một ngày nào đó địa danh này sẽ không còn bị lãng quên…
Một phiến đã có hình miệng rắn trong hang |
Một giếng nước sâu trong lòng hang |
Nguồn: Sưu tầm internet.