Làng Ngọ xưa là Phường Ngọ, một làng nghề khảm trai truyền thống lâu đời. Theo truyền thuyết và thần phả đình làng Chuôn Ngọ thì nghề khảm trai có ở Chuyên Mỹ từ rất sớm, khoảng thế kỷ XI – XIII.

Mỗi sản phẩm của khảm trai Chuôn Ngọ được người dùng đánh giá là vật trang trí

làm tăng giá trị thẩm mỹ cho ngôi nhà. (Ảnh: Quốc Nam).

Nghề khảm trai là một nghề cần nhiều công sức, lắm công phu. Để có được một sản phẩm khảm trai tinh xảo, sống động, người nghệ nhân phải trải qua rất nhiều công đoạn khác nhau: từ vẽ mẫu, cắt theo họa tiết mẫu, dán miếng cắt đó vào gỗ và đục theo các họa tiết, đến dán miếng trai, dùng đá mài mài phẳng và dùng dao bằng thép tách tỉa ra các họa tiết nhỏ, dùng giấy ráp đánh cho nổi họa tiết lên. Cuối cùng toàn bộ sản phẩm sẽ được đánh vécni cho bóng lên để các họa tiết nổi lên sống động như một bức tranh.

 Nét nổi bật của sản phẩm khảm trai Chuôn Ngọ là những mảnh trai không vỡ, luôn phẳng, đục gắn xuống gỗ rất khít. Việc lựa chọn vỏ trai, vỏ ốc, hay vỏ hến cho phù hợp với sản phẩm sắp làm ra cũng là một khâu rất quan trọng. Vỏ trai có nhiều loại: trai cánh mảnh nhỏ, sẫm màu; trai thịt trắng, vỏ mình dầy; trai Nông Cống (Thanh Hóa) có nhiều vân. Ốc biển phải là ốc xà cừ, có nhiều ở vùng biển Quy Nhơn, Quảng Nam Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết… Ngoài ra, còn có một thứ vỏ trai đặc biệt gọi là Cửu Khổng (vì có 9 lỗ vỏ ở phía mép vỏ), có vân màu sắc phong phú hơn mầu cầu vồng. Muốn làm hàng mặt nổi như: núi non, cánh phượng, cánh công, phải tìm bằng được Cửu Khổng.

Một trong những sản phẩm tinh xảo từ làng nghề là hộp trầu rượu

với kỹ thuật cẩn ốc xen lọng kiểu Huế xưa. (Ảnh: Lam Phong).

Làng khảm trai Chuôn Ngọ, thuộc xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội.Trước đây, người nghệ nhân Chuôn Ngọ thường khảm tranh theo các tích truyện Tam Quốc và các truyện cổ khác như: “Tam cố Thảo Lư”, “Văn chương cầu hiền”, hay theo mẫu ước lệ như: mai, thông, cúc, trúc, chim hoa, “tứ dân” cảnh – 4 người dân thời cổ. Ngày nay, đề tài khảm tranh đa dạng, phong phú hơn rất nhiều như các di tích, danh lam thắng cảnh nổi tiếng của đất nước: Chùa Một Cột, Hạ Long, Huế, Sài Gòn.

 Đã có lúc, nghề khảm trai Chuôn Ngọ tưởng chừng như mai một bởi những thăng trầm của thời gian và biến cố của lịch sử, nhưng sức sống của một làng nghề truyền thống vẫn mãi bền vững với thời gian, để hôm nay người Hà Nội vẫn tự hào có một làng nghề tinh xảo, với những sản phẩm độc đáo mà hiếm nơi nào có được. Hơn 70% số hộ trong làng có lao động làm nghề khảm trai và tham gia các hoạt động dịch vụ cho sự phát triển nghề khảm. Sản phẩm khảm trai Chuôn Ngọ đã vượt khỏi ranh giới quốc gia, vươn tầm ra châu lục và thế giới, đến với các thị trường khó tính như Anh, Hà Lan, Mỹ, Nhật…  Tên tuổi của những nghệ nhân nổi tiếng như nghệ nhân Nguyễn Phú Vinh, nghệ nhân Nguyễn Đức Biết, nghệ nhân Trần Bá Dinh… được cả nước biết đến.

 Sản phẩm khảm trai của Chuôn Ngọ hơn hẳn các sản phẩm khảm trai các nơi khác, kể cả Đồng Kỵ nhờ đường nét tinh xảo, có hồn. Chính vì thế, một sản phẩm khảm trai Chuôn Ngọ có giá rất cao nhưng sản phẩm làm ra rất đẹp. Gần đây, Chuôn Ngọ không chỉ dùng những loại vỏ trai truyền thống để làm các sản phẩm bình dân mà còn nhập nhiều nguyên liệu từ Hồng Kông, Singapore, Indonesia…. để làm nên các sản phẩm cao cấp. Sản phẩm của Chuôn Ngọ xuất hiện khắp mọi nơi và ngày càng được nhiều khách hàng trong nước và quốc tế ưa chuộng. Những bức khảm trai tinh xảo không chỉ thể hiện được tính độc đáo, trí tuệ của những người nghệ nhân, mà còn phản ánh tính thời đại và tính hữu dụng cũng như tính thẩm mỹ của nó.

 Tết cổ truyền dân tộc, cũng là thời điểm nhà nhà, người người nô nức trang hoàng lại nhà cửa với mong muốn đón nhận bình an, may mắn. Và những sản phẩm khảm trai Chuôn Ngọ cũng là một trong những lựa chọn ưng ý từ nhiều người, nhiều gia đình bởi những nét tinh xảo, hoa văn tinh tế, tính mỹ thuật cao. Người dân làng nghề Khảm Trai chuôn ngọ những ngày này dường như hối hả, tất bật với những nhu cầu độc đáo từ khách hàng. Nói như Nghệ Nhân Vũ Đức Thắng thì “Tết mà người dân vẫn còn nhớ và có nhu cầu tìm kiếm sản phẩm khảm trai Chuôn Ngọ là chúng tôi vui lắm. Có như vậy, làng nghề mới tiếp tục có cơ hội để duy trì và phát triển trong thời gian tới”!