Nằm ngay gần trung tâm Hà Nội, Đông Ngạc là một trong những làng cổ nhất của Hà Nội. Quần thể các công trình kiến trúc có niên đại hàng trăm năm vẫn còn hiện diện cho đến ngày nay. Một phần trong số đó đang ngày càng xuống cấp và có nguy cơ biến mất
Làng Đông Ngạc nay là phường Đông Ngạc thuộc quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội. Nơi đây được biết đến với truyền thống hiếu học, đỗ đạt và một số nghề thủ công truyền thống như chuyên sản xuất nem (“giò Chèm, nem Vẽ”), làm quang gánh, nặn nồi đất…
Khu vực làng cổ hiện còn lại khoảng 120 ha gồm 5 xóm với hơn trăm nóc nhà có thâm niên vượt cả trăm năm. Nhiều ngôi nhà có lối kiến trúc hoài cổ, được xây dựng kỳ công và khéo léo.
Một ngôi nhà có phong cách kiến trúc pha trộn hơi hướng châu Âu với vẻ ngoài cũ kỹ theo thời gian có vẻ đẹp hoài cổ. Đi sâu vào chi tiết, nội thất bên trong nhiều hạng mục đã rệu rã, tường lở, trần bong, các cánh cửa gỗ hỏng dần…
Trên phần mái ngôi nhà còn ghi rõ năm hoàn thành 1927.
Pha trộn với lối văn hóa cổ xưa, kiến trúc các công trình xây dựng tại làng Đông Ngạc còn mang hơi hướng châu Âu rõ rệt. Nét đẹp hiện đại và chút cổ điển đan xen đã tạo thành kiểu kiến trúc luôn khiến người ta hoài niệm về một thời xa xưa.
Nhà thờ dòng họ Phan chi Cơ nằm trong khuôn viên rộng hàng trăm mét vuông có niên đại 420 năm, người dân cho biết nhà thờ này được xây dựng trước cả đình làng.
Ngôi nhà số 12 ngõ 35 được xây dựng năm 1926, căn nhà 2 tầng bề thế gồm 6 phòng, trong đó tầng một lát đá hoa, tầng hai lát sàn gỗ.
Cách bố trí không gian bên trong khác nhiều với phong cách xây dựng thời nay, ngôi nhà dù cũ kỹ vẫn cho cảm nhận về sự giàu có của người chủ.
Phần mái của ngôi nhà hiện hư hỏng khá nặng, sàn gỗ tầng hai và cầu thang gỗ rất ọp ẹp, đang ngày càng xuống cấp
Xưa làng Đông Ngạc có câu ngạn ngữ “Đất Kẻ Giàn, quan Kẻ Vẽ” để bày tỏ niềm tự hào có nhiều người thành đạt trong khoa bảng. Trong các dòng tộc ở đây, họ nào cũng có người đỗ đại khoa, ít nhất là một người. Nhiều họ như họ Phạm có 16 người. Gia đình Hoàng giáp Hoàng Tế Mỹ từ khi định cư ở Đông Ngạc có 3 đời nối tiếp nhau đỗ Tiến sĩ và 1 Phó bảng…
Trong ảnh là Trường Tiểu học Đông Ngạc B, một công trình kiến trúc tiêu biểu của phong cách pha trộn Âu – Á còn khá nguyên bản.
Những gian nhà nhỏ, sơn màu vàng. Mái nhà ở ngôi trường này vẫn có hình rồng bay lên, đài hoa sen…
Làng Kẻ Vẽ (một cách gọi khác của làng Đông Ngạc) ngày nay thật sự là một “làng” trong phố hiếm hoi. Sự hiện đại và xưa cũ đan xen lẫn nhau, nhiều ngôi nhà xây theo kiểu biệt thự to đẹp nhưng vẫn giữ lại gian nhà cổ thấp lùn bên cạnh.
Một ngôi nhà cổ gần như bỏ hoang ở làng Đông Ngạc.
Người dân nơi đây vẫn giữ nếp sống mộc mạc, bạn có thể đi thăm bất cứ ngôi nhà nào và nhờ người dân giới thiệu tỉ mỉ về từng vật dụng cổ trong nhà.
Đình cổ Đông Ngạc là một địa điểm du lịch tại Quận Bắc Từ Liêm (Thành phố Hà Nội thuộc vùng Đồng Bằng Sông Hồng). Cách trung tâm Thành phố Hà Nội khoảng 12 km.
Du lịch Đình cổ Đông Ngạc
Đông Ngạc là một trong những làng cổ nhất Hà Nội. Làng còn được gọi là làng tiến sĩ do có nhiều người đỗ đạt cao. Đình làng Đông Ngạc đã tồn tại hơn 500 năm và đến nay vẫn lưu giữ bộ tranh sơn màu thời Lê hiếm có và độc đáo. Đình làng Đông Ngạc thờ ba vị phúc thần là: Thần Độc Cước (cũng là vị thần được thờ ở đền Độc Cước, Sầm Sơn, Thanh Hoá). Lê Khôi, cháu gọi Lê Thái Tổ là chú ruột, có công phò vua Lê trong cuộc chiến chống quân Minh (1418 – 1427) và Thổ thần “bảo vệ chương hoà đôn ngưng thổ đại hiển trưng chi thần”. Đình làng được xây dựng dựa trên thế rồng, cổng Tam quan ngoại chính là đầu rồng, hai giếng nước tròn chính là mắt rồng, và những mái đình sau đó là thân rồng. Xét về phong thủy, bên tả có một hồ nước, bên hữu có hòn non bộ.
Nguồn: Sưu tầm internet.