Mang một nét trầm mặc của thời gian, nhà thờ lớn Hà Nội như một nét chấm phá đặc biệt cho kiến trúc và cảnh quan khu vực Phố Cổ Hà Nội trở nên đặc biệt hơn rất nhiều. Nếu có một lần đến với thành phố này, nhất định không thể bỏ qua nơi đây.
1. Giới thiệu về Nhà thờ lớn Hà Nội
Nhà thờ lớn Hà Nội tọa lạc nơi điểm giao nhau của 3 con phố lớn là phố Nhà Chung, Lý Quốc Sư và phố Nhà Thờ (địa chỉ số 40 Nhà Chung, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Nơi đây đã trở thành một địa điểm du lịch Hà Nội hấp dẫn không chỉ đối với những bạn trẻ Hà thành mà còn khách du lịch mọi nơi đến với thành phố này.
Giờ mở cửa của nhà thờ lớn Hà Nội: Vào các ngày thường (từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần), nhà thờ lớn Hà Nội mở cửa từ khung giờ sáng từ 8h đến 11h, chiều từ 14h đến 20h. Vào ngày chủ nhật, nhà thờ lớn Hà Nội mở cửa đón tiếp du khách tham quan vào lúc sáng từ 7h đến 11h30, chiều từ 15h đến 21h.
Giờ làm lễ ở nhà thờ lớn Hà Nội: Vào các ngày thường (từ thứ 2 đến thứ 6), nhà thờ lớn Hà Nội mở cửa giờ làm lễ vào lúc 5h30 và 18h15 (18h vào thứ 7). Riêng với ngày chủ nhật, nhà thờ lớn Hà Nội mở nhiều khung giờ làm lễ hơn để nhiều người có thể đến đây: 05h00, 07h00, 09h00, 11h00, 16h00 (lễ thiếu nhi), 18h00, 20h00 (lễ giới trẻ).
2. Di chuyển đến Nhà thờ lớn Hà Nội
Để tìm kiếm địa điểm Nhà thờ lớn Hà Nội trên bản đồ không quá khó nên việc lựa chọn và tìm kiếm phương tiện di chuyển đến đây không quá khó khăn. Bạn có thể đi bằng phương tiện cá nhân hoặc lựa chọn book grab, taxi…Vì đây là khu vực nằm trong Phố Cổ và gần nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng nên có thể giá dịch vụ đi lại sẽ cao hơn nhưng thuận tiện và dễ dàng đặt xe hơn rất nhiều.
Ngoài ra, một phương tiện di chuyển đến Nhà thờ lớn Hà Nội bạn cũng có thể lựa chọn để trải nghiệm thêm một điều mới mẻ là di chuyển bằng xe bus. Tuy nhiên, không có tuyến bus nào trực tiếp di chuyển đến Nhà thờ lớn Hà Nội nên bạn sẽ phải đến một vài địa điểm gần đó rồi đi bộ vào nhà thờ lớn Hà Nội. Cụ thể:
-
Đi bus đến Hồ Hoàn Kiếm: Bạn có thể lên các tuyến bus 09, 14, 36 để đến bờ hờ, sau đó, đi thẳng đường Hàng Trống, rẽ trái vào đường Nhà Thờ là đến nhà thờ lớn Hà Nội.
-
Đi bus đến phố Triệu Quốc Đạt: Bạn có thể lên tuyến bus 01 đến phố Triệu Quốc Đạt, sau đó đi thẳng đến đường Phủ Doãn, rồi rẽ phải vào đường Ấu Triệu là đến nhà thờ lớn Hà Nội.
-
Đi bus đến Tràng Thi: Bạn có thể bắt tuyến bus 02 đến Tràng Thi (xuống tại điểm số 6 Tràng Thi, đi thẳng 1 đoạn rồi rẽ phải vào Phủ Doãn, đi tiếp Phủ Doãn rồi rẽ phải vào Ấu Triệu là đến nhà thờ lớn Hà Nội.
3. Lịch sử của Nhà thờ lớn Hà Nội
Nhà thờ lớn Hà Nội là nhà thờ chính tòa của Tổng giáo phận Hà Nội nằm ngay giữa trung tâm thành phố. Đây cũng là nhà thờ có ngai tòa của tổng giám mục, nơi đây thường xuyên diễn ra các hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng của các giáo dân thuộc tổng giáo phận Hà Nội.
Từ trước đến nay, nhà thờ lớn thu hút người dân là các giáo dân và du khách thập phương đến đây không chỉ bởi ý nghĩa tín ngưỡng, tôn giáo mà còn nhiều nét đặc biệt trong kiến trúc và lịch sử của nó.
Được xây dựng vào thời Pháp thuộc, nhà thờ lớn là một trong những công trình tiêu biểu cho kiến trúc thuộc địa còn được lưu giữ cho đến bây giờ ở thủ đô, công trình nhà thờ lớn có nhiều chi tiết được mô phỏng theo kiến trúc của nhà thờ Đức Bà Paris.
Theo nhiều tài liệu ghi chép lại rằng, chính quyền Pháp đã phá dỡ chùa cổ Báo Thiên có tuổi thọ hơn 800 năm tuổi để xây dựng nhà thờ lớn trên chính khu đất cũ của ngôi chùa cổ. Tương truyền kể rằng, Báo Thiên Tự là một ngôi Quốc tự nổi tiếng của kinh đô Đại Việt trong suốt các triều đại từ Lý – Trần – Lê – Nguyễn. Vào cuối thế kỷ 18, ngôi Quốc tự bị phá hủy và nền chùa được trwor thành khu đất họp chợ của người dân Đại Việt lúc bấy giờ. Sau đó một thời gian, chính quyền chuyển giao khu đất đó cho Giáo hội Công giáo để xây dựng thành Nhà thờ lớn như hiện nay.
Tuy được xây dựng trên nền đất của ngôi chùa cũ nhưng kiến trúc của 2 công trình này hoàn toàn khác biệt nhau.
Khi mới bắt đầu hoàn thiện, nhà thờ lớn được xây dựng tạm bằng gỗ để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của các giáo dân, đến năm 1884, nhà thờ bắt đầu được hoàn thiện chỉn chu bằng đất nung. Quá trình xây dựng nhà thờ lớn Hà Nội gặp tương đối nhiều khó khăn nhưng công trình vẫn được hoàn thiện đúng dịp lễ Giáng sinh vào năm 1888.
Mặc dù cái tên “khai sinh” của nhà thờ là Nhà thờ Chính tòa Thánh Giuse nhưng người dân Hà Nội quen gọi với cái tên thân thương hơn là Nhà thờ lớn Hà Nội. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, chứng kiến nhiều biến cố của thời gian, công trình nhà thờ lớn đã lặng lẽ chứng kiến sự “thay da đổi thịt” của thu đô suốt 3 thế kỷ qua. Mặc dù giữa đất thủ đô hoa lệ, nhiều công trình kiến trúc độc đáo mọc lên nhưng nhà thờ lớn vẫn là một điểm nhấn đặc biệt, một nốt trầm xao xuyến trong bản hòa ca kiến trúc của cả thành phố Hà Nội, khiến nơi đây trở thành một địa điểm hấp dẫn không thể bỏ qua.
- Xem thêm: Hoàng Thành Thăng Long
4. Nét kiến trúc độc đáo của Nhà thờ lớn Hà Nội
Nhà thờ lớn Hà Nội mang phong cách cách tân Gothic của thế kỷ 19 với các tháp và trục đối xứng điển hình ở Châu Âu. Công trình kiến trúc đặc biệt này có chiều dài 64,5m với tháp chuông cao đến 31.5 m. Lúc bấy giờ, đây là một công trình kiến trúc độc đáo và hoành tráng nhất nhì khu phố cổ Hà Nội nói riêng và thủ đô Hà Nội nói chung. Từ hồ Gươm đi theo hướng Tây, du khách có thể dễ dàng nhận ra nhà thờ lớn Hà Nội từ xa bởi gam màu trầm trầm của thời gian đã in lên màu những mảng tường xám đen nham nhở, nổi bật giữa nền trời trong xanh của Hà Nội.
Người ta vẫn không hiểu rằng tại sao khu Phố cổ vẫn luôn nhộn nhịp và tấp nập nhưng xung quanh công trình nhà thờ lớn Hà Nội lại tĩnh lặng và yên bình đến thế, cảm giác như một mình nhà thờ lớn Hà Nội nằm tách biệt với toàn bộ những gì đang sôi động và cuồng nhiệt ở thành phố này. Đấy cũng chính là lý do rất nhiều khách du lịch yêu thích địa điểm này.
Khách du lịch chỉ có thể vào tham quan nhà thờ lớn Hà Nội qua cổng bên. Nhìn từ bên ngoài, nhà thờ lớn Hà Nội có vẻ mang nét cổ kính, nét trầm mặc nhuốm màu thời gian bởi những lớp vôi vữa đã chuyển màu, mái ngói đã phủ đầy các lớp rêu phong. Ấy thế mà, khi bước vào bên trong, sự lộng lẫy và hoành tráng của công trình nhà thờ lớn Hà Nội khiến không ít du khách phải thốt lên đầy bất ngờ.
Bên trong nhà thờ, những hàng cửa kính màu và nhiều bức tranh treo tường với chủ đề tôn giáo càng nhấn mạnh và làm nổi bật phong cách kiến trúc Châu Âu. Bên cạnh đó, nhiều chi tiết trang trí mang phong cách truyền thống của Việt Nam được decor dọc lối đi, trên tường, trên bệ thờ…tạo nên những nét điểm xuyết ấn tượng cho toàn bộ không gian. Bên cạnh đó, một điểm thu hút nhiều du khách nữa ở bên trong nhà thờ chính là Cung thánh. Cung thánh được trang trí theo lối truyền thống dân gian, tuy đơn giản nhưng ấn tượng và bắt mắt, giữa Cung thánh là tượng Thánh Giuse bế Chúa Giêsu, 2 bên Cung thánh có bàn thờ Đức mẹ và nhiều bức tượng thánh khác.
- Xem thêm: Phố đi bộ Hà Nội
Phía bên dưới Thánh đường là những băng ghế đỏ kéo dài, có bàn quỳ để giáo dân làm lễ trong thánh đường. Nhà thờ lớn Hà Nội có sức chứa lên đến hàng nghìn người. Vào các dịp lễ lớn như Giáng sinh, nhà thờ lớn Hà Nội là nơi thu hút đông đảo du khách khắp nơi và các giáo dân về đây tham quan và hành lễ.
Sau nhiều năm tạm ngưng, các buổi thánh lễ tại nhà thờ lớn Hà Nội được bắt đầu tổ chức lại từ năm 1990 đã thu hút đông đảo giáo dân đến tham gia. Kể từ đó, các buổi lễ thánh ở nhà thờ lớn Hà Nội luôn thu hút đông đảo người dân trong tất cả các ngày trong tuần.
5. Top 5 hoạt động không thể bỏ qua khi đến Nhà thờ lớn Hà Nội
5.1. Tham quan buổi làm lễ tổ chức trong Nhà thờ lớn
Tham quan các buổi làm lễ được tổ chức trong nhà thờ lớn Hà Nội là một trải nghiệm thú vị mà bạn nên thử đầu tiên khi đến tham quan địa điểm này. Đây chính là nơi thể hiện rõ nhất các quan niệm về tín ngưỡng, tôn giáo của các Giáo dân thông qua các buổi thánh lễ tại nhà thờ như lễ cưới, lễ rửa tội,…Nếu bạn là người ngoại đạo và mong muốn tìm hiểu thêm những nét độc đáo về các nghi thức trong một buổi lễ của người dân Công Giáo thì đây chính là một trải nghiệm khó quên trong đời.
Bạn lưu ý rằng, nhà thờ lớn Hà Nội mở cửa tham quan miễn phí cho khách du lịch, giờ mở cửa và đóng cửa của nhà thờ có thể thay đổi theo ngày (nhà thờ thường đóng cửa vào giờ nghỉ trưa). Khi tới tham quan nhà thờ trong các buổi làm nghi lễ, bạn chú ý trang phục lịch sự, kín đáo, gọn gàng, không nói to, hét lớn và tuyệt đối không nên nói những lời phân biệt sự khác biệt tôn giáo, xúc phạm hoặc làm ảnh hưởng đến các vị thánh và những Giáo dân khác.
5.2. Đón lễ Giáng sinh tại Nhà thờ lớn Hà Nội
Dịp lễ Giáng sinh chính là lúc mà nhà thờ lớn Hà Nội “khoác” lên mình tấm áo choàng lung linh và đẹp nhất. Dù bạn là người Công giáo hay người ngoại đạo thì mỗi dịp lễ Giáng sinh đến, chúng ta luôn cầu mong mọi điều bình an, hạnh phúc và phước lành sẽ đến với tất cả những người thân yêu xung quanh mình. Khi đến nhà thờ lớn Hà Nội vào dịp lễ Giáng sinh, bạn sẽ được tận hưởng không khí ấm áp, hạnh phúc với câu thông Noel lấp lánh ánh đèn, lung linh với những hang đá dựng lại câu chuyện huyền thoại về chúa Giê – su…
5.3. Check in “sống ảo” tại Nhà thờ lớn Hà Nội
Thử dạo quanh một vòng facebook, instagram, zalo, và các trang mạng xã hội khác…sẽ không thiếu những bức ảnh “sống ảo” cực chất của giới trẻ tại nhà thờ lớn Hà Nội. Dù là những ngày nắng đẹp, mùa thu lá vàng hay mùa đông với những cơn gió lạnh tái tê thì khung cảnh ở nhà thờ lớn Hà Nội sẵn sàng cho bạn những bức ảnh “chất như nước cất” bởi background cực đẹp như đứng giữa trời Âu.
Bất kể một vị khách du lịch nào khi đến Hà Nội dường như cũng không thể bỏ qua địa điểm check in này, với những gì mà nhà thờ lớn Hà Nội đang đó, chắc chắn sẽ cho bạn những bức ảnh vô cùng đẹp và chất ngầu trong chuyến du lịch của mình. Đừng bỏ qua trải nghiệm tuyệt vời này khi đến nhà thờ lớn Hà Nội nhé!.
5.4. Thưởng thức “đặc sản” trà chanh Nhà thờ lớn
Không biết từ khi nào trà chanh lại trở thành thức uống đặc sản của nhà thờ lớn Hà Nội. Cứ vào dịp cuối tuần hoặc tầm xế chiều đến đêm, các bạn trẻ Hà thành lại rủ nhau “trà chanh nhà thờ lớn thôi nào”.
Trà chanh ở nhà thờ lớn cũng không có gì quá khác với trà chanh những nơi khác, chỉ có điều, thử cảm giác nhấm nháp một chút vị trà chua chua, thanh thanh, mát lạnh, cắn hướng dương rồi ngồi “tám” đủ thứ chuyện trên trời dưới đất với lũ bạn thân, sau lưng là nhà thờ lớn trầm ngâm như đang lắng nghe mọi câu chuyện, thế là một buổi tối cuối tuần nhẹ nhàng trôi qua.
Ngoài trà chanh, ở đây còn có nhiều món ăn vặt khác hấp dẫn giới trẻ như xoài dầm, bún dọc mùng, nem chua, nem rán…Những món ăn vặt tuy không mới nhưng mang đậm chất “ẩm thực vỉa hè” Hà Nội, với chỉ tốn vài chục nghìn, bạn có thể thỏa sức thưởng thức những món ăn vặt ngon đúng điệu Hà Nội tại đây.
Không gian thưởng thức ẩm thực ở nhà thờ lớn Hà Nội là những “nhà hàng” không gian mở vô cùng thoáng mát, một vài chiếc ghế nhựa thấp, kê thêm một chiếc ghế nữa làm bàn, cứ thế, giới trẻ Hà thành và những vị khách “lỡ” một lần đến đây đã không thể kiềm được lòng mình với những gì mà nhà thờ lớn Hà Nội mang đến.
- Xem thêm: Địa điểm ăn uống ngon ở Phố Cổ
5.5. Khám phá phố đi bộ Hồ Gươm cuối tuần
Nhà thờ lớn nằm sát ngay bên địa điểm du lịch được xem là biểu tượng và mang hồn cốt của du lịch Hà Nội, đó chính là Hồ Gươm. Vào những ngày cuối tuần, ở đây mở tuyến phố đi bộ phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân Hà Nội và du khách nước ngoài. Một lịch trình tham quan hoàn hảo dành cho bạn là bạn có thể đến Nhà thờ lớn vào buổi chiều, sau đó vào buổi tối, bạn có thể đến phố đi bộ để tham gia và hòa mình vào nhịp sống sôi động, vui vẻ và năng động của tuyến phố này về đêm. Tại đây thường xuyên tổ chức các sự kiện âm nhạc, show biểu diễn, hoạt động tình nguyện….
Đặc biệt, nếu bạn mong muốn cải thiện khả năng Tiếng Anh của mình thì đây là một địa điểm vô cùng phù hợp, Phố đi bộ là nơi tập trung nhiều người nước ngoài đến đây du lịch, tham quan, nghỉ dưỡng…nên việc bắt chuyện làm quen để trau dồi kỹ năng sử dụng ngoại ngữ của mình với một vị khách du lịch nước ngoài tại đây là điều rất dễ dàng.
Đấy, nhà thờ lớn còn rất nhiều điều thú vị chờ bạn khám phá. Chúng tôi đã đưa bạn đi 1 vòng địa điểm thú vị này rồi, còn chần chừ gì nữa, đến check in luôn và ngay thôi.
Nguồn: Sưu tầm internet.